Lời nói sau cùng của gia đình bị cáo Đoàn Văn Vươn
Ông Vươn khẳng định không có ý giết người mà chỉ cảnh báo đoàn cưỡng chế. Còn ông Quý không xin gì, chỉ mong tòa giữ mức án 5-6 năm tù cho người anh Đoàn Văn Vươn như đề nghị của VKS.
> Ông Đoàn Văn Vươn bị đề nghị 5-6 năm tù /Kịch bản 'dàn trận' của bị cáo Đoàn Văn Vươn
Ngày 4/4, mở đầu phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Việt Hùng (một trong 4 người bào chữa cho ông Đoàn Văn Vươn) cho rằng quyết định thu hồi 19,3 ha đất với lý do hết thời hạn sử dụng của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Vươn là trái pháp luật. Theo ông Hùng, điều này đã được chứng minh bằng kết luận của Thủ tướng.
"Các thân chủ của tôi đã bảo vệ tài sản và nơi ở hợp pháp”, luật sư Hùng trình bày. Cùng quan điểm, luật sư Phùng Khắc Lợi cho rằng gia đình ông Vươn khi được giao đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia đã cải tạo khu đất hoang thành đầm nuôi trồng thủy sản. "Quyết định của UBND huyện Tiên Lãng khiến các bị cáo bức xúc, bàn việc chống đối", ông nói.
Luật sư Phạm Hồng Bách (bào chữa cho bà Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương) cũng cho rằng huyện đã ban hành văn bản thu hồi đất trái pháp luật. "Do vậy, lực lượng tham gia cưỡng chế hôm đó không phải đang làm nhiệm vụ", ông nói và phân tích hành vi của hai thân chủ không phạm vào tội Chống người thi hành công vụ.
Luật sư Trần Đình Triển (bảo vệ ông Vươn) đề nghị HĐXX làm rõ những vết đạn trên tường nhà bị cáo Đoàn Văn Quý do ai bắn. "Đây là tình tiết quan trọng để xác định hành vi của các bị cáo", luật sư nêu quan điểm. Ông Triển đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chuyển vụ án cho toà án quân sự xét xử vì nhiều bị hại là quân nhân.
Đối đáp với luật sư Triển, đại diện VKS cho hay khi khám nghiệm tại hiện trường không có vết đạn nào.
Công tố viên bác bỏ quan điểm các bị cáo Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ không giết người mà chỉ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. "Những người làm nhiệm vụ đều là chiến sĩ thuộc lực lượng công an và quân đội. Họ theo phân công của đơn vị", công tố viên nhấn mạnh.
Bị cáo trong phiên xử ngày 4/4. Ảnh: TTXVN |
Trước lập luận của luật sư rằng tổ công tác hôm đó vào nhầm khu vực cưỡng chế, đại diện VKS đã phủ nhận. Theo VKS, đoàn cưỡng chế phải đi qua để tiếp cận khu vực 19,3 ha của gia đình ông Vươn. "Chọn lối đi dễ nhất để thực hiện nhiệm vụ là điều dễ hiểu và tất yếu", công tố viên nói.
Khẳng định lực lượng tham gia cưỡng chế không sử dụng vũ khí để đe dọa tính mạng người khác, VKS tiếp tục cho rằng đủ cơ sở kết luận bị cáo Vươn, Quý, Vệ và Sịnh đã phạm tội Giết người.
“Hành vi giết người của các bị cáo có cả chủ quan và khách quan. Khách quan vì họ sử dụng mìn tự tạo, súng hoa cải gây thương tích cho 7 cán bộ làm nhiệm vụ. Chủ quan là việc bắn súng hoa cải khi cách đó 18 mét, hậu quả xảy ra chết người là ngoài ý muốn của các bị cáo”, VKS lập luận.
Cuối phần tranh tụng, cơ quan công tố cho biết việc Vệ không mua được súng là ngoài kế hoạch chứ bị cáo không tự chấm dứt làm việc này. Đây được xem là hành vi dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
Dù xác định có 7 bị hại trong vụ án, nhưng VKS cho rằng hậu quả chưa để lại nặng nề (dẫn đến chết người) nên chỉ cần truy tố bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Vệ về hành vi "giết người đang thi hành công vụ" mà không cần áp dụng tình tiết "giết nhiều người".
Trước đối đáp của đại diện VKS, nhiều luật sư tiếp tục nêu ý kiến. Khi công tố viên cho biết không tranh tụng nữa, câu trả lời đều đã có trong phần buộc tội, nhiều luật sư cho biết thấy hẫng hụt.
Cuối buổi chiều, trong lời nói sau cùng, ông Vươn bảo do "không còn con đường nào khác" nên buộc phải chống lại. "Anh em chúng tôi không muốn gây chết người tại mảnh đất của mình nên đã cảnh báo trước khi xảy ra vụ cưỡng chế", bị cáo 50 tuổi nói. Trước khi dừng lời, ông Vươn nêu lại quan điểm của luật sư, đề nghị được chuyển tội danh sang Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Vừa khóc vừa nói, người em kém ông Vươn 3 tuổi là bị cáo Quý không xin gì cho mình, chỉ mong tòa giữ nguyên mức án VKS đã đề nghị áp dụng cho anh trai.
Bị cáo Sịnh nói ngắn gọn rằng đồng ý với đề nghị của em trai - ông Vươn. Hai nữ bị cáo duy nhất, cũng là các bà vợ của bị cáo Vươn, Quý, trong lời nói sau cùng đề nghị tòa trả tự do cho tất cả người trong gia đình.
Nhóm phóng viên
'Hồ Kiểng ơi, anh bỏ vai diễn sao!
Lão nghệ sĩ Mạc Can bùi ngùi khi biết người bạn già qua đời. Từ một sinh viên đến vị đạo diễn kỳ cựu đều thương tiếc ông.
Từ chiều đến tối 3/4, tin Nghệ sĩ Ưu tú Hồ Kiểng mất lan truyền rất nhanh trong giới cũng như trên mạng xã hội. Với những người yêu quý ông, sự ra đi này để lại khoảng trống lớn.
Nói về Hồ Kiểng, lão nghệ sĩ Mạc Can không giấu được giọng bồi hồi. "21h tối 3/4, một phóng viên điện báo cho tôi biết Hồ Kiểng qua đời rồi, đặt tôi viết bài về ổng. Tôi nghe mà không tin nhưng vẫn phải tin vì ai lại đùa chuyện này, nhất là với một người hiền lành như ổng. Một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi: Hồ Kiểng đã thật sự bỏ vai diễn rồi. Cả đời ổng chưa bao giờ bỏ vai thì nay là lần đầu tiên, duy nhất và cuối cùng mà ông bỏ vai diễn lớn: cuộc đời mình", Mạc Can buồn bã nói.
NSƯT Hồ Kiểng. |
Tâm trạng của Mạc Can là tâm trạng chung của những người gắn bó với nghệ sĩ quá cố. Từ những đạo diễn lâu năm trong nghề như: Vinh Sơn, Lê Cung Bắc, đến những đạo diễn trẻ như Ngô Quang Hải... đều có nhiều kỷ niệm khi làm việc với Hồ Kiểng.
Lê Cung Bắc chia sẻ, khi hay Hồ Kiểng mất, trong ông ngổn ngang nhiều cảm xúc. "Về lý, mình thấy chuyện ông qua đời là khó tránh khỏi vì ông đã 87 tuổi, sức khỏe yếu từ lâu. Nhưng về cái tình, mình không muốn tin đây là sự thật. Mình vẫn mong ông sống được nhiều hơn, lâu hơn để còn gắn bó với phim ảnh!", Lê Cung Bắc nói.
Những ai từng làm việc trên phim trường với Hồ Kiểng, từng xem ông diễn xuất đều có dấu ấn sâu sắc về một nghệ sĩ chân chính. Ông đã sống một cuộc đời miệt mài, luôn giữ ngọn lửa đam mê hồn nhiên với phim ảnh.
Theo đạo diễn Lê Cung Bắc, nếu nói ngắn gọn về Hồ Kiểng trong công việc có thể dùng cụm từ "Một con người đam mê nghệ thuật vô cùng tận!". Danh hiệu kỷ lục mà ông được trao: "Diễn viên đa tài đóng được nhiều loại vai chính diện cũng như phản diện" dường như chưa đủ phác họa hết về "người nghệ sĩ lạ lùng này" (từ dùng của Mạc Can).
Ông không từ ngại bất cứ dạng vai nào, không quan tâm nhiều đến tiền bạc hay danh tiếng, miễn là có vai phù hợp.
Ông đóng góp rất nhiều cho phim truyện nhựa, phim điện ảnh của nước nhà với toàn vai phụ. Từ một vai tên đại gian ác, đến vai một ông già háo sắc, hay một vai nhân viên bảo vệ chỉ xẹt qua màn ảnh một chút. Đến với nghề diễn từ trước năm 1975, khoảng 40 năm qua, những vai diễn tiếp nối vai diễn giúp ông ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Khán giả còn nhớ hình ảnh Hồ Kiểng đóng vai ông già tàn tật trong phim Xóm cũ (Lê Cung Bắc), hay vai người cha nông dân nghèo khổ có con gái bị hãm hại trong phim Người đẹp Tây Đô (Lê Cung Bắc)...Ông có sự hóa thân tuyệt đối vào nhân vật, diễn nhẹ nhàng và tự nhiên như thể "sống là phải thở".
Việc sống hết mình cho nghề nghiệp đó khiến cả cơ thể ông từ đầu đến chân mang nhiều thương tật. Ông từng bị rắn cắn khi đóng phim Đêm săn tiền, bị té ngựa gãy xương khi đóng Rừng Xà Nu... Trong phim Những nẻo đường phù sa, ông sẵn sàng ăn con cá sống một cách ngon lành để có cảnh quay đúng yêu cầu đạo diễn. Thể trạng yếu nhưng trái tim nghệ sĩ quá lớn giúp ông duy trì được sức dẻo dai.
Vì biết diễn xuất là niềm vui lớn nhất của Hồ Kiểng, những năm gần đây, anh em đạo diễn vẫn bảo nhau có vai gì hợp thì mời Hồ Kiểng ngay. Trong phim điện ảnh Mùa hè lạnh, đạo diễn Ngô Quang Hải mời Hồ Kiểng vào vai ông già Tàu mê gái đẹp, một nhân vật được ông thể hiện khá thú vị.
Hồ Kiểng là một nghệ sĩ đa tài lắm. Thời trẻ khi sống ngoài Bắc ông từng làm họa sĩ vẽ ảnh châm biếm. Ông còn làm thơ, thích ngâm thơ, làm diễn viên kịch ở đoàn kịch Nam Bộ tại Hà Nội. Ông cũng biết sáng tác ca khúc cải lương và thích hát cải lương… |
Bộ phim Ngược sóng của đạo diễn Lê Cung Bắc có lẽ là phim truyền hình cuối cùng của Hồ Kiểng. Trong kịch bản vốn không có vai nào phù hợp với ông, nhưng Lê Cung Bắc “đẻ” thêm vai ông bảo vệ để bạn già của mình có cơ hội đến đoàn phim, tránh nỗi nhớ nghề và thấy mình vẫn còn được sống trong hoạt động nghệ thuật, được nhận tiền thù lao như anh em.
Năm 2006, Hồ Kiểng và Mạc Can được mời đóng chung trong phim U6-U7. Đạo diễn yêu cầu hai ông già diễn cảnh trèo lên một chạc ba cây cao để quay cảnh hài hước.
"Hồ Kiểng vốn bệnh tật, thương tích đầy người nhưng ổng vui vẻ nhận lời ngay. Hai đứa tui được người ta bắc thang cho leo lên cây. Khi máy quay, tui nhìn sang ổng thấy ổng mặt mày hớn hở lắm, diễn hăng say, tay chân quơ tới quơ lui rất nhiệt tình. Nhưng chỉ cần máy vừa ngừng để chuyển cảnh, là ngay lập tức ổng im phắc, chân tay bám chặt vào thân cây. Tui biết lúc đó ổng mới ngấm cái sợ sẽ bị ngã xuống dưới. Nhìn cảnh đó, tui thương ổng lắm. Ổng là vậy, hết mình cho vai diễn. Chỉ khi thoát vai ra mới nhớ mình là ai, đang ở đâu", Mạc Can bồi hồi nhớ lại.
Ngoài đời, với bạn bè, anh em đồng nghiệp, ông là một con người sống chan hòa khiến ai cũng quý, cũng thương.
Hơn 10 năm qua, Hồ Kiểng sống với một trái tim gần như là nhân tạo. Các bác sĩ dùng một thiết bị như cục pin gắn vào ngực lão nghệ sĩ. "Cục pin" này giúp tim bơm máu lên não. "Cứ hễ pin hết thì lấy ra sạc lại rồi gắn vào tiếp. Nhiều khi tôi chọc ổng là 'người rôbốt' ", Mạc Can kể.
Và "Người rôbốt" ấy là người hiền lành, tử tế, vui vẻ, không bao giờ làm phiền người khác. Dù cuộc đời có không ít phiền phức, buồn phiền, ông có thể gác lại tất cả để vui với vai diễn, vui với mọi người. Những giờ nghỉ trên phim trường, ông nói chuyện vui, chuyện hài, ngâm thơ, hát cải lương. Lê Cung Bắc còn nhớ Hồ Kiểng có thể ghép tất cả tên phim mà ông biết lại để phổ thành một bản cải lương khi hát lên rất hài hước. (Xem clip: Hồ Kiểng đọc thơ về các loài hoa)
"Sự ra đi của Hồ Kiểng là mất mát của điện ảnh nước nhà, bởi thời nay, tìm được một diễn viên chuyên đóng vai phụ yêu nghề như ông là hiếm", Lê Cung Bắc nói.
Mạc Can bùi ngùi nói: "Cách đây vài ngày, tui còn ngồi bên ổng để tham dự buổi ghi hình của một đài truyền hình. Lúc đó, ổng bế cháu ra để mọi người quay phim… Rồi khi người ta hỏi ổng về chuyện riêng tư gì đó thì ổng bật khóc, làm tui ngồi bên cạnh cũng phải mếu máo theo. Buổi này chưa quay xong, đoàn phim hẹn là sẽ quay tiếp cảnh ông Hồ Kiểng trên đường phố. Nhưng giờ điều đó là không thể thực hiện rồi. Hồ Kiểng đã bỏ vai thật rồi!".
Thoại Hà
Hàng loạt thí sinh gian lận trong kỳ thi học sinh giỏi
Gần 60 thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở Thanh Hóa bị phát hiện có dấu hiệu đánh dấu bài, nhiều em bị kỷ luật vì đánh dấu bài tập thể.
Hội đồng thi học sinh giỏi tỉnh Thanh Hóa vừa cho biết, trong quá trình làm phách và chấm thi, Hội đồng đã phát hiện 58 bài thi ở các môn Toán, Văn, Vật lý, Giáo dục công dân (bậc THPT) và 2 môn Văn, Lịch sử (bậc THCS) có dấu hiệu đánh dấu bài và đánh dấu bài tập thể.
Cụ thể, ở khối lớp 12, Hội đồng thi phát hiện 25 bài môn Văn, 10 bài môn Vật lý, 5 bài môn Toán và 8 bài môn Giáo dục công dân có dấu hiệu đánh dấu bài. Tại khối thi dành cho bậc THCS, có 6 bài môn Văn của thí sinh huyện Thiệu Hóa, 1 bài môn Lịch sử của học sinh huyện Quan Hóa có dấu hiệu đánh dấu bài.
Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, một trong những trường có nhiều thí sinh bị phát hiện đánh dấu bài. Ảnh: Lê Hoàng. |
Theo kết quả công bố cuối cùng ngày 27/3, Hội đồng thi đã quyết định hủy toàn bộ 58 bài thi gian lận này. Đặc biệt, Hội đồng thi học sinh giỏi của Sở Giáo dục Thanh Hóa đã kỷ luật 8 nhóm thí sinh thuộc các trường THPT và Phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa vì có hành vi đánh dấu bài theo nhóm và đánh dấu bài tập thể.
Bà Bùi Thị Báu, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục Thanh Hóa cho biết, các nhóm thí sinh trên đều có kiểu đánh dấu bài trùng khớp nhau. Như 11 thí sinh THPT Hàm Rồng đều có chung kiểu đánh dấu bài là sau phần bài làm, các em đồng loạt ghi tên môn thi là N.Văn (Ngữ Văn). Hay cả 5 thí sinh THPT Thạch Thành 1 đều có chung một ký hiệu là các câu trong bài thi đều được ghi bằng chữ "Câu Một, Câu Hai", chứ không ghi là "Câu 1, Câu 2" như thông thường.
"Việc viết như trên ở tất cả các em không thể là trùng hợp ngẫu nhiên mà chính là dấu hiệu đánh dấu bài thi rất rõ ràng. Thậm chí, đây chính là hình thức đánh dấu bài tập thể", bà Báu nói và cho biết thêm trong số 58 bài thi lần này có một số bài rất tốt. Nếu không vướng vào nghi vấn gian lận thì thí sinh hoàn toàn có khả năng giành giải cao.
Cũng theo bà Báu, những năm gần đây, Sở Giáo dục Thanh Hóa đã xử lý một số trường hợp đánh dấu bài thi, kể cả trong kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi vào đội tuyển Quốc gia vừa được tổ chức tháng 10/2012, nhưng việc xử lý chỉ dừng lại ở mức hủy bài.
Ngày 4/4, trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Văn Hoa, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, vụ việc nêu trên khá nghiêm trọng nên Sở đã có công văn chỉ đạo các trường, Phòng Giáo dục yêu cầu thí sinh bị hủy kết quả thi do đánh dấu bài làm tường trình. Nếu phát hiện có sự tổ chức đánh dấu bài thì phải báo cáo về Sở để xử lý.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh được Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức vào ngày 15/3. Có 16 cụm thi được bố trí ở các huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh.
Lê Hoàng
Theo Vnexpress