Tin Tổng hợp

Mặt trước và sau của hòn đá đặt tại đền Thượng (đền Hùng, Phú Thọ) có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp khó hiểu. Nhiều người đồn thổi, đây là một dạng bùa yểm không tốt.

Hòn đá lạ ở đền Hùng

Mặt trước và sau của hòn đá đặt tại đền Thượng (đền Hùng, Phú Thọ) có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp khó hiểu. Nhiều người đồn thổi, đây là một dạng bùa yểm không tốt.

Gần đây, dân mạng xôn xao về một hòn đá cao khoảng 50 cm, bề rộng nhất 35 cm, hình cánh buồm đặt trên bệ được gia cố khá đẹp, đặt trong đền Thượng. Mặt trước và sau của hòn đá có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp khó hiểu. Nhiều người đồn thổi rằng, hòn đá lạ này là một dạng bùa yểm không tốt.

Hòn đá lạ ở đền Hùng thu hút sự chú ý của người dân. Ảnh: Tiền Phong.
Hòn đá lạ ở đền Hùng thu hút sự chú ý của người dân. Ảnh: Tiền Phong.

Sáng 10/4 (tức 1/3 âm lịch) người đi lễ Đền đầu tháng đang vây quanh hòn đá lạ. Người xì xào bàn tán, người chụp ảnh, chạm sờ, người lại thận trọng đứng cách vài mét quan sát hòn đá khá lâu.

Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng nói, hòn đá này do một người tên Khảm ở Hà Nội cung tiến năm 2009, khi di tích tôn tạo, tu sửa. Do đồng ý cho người cung tiến đặt hòn đá lạ này mà ông Nguyễn Văn Khôi (người tiền nhiệm của ông Các) đã phải làm giải trình lên UBND tỉnh Phú Thọ.

Theo ông Các, hiện chưa thể nhận định viên đá này tốt, hay xấu. Lãnh đạo tỉnh đồng ý sẽ lập hội đồng khoa học để "nghiên cứu" và đưa ra kết luận khoa học cũng như hướng đề xuất xử lý hòn đá lạ sau lễ hội năm nay.

Theo Tiền Phong

'Đổi lại tên nước là trở về đúng bản chất chế độ'

"Trước đây những ai có ý kiến đổi tên nước thường bị quy kết là suy thoái tư tưởng. Theo tôi, cái tên không phải là chỉ dấu cho một sự đổi hướng", giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với VnExpress về đề xuất đổi tên nước.
> Đề xuất tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

- 30 năm qua, nhiều lần các nhân sĩ, trí thức góp ý về tên nước và bày tỏ mong muốn trở lại với tên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt năm 1945. Ông nghĩ gì trước đề xuất đổi tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

- Theo tôi, chúng ta nên trở lại với tên đầu tiên đã đặt khi mới giành được độc lập. Tên gọi này thể hiện đúng bản chất của chế độ là Cộng hòa Dân chủ. Thể chế Xã hội chủ nghĩa cũng là một kiểu nhà nước dân chủ, tuy nhiên tên Cộng hòa Dân chủ khái quát và phổ biến hơn. Lúc khối Xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh nhất, trên thế giới cũng chỉ có 5 nước có tên Xã hội chủ nghĩa là Liên Xô, Anbani, Nam Tư, Rumani và Tiệp Khắc; còn các nước Xã hội chủ nghĩa khác lấy tên là Cộng hòa Nhân dân, Cộng hòa Dân chủ hoặc Cộng hòa Dân chủ nhân dân.

Ngoài ra, lúc đó có 2 nước không thuộc khối Xã hội chủ nghĩa cũng có cụm từ Xã hội chủ nghĩa trong tên nước là Myanma (từ năm 1974 đến 1988) và Lybia. Hiện, trên thế giới chỉ còn Việt Nam và Sri Lanka có cụm từ Xã hội chủ nghĩa trong tên nước, nhưng ta biết rằng quan niệm về Xã hội chủ nghĩa của Sri Lanka không giống Việt Nam.

Trở lại với tên gọi đầu tiên, giống như nhiều nền dân chủ khác trên thế giới, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự đồng tình, thiện cảm của bạn bè quốc tế hơn. Những ai muốn đến với Việt Nam nhưng cảm thấy xa lạ vì cái tên thì nay sẽ không e dè nữa.

Đối với đông đảo kiều bào nước ngoài, kể cả những người đã ra đi trước năm 1945 thì cái tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn là một tên gọi quen thuộc, gần gũi. Nó cũng sẽ tạo điều kiện để nhiều kiều bào xích lại gần hơn với đất nước.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Song, có ý kiến cho rằng nếu lấy tên đó thì có nghĩa Việt Nam đang xa rời mục tiêu lên chủ nghĩa xã hội và việc thay đổi cũng sẽ gây phức tạp, tốn kém tiền của?

 

Ngày 12/4, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Hiến pháp mới. Trong đó bên cạnh cách viết cũ tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xuất hiện phương án mới, phản ánh chính xác hình thức chính thể và chủ quyền quốc gia về lãnh thổ: “(1) Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. (2) Tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Phương án này thể hiện ý kiến nhiều tầng lớp nhân dân. Tên gọi ấy được khẳng định trong Hiến pháp 1946, 1959 và chỉ được thay đổi bởi Hiến pháp 1980. Về mặt pháp lý, đến thời điểm này, tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay.
- Một số người lo ngại sự đổi hướng nhưng tôi cho rằng điều đó không chính đáng. Bởi từ khi giành được chính quyền năm 1945, Việt Nam vẫn xác định con đường xây dựng Xã hội chủ nghĩa. Điều đó không hề phụ thuộc vào việc tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cái tên cũng giống như bức tượng Phật trong nhà. Có tượng hay không có tượng, tượng gỗ hay tượng đồng thì thế gian vẫn có Phật. Cái tên không phải là chỉ dấu cho một sự đổi hướng nào. Lấy tên nào thì mục tiêu của chúng ta vẫn là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đương nhiên, đổi tên nước sẽ dẫn đến việc chi tiêu một khoản tiền nhất định để đổi con dấu, biển hiệu của cơ quan nhà nước, giấy tờ giao dịch... Tốn kém là có, nhưng cũng không lớn đến nỗi không nên làm. Nếu so sánh thì lợi ích đem lại lớn hơn nhiều. Và cũng phải cân nhắc, những gì không nhất thiết phải đổi như đồng tiền chẳng hạn thì không nên đổi.

- Cùng với nhiều đề xuất, việc đưa ra 2 phương án lựa chọn tên nước cho thấy điều gì qua 3 tháng lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp?

- Trước khi có chủ trương sửa đổi Hiến pháp, nhiều đại biểu Quốc hội đã bàn đến việc trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song, lúc đó những ai nói ra ý kiến ấy thường bị quy kết là suy thoái về mặt tư tưởng. Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên vì tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra.

So sánh với những gì chỉ mới diễn ra trong 1 - 2 tuần trước, đã có thể thấy việc đề xuất đổi tên nước đánh dấu bước chuyển trong nhận thức của những người chủ trì sửa đổi Hiến pháp. Điều đó cũng cho thấy Ủy ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi bước đầu đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của người dân và đấy là tín hiệu tốt.

Mấy hôm nay, đọc kiến nghị của Chính phủ về sửa đổi Hiến pháp, tôi cũng thấy rất mừng và rất ủng hộ những kiến nghị này. Ví dụ, Chính phủ kiến nghị những quy định giới hạn quyền công dân thì phải do "luật định" chứ không phải do "pháp luật" (hiểu theo nghĩa rất rộng) quy định. Thứ hai, Chính phủ kiến nghị việc thu hồi, trưng mua đất của dân phải trả ngang với giá thị trường.

Những quan điểm này không mới nhưng khi được cơ quan hành chính cao nhất của đất nước nêu ra thì rất đáng mừng vì nó phù hợp với mong muốn của người dân. Tôi mong những suy nghĩ này được đẩy xa hơn, ví dụ như công nhận chế độ đa sở hữu về đất đai, đặc biệt là đất ở - vốn không phải tư liệu sản xuất nên không thể công hữu hóa. Đất đai chiếm trên 75% các vụ khiếu kiện, nếu giải quyết tốt vấn đề này sẽ tháo gỡ được những khó khăn lớn và góp phần quan trọng ổn định xã hội.

- Tán thành với đề xuất đổi tên nước, ông có góp ý gì thêm?

- Tôi ủng hộ việc trở lại tên nước lúc mới giành độc lập. Song, tên này cần sửa lại cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, là "Cộng hòa Dân chủ Việt Nam". Năm 1945, chúng ta còn chịu nhiều ảnh hưởng tiếng Hán (Trung Quốc) nên cấu trúc của tên nước đặt năm ấy là theo ngữ pháp tiếng Hán. Bây giờ, nên gọi cho đúng hơn.

Tên nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện để những ai còn lấn cấn trong việc xích lại gần với chúng ta sẽ cảm thấy không còn rào cản nữa.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: "Ngày 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước cuộc mít tinh tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố sự ra đời của một Nhà nước mới trên trường quốc tế - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tên nước sau đó đã được Quốc hội khóa I xác nhận trong bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp 1946. Tên gọi này phù hợp với thể chế của Việt Nam là thể chế Cộng hòa Dân chủ - chế độ do dân làm chủ, mọi việc thực hiện theo bản Hiến pháp do toàn dân phúc quyết và hệ thống pháp luật do những đại diện mà dân bầu ra ban hành.

Tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa ra đời năm 1976. Hồi đó không có thảo luận trong nhân dân mà do Quốc hội quyết định trong hoàn cảnh đất nước vừa thống nhất và trong niềm hứng khởi trước chiến thắng lịch sử thể hiện sức mạnh của chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Lúc đó, Đảng cũng đổi tên từ Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà nước còn mở một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới để thay bài Tiến quân ca".

Nguyễn Hưng thực hiện

Ngôi trường không có giáo viên nữ

Kể từ ngày thành lập năm 2006, trường phổ thông Cao Sơn (xã Lũng Cao, Bá Thước, Thanh Hóa) chưa từng có cô giáo. Suốt 7 năm qua, 14 thầy giáo miền xuôi vượt rừng, cắm bản lên gieo chữ cho học sinh nơi đây.

Hiện tại, trường Cao Sơn gồm hai cấp tiểu học và trung học với 93 học sinh. Ảnh: Hoàng Phương.

Cao Sơn, tên gọi chung ba bản Son, Bá, Mười thuộc xã Lũng Cao, nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Muốn vào Cao Sơn phải leo qua dãy Phà Hé, đi bộ xuyên rừng nửa ngày trời mới đến nơi. Gọi là đường nhưng thực ra chỉ là lối mòn, bên vách núi dựng đứng, bên vực thẳm. Khí hậu Cao Sơn khá lạnh, ngoài mấy tháng hè có nắng, thời gian còn lại chủ yếu sương mù, mưa phùn.

Khí hậu khắc nghiệt cùng giao thông khó khăn nên huyện đã điều động những giáo viên nam có sức khỏe, chuyên môn tốt lên đây công tác. Thầy Trần Ngọc Hải (quê Vĩnh Lộc) gắn bó với Cao Sơn từ ngày trường còn là khu lẻ lợp bằng tranh nứa ở giữa làng Son. Năm 2006, thầy Hải nhận quyết định lên Cao Sơn dạy học. Leo bộ 4 tiếng mới đến trường, trời vừa tối, Hải nản chí khi thấy một khu lán dựng tạm nằm đìu hiu trong màn sương dày đặc.

* Video: Ngôi trường của 14 thầy giáo

Anh kể, buổi dạy đầu tiên nhìn học trò đầu trần, chân đất đến lớp là kỷ niệm khó quên trong đời sư phạm. Các em run lập cập vì sương thấm ướt hết quần áo. Những tấm phên nứa bao tạm không ngăn được sương ùa vào lớp, thầy trò phải đốt một đống lửa nhỏ, vừa sưởi vừa học bài. Những ngày mới lên, sau mỗi buổi dạy, thầy Hải thường đứng dưới mái gianh trông người đi đường cho đỡ buồn.

Không điện sinh hoạt, thầy Hải và đồng nghiệp thường phải thắp đèn soạn giáo án. 14 điện thoại di động của họ thường xuyên xếp thành hàng dài, đặt ở khu vực có sóng để tiện liên lạc. Ai gọi đến thì bật loa ngoài nghe, không dám cầm lên sẽ bị mất sóng. Muốn nói chuyện riêng, có thầy phải chạy lên đồi cách trường 2 km để "hứng sóng".

Thức ăn không có sẵn, trường phải phân công một giáo viên đi chợ bên tận Hòa Bình. Mỗi dịp về nhà, các thầy lại tranh thủ mang theo đồ khô như trứng, cá khô. Có thầy từng gùi gần 40 kg gạo, thực phẩm lên trường theo đường mòn. Hết giờ dạy buổi sáng, các thầy chia nhau người vào bếp nấu cơm, người bận rộn soạn giáo án cho kịp giờ lên lớp buổi chiều. Để giải trí, các thầy chơi bóng chuyền, bóng đá. Những lúc nhớ nhà, họ mang đàn guitar đệm hát cùng nhau.

Các thầy giáo tranh thủ soạn bài nhờ điện của một công trường gần đó. Ảnh: Hoàng Phương.

Cũng có duyên với các trường vùng sâu, thầy Hà Văn Tâm (43 tuổi, quê Bá Thước) có thâm niên 16 năm dạy học. Trước khi tới Cao Sơn, thầy từng dạy ở Trung Lý, Sài Khao (Mường Lát). Thầy Tâm cho hay, giờ học buổi sáng ở đây thường vào muộn, buổi chiều tan sớm hơn dưới xuôi 15 phút. Vì thời tiết Cao Sơn nhanh tối, nhiều em ở bản xa đi bộ 5 km mới về được đến nhà. Nhiều khi rét đậm đến hai tuần, nhiệt độ xuống 7 độ C nhưng các thầy vẫn dạy. Học sinh quen với khí hậu nên không nghỉ học mà đến lớp đều.

Không có thời gian và điều kiện đi tìm hiểu nên các thầy giáo ở đây đều lập gia đình muộn. Bước sang tuổi 41, thầy Tâm mới yên bề gia thất. Tháng 5 này, vợ chồng thầy sẽ đón đứa con đầu lòng. Các thầy giáo vẫn đùa, việc toàn bộ giáo viên lập gia đình vào cuối năm ngoái là một "thành tích lớn" của nhà trường.

Do đặc thù công tác ở vùng đặc biệt khó khăn nên gia đình, vợ con các thầy phải chịu nhiều thiệt thòi. Có thầy cả tháng không về nhà, nếu đi xe máy phải vòng sang Hòa Bình xa hơn cả trăm cây số.

Ngoài đứng lớp, mỗi thầy còn kết hợp với trưởng bản đến thăm và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh. Là người có kinh nghiệm dựng lán, xây trường, vận động học sinh vùng khó khăn đi học nhưng thầy Tâm vẫn áy náy khi không thuyết phục được một nữ sinh quay lại trường. Đến giờ, anh vẫn nghĩ mình có lỗi với học sinh.

Theo thầy Vi Văn Hoan (54 tuổi), học sinh nơi đây rất ham học nhưng nhiều em còn chưa thạo tiếng phổ thông, hay rụt rè vì ít tiếp xúc với người lạ. Cùng với kiến thức, các thầy giáo còn phải gần gũi như người thân để chia sẻ với các em.

Lớp thầy Hải chủ nhiệm chỉ vỏn vẹn có 5 học sinh. Ảnh: Hoàng Phương.

Hơn 30 năm làm sư phạm, thầy Hoan chứng kiến nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ không chịu được gian khổ ở vùng đặc biệt khó khăn nên phải bỏ nghề. Gắn bó với Cao Sơn hơn chục năm, mái đầu thầy đã bạc phân nửa, đôi bàn tay chai sạn vì chống gậy băng rừng, leo núi hàng trăm lần. Tuổi cao, nhiều lần thầy Hoan định xin chuyển công tác nhưng do trên này thiếu người và "bén đất" nên thầy ở lại, vài năm nữa đến tuổi hưu thì xin về luôn thể.

Chia sẻ khó khăn với các thầy giáo Cao Sơn, người dân trong huyện đã góp tiền, góp sức xây dựng khu nội trú gồm ba phòng và các bếp ăn thay thế cho khu nhà tranh dựng tạm. Hiện tại, trường Cao Sơn có 9 lớp, gồm hai cấp tiểu học và trung học cơ sở với 93 học sinh. Nhà trường đã có đội tuyển học sinh giỏi đi thi và đạt giải. Năm 2011-2012, trường có một học sinh giỏi cấp tỉnh và năm học sinh giỏi cấp huyện.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bá Thước cho biết, vì nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nên ngoài chính sách chung của nhà nước, trường Cao Sơn luôn được huyện ưu tiên khi phân bổ kinh phí hoạt động. "Phòng Giáo dục đã tham mưu cho huyện ủy lập quy chế luân chuyển cán bộ, thay thế dần số thầy giáo đang công tác lâu năm ở đây tới những vùng khác trong huyện. Dự kiến tháng 7 năm nay sẽ đưa vào thực hiện", ông Hùng nói thêm.

Hoàng Phương

Theo Vnexpress