Giáo hoàng Francis lên ngôi
Giáo hoàng Francis nhận chiếc nhẫn và chiếc khăn lông cừu tượng trưng cho quyền lực của người đứng đầu Giáo hội Công giáo trước sự chứng kiến của hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới và hàng nghìn giáo dân tại Quảng trường St. Peter, Vatican.
Giáo hoàng Francis bước đến bàn thờ trong lễ lên ngôi. Ảnh: AFP |
Giáo hoàng Francis mặc áo chùng trắng, xuất hiện trong chiếc xe trắng mui trần, vẫy tay và mỉm cười với các giáo dân tại quảng trường St. Peter, trước khi tham dự lễ Thánh lễ vào 9h30 sáng 19/3 giờ địa phương (tức 15h30 giờ Hà Nội). Giáo hoàng dừng lại để hôn một em bé và ra khỏi xe để ban phước cho một người đàn ông khuyết tật.
Các cận vệ đi theo hai bên thành xe. Ngài vẫy tay chào hỏi giáo dân trong niềm hân hoan của các tín đồ, giữa tiếng nhạc chuông ngân nga vang vọng trên quảng trường và ánh nắng nhẹ.
Sau đó Giáo hoàng đến quỳ trước mộ Thánh Peter, Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Francis nhận chiếc nhẫn biểu tượng của quyền lực của Giáo hoàng từ Hồng y Angelo Sodano, người đứng đầu Hồng y đoàn, cùng dải khăn lông cừu, tượng trưng cho vai trò dẫn dắt các con chiên của Giáo hoàng.
Trên nhẫn có khắc hình thánh Peter râu ria rậm rạp tay cầm một đôi chìa khóa - thể hiện giây phút ngài có được chìa khóa mở cửa thiên đường. Trước kia nhẫn vừa là biểu tượng vừa là con dấu của giáo hoàng, nhưng thời nay các giáo hoàng có con dấu riêng để đóng lên các tài liệu.
Tân Giáo hoàng có bài giảng đạo dài bằng tiếng Italy, bày tỏ lòng cảm tạ Chúa và chào đón các Hồng y, tu sĩ và giáo dân. Rất trùng hợp, ngày lễ đăng quang của Giáo hoàng Francis lại là ngày mang tên người tiền nhiệm là Giáo hoàng Benedict XVI.
"Với Giáo hoàng Francis, Giáo hội sẽ đến gần với giáo dân hơn", linh mục Rodrigo Grajales 31 tuổi người Colombia, có mặt tại quảng trường, nói.
Cùng lúc, những đám đông khổng lồ các giáo dân tập trung bên ngoài nhà thờ lớn ở Buenos Aires vừa xem truyền hình trực tiếp vừa nhảy múa hát ca. Học sinh các trường dòng ngân nga những câu khẩu hiệu ca ngợi Giáo hoàng Francis trong khi các thầy tu và các sơ vẫy cờ Vatican.
"Giáo hoàng đã thức tỉnh những tình cảm sâu đậm trong tôi, không chỉ bởi ngài là người Argentina mà bởi sự nồng hậu của ngài. Là một người Công giáo, niềm tin của tôi đã được tiếp thêm sức mạnh", Celia Farias, 33 tuổi, nói.
Sau đó, Giáo hoàng làm lễ ban thánh thể. Ông bẻ và ăn bánh thánh rồi phát cho những người xung quanh. Các tu sĩ tiến về phía đám đông phát bánh thánh cho các giáo dân. Cuối cùng, Giáo hoàng thứ 266 đọc lời cầu nguyện và kết thúc buổi lễ đăng quang lịch sử.
Ảnh: Lễ nhậm chức của Giáo hoàng Francis |
Video: Giáo hoàng trong lễ lên ngôi |
Hàng trăm lãnh đạo thế giới và lãnh đạo tôn giáo có mặt tại Vatican tham dự lễ nhậm chức của Giáo hoàng Francis tại Quảng trường St. Peter. Đây sẽ là nơi Giáo hoàng người Mỹ Latin đầu tiên nhận biểu tượng chính thức cho quyền lực của người lãnh đạo 1,2 tỷ giáo dân Công giáo.
Hàng trăm nghìn người dự kiến tụ tập tại quảng trường và các con phố để chứng kiến giờ phút người đứng đầu giáo hội lên ngôi. Lễ đăng quang dự kiến diễn ra trong hai giờ đồng hồ.
Đại diện các chính phủ, tổ chức, tôn giáo đã tề tựu đông đủ tại hàng ghế phía trước tại quảng trường. Đông đảo giáo dân trên quảng trường vẫy vô số lá cờ, cờ của giáo hội, của các nước như Italy, Argentina. Giáo hoàng Francis là con của một gia đình di dân từ Italy sang Argentina và ngài là người Mỹ Latin đầu tiên đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã.
Vatican thắt chặt an ninh cho Thánh lễ đầu tiên của Giáo hoàng, với 3.000 nhân viên an ninh, kể cả các tay thiện xạ ẩn mình trên các nóc nhà, cũng như đội chuyên gia bom mìn. Ba lều của Chữ Thập đỏ được dựng lên quanh quảng trường.
Tại bàn thờ phía trước Vương cung thánh đường, Giáo hoàng sẽ được dâng áo bào, và sau đó dâng nhẫn, cùng một cuốn kinh thánh. Kế đó, 6 vị hồng y đại diện cho giáo đoàn thề trung thành với Giáo hoàng.
Tại buổi lễ, 250 vị giám mục và tổng giám mục được bố trí ngồi bên trái bàn thờ, cùng các chức sắc của các giáo hội thiên chúa khác. Hơn 130 quan khách từ các đoàn ngoại giao được ngồi phía bên phải bàn thờ. Phía sau họ là đại diện của các tôn giáo gồm Do Thái giáo, Hồi giáo và nhiều tôn giáo khác. Kế đó nữa là 1.200 thầy tu.
Tân giáo hoàng sẽ phát biểu và thuyết giảng bằng tiếng Italy, trong khi thánh ca được cất lên bằng tiếng Hy Lạp. Trong các phần khác của lễ mixa hôm nay, ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Latinh.
Giáo dân vui mừng hò reo khi Giáo hoàng tiến đến trên chiếc xe dành riêng cho ngài, tại quảng trường thánh Peter trước giờ Thánh lễ. Ảnh: AFP |
Trọng Giáp
Đại sứ Italy bị cấm rời Ấn Độ
Tức giận vì Italy không đảm bảo cam kết trao hai lính thủy đánh bộ đang bị cáo buộc sát nhân ở Ấn Độ, Toàn án tối cao ở New Delhi ra lệnh cấm đại sứ Italy rời Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ còn hoãn việc điều đại sứ mới Basant Kumar Gupta sang Rome nhận nhiệm vụ, đồng thời xem xét lại mối quan hệ với Italy trong các mặt ngoại giao, thương mại và quốc phòng.
Đại sứ Italy tại Ấn Độ Daniele Mancini. Ảnh: PTI |
Nguồn cơn của căng thẳng này xuất phát từ việc hai lính thủy đánh bộ Italy bắn chết hai ngư dân Ấn Độ hồi năm ngoái. Vụ việc xảy ra ở ngoài khơi phía tây nam Ấn Độ khi tàu đánh cá tiến sát một tàu chở dầu của Italy mà họ có nhiệm vụ đi bảo vệ. Hai lính thủy nói rằng họ nhầm tưởng những người đánh cá là cướp biển.
Hai binh sĩ Massimiliana Lattore và Salvatore Girone, đang bị buộc tội giết hại hai ngư phủ Ấn Độ, được Tòa tối cao cho phép trở về Italy từ ngày 22/2 để tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử. Họ phải quay lại Ấn Độ trong vòng 4 tuần kể từ đó.
Italy đòi hai lính thủy đó phải được xét xử tại nước mình vì vụ xả súng đó liên quan đến tàu có treo quốc kỳ Italy và xảy ra trên hải phận quốc tế. Tuy nhiên, Ấn Độ nói rằng vụ án xảy ra trong vùng biển thuộc quyền tài phán của mình.
Nay khi Italy, thông qua đại sứ, thông báo cho tòa án biết rằng họ từ chối lời bảo đảm trao hai lính thủy đánh bộ cho phía Ấn Độ, tòa án tối cao Ấn ra lệnh cấm đại sứ Italy rời đất nước Nam Á. Tất cả các cửa khẩu của Ấn Độ được báo động phải chặn không cho đại sứ Italy rời đi. Quan chức chính phủ cho biết quyết định này sẽ được Bộ Nội vụ thực hiện.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết: “Toàn bộ các cuộc tiếp xúc của chúng tôi” với Italy đang được xem xét lại. Ông nói Italy phải “tôn trọng và thực thi” những thỏa thuận giữa họ với Tòa án tối cao Ấn Độ. Tòa cho rằng ông đại sứ không được rời đi cho đến ngày 2/4, khi phiên xử các binh sĩ được nối lại.
Đáp lại, Italy tuyên bố không ai có quyền ngăn cản sự đi lại của viên đại sứ vì những việc làm như vậy sẽ vi phạm luật miễn trừ ngoại giao của Công ước Vienna.
Phạm Ngọc Uyển (Times of India, Economic Times)
Nhật tuyển binh sĩ bằng áp phích phim
Quân đội Nhật Bản sử dụng hình ảnh của các nhân vật trong bộ phim nổi tiếng một thời của Anh là "Thunderbirds" để khuyến khích các công dân nộp đơn tòng quân.
Áp phích tuyển quân của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản với những hình ảnh lấy từ bộ phim Thunderbirds. Ảnh: Telegraph |
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay một loạt áp phích đang được phát hành sẽ nhấn mạnh những nét tương đồng giữa nhiệm vụ của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (SDF) và Tổ chức Cứu trợ Quốc tế (IRO), một tổ chức hư cấu, chuyên giải cứu những người gặp khó khăn hay nguy hiểm trong bộ phim Thunderbirds.
"Đây chỉ là một phần trong kế hoạch tuyển quân lớn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng sự kết hợp này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên", Telegraph dẫn lời ông nói. "Chúng tôi nghĩ rằng SDF và IRO có nhiều điểm chung".
Một trong những áp phích tuyển quân của SDF cho thấy hình ảnh 5 người con trai của Jeff Tracy, phi công dẫn dắt phi thuyền Thunderbirds, trong đồng phục màu xanh, đội mũ. Hoàng tử Pickles, một nhân vật hoạt hình dễ thương từng được SDF sử dụng trong các chiến dịch trước đây, cũng có mặt trên áp phích trong ba bộ quân phục đại diện cho phi công, binh sĩ và thủy thủ.
Nổi bật trên nền áp phích là dòng chữ màu đỏ "Hãy tham gia Lực lượng Tự vệ và giúp đỡ dân chúng!".
Số lượng áp phích mà lực lượng vũ trang sử dụng để thu hút các công dân không được công bố. Tuy nhiên, cảnh sát biển Nhật Bản cho hay gần đây số người nộp đơn tham gia hàng ngũ của lực lượng này tăng vọt, khi các phương tiện truyền thông thường xuyên cập nhật hoạt động đối phó với các tàu Trung Quốc có ý định tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Quần đảo không người sinh sống ở biển Hoa Đông do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Thunderbirds lần đầu tiên phát sóng ở Anh năm 1965 và dài 32 tập, gây ấn tượng bằng công nghệ làm phim bằng con rối. Bộ phim cũng rất được yêu thích ở Nhật Bản. Nhiều nhà sưu tập hiện nay vẫn săn lùng các mẫu nhân vật và sản phẩm liên quan của bộ phim này.
Nhân Mã
Vnexpress