Nhật đưa tên lửa đến Okinawa đề phòng Triều Tiên
Nhật Bản hôm nay cho biết sẽ lắp đặt vĩnh viễn các tên lửa đánh chặn Patriot ở căn cứ quân sự ở Okinawa từ tháng này để tăng cường khả năng phòng thủ do lo ngại tên lửa Triều Tiên.
> Nhật báo động trước nguy cơ Triều Tiên bắn tên lửa
Một tên lửa Patriot PAC-3 trong lần phóng thử thành công năm 2008 tại Nhật Bản. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói nước này sẽ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa PAC-3 tại hai căn cứ quân sự ở khu vực phía nam "vào một ngày sớm nhất trong tháng 4".
Bộ Quốc phòng Nhật Bản từng lên kế hoạch sẽ triển khai hệ thống này vào tháng 3/2015 nhưng "chúng tôi xem xét đẩy nhanh kế hoạch để bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân trước các tên lửa đạn đạo", AFP dẫn lời ông Onodera nói.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tokyo tăng mức báo động toàn diện trước thời điểm dự kiến Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã chuẩn bị hai quả tên lửa tầm trung đến bệ phóng từ bờ biển phía đông, bất chấp lời cảnh báo từ quốc tế cũng như Trung Quốc, yêu cầu Triều Tiên nên tránh những hành động làm căng thẳng thêm tình hình.
Nhật Bản càng có lý do để lo ngại sau khi hôm qua thông tin tình báo của Mỹ tiết lộ rằng Bình Nhưỡng có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên sau đó Lầu Năm Góc nói rằng thông tin trên là không chính xác.
Nhật Bản cũng đã triển khai hệ thống tên lửa PAC-3 tại thủ đô Tokyo để bảo vệ 30 triệu dân và quân đội được quyền bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên đi qua lãnh thổ của Nhật. Ngoài PAC-3, các tên lửa đánh chặn được trang bị trên tàu khu trục lớp Aegis cũng đã được triển khai trên vùng biển Nhật Bản.
Vị trí chiến lược của Okinawa trong khu vực Đông Á. Đồ họa: Heritage.org |
Những ngày gần đây Triều Tiên liên tục phát đi những ngôn từ cứng rắn và đe dọa tấn công căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc để đáp trả cuộc tập trận chung của Mỹ-Hàn mà Triều Tiên coi là khiêu khích và xâm lược.
Thời gian Triều Tiên sẽ phóng tên lửa "không thể đoán trước", ông Onodera nói, "tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục ở trong trạng thái báo động cao và chúng tôi có thể hành động bất cứ lúc nào".
Các nhà phân tích nói những biện pháp của Tokyo hoàn toàn mang tính chất dự phòng. Tuy nhiên tình hình có thể xấu đi nếu tên lửa mà Triều Tiên phóng đi không đúng đường, dẫn đến phản ứng đáp trả từ phía Nhật.
Vũ Hà
Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên đối thoại
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae đưa ra tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng đối thoại để giải quyết căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
> Khu công nghiệp liên Triều ngừng hoạt động
Ông Ryoo Kihl-jae tại buổi họp báo hôm 11/4. Ảnh: Antara News. |
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra hôm nay, người phát ngôn Bộ Thống nhất Kim Hyung-seok cho biết, bộ trưởng Ryoo Kihl-jae đã đưa ra lời kêu gọi Bình Nhưỡng "ngồi vào bàn đối thoại" để thảo luận việc nối lại hoạt động của khu công nghiệp Kaesong và những bế tắc chính trị đang diễn ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Tân hoa xã dẫn lời ông Ryoo Kihl-jae, nói: "Việc bình thường hóa hoạt động của khu công nghiệp Kaesong cần phải được thực hiện thông qua đối thoại. Hàn Quốc hy vọng Triều Tiên sẽ tới bàn đối thoại để cùng bàn về những điều họ mong muốn".
Người phát ngôn Kim Hyung-seok nói đây không phải một lời đề nghị đối thoại chính thức bởi chưa có thời gian cũng như địa điểm đi kèm, nhưng ông nhấn mạnh rằng đây là đề nghị thực sự.
Ông Kim cho hay, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đang theo dõi sát sao những thay đổi và phản ứng của Bình Nhưỡng. Ông cũng nói thêm, thậm chí nếu Triều Tiên phóng tên lửa, Hàn Quốc vẫn sẽ tuân theo những nguyên tắc cơ bản của mình, đó là kêu gọi giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại.
Cũng hôm qua, tại một cuộc gặp gỡ với các nhà lập pháp của Hàn Quốc, tổng thống Park Geun-hye cho biết chính quyền nước này sẽ thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên, theo Yonhap.
Cùng ngày, tổng thống Mỹ Obama sau cuộc gặp với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu rằng Bình Nhưỡng cần chấm dứt thái độ khiêu khích. Obama nói cánh cửa ngoại giao vẫn mở để tìm một giải pháp cho vấn đề hiện nay, nhưng Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ bản thân và đồng minh nếu Triều Tiên hiếu chiến.
Thu Hằng
'Thống nhất Triều Tiên là sứ mệnh của Kim Jong-un'
Một chuyên gia về Triều Tiên của Trung Quốc cho rằng nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là 70-80% và nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn thống nhất bằng vũ lực thì cũng không có gì là lạ.
> 'Nguy cơ Kim Jong-un tính toán nhầm'
> Kim Jong-un 'thống trị' báo chí thế giới
|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ huy các binh sĩ ở đơn vị tiền tiêu tập trận. Ảnh: KCNA |
Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Bắc Á và Triều Tiên, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc Trương Liễn Khôi cho biết dùng chiến tranh để thống nhất bán đảo Triều Tiên là "mục tiêu cốt lõi của chính quyền Bình Nhưỡng".
Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Trương cho hay cả 3 thế hệ lãnh đạo Triều Tiên từ thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, Kim Jong-il và hiện là nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un đều vác lên vai sứ mệnh lịch sử riêng.
Nếu nhiệm vụ của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành là xây dựng đất nước thì tới thế hệ lãnh đạo con trai ông là Kim Jong-il lại tập trung vào tăng cường sức mạnh quân sự. Đến thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại là sứ mệnh thống nhất hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
"Chúng ta có thể nhận thấy cả 3 thế hệ lãnh đạo Triều Tiên đều có tính tự giác rất cao đối với sứ mệnh lịch sử của mình", ông Trương nói.
Tháng 7/1972, hai miền Triều Tiên ra tuyên bố chung với ba nguyên tắc là tự chủ, hòa bình thống nhất và đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, tháng 7/2009, Triều Tiên bắt đầu phá vỡ các nguyên tắc trên và đưa ra quan điểm dùng chiến tranh thống nhất hai miền. Tháng 5/2009, Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ hai.
Khi đó, Triều Tiên nghĩ mình đã đủ khả năng thực hiện thống nhất hai miền bằng chiến tranh và luôn nhấn mạnh quan điểm dùng chiến tranh thống nhất hai miền trong các tuyên bố sau đó.
Triều Tiên luôn ráo riết chuẩn bị công tác nhằm thực hiện thống nhất hai miền bằng vũ lực, trong đó có phát triển vũ khí hạt nhân. Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 3 ngày 12/2 vừa qua, Triều Tiên chính thức tuyên bố đã hoàn thành một phần nhỏ của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Nhiệm vụ chiến lược sắp tới của Triều Tiên là thúc đẩy nhanh chóng việc thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Ngày 5/3, Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến liên Triều 1950-1953. Ngày 30/3, nước này bất ngờ tuyên bố bước vào "trạng thái chiến tranh" với Hàn Quốc và mọi vấn đề giữa hai miền sẽ được giải quyết theo nguyên tắc thời chiến.
Rõ ràng, Triều Tiên luôn muốn chiến tranh với Hàn Quốc. Một điều nữa phải kể tới là ngày 29/11/2012, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thay Bộ trưởng Quốc phòng Kim Jong-gak bằng một viên tướng có khuynh hướng cứng rắn trong nỗ lực tăng cường sự kiểm soát của ông với quân đội nước này.
Thay thế ông Kim Jong-gak là tướng Kim Kyok-sik, một viên tướng có khuynh hướng cứng rắn, người đã ra lệnh nã pháo vào hòn đảo biên giới giữa hai miền Triều Tiên năm 2010. Nhưng tất nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới là người cuối cùng có quyền quyết định chiến tranh nổ ra hay không.
Mới đây, Triều Tiên công bố video với nội dung mô tả cuộc tấn công Hàn Quốc "tốc chiến tốc thắng" trong 3 ngày. Ngày thứ nhất phải chiếm được các địa điểm chiến lược trọng yếu của Hàn Quốc và bắt sống 150.000 người Mỹ; ngày thứ hai chiếm lĩnh nhiều thành phố lớn của miền nam và ngày thứ ba lập lại trật tự.
Video: Triều Tiên tung video "Đánh chiếm Hàn Quốc"
Trước đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng bài viết nói rằng xét về góc độ ý chí chiến đấu và sức mạnh quân sự thì Triều Tiên là nước duy nhất có khả năng đối đầu với Mỹ và cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên năm 2013 sẽ càng xấu hơn. Theo ông Trương, về tổng thể, việc lãnh đạo Triều Tiên muốn một cuộc chiến tranh thực sự không có gì là khó hiểu hay bất ngờ.
Ảnh: Sức mạnh quân sự của Triều Tiên / của Hàn Quốc
Theo VTC News
TheoVnexpress