Sài Gòn nóng nhất trong 2 năm qua
Đến 15g30 cùng ngày, không khí oi bức gây khó chịu vẫn tiếp diễn. Chị Nguyên (40 tuổi, nhà ở Q.Thủ Đức) cho biết: “Tôi đã sống gần 20 năm ở Sài Gòn nhưng cảm giác năm nay nắng gắt hơn mọi năm”. Ánh nắng chiếu thẳng mái tôn làm không khí trong nhà trở nên ngột ngạt. Đứa cháu 19 tháng tuổi của chị Nguyên liên tục kêu khóc, không chịu ngủ. Chị Nguyên nói: “Mấy ngày nay, đứa cháu đổ bệnh do không chịu ăn uống”.
Còn ông Hoàng Oanh (chạy xe ôm trên đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh) cho biết chở khách chạy dọc đường không khí nóng nực cứ táp thẳng vào mặt khiến trong người bức bối, khó thở. Tình trạng oi bức cũng khiến ông Oanh bị nổi nhiều mẩn ngứa trên người. Theo ông Oanh, nắng nóng kéo dài từ 8g sáng đến chiều đã làm thay đổi thói quen đi xe của khách. Trước đây người dân thường kêu xe ôm chạy cả ngày, còn bây giờ tiết trời oi bức người dân chỉ đi xe ôm vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhiệt độ trong hai ngày qua tiếp tục duy trì ở mức cao, đặc biệt tại trạm Tân Sơn Hòa (TP.HCM) nhiệt độ đo được tại liều khí tượng đã lên đến 380C, cao nhất kể từ đầu mùa khô và cao nhất trong vòng hai năm qua. Tại nhiều khu vực khác nhiệt độ cũng đạt mức cao, cụ thể như Đồng Phú (380C), Tây Ninh (37,80C), Trị An (37,60C), khu vực miền Tây Nam bộ có nhiệt độ cao nhất 35-360C.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, năm gần nhất TP.HCM xuất hiện nhiệt độ trên 380C là tháng 5-2010 (38,50C), nhưng liên tục trong các năm 2011 và 2012 nhiệt độ cao nhất chỉ 37,3-37,50C. Tuy nhiệt độ tại TP.HCM ở mức cao nhưng theo bà Lan, đây là hiện tượng bình thường vì Nam bộ ở giai đoạn cao điểm nhất của nắng nóng. Tuy nhiên, có một điều khác thường dễ nhận thấy là những năm trước đây, trong thời gian cao điểm nắng nóng xuất hiện nhiều mưa trái mùa hơn. Mưa trái mùa tuy không giải quyết được tình trạng nắng nóng nhưng cũng làm nền nhiệt độ giảm đôi chút. Còn liên tục nhiều tuần qua nhiều tỉnh thành tại Nam bộ, trong đó có TP.HCM, mưa trái mùa rất ít, lượng mưa không đáng kể. Điều này làm thời gian nắng nóng kéo dài hơn, cảm giác oi bức hơn.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Giám - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, gió ít, tốc độ thấp trong thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 cũng là một trong những yếu tố làm thời tiết oi bức hơn. Thời gian cao điểm nắng nóng sẽ kéo dài đến nửa tháng 4, nhiệt độ có nơi xấp xỉ 390C (nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 40,10C tại Đồng Xoài, Bình Phước năm 1987, trạm Tân Sơn Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM năm 1998 là 39,30C).
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ / TTO