Giá xăng tiếp tục giảm
Giá xăng giảm tối thiểu 301 đồng một lít theo yêu cầu của Bộ Tài chính phát đi chiều 26/4. Sau khi điều chỉnh, mức cao nhất của giá xăng RON 92 là 23.339 đồng mỗi lít. Một số doanh nghiệp giảm còn 23.330 đồng.
Theo thông cáo phát đi chiều nay, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp giảm giá xăng tối thiểu 301 đồng xuống mức cao nhất còn 23.339 đồng một lít; dầu diezen tối thiểu 90 đồng xuống 21.260 đồng; dầu hỏa tối thiểu 81 đồng còn 21.319 đồng. Riêng mặt hàng dầu mazút, do mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở không lớn nên yêu cầu giữ ổn định.
Thời điểm điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự quyết định vào thời điểm thích hợp nhưng không được muộn hơn 16h30 ngày 26/4.
Xăng giảm giá lần thứ ba liên tiếp. Ảnh: Công Tâm. |
Đây là lần giảm giá thứ ba liên tiếp của giá xăng dầu kể từ đầu tháng 4. Tổng cộng 3 lần, giá xăng đã giảm hơn 1.200 đồng một lít. Trước đó, hồi cuối tháng 3, giá mặt hàng này đã tăng 1.400 đồng một lít xăng, đẩy giá xăng lên kỷ lục 24.550 đồng một lít.
Bộ Tài chính lý giải giá bán lẻ trong nước tiếp tục giảm nhờ thế giới đi xuống. Bình quân 30 ngày tính đến ngày 26/4, giá xăng RON 92 là 111,29 USD một thùng; dầu diezen 0,05S: 117,12 USD; dầu hỏa: 116,55 USD, dầu mazút 180 cst: 616,60 USD.
Đợt giảm giá xăng gần nhất diễn ra hôm 18/4, cũng là ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 10/3 âm lịch. Hôm nay là ngày làm việc cuối của hầu hết công sở trước kỳ nghỉ lễ dài 30/4 và 1/5.
Đại diện PVOil cho biết, đơn vị này giảm 310 đồng một lít đối với giá xăng xuống còn 23.330 đồng, dầu diesel và dầu hỏa giảm 100 đồng còn lần lượt 21.205 và 21.300 đồng một lít.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố mức giá giảm 310 đồng đối với giá xăng ở vùng 1 và vùng 2 là 320 đồng. Dưới đây là bảng giá mới của Petrolimex:
đồng/lít (kg)
Sản phẩm | Vùng 1 | Vùng 2 |
Xăng RON95 | 23.830 | 24.300 |
Xăng RON92 | 23.330 | 23.790 |
DO 0,05S | 21.250 | 21.670 |
DO 0,25S | 21.200 | 21.620 |
Dầu hỏa | 21.300 | 21.720 |
Cùng với yêu cầu giảm giá xăng, Bộ Tài chính thông báo thuế nhập khẩu các mặt hàng nhiên liệu sẽ tăng thêm 2%, lần lượt đưa thuế xăng lên 16%, dầu diezen lên 12%, dầu hỏa 14% và mazút lên 14%.
Kỳ Duyên
Chênh lệch giá vàng, ngân sách Nhà nước hưởng
Ngân hàng Nhà nước bước đầu đã đạt mục tiêu đề ra khi tham gia thị trường vàng, dù giá trong nước chưa thể sát với thế giới, theo trả lời của Phó thống đốc Lê Minh Hưng tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 26/4.
> Phó thống đốc trả lời độc giả VnExpress về thị trường vàng
Sau 12 phiên đấu thầu liên tiếp từ cuối tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 340.700 lượng vàng, tương đương hơn 13,1 tấn. Trong thời gian này, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới liên tục nới rộng, từ trên dưới 3 triệu đồng lên hơn 6 triệu đồng mỗi lượng, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về mục tiêu của các phiên đấu thầu.
Đây là lý do Ngân hàng Nhà nước phải cử lãnh đạo cao cấp tới trao đổi với báo chí tại buổi họp chiều nay. Ông Lê Minh Hưng là Phó thống đốc phụ trách mảng ngoại hối và vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Phó thống đốc Lê Minh Hưng tại buổi họp báo chiều 26/4. Ảnh: Nguyễn Hưng |
- Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận thế nào về việc chênh lệch giá trong nước và thế giới vẫn tiếp tục giãn rộng sau 12 phiên đấu thầu vừa qua?
- Có nhiều nguyên nhân khách quan khiến chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao thời gian qua. Việt Nam không sản xuất được vàng, muốn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước phải xuất ngoại tệ để nhập khẩu. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Hai năm qua, vì lý do này, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng. Trong khi đó, nhu cầu trong nước vẫn lớn, bao gồm cả nhu cầu của dân cư và một phần đến từ các tổ chức tín dụng. Cầu lớn hơn cung là lý do khiến giá trong nước cao hơn thế giới.
Diễn biến quốc tế thời gian qua cũng là một nhân tố tác động khiến khoảng chênh lệch này rộng hơn. Giá vàng thế giới có thời điểm giảm với biên độ mạnh nhất 30 năm qua, nhưng trong nước không điều chỉnh kịp.
Cần phải nhìn nhận kể từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai Nghị định 24, chênh lệch giá lớn, nhưng điều này không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, không có những cơn sốt trên thị trường, không có hiện tượng đầu cơ và tỷ giá vẫn ổn định.
- Chênh lệch giá chưa thu hẹp, vậy đấu thầu vàng đã đạt mục tiêu đề ra chưa, thưa ông?
- Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng trước hết là nhằm tăng cung, qua đó giảm bớt áp lực về cầu, tránh những xáo trộn khó lường trên thị trường, ngăn tác động tiêu cực tới tỷ giá, kinh tế vĩ mô. Nhìn một cách tổng thể, các mục tiêu này đã đạt được và đây là thành công lớn khi Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường. Thử đặt vấn đề nếu Ngân hàng Nhà nước không bán vàng, thị trường sẽ thế nào, nhất là vào những phiên thế giới biến động như vừa qua.
Tất nhiên, chênh lệch giá vẫn còn, vì như tôi nói ở trên nhu cầu của thị trường rất lớn, không dễ thỏa mãn trong thời gian ngắn. Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định không bình ổn giá, không bao cấp về giá khi bán vàng ra thị trường, cũng không thể ngay lập tức thu hẹp chênh lệch, mà chủ yếu tăng cung để giảm áp lực về cầu trên thị trường.
- Hơn 13 tấn đã bán ra, chủ yếu được các ngân hàng thương mại mua lại. Ông nói sao khi có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu chủ yếu để hỗ trợ các ngân hàng tất toán trạng thái đúng hạn?
- Như tôi đã nói, nhu cầu mua vàng tất toán của các tổ chức tín dụng cũng là một áp lực không nhỏ với thị trường. Nếu không mua được từ Ngân hàng Nhà nước, họ phải mua trên thị trường mà như vậy thị trường càng thêm căng thẳng.
Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước có thể trực tiếp bán cho các ngân hàng để hỗ trợ họ thực hiện việc tất toán. Nhưng được sự đồng ý của Chính phủ, chúng tôi đã tổ chức các phiên đấu thầu để đảm bảo bán ra cách công khai, minh bạch, theo tín hiệu thị trường. Tham gia đấu thầu không chỉ ngân hàng, mà còn có cả doanh nghiệp. Số vàng mua được, một phần họ dùng để tất toán hợp đồng cũ, phần khác ra đưa lưu thông trên thị trường. Đây là lý do giúp thị trường vàng và ngoại tệ thời gian qua không xáo trộn.
- Vậy chênh lệch giá trong nước với thế giới 6-7 triệu đồng ai đang được hưởng lợi?
- Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng theo các quy định của pháp luật, quyết định của Thủ ướng và phải tuân thủ các chính sách về quản lý ngoại hối. Khoản chênh lệch có được qua các phiên đấu thầu là nguồn thu của ngân sách nhà nước, vì vậy sẽ phải chuyển về ngân sách theo đúng quy định.
- Báo cáo từ chính Ngân hàng Nhà nước cho thấy huy động vốn từ dân cư vẫn tăng trong khi tín dụng cho nền kinh tế lại giảm. Nhiều người lo có thể tiền đã chảy hết vào vàng nên không thể cho vay với nền kinh tế được. Ý kiến của ông về việc này?
- Với các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không thể thoải mái mua vàng được. Để được tham gia đấu thầu, cả ngân hàng và doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện chặt chẽ về tiềm lực tài chính, mạng lưới và khả năng kinh doanh. Bản thân các ngân hàng phải tuân thủ giới hạn về trạng thái vàng, vì thế dù tiềm lực vốn lớn họ cũng không thể mua với số lượng lớn. Họ cũng không được phép cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, kinh doanh vàng.
Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp đã mua vàng, để đảm bảo việc mua vàng cũng như sử dụng vàng đúng pháp luật.
Song Linh
5 cung đường nguy hiểm nhất Sài Gòn
Thi công dở dang nhiều năm, có nhiều khúc cua tay áo... khiến tai nạn liên tiếp xảy ra trên những con đường được mệnh danh là "cung đường tử thần'.
> Xe container đâm 11 xe dừng đèn đỏ / TP HCM quyết xóa 'điểm đen' tai nạn giao thông
Nối từ đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) đến quốc lộ 1 (quận Bình Chánh), đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km được xem là tuyến đường đô thị hiện đại nhất TP HCM. Nhưng sau vài năm khánh thành, đại lộ này có nhiều đoạn ngập nước, cộng với mật độ xe đông (vì phải gánh áp lực lưu thông cho quốc lộ 1) nên thường xuyên xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Đại lộ Nguyễn Văn Linh bị Ban An toàn giao thông thành phố xếp vào "danh sách đen".
Xa lộ Hà Nội
Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Đông Nai đến cầu vượt Trạm 2) là con đường huyết mạch vào TP HCM ở cửa ngõ Đông Bắc. Do mật độ phương tiện quá đông, nhất là xe container và xe tải nặng, lại không có dải phân cách giữa làn xe máy và ôtô nên tai nạn thường xuyên xảy ra trên cung đường này.
Tỉnh lộ 10 nối TP HCM với huyện Đức Hòa (Long An) vốn được xem là con đường "kinh hoàng về tai nạn". Dự án mở rộng tỉnh lộ 10 dài 8,2 km đáng lẽ phải hoàn thành từ 3 năm trước nhưng hiện nhiều đoạn vẫn ngổn ngang, nhếch nhác với những chiếc bẫy rình rập. "Tai nạn trên con đường này xảy ra như cơm bữa, có ngày xảy ra đến 2 vụ", một tài xế thường qua đây cho biết.
Đường Kha Vạn Cân
Tuyến nội đô dài khoảng 8 km này có mặt đường nhỏ, nhiều khúc cua, mật độ xe cộ rất đông khiến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra. Người dân ở đây cho hay, mỗi tháng đều có 2 vụ tai nạn chết người.
Quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Bình Chánh)
Đoạn đường chạy qua huyện Bình Chánh (từ vòng xoay An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) có mặt đường hẹp, lại không có dải phân cách nên tình trạng lấn tuyến của cả ôtô và xe máy diễn ra tràn lan. Theo thống kê của Sở GTVT, đoạn quốc lộ dài khoảng 8 km này chỉ chiếm 17% chiều dài nhưng lại chiếm tới hơn nửa số vụ tai nạn giao thông của toàn tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn TP HCM.
Hữu Công
Theo Vnexpress