ASEAN bàn về Biển Đông
Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á hôm nay tham dự cuộc họp cấp cao nhằm tìm cách giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông và trao đổi về tăng cường liên kết kinh tế khu vực.
|
Lãnh đạo các nước Đông Nam Á tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Brunei sáng nay. Ảnh: AFP |
10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từng trải qua giai đoạn bất đồng ý kiến hồi năm ngoái về việc xử lý các tranh chấp trên biển với Trung Quốc và lần này các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận tại Brunei để xây dựng lại sự thống nhất.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết sau cuộc gặp đầu tiên tối qua, rằng các nhà lãnh đạo đã thống nhất tìm tiếng nói chung về vấn đề nóng này.
"Mọi người đều mong muốn có một giải pháp hòa bình và cũng bày tỏ lo ngại về việc gia tăng căng thẳng", AFP dẫn lời ông Aquino nói.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với phần lớn Biển Đông, trong khi các thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền tại các vùng nước ở đây. Những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong hàng thập kỷ qua khiến vùng biển này trở thành khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự cao của châu Á, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của mình trên biển.
Năm ngoái, các tàu Trung Quốc và Philippines có vụ chạm mặt tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, khơi mào căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. Tháng trước, các tàu hải quân Trung Quốc được cho là đi vào vùng nước cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km.
Khối ASEAN hoạt động trên tinh thần đồng thuận trong suốt hơn 40 năm tồn tại. Năm ngoái, bất đồng xuất hiện trong cuộc họp cấp cao tại Campuchia, khiến ASEAN lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung.
Ông Aquino hôm qua cho biết ông rất vui mừng vì Brunei, nước chủ tịch ASEAN năm nay, đã đưa vấn đề Biển Đông trở thành nội dung trọng tâm của cuộc họp tuần này và cả những cuộc họp khác trong năm.
"Chúng ta nên vui mừng vì toàn thể khối ASEAN đã sẵn sàng thảo luận về vấn đề này thay vì đưa nó ra bên lề", ông Aqiuno nói, mặc dù cho biết có thể có nước sẽ đưa ra ý kiến không đồng tình.
Philippines và Việt Nam tích cực vận động ASEAN thúc đẩy quá trình đàm phán với Trung Quốc để tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đã được chờ đợi lâu nay. Trung Quốc thể hiện muốn thảo luận riêng rẽ với từng quốc gia hơn là với cả khối ASEAN.
Các nhà ngoại giao Đông Nam Á ở Brunei cho biết họ không hy vọng quá trình thương thảo về Bộ Quy tắc sẽ diễn ra nhanh chóng, dù bản tuyên bố về quy tắc (DOA) được đưa ra từ năm 2002.
Tuy nhiên, hôm qua Aquino cho biết ông đặc biệt vui mừng vì ít nhất hiện nay khối ASEAN cũng đang nỗ lực để đảm bảo tranh chấp không trở nên khốc liệt hơn. "Như vậy là có sự thống nhất về mục tiêu và do đó có quyền hy vọng điều đó sẽ dẫn tới một số hành động cụ thể hơn", ông nói.
Một vấn đề quan trọng khác cũng sẽ được đưa ra trong kỳ họp lần này là việc liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong nội bộ khối ASEAN cũng như khối ASEAN với các nước trong khu vực.
ASEAN mong muốn thiết lập một thị trường chung cho 10 nước Đông Nam Á với 600 triệu dân, có tên Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), vào năm 2015. Đây là một nội dung quan trọng hàng đầu tại hội nghị ở Brunei tuần này bên cạnh vấn đề Biển Đông.
Hơn ba phần tư của "kế hoạch chi tiết" cho AEC đã được thống nhất, tuy nhiên các bên đàm phán cho biết những vấn đề khó khăn nhất chưa được bàn thảo. Các nhà phân tích dự đoán mục tiêu năm 2015 khó trở thành hiện thực.
Vũ Hà
Người bạn bí ẩn 'tẩy não' Tamerlan
Nhiều năm trước vụ đánh bom Boston, Tamerlan Tsarnaev được cho là bị ảnh hưởng bởi một người bạn, kẻ đã hướng y từ sự thờ ơ với tôn giáo đến một nhánh cực đoan của đạo Hồi.
> Nghi phạm đánh bom muốn đến New York
> Anh em Tsarnaev thời thơ ấu
> Lịch sử đầy sóng gió của người Chechnya
Tamerlan Tsarnaev, nghi phạm đã chết của vụ đánh bom kép Boston. Ảnh: TheBlaze |
Dưới sự giảng giải của một người bạn được gia đình Tsarnaev biết đến chỉ với cái tên Misha, Tamerlan đã từ bỏ đấm bốc, ngừng học nhạc, AP dẫn lời chú và chồng cũ của em vợ y cho biết.
Y cũng đã bắt đầu phản đối chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Y tiếp cận các trang web và tác phẩm cho rằng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 và người Do Thái muốn thống trị thế giới.
"Bằng một cách nào đó, ông ta (Misha) chi phối suy nghĩ của nó", AP dẫn lời chú của Tamerlan, Ruslan Tsarni nói. Ông chú cũng nhớ rằng Tamerlan lo lắng về ảnh hưởng của Misha tới con trai.
Mối quan hệ của Tamerlan với Misha có thể là manh mối giúp hiểu rõ động cơ đứng đằng sau sự thay đổi về tôn giáo của y, và sau đó là động cơ của cuộc đánh bom giải chạy Boston làm ba người chết và 264 người bị thương. Các quan chức Mỹ cho biết y không có mối liên hệ với các nhóm khủng bố.
Anh em nhà Tsarnaev được nuôi dưỡng trong gia đình theo Hồi giáo dòng Sunni, nhánh lớn nhất của tôn giáo này. Họ không thường xuyên đến nhà thờ, và ít khi nói chuyện về tôn giáo. Elmirza Khozhugov, chồng cũ của em gái Tamerlan, Ailina, hiện ở Almaty, Kazakhstan, kể về những gì anh ta biết. Khozhugov thân thiết với Tamerlan khi còn là em rể y và vẫn giữ liên lạc cho đến cách đây khoảng hai năm.
Vào khoảng năm 2008 hay 2009, Tamerlan gặp Misha, một người đàn ông đầu hói, có râu cằm dài màu hơi đỏ, nhiều tuổi hơn y một chút. Khozhugov không biết họ gặp nhau ở đâu nhưng tin rằng hai người này cùng đến nhà thờ ở khu vực Boston. Misha là người gốc Armenia, và là người cải sang đạo Hồi, nhanh chóng gây ảnh hưởng lên người bạn mới, các thành viên gia đình cho biết.
Khozhugov nhớ lại một lần Misha đến nhà ở ngoại ô Boston, ngồi trong bếp, trò chuyện với Tamerlan nhiều giờ liền. "Misha nói với anh ấy Hồi giáo là gì, điều gì tốt về Hồi giáo, điều gì xấu về Hồi giáo", Khozhugov nói và cho biết cũng ở đó khi Misha đến.
Ông ta cứ nói: "Đây là tôn giáo tốt nhất. (Nhà tiên tri) Mohammed từng nói thế này! Mohammed từng nói thế kia".
Cuộc trò chuyện tiếp diễn cho đến khi cha của Tamerlan, ông Anzor, về nhà lúc nửa đêm. "Cha anh ấy đi vào và nói 'Vì sao Misha ở đây muộn vậy và vẫn còn ở trong nhà chúng ta?'. Ông ấy hỏi một cách lịch sự. Tamerlan chú tâm đến cuộc nói chuyện đến nỗi anh ấy chẳng nghe thấy", Khozhugov kể.
Khozhugov cho biết mẹ của Tamerlan, bà Zubeidat, đã gạt đi. "Đừng làm phiền chúng", Khozhugov nhớ lại câu nói của bà. "Chúng đang nói về tôn giáo và những điều tốt. Misha đang dạy nó trở thành người tốt", bà nói.
Thời gian trôi đi, Tamerlan và cha bắt đầu cãi nhau về niềm tin mới của y.
"Khi Misha bắt đầu nói chuyện, Tamerlan sẽ dừng nói và lắng nghe. Cha anh ấy lo lắng vì Tamerlan không nghe lời ông nhiều như trước", Khozhugov nói. "Anh ấy chỉ nghe người đàn ông đến nhà thờ đang giảng đạo cho anh".
Anzor trở nên ngày càng quan ngại về ảnh hưởng của Misha và ông gọi cho em trai. "Tôi chẳng nghe thấy ai khác (ngoài Misha có liên quan đến) chuyện biến đổi này", ông chú Tsarni của Tamerlan nói. "Hạt giống làm thay đổi quan điểm của nó được trồng ở ngay Cambridge".
Tsarni từng cãi nhau với Tamerlan trong cuộc trò chuyện điện thoại năm 2009, trong đó y nói chọn "việc của Thánh" thay vì nghề nghiệp hay trường học. Hai người không còn liên lạc sau vụ đó.
Hai anh em trong giải chạy marathon Boston. Ảnh: UPI |
Tamerlan bắt đầu hăng hái đọc website Hồi giáo cực đoan và tài liệu tuyên truyền cực đoan. Y đọc tạp chí Inspire, một ấn phẩm tiếng Anh trên mạng do một nhánh ở Yemen của Al-Qaeda sản xuất.
Tamerlan từng yêu âm nhạc, và cách đây vài năm từng gửi Khozhugov một bài hát y sáng tác bằng tiếng Anh và Nga. Y nói chuẩn bị học trường nhạc. 6 tuần sau, hai người nói chuyện với nhau. Khozhugov hỏi về chuyện trường nhạc.
- "Anh bỏ rồi", Tamerlan nói.
- "Vì sao anh bỏ?", Khozhugov hỏi. "Anh mới bắt đầu mà".
- "Âm nhạc không thực sự được ủng hộ trong Hồi giáo", Tamerlan trả lời.
- "Ai bảo anh thế?"
- "Misha nói sáng tác âm nhạc không phải là điều thực sự tốt. Nghe nhạc cũng không thực sự là điều tốt", Tamerlan nói với Khozhugov.
Tamerlan bắt đầu quan tâm đến Infowars, một trang web về thuyết âm mưu. Khozhugov cho biết Tamerlan muốn tìm bản photo của cuốn sách "Do thái Hiền nhân Nghị định thư", cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1903 ở Nga, trong đó viết về âm mưu thống trị thế giới của người Do Thái.
"Anh ấy chưa bao giờ nói anh ấy ghét Mỹ hay anh ấy ghét người Do Thái", Khozhugov cho biết. "Nhưng anh ấy khá hung hăng đối với các chính sách của Mỹ đối với các nước đông dân Hồi giáo. Anh ấy ghét chiến tranh".
Tamerlan thiệt mạng trong cuộc đọ súng với cảnh sát hôm 19/4, còn Dzhokhar, em trai y, đầu tuần này bị cáo buộc dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt để giết người, và y có thể đối mặt với án tử nếu bị kết tội.
"Tất nhiên tôi bị sốc và bất ngờ anh ấy là Nghi phạm Một", Khozhugov nói khi nhớ về những ngày sau vụ đánh bom, khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác định Tamerlan là nghi phạm ban đầu. "Nhưng sau vài giờ suy nghĩ về mọi chuyện, tôi nghĩ có thể anh ấy đã làm điều đó".
"Misha có ý nghĩa quan trọng", Khozhugov nói. "Tamerlan đang tìm kiếm điều gì đó. Anh ấy đang tìm điều gì đó xa vời".
Trong quá trình thay đổi quan điểm tôn giáo, Tamerlan cũng được cho là có giữ ảnh hưởng lớn đối với các em, trong đó có Dzhokhar. "Họ đều yêu Tamerlan. Anh ấy là anh cả và, theo nhiều cách, là hình mẫu cho các em gái và em trai", Khozhugov cho biết.
Dựa trên thẩm vấn ban đầu với Dzhokhar trên giường bệnh, giới chức Mỹ tin rằng hai anh em có động cơ là quan điểm tôn giáo. Nhưng hiện vẫn chưa rõ quan điểm đó là gì.
Khi giới chức đang cố gắng xâu chuỗi thông tin, họ chạm đến câu hỏi được đặt ra sau nhiều âm mưu khủng bố: Điều gì biến một người thành kẻ khủng bố?
Hai anh em Tsarnaev lần lượt di cư đến Mỹ năm 2002 hoặc 2003 từ cộng hòa Dagestan, thuộc Nga. Dagestan nhiều năm qua đã bị lây lan tình trạng nổi loạn vốn phổ biến ở nước cộng hòa láng giềng Chechnya. Gia đình Tamerlan cũng có gốc gác Chechnya
Tuy nhiên, mẹ của Tamerlan bác bỏ thông tin về ảnh hưởng của Misha. "Vớ vẩn. Anh ta chỉ là một người bạn", ABC News dẫn lời bà Zubeidat Tsarnaev nói trước khi bước vào cuộc thẩm vấn ngày thứ hai với FBI. Bà cho rằng Misha biết rất nhiều về Hồi giáo và học hỏi từ Misha là điều thú vị, chứ không cho rằng quan điểm của anh ta là cực đoan. Bà cũng cho rằng quan hệ giữa con trai bà và Misha khá ngắn ngủi vì người này đã chuyển đến vùng khác của Mỹ.
Hiện vẫn chưa rõ FBI có biết đến Misha, hay từng thẩm vấn người này chưa.
Trọng Giáp (theo AP)
Theo Vnexpress