Tin Tổng hợp

"Tôi đồng tình với việc cắt giảm chương trình phổ thông, nhưng sẽ rất sai lầm nếu ta làm quá dễ. Cái khó, cái hóc búa làm trẻ em thích học hơn, dễ quá thì thành đơn điệu, tẻ nhạt", GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

 

'Rất sai lầm nếu chương trình học quá dễ'

"Tôi đồng tình với việc cắt giảm chương trình phổ thông, nhưng sẽ rất sai lầm nếu ta làm quá dễ. Cái khó, cái hóc búa làm trẻ em thích học hơn, dễ quá thì thành đơn điệu, tẻ nhạt", GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.
GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam dạy phương pháp học tập

- Chiều 13/3, giáo sư sẽ chia sẻ với sinh viên về phương pháp học tập. Trong hai yếu tố gia đình và nhà trường, cái nào ảnh hưởng nhiều nhất đến phương pháp học tập của giáo sư?

Đối với tôi, gia đình, những người thân, đặc biệt là cách suy nghĩ, ứng xử của họ có ảnh hưởng rất lớn. Trong quá trình hình thành nhân cách của một đứa trẻ, có nhiều điều phức tạp, như mảng hành vi, cách người ta giao tiếp với xã hội, cách đi lại, nói năng, xử sự lịch sự, lễ phép, tôn trọng người khác... Điều này nhà trường chỉ có thể làm được một phần nào đó, cái chính là cha mẹ để lại cho con.

Ngày còn học ở trường Thực nghiệm, tôi không yêu toán mà thích vẽ hơn. Tôi và một số bạn bè học cùng lớp đã vô cùng hạnh phúc khi vẽ bánh xe. Tôi từng thi trượt vào lớp chuyên toán, lúc đấy tôi khó chịu lắm. May mắn có thầy Tôn Thân và những học trò của bố giúp, tôi mới có điều kiện tiếp xúc với những bài toán khó và tôi thấy mình yêu toán hơn.

Hiện tại, người ta cứ nghĩ là cần làm nhẹ chương trình học phổ thông vì nặng quá. Tôi đồng tình nhưng rất sai lầm nếu ta làm quá dễ. Cái khó, cái hóc búa làm trẻ em thích học hơn, tạo điều kiện cho học sinh chứng tỏ mình. Nếu dễ quá thì thành đơn điệu, tẻ nhạt, chẳng có cách gì tạo đam mê cho học sinh.

"Những gì mình nói, mình viết phải diễn đạt một cách mạch lạc nhất, không dùng sáo từ, không dùng từ thừa", GS Ngô Bảo Châu nói. Ảnh: Hoàng Thùy.

- Đã học ở nhiều ngôi trường danh tiếng cả trong và ngoài nước, vậy ai là người mà giáo sư chịu ảnh hưởng nhiều nhất về phương pháp học tập?

- Nếu nói một người có ảnh hưởng lớn nhất với tôi về mặt khoa học là thầy giáo người Pháp Gérard Laumon, người đã hướng dẫn tôi làm luận án. Thầy không có nhiều học sinh, số lượng học sinh cũ dưới 10 người, nhưng có 2 người được giải thưởng Fields. Tôi không rõ thầy sắp xếp thời gian như thế nào, nhưng mỗi lần tôi gọi thầy thường nói chuyện cả tiếng, cảm giác như lúc nào thầy cũng có thời gian. Dù chúng tôi đã trưởng thành, thầy vẫn duy trì thói quen mỗi tháng một lần gọi điện thoại cho từng người, hỏi thăm về cuộc sống và lên dây cót tinh thần cho chúng tôi.

- Là giáo sư của ĐH Chicago, cũng là Giám đốc khoa học của Viện Toán cao cấp, lịch làm việc của ông ở Viện Toán được sắp xếp như thế nào?

 

     
Viện được thành lập năm 2011 nhưng mới thực sự đi vào hoạt động năm 2012. Mặc dù còn non trẻ nhưng Viện may mắn có những người làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, công việc tương đối trơn tru khiến những vị khách trong nước và quốc tế đến với Viện đều ngạc nhiên và vui mừng. Bản thân tôi cũng rất hài lòng khi vào Viện thấy các bạn trẻ làm khoa học, nghiên cứu hăng say. Đó là phần thưởng lớn cho những cố gắng trước đây của tôi. Bởi như các bạn biết, để thành lập Viện không phải dễ dù chủ trương được ủng hộ, hơn nữa cơ sở ban đầu khó khăn.

 

Công việc của tôi ở Viện có 2 mảng: chuyên môn và điều hành. Về chuyên môn, tôi trở về Việt Nam làm việc vào 3 tháng hè. Tôi tổ chức một lớp học cho sinh viên năm cuối và nghiên cứu sinh. Năm ngoái có khoảng 20 em đến từ khoa toán của các trường đại học trên cả nước, 5-7 em là nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Các em học cùng nhau, có hôm tôi giảng bài, hoặc giao bài cho các em tự đọc, buổi chiều các em sẽ làm việc theo nhóm. Việc sinh hoạt khoa học này rất vui, và năm nay tôi sẽ tiếp tục tổ chức như vậy, đương nhiên là với đề tài khác.

Còn việc điều hành Viện đều do anh Lê Tuấn Hoa làm, tôi không tham gia nhiều. Viện không có biên chế vĩnh viễn nên các nhà khoa học chỉ làm việc ở Viện một thời gian ngắn. Hàng năm, ngày 15/3 là hạn chót để các nhà khoa học ở Việt Nam và nước ngoài làm đơn đến Viện làm việc. Họ cần làm hồ sơ, nêu rõ kế hoạch làm việc, đề nghị Viện mời giáo sư nước ngoài nào cùng nghiên cứu... Hội đồng khoa học gồm 15 người này sẽ thảo luận, loại ra những hồ sơ yếu, chọn hồ sơ tốt. Tôi là chủ tịch hội đồng khoa học, là người quyết định cuối cùng. Ngoài ra, tôi cũng chủ động mời một số chuyên gia ở nước ngoài, khuyến khích họ, tập hợp lại để cùng làm việc tại Viện.

- Hiện nay Việt Nam đang có nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về nước làm việc, nhưng để đảm bảo mức lương như ở nước ngoài thì không thể lo nổi. Ông đánh giá thế nào về mối liên hệ giữa lương và việc về nước làm việc của các nhà khoa học?

- Cách đây một vài năm có một khảo sát trên mạng rất hay hỏi ý kiến những người đang làm nghiên cứu ở Mỹ. Câu hỏi đặt ra là "Yếu tố gì là quan trọng nhất trong việc quay về Việt Nam?". Thu nhập cũng là một yếu tố được nhắc đến, nhưng kết quả khảo sát thì nó đứng vị trí thứ ba. Yếu tố đầu tiên mọi người quan tâm là môi trường làm việc, thứ hai là khả năng thăng tiến trong công việc. Tôi nghĩ điều này phản ánh đúng tâm tư của các bạn trẻ, bởi khi chưa có gia đình, con cái thì vấn đề thu nhập chưa quan trọng lắm. Đương nhiên là không thể sống nghèo khổ nhưng họ không nhất thiết đòi hỏi cuộc sống giàu sang.

Theo tôi, điều mà các nhà khoa học cần là điều kiện làm việc, là sự lao động chân chính trong lĩnh vực họ mong muốn, được tự do làm nghiên cứu chứ không mất thời gian vào những việc khác. Thực tế một số bạn bè tôi, họ có về Việt Nam làm việc nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì bị cuốn vào những guồng máy, điều kiện trong môi trường hiện tại. Thời gian họ tập trung làm nghiên cứu khoa học rất ít mà mất nhiều thời gian cho những việc đáng ra không cần, nhưng cuộc sống buộc họ phải như vậy.

- Là người nghiên cứu về toán nhưng từng viết sách và rất chăm chút khi sử dụng câu từ, ông đánh giá thế nào về việc Bộ GD&ĐT cho thí sinh dự thi vào 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật không phải thi môn Văn?

- Tôi chưa rõ lắm về quyết định của Bộ nên nếu suy luận có thể hồ đồ. Tôi nghĩ rằng tất cả người làm khoa học và nghệ thuật, việc chăm chút câu từ là vô cùng quan trọng. Những gì mình nói, viết ra phải tự đặt chuẩn để nỗ lực diễn đạt một cách mạch lạc nhất, không dùng sáo từ, không dùng từ thừa. Điều đó không chỉ tôn trọng bạn đọc, người đối thoại mà còn thể hiện sự tôn trọng chính mình.

Việc lựa chọn câu từ thích hợp, diễn đạt mạch lạc sẽ làm cho tư duy sáng sủa hơn. Ngôn ngữ quyết định suy nghĩ của mình và những người tự bằng lòng với cách diễn đạt mập mờ, ề à thì suy nghĩ cũng không được tốt lắm.

Hoàng Thùy

Người con Đức tìm được cha Việt sau gần 30 năm

Stephan Neubauer hét lên sung sướng trong điện thoại khi nhận ra người đàn ông ở đầu dây bên kia chính là cha của anh. Lần đầu tiên, sau 28 năm xa cách, anh được nghe giọng và sẽ sớm nhìn thấy khuôn mặt cha đẻ của mình. 
Người đàn ông Đức khao khát tìm cha Việt

Stephan lúc 4 tuổi. Ảnh: nhân vật cung cấp

Stephan sinh năm 1982 tại thành phố Jena, vùng Thueringen, thời đó thuộc Đông Đức, và mang họ của mẹ. Cha anh là một người Việt Nam từng làm việc ở Đức, nhưng kể từ ngày ông về nước cách đây gần 30 năm, không ai còn liên lạc được với ông nữa.

Nhiều năm qua, Stephan đã gửi các thông tin chi tiết về bản thân và những gì được nghe mẹ và bà ngoại kể về cha cho nhiều tờ báo cả ở Việt Nam và ở Đức với khát khao cháy bỏng là tìm lại được người đã sinh ra mình. Đầu năm 2013, với sự giúp đỡ của nhiều người, Stephan một lần nữa tiếp tục hành trình tìm cha và niềm vui lớn đã đến với anh.

Ngày 26/2, Stephan gặp ông Đào Văn Sơn, một người Việt đã sống ở Đức lâu năm và cũng là bạn cũ của cha anh. Biết tin Stephan đang khao khát gặp lại người cha lưu lạc, ông Sơn đã tìm gặp anh và liên lạc về người thân, bạn bè ở Việt Nam để giúp đỡ.

Hôm sau, cũng là tròn 4 tuần đăng tin trên báo Đức, Stephan nhận được điện thoại từ ông Sơn báo rằng đã tìm thấy cha anh. Stephan nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn nhấc máy điện về Việt Nam theo số điện thoại được cho.

Đầu dây bên kia là giọng của một người đàn ông mà Stephan nghĩ rằng mình không hề quen biết. Cho đến khi ông phát âm vài từ tiếng Đức, hai người mới bắt đầu trò chuyện thoải mái hơn.

Ông hỏi về cô, bác của Stephan, những người mà trước đó anh chưa hề đề cập tới, kể về những kỷ niệm ngày xưa khi Stephan vẫn còn là một cậu bé. Đặc biệt, ông kể về chiếc xe đồ chơi mà ông từng mua tặng con trai. Thời đó, chiếc xe là một món đồ chơi đáng tiền so với đồng lương của vợ chồng ông.

Linh tính mách bảo, Stephan nhận ra đó chính là người cha mà anh bấy lâu nay tìm kiếm. Anh thét lên sung sướng trong điện thoại, nước mắt trào ra.

Cha anh là ông Trần Duy Sửu, 59 tuổi. Năm 1977, chàng thanh niên Sửu sang Đức học nghề. Một năm sau, hoàn thành khóa học, ông được ở lại để tiếp tục nâng cao tay nghề và làm việc trong một nhà máy về quang học. Cũng chính tại đây, ông nảy sinh tình cảm với một nữ công nhân cùng phân xưởng. Hai người không tổ chức đám cưới mà chỉ làm một buổi lễ nhỏ để từ đó về chung sống một nhà. Năm 1982, hai người đón bé trai đầu lòng chính là Stephan.

Tuy nhiên, do chính sách thời bấy giờ, những người được cấp học bổng đi học nghề ở nước ngoài đều phải trở về nước phục vụ, nếu không sẽ phải hoàn trả cho nhà nước một khoản tiền. Dù không đành lòng, ông Sửu vẫn phải chia tay người phụ nữ Đức và đứa con thơ rồi trở về Việt Nam năm 1986.

Lúc đó, ông định bụng chỉ về nước tạm thời rồi sẽ tìm cách quay trở lại Đức cùng gia đình. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế khó khăn đã khiến dự định của ông tan tành. Tình yêu 6 năm với người phụ nữ Đức cũng cứ thế trôi dần vào quên lãng.

Ngày rời Đức về nước, ông 31 tuổi và bây giờ, khi ông đoàn tụ với con trai, Stephan cũng 31 tuổi. Hiện ông Sửu đã nghỉ hưu và đang sinh sống tại tỉnh Lào Cai.

Được nói chuyện với cậu con trai đã chia xa từ năm mới 4 tuổi, ông Sửu cũng mừng mừng tủi tủi. Ông nói với Stephan rằng mấy chục năm qua, anh luôn ở trong tâm trí ông và ông vẫn treo một bức ảnh của con trai trong nhà mình ở Việt Nam.

Trong những năm về nước, ông cũng có hai lần đến đại sứ quán Đức để xin giúp đỡ tìm lại gia đình bên trời Âu nhưng không thành công. Tiền bạc eo hẹp khiến mong ước sum vầy với con càng trở nên xa vời.

Ông Sửu thời trẻ và Stephan lúc 3 tuổi. Ảnh: nhân vật cung cấp

Những ngày này, ông Sửu và Stephan đang chìm trong niềm vui đoàn tụ gia đình. Ngày nào anh cũng gọi điện thoại từ Đức về để trò chuyện với cha và hỏi han về cuộc sống gia đình ông ở Việt Nam.

Hay tin cha con ông Sửu đoàn tụ, người thân, họ hàng, bạn bè và hàng xóm láng giềng ai nấy đều mừng cho ông. Điều mà Stephan lo sợ là sự xuất hiện bất ngờ của anh có thể làm ảnh hưởng đến gia đình hiện tại của ông Sửu. Tuy nhiên, mọi chuyện đã xảy ra hoàn toàn trái ngược.

Vợ ông Sửu vui mừng không kém chồng khi ông tìm lại được con trai ở Đức. Điều này khiến Stephan rất trân trọng bà và càng hạnh phúc hơn khi biết mình có thêm ba người em gái cùng cha khác mẹ.

Tháng 7 tới, anh sẽ cùng vợ con xin nghỉ phép và về Việt Nam gặp mặt cha hai tuần. Anh cũng sẽ đưa người cha Việt lưu lạc bấy lâu trở lại Đức thăm mẹ anh và gia đình bên ngoại. Mẹ Stephan hiện cũng đã yên ấm với gia đình mới.

Với Stephan, cuộc hành trình tìm cha đã khép lại nhưng anh sẽ mãi không bao giờ quên ơn tất cả những người đã không quản khó khăn, không tiếc thời gian và sức lực "cùng lên đường đi tìm cha" cho anh.

"Thật khó diễn tả cảm xúc lúc này, khi sau gần 30 năm lần đầu tiên tôi sẽ được nhìn thấy mặt cha. Tôi mong ngóng đến tháng 7 để được thăm ông ấy. Dù đôi lúc trong cuộc điện thoại, chúng tôi không hiểu người bên kia nói gì nhưng vẫn thật tuyệt vời khi được nghe giọng nói và tiếng cười của cha", Stephan nói.

Anh Ngọc

Theo vnexpress

 
  •