Tin thế giới

Guam là căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ, được cả hải quân và không quân Mỹ sử dụng, với số lượng binh sĩ khổng lồ và những thiết bị, vũ khí hiện đại. Nó có vai trò không khác gì một "tàu sân bay khổng lồ".

'Tàu sân bay khổng lồ' của Mỹ trên Thái Bình Dương

Guam là căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ, được cả hải quân và không quân Mỹ sử dụng, với số lượng binh sĩ khổng lồ và những thiết bị, vũ khí hiện đại. Nó có vai trò không khác gì một "tàu sân bay khổng lồ".
> Mỹ triển khai tên lửa đề phòng Triều Tiên

 

Guam là căn cứ quân sự của Mỹ trên Thái Bình Dương, cách Hawaii hơn 5.000 km về phía tây, cách Philippines và Nhật Bản hơn 2.000 km về phía đông và phía nam. Guam cách Hàn Quốc và cả Triều Tiên vài giờ bay. Đây là lãnh thổ của Mỹ và có khoảng 6.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở đây. Đồ họa: Globalresearch

 

Guam là căn cứ quân sự ở tây Thái Bình Dương của Mỹ kể từ Thế chiến II, đồng thời là khoản chi đồ sộ nhất cho cơ sở hạ tầng hải quân trong nhiều thập niên. Guam chẳng khác nào một "tàu sân bay khổng lồ" của Mỹ tại tây Thái Bình Dương. Ảnh: Cnic.navy.mil

 

Mỹ đặt căn cứ hải quân tại cảng Apra ở Guam với 3 tàu ngầm lớp Los Angeles là USS City of Corpus Christi, USS Houston và USS Buffalo. Ảnh: Parsons

 

Đây cũng là "nhà" của những máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất như B-52H, B-1B, B-2A. Ngoài ra, còn có một số đơn vị máy bay chiến đấu, máy bay tiếp dầu, trực thăng. Ảnh: Popularmilitary

 

Guam là điểm đóng quân của hàng chục đơn vị hoạt động hỗ trợ cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội 7 và Hạm đội 5 của Mỹ. Căn cứ Andersen trên đảo có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động linh hoạt và đặc biệt cho Bộ Chỉ huy ở tây Thái Bình Dương và Đông Á, hỗ trợ trong cả các cuộc xung đột cục bộ lẫn tác chiến lâu dài. Ảnh: Popularmilitary

 

Các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu Mỹ xếp hàng dài tại căn cứ. Guam là nơi mà trong Thế chiến II, khoảng 1.000 chiếc B-29 cất cánh bay tới quần đảo Nhật Bản để dội bom. Cũng từ điểm này, máy bay Mỹ mang theo quả bom nguyên tử tàn phá hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8/1945. Ảnh: Popularmilitary

 

Mỹ đang có kế hoạch xây dựng một siêu căn cứ quân sự tại đây với tổng chi phí lên đến 11 tỷ USD gồm các công trình bến cho tàu sân bay năng lượng hạt nhân, hệ thống tên lửa phòng thủ, các thao trường tập huấn bắn đạn thật. Căn cứ quân sự trên đảo cũng sẽ được mở rộng. Trong ảnh là tàu chiến Mỹ USS New Jersey BB-62 cập cảng Apra. Ảnh: Militarybases

 

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Cheynne lớp 6681 tiến vào lối vào phía bắc của căn cứ hải quân ở Guam. Ảnh: Jteagueenterprises

 

Trong tương lai, Guam dự kiến sẽ có sự hiện diện của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ được di chuyển về từ căn cứ của Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản. Đồ họa: Heritage.org

 

Về mặt chiến lược, căn cứ Andersen rất quan trọng với không quân Mỹ, bởi nó cung cấp khả năng bao quát toàn vùng Đông Nam Á và nam Trung Quốc. Ngoài ra, Guam cũng nằm ngoài bán kính hoạt động của các máy bay xuất phát từ căn cứ ở khu vực châu Á, không giống như các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều nằm trong vòng "nguy hiểm". Ảnh: Popularmilitary

 

Trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua cho biết sẽ triển khai hệ thống tên lửa THAAD cũng như các máy bay đánh chặn trên mặt đất tại căn cứ quân sự ở đảo Guam, để đối phó với nguy cơ tấn công từ Triều Tiên. Ảnh: Wbez

Vũ Hà

Người Việt ở Hàn Quốc không tin có chiến tranh

 

Ở sát một căn cứ quân sự, Kim Em hằng ngày vẫn dậy từ sáng sớm chăm sóc cho trang trại nuôi chó của gia đình. Công việc bận rộn khiến chị chẳng có thời gian để theo dõi tình hình thời sự trên bán đảo Triều Tiên.
> Seoul bình thản trước đe dọa chiến tranh
> Người Hàn mưu sinh giữa đất Triều Tiên

 

Cuộc sống của người Việt và người bản địa ở Hàn Quốc vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày. Ảnh minh họa: centennial asia

Kim Em, sống ở thành phố Pyeongtaek, sang Hàn Quốc đã 7 năm, lấy chồng người bản địa và có một con trai 6 tuổi.

Người phụ nữ 27 tuổi này cho hay từ hơn một tháng nay, kể từ khi căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên leo thang lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, cuộc sống bên ngoài căn cứ không quân Osan gần nhà Kim Em không có vẻ gì khác thường.

Các khu mua sắm ngay trước cổng căn cứ vẫn nườm nượp người qua lại, các quán bar vẫn mở cửa đến khuya. Những người hàng xóm của Kim Em vẫn ngày ngày làm lụng, chăm nom gia đình.

Tuy nhiên, Kim Em không giấu giếm rằng, mình may mắn sinh ra ở Việt Nam khi chiến tranh đã đi qua nên rất sợ phải chứng kiến cảnh bom đạn. Khi đến nơi đất khách quê người, chị cũng chỉ mong được làm việc và sống yên ổn với gia đình nhỏ của mình.

"Nếu chiến tranh xảy ra, tôi cũng sẽ ở lại Hàn Quốc. Tôi sang đây lấy chồng, có chuyện gì thì cũng ở cạnh chồng con thôi. Đôi khi tôi cũng sợ nếu xảy ra điều không may, tôi sẽ không được gặp lại bố mẹ, nhưng lấy chồng rồi thì phải theo chồng", cô dâu Việt trên đất Hàn nói.

Theo Kim Em, những dọa dẫm từ Bắc Triều Tiên là "việc lớn và đã có chính quyền của Tổng thống Park Geun-Hye giải quyết". Chị cũng tin Mỹ sẽ luôn bảo vệ đồng minh Hàn Quốc nếu có chiến sự.

Kim Em không phải là người Việt duy nhất tỏ thái độ bình thản, thậm chí lạc quan khi được hỏi về khả năng xảy ra chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai.

Đang du học thạc sĩ tại trường đại học quốc gia ở thủ đô Seoul, Mai Anh, 24 tuổi, chỉ đáp gọn rằng "mình không quan tâm lắm" rồi vội vàng quay lại với bài vở. "Ở đây mọi người sinh hoạt như bình thường, tuần tới lại còn tổ chức lễ hội hoa anh đào nữa. Mình không thấy ai bàn luận về chiến tranh cả", Mai Anh nói.

Đặng Hồng, 27 tuổi, sống gần thành phố Busan, cũng cho biết tương tự.

"Ban đầu tôi cũng có chút căng thẳng nhưng những người Hàn Quốc sống quanh tôi lại trái ngược. Họ vẫn học tập và làm việc bình thường nên chẳng cớ gì tôi phải lo lắng nữa", chị nói. "Triều Tiên đã lên tiếng đe dọa chiến tranh nhiều lần nên mọi người ở đây cũng quen rồi. Mọi người không tin chiến tranh sẽ xảy ra đâu".

Chị Hồng cũng lấy chồng người bản địa và đã có ba năm sinh sống tại xứ sở kim chi, bởi vậy, Hàn Quốc đã trở thành quê hương thứ hai của chị. Chị cho hay nếu có chiến tranh xảy ra thì chị vẫn bám trụ nơi này.

Cũng theo Hồng, hiện chưa thấy sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc có thông báo gì về việc sơ tán công dân về nước, đề phòng chiến tranh. Mọi tin tức, diễn biến hàng ngày chị đều cập nhật qua báo chí và Internet.

"Nếu mà có chiến tranh thật tôi đoán Seoul sẽ là mục tiêu đầu tiên. Tôi ở Busan vẫn còn thời gian để tìm lối thoát an toàn", chị cười.

Đã có 6 năm làm việc tại một nhà máy cơ khí ở tỉnh Gyeonggi-do, anh Trường Thọ, 35 tuổi, lại có đôi chút sốt ruột muốn được trở về quê hương, nhưng không phải vì lo sợ chiến tranh mà vì "bố mẹ ở nhà giục lấy vợ".

"Bất kể ai đi xuất khẩu lao động cũng đều xác định là để kiếm tiền phụ giúp gia đình và mong muốn công việc cũng như cuộc sống bên này ổn thỏa. Tuy nhiên, tôi cũng làm việc thêm ít thời gian nữa thôi là phải trở về lập gia đình. Ở nhà bố mẹ giục hoài", anh kể.

Xung quanh nhà máy anh Thọ làm việc có khá nhiều lao động Việt Nam nhưng cũng không ai lo lắng quá nhiều về chiến tranh mà chỉ tập trung vào công việc mưu sinh.

"Thực ra bố mẹ, họ hàng ở nhà mới là người lo lắng nhiều chứ chúng tôi thì không. Đợt này tình hình Hàn Quốc - Triều Tiên căng thẳng hơn nên một tuần không thấy tôi điện về mấy lần là bố mẹ lại sốt sắng gọi điện sang ngay", anh kể. "Đôi lúc họ cũng giục tôi về vì sợ có chiến sự nhưng nghe tôi kể rõ tình hình và động viên, bố mẹ lại an tâm ngay".

Tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên, anh Đỗ Hợp, nghiên cứu sinh tại đại học Soongsil, Seoul, cho biết anh có thể sống ở đây thêm 3 năm nữa để hoàn thành việc học.

Chiến tranh hiện nay vẫn chỉ là chủ đề thi thoảng xuất hiện trong những buổi tán gẫu của các du học sinh. Anh Hợp không tin sẽ có chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai bởi "đã rất nhiều lần Bình Nhưỡng hằm hè nhưng không hề động binh rồi".

Cuộc khủng hoảng bao trùm bán đảo Triều Tiên suốt nhiều tuần qua chưa có dấu hiệu suy giảm. Hôm nay Triều Tiên lặp lại lời đe dọa tấn công bằng hạt nhân đối với Mỹ, trong khi Mỹ gia tăng phòng thủ tên lửa ở Guam, nơi có căn cứ quân sự trên Thái Bình Dương.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cảnh báo rằng mâu thuẫn trên bán đảo "đã đi quá xa" và "có thể vượt quá tầm kiểm soát. Các nước Philippines và Thái Lan công bố phương án sơ tán công dân phòng khi xảy ra chiến tranh.

Ước tính hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam tại Hàn Quốc, trong đó có trên 70.000 lao động xuất khẩu theo chương trình hợp tác với Bộ Lao động Hàn Quốc. Ngoài ra còn có các cô dâu, du học sinh, cán bộ công tác hoặc lao động khác. Trên trang Facebook của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, tin tức về các động thái mới của Triều Tiên, sự đáp trả của Hàn Quốc cũng như phản ứng của các nước liên quan được cập nhật nóng hổi hàng ngày.

Mỗi bài viết hoặc hình ảnh trên trang thu hút hàng trăm lượt like và bình luận rôm rả. Tuy nhiên, gần như không ai trong số gần 4.000 thành viên của trang tỏ ra lo sợ trước khả năng chiến tranh và đều thể hiện quyết tâm "ở lại kiếm tiền trả nợ".

Một thành viên của trang này hài hước: "Tới đâu tính tới đó. Lo hoài sao làm việc được. Nếu Triều Tiên đánh bằng bom nguyên tử thì có thể chết hết, còn nếu bằng vũ khí thông thường thì chúng ta thong thả lên Busan rồi về cũng được".

Một thành viên khác tên là Manh Lee chia sẻ: "Ba năm trước, mình đang ở Incheon. Ngày cũng như đêm, máy bay quân sự bay vèo vèo trên đầu nhưng cuối cùng cũng không đánh nhau. Mình nghĩ lần này cũng vậy".

Anh Ngọc

Theo Vnexpress