Tin tổng hợp quốc tế

Khoảng 6.000 phụ nữ cô độc từ khắp Ấn Độ tới một thành phố để sống và không ai có thể giải thích tại sao họ chọn nơi này.

 

Thành phố của những phụ nữ bị ruồng bỏ

Khoảng 6.000 phụ nữ cô độc từ khắp Ấn Độ tới một thành phố để sống và không ai có thể giải thích tại sao họ chọn nơi này.

Hai phụ nữ neo đơn tại thành phố Vrindavan, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: 123rf.com.
Hai phụ nữ neo đơn tại thành phố Vrindavan, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh:123rf.com.

Thành phố Vrindavan (bang Uttar Pradesh) nằm bên bờ sông Yamuna là nơi có mối liên hệ chặt chẽ với thánh Krishna. Tại thành phố với nhiều ngôi đền cổ này, thánh Krishna luôn được mọi người nhắc tới. Theo thiên sử thi Mahabharata, Krishna chào đời ở khu rừng gần đó. Chàng thanh niên Krishna đã trêu đùa cô gái chăn dê xinh đẹp và thánh thiện Radha. Đến giờ, chuyện tình của họ vẫn được hầu hết tín đồ Hindu ghi nhớ.

Radha và Krishna, hai cái tên luôn đi liền nhau trong tâm thức của mỗi khách hành hương mỗi khi họ tới thành phố này để dạo quanh những ngôi đền và những bờ sông có bậc dẫn xuống nước.

Nhưng Vrindavan lại là một nơi tối tăm hơn và không có tình yêu. Nó được mệnh danh là “Thành phố của những góa phụ”. Theo BBC, khoảng 6.000 góa phụ đang sống ở Vrindavan, song nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng con số đó lên tới 22.000.

Nếu dành chút thời gian quan sát những người hành hương đến rồi rời khỏi những ngôi đền ở đây, bạn sẽ bắt gặp những góa phụ. Họ thường là những phụ nữ lớn tuổi, khoác bộ đồ trắng và xin ăn.

Những góa phụ ở Ấn Độ tuy không còn phải tự nhảy vào giàn hỏa thiêu xác chồng như trước nhưng cuộc sống của họ vẫn còn rất khó khăn. Nhiều góa phụ bị coi là điểm gở và nên người dân kỳ thị, xa lánh họ. Một số bị gia đình chồng đuổi vì nhà chồng không muốn phân chia tài sản thừa kế cho họ.

Không ai có thể giải thích tại sao thành phố đặc biệt này lại thu hút nhiều góa phụ từ khắp đất nước Ấn Độ đến vậy. Phần lớn trong số họ tới từ bang Bengal. Họ đã vượt hơn 1.600 km tới đây, bỏ lại bạn bè và con cháu.

Một số phụ nữ là những khách hành hương thực sự. Họ tới để cống hiến những năm còn lại của cuộc đời cho thánh Radha/Krishna. Tuy nhiên, nhiều người khác tới đây với mong muốn thoát khỏi sự kỳ thị của gia đình hoặc do bị con dâu hay con rể đuổi khỏi nhà như những thứ vô dụng.

Trong sân một ngôi đền nhỏ, một số góa phụ ngồi bắt chéo chân và kể những câu chuyện của họ.

Saif Ali Das trông già hơn nhiều so với tuổi 60. Bước đi của bà nghiêng ngả. Chồng bà là một người nghiện rượu và đã mất cách đây 12 năm sau một cú ngã.

Bà có một người con gái chết trong bệnh viện và một con trai đã bị giết trong một vụ tranh chấp đất đai. Sau cái chết của con trai, Saif hoàn toàn cô độc và bà đã tới nơi này vì mọi người nói đây là một nơi an toàn.

Sondi là một góa phụ 80 tuổi. Chồng bà mất khi bà còn trẻ. Bà phải tự nuôi bốn đứa con. Nhưng rồi chính người con dâu của bà đã đuổi bà ra khỏi nhà và nói rằng chỉ chồng cô ta mới có thể cai quản gia đình. Cô con dâu còn nói thêm rằng, bởi vì bà không có chồng nên bà sẽ phải tự chăm sóc bản thân.

Gauri Dasi rời vùng biên giới giữa Bengal với Bangladesh do những căng thẳng trong khu vực xảy ra năm 1971. Bà tới Vrindavan cùng chồng và ba người con gái. Sau đó, chồng bà bỏ rơi bốn mẹ con và những người con của bà đều kết hôn khi họ mới 10 tuổi. Dasi vẫn sống một mình ở Vrindavan trong 15 năm qua và dành trọn thời gian cho thánh Radha.

Bà nhận được vài đồng xu cho những bài hát cầu nguyện trong những ngôi đền. Người phụ nữ cô độc này trở thành một trong hàng triệu người dân Ấn Độ từ bỏ thế giới bên ngoài một cách miễn cưỡng để theo con đường tâm linh. Tuy nhiên, trường hợp của bà là miễn cưỡng.

Đây là một thực trạng hiếm thấy trong xã hội Ấn Độ. Có thể chính phủ Ấn Độ không muốn các nước khác biết thực trạng ấy dù họ đã nỗ lực giải quyết vấn đề.

Nhà chức trách đã xây dựng bốn khu dân cư tách biệt cho những góa phụ. Tuy nhiên, nhiều người phải trả tiền để ở. Một số cho biết những người dân địa phương đối xử với họ khá thô bạo.

Maitri, một tổ chức phi chính phủ ở Delhi, cung cấp thực phẩm và chỗ ở cho hầu hết góa phụ. Chính phủ và khách hành hương có thể giúp họ không bị đói khát nhưng không có khả năng dập tắt sự bất công và những hủ tục lâu đời ở Bengal. Đối với một số người dân ở đây, ngay cả việc nhìn một góa phụ cũng bị coi là điều cực kỳ xui xẻo.

Đoàn Hạnh (theo BBC)

 

Cháy trường học ở Myanmar làm 13 người thiệt mạng

Sáng nay, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại một trường học Hồi giáo ở Myanmar khiến 13 học sinh thiệt mạng.

Ngay sau khi vụ cháy ở Yangon xảy ra, đám đông dân chúng đã tập trung yêu cầu chính quyền phải có câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn chết người này. Chính quyền địa phương kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, ngay lập tức gửi lực lượng cứu hộ đến hiện trường và hứa sẽ thành lập một ủy ban điều tra, bao gồm các nhà lãnh đạo người Hồi giáo để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

"Vụ cháy tại trường học hồi giáo ở trung tâm Yangon làm 13 người thiệt mạng, chủ yếu là trẻ em. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân là do chập điện", một sĩ quan cảnh sát có mặt tại hiện trường cho biết.

Lực lượng cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ cháy
Lực lượng cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ cháy. Ảnh: AFP

Theo phát ngôn viên chính phủ Ye Htut, bên trong tòa nhà bị cháy có một đền thờ Hồi giáo và một trường học. Tại thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, hàng chục trẻ em đang ngủ và các cửa ra vào tòa nhà bị khóa trái. Điều này đã cản trở các nạn nhân thoát ra ngoài.

Trên trang facebook cá nhân, Ye Htut viết: "Đừng tin những lời đồn trên internet rằng đây là một vụ xung đột tôn giáo".

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo Hồi giáo đã tỏ ý nghi ngờ, cho rằng đám cháy trên là có chủ đích bởi nhiều giáo viên và học sinh cho biết trong lúc chạy thoát khỏi hiện trường vụ cháy, họ đã trượt chân do trên sàn nhà có vết dầu.

"Vết dầu trên sàn có mùi như xăng hay dầu diesel", Shine Win, nhà lãnh đạo người Hồi giáo, đang kêu gọi chính phủ "tiết lộ sự thật", nói. Một học sinh thoát chết trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng trả lời phỏng vấn của AFP, cho biết chân tay và quần áo của em đã bị bẩn do vết dầu mỡ.

Người Hồi giáo cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn vào sáng 2/4. Ảnh:AFP
Người Hồi giáo cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn vào sáng 2/4. Ảnh: AFP

"Khi bước chân vào vết dầu, cháu trượt chân và ngã luôn. Nhưng lúc đó lửa rất to, cháu không kịp định hình chất lỏng đó là gì?", cậu bé cho hay.

Theo phát ngôn viên AFP, vụ hỏa hoạn để lại phía ngoài tòa nhà những vệt cháy sém lớn. Ba xe quân sự chở các binh sĩ đã đến hiện trường ngay sau đó để giữ gìn trật tự.

Vụ hỏa hoạn xảy ra trong bối cảnh căng thẳng xã hội gia tăng, sau khi một vụ đụng độ giữa những người theo đạo Hồi và các tín đồ đạo Phật ở miền trung Myanmar khiến ít nhất 43 người thiệt mạng hồi tuần trước. Nhiều nhà thờ Hồi giáo và nhà dân bị phóng hỏa tại khắp các thị trấn ở trung tâm Myanmar.

Chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm tại một số khu vực. Tuy nhiên, khu vực Yangon vẫn yên ả.

Hàng loạt vụ xung đột liên tiếp xảy ra ở Myanmar đã đặt ra một thách thức lớn cho tổng thống Thein Sein, người đã dành được nhiều lời ngợi khen vì những nỗ lực cải cách kể từ khi nhậm chức cách đây hai năm.

Tình hình đã lắng xuống trong những ngày gần đây, sau khi hồi tuần trước một vị tướng tuyên bố sẽ có những phản ứng cứng rắn hơn với vấn đề bạo lực, mà theo ông là do "các cơ hội chính trị và cực đoan tôn giáo".

Hải Hà (theo AFP)

 

Trung Quốc 'soi' tiêm kích Su-30 của Việt Nam

Những ngày qua, các trang tin quân sự của Trung Quốc đồng loạt đăng lại chùm ảnh của VnExpress.net về máy bay Su-30MK2 của Việt Nam tập luyện chiến đấu, tỏ rõ sự quan tâm cao.
Máy bay hiện đại nhất Việt Nam luyện tập chiến đấu

Máy bay tiêm kích đa năng Su-30 của Việt Nam tập luyện. Ảnh: Hoàng Hà

Các trang quân sự của Xinhua, Global Times, China Daily, Sina... đăng tải hình ảnh của máy bay chiến đấu hiện đại nhất Việt Nam tập luyện với tiêu đề "Chiến đấu cơ Su-30 mẫu mới đến Việt Nam, các phi công bận rộn tập luyện", "Việt Nam tăng cường huấn luyện phi công cho máy bay mới Su-30MK2"... Các báo nhỏ lần lượt dẫn lại từ các nguồn báo lớn kể trên.

Nội dung chính mà các báo này tập trung đưa là: sau khi đợt máy bay chiến đấu Su-30MK2V được chuyển đến, không quân Việt Nam tăng cường đào tạo cho các phi công, để nâng cao năng lực tác chiến.

Máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 do Nga sản xuất và là chiến đấu cơ hiện đại nhất Việt Nam. Su-30 MK2 được phát triển trên nền tảng dòng Su-27 với nhiều tính năng ưu việt hơn.

Đặc điểm của Su-30MK2 là làm nhiệm vụ tập kích đường không để chế áp và làm tê liệt hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin tình báo đối phương. Ngoài ra, Su-30MK2 có thể ngăn chặn lực lượng tiếp viện chiến đấu của đối phương tiếp cận hoặc tập hợp lực lượng phản công.

Các báo không bình luận nhiều, nhưng chùm ảnh được đặt ở vị trí nổi bật của các trang khá lâu. Các trang quân sự kể trên của Trung Quốc có nhiều lượt người truy cập mỗi ngày, thường đăng tin quân sự quan trọng và các loại vũ khí tối tân trên thế giới và khu vực.

Các phi công điều khiển máy bay Su-30. Ảnh: Hoàng Hà

Vũ Hà

Theo Vnexpress