Malaysia tấn công các tay súng Philippines
27 người chết
Theo Reuters, chiến dịch tấn công điểm cố thủ của khoảng 180 người Philippines bắt đầu từ lúc 7 giờ, giờ địa phương (6 giờ, giờ Việt Nam), một ngày sau khi chính phủ Malaysia cử bảy tiểu đoàn đến bang Sabha để tăng viện cho cảnh sát.
Truyền thông Malaysia dẫn lời các cư dân địa phương cho biết họ nghe nhiều tiếng nổ lớn và thấy chiến đấu cơ lượn trên khu vực bờ biển gần thị trấn Lahad Datu.
“Chính phủ phải tiến hành hành động đúng đắn để bảo toàn sự kiêu hãnh và chủ quyền của đất nước này”, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói trong một thông báo.
|
Nhóm các tay súng Philippines đến hòn đảo Borneo bằng đường biển cách đây ba tuần, nói rằng họ là hậu duệ của hoàng thân xứ Sulu ở miền nam Philippines, vốn cai trị một phần xứ Borneo trong nhiều thế kỷ trước đây.
Nhóm các tay súng tự nhận là Quân đội Hoàng gia Sulu yêu cầu Malaysia công nhận quyền sở hữu và tăng tiền thuê đất trả cho họ với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp của Sabah.
Malaysia đã từ chối các đòi hỏi trên trong khi chính phủ Philippines liên tục cảnh báo nhóm này hạ vũ khí và trở về nhà.
Vụ bạo lực đã gây ra khủng hoảng chính trị trước thềm các cuộc bầu cử ở cả hai quốc gia.
Có hai cảnh sát cùng 12 tay súng đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh cố siết chặt hàng rào bao vây vào hôm 1.3.
Động thái này châm ngòi cho vụ bạo lực nổ ra vào cuối tuần khiến sáu cảnh sát và thêm bảy tay súng thiệt mạng trong một khu vực khác, làm gia tăng lo ngại về việc bạo lực lan rộng.
Quan tài của hai cảnh sát thiệt mạng được đưa về thủ đô Malaysia Kuala Lumpur vào hôm 4.3 - Ảnh: AFP |
“Là một nước Hồi giáo đề cao giá trị hòa bình và giải quyết xung đột thông qua đối thoại, nỗ lực tránh đổ máu của chúng tôi tại Lahad Datu đã bất thành. Thay vào đó, các thành viên của lực lượng an ninh đã bị tấn công và giết hại, thường dân Malaysia ở Sabah lo ngại cho sự an toàn của họ”, ông Najib nói.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã đến Malaysia vào hôm 4.3 để kêu gọi Kuala Lumpur hãy “khoan dung tối đa” cho nhóm vũ trang.
Chính phủ Philippines cũng yêu cầu Malaysia cho phép một tàu hải quân Philippines cập cảng để hỗ trợ nhân đạo, y tế và ngoại giao để đưa nhóm vũ trang về nước.
Bang Sabah có chung vùng biển với miền nam Philippines, vốn là nơi có nhiều tay súng Hồi giáo và các nhóm bắt cóc đòi tiền chuộc. Chỉ mất vài giờ để đi tàu từ miền nam Philippines đến Sabah.
Sabah là một phần của Vương quốc Sulu, vốn từng trải rộng trên nhiều hòn đảo phía nam Philippines cũng như các khu vực ở Borneo, trước khi được đặt dưới sự bảo hộ của Vương quốc Anh vào thế kỷ 19.
Sabah trở thành lãnh thổ Malaysia vào năm 1963, và nước này vẫn trả một số tiền thuê tượng trưng cho Hoàng thân Sulu mỗi năm.
Sơn Duân
Malaysia mở chiến dịch truy quét nhóm vũ trang Philippines chiếm đất
Vào sáng 05/03 giờ địa phương, các lực lượng an ninh Malaysia đã phát động cuộc tấn công nhằm truy quét các thành viên có vũ trang thuộc một bộ tộc Hồi giáo từ Philippines tham gia vụ cố thủ đòi đất kéo dài suốt 3 tuần qua, làm tổng cộng 27 người chết.
“Vào khoảng 7 giờ sáng nay, các lực lượng an ninh Malaysia đã phát động cuộc tấn công vào ngôi làng Tanduo (nơi các tay súng cố thủ)”, ông Najib cho biết.
7 đơn vị quân đội đã được triển khai tới khu vực hôm qua để hỗ trợ cảnh sát.
Tổng cộng 27 người đã thiệt mạng kể từ khi các tay súng Philippines thuộc một bộ tộc Hồi giáo tự xựng là Quân đội hoàng gia Sulu đi thuyền tới bang Sabah trên đảo Borneo hôm 12/2 và đòi đất của bang này.
Chính phủ Malaysia đã bác bỏ các yêu sách và yêu cầu nhóm trở về Philippines. Tuy nhiên, các tay súng vẫn cố thủ tại làng Tanduo thuộc quận Lahad Datu, bang Sabab suốt từ hôm 12/2.
Ngày 4/3, chính phủ Philippines đã kêu gọi Malaysia kìm chế tối đa và tránh thêm đổ máu. Manila cũng đã cử Ngoại trưởng Albert del Rosario tới Kuala Lumpur để đàm phán.
Giới chức cho hay ông Albert del Rosario có thể đề nghị cho phép một tàu hải quân Philippines tới bang Sabah để đưa các tay súng về nước.
Nguy cơ bạo lực lan rộng
8 cảnh sát Malaysia và 19 tay súng đã thiệt mạng trong vụ cố thủ kéo dài suốt 3 tuần qua.
Đây là một trong những cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất của Malaysia trong nhiều năm qua, cho thấy sự mất ổn định và tình trạng không có luật pháp tại vùng biển giữa 2 nước và phơi bày tình trạng an ninh lỏng lẻo dọc bờ biển Malaysia.
“Vụ xâm chiếm này càng kéo dài thì càng chứng tỏ rằng những kẻ xâm lược không có ý định rời Sabah.
Chính phủ phải hành động để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước, theo đúng mong muốn của quần chúng ”, Thủ tướng Najib tuyên bố.
Một vụ đọ súng khác xảy ra một ngày sau đó, làm 6 cảnh sát và 6 tay súng thiệt mạng. Một tay súng khác bị người dân địa phương đánh đến chết hôm 2/3.
Báo chí địa phương đưa tin, các máy bay chiến đấu đã gầm rú trên bầu trời địa điểm cố thủ của các tay súng Philippines và các tiếng nổ đã được nghe thấy. Các xe quân sự cũng được nhìn thấy di chuyển vào khu vực, được bao quanh bởi các rừng đồi cọ.
Thủ tướng Najib đã yêu cầu tăng gấp đôi lực lượng an ninh trong khu vực sau các vụ bạo lực hồi cuối tuần.
Các tay súng, ủng hộ lãnh đạo Hồi giáo 74 tuổi Jamalul Kiram III - tự xưng là người đứng đầu của Vương quốc Hồi giáo Sulu - tuyên bố họ sẵn sàng chết để bảo vệ khẳng định chủ quyền đối với Sabah. Danh tính chính xác của các tay súng và số người tham gia hiện vẫn chưa rõ.
Người em trai của ông Jamalul Kiram III cho hay họ không vi phạm bất kỳ luật lệ nào vì Sabah “thuộc quyền sở hữu của quốc vương Sulu” và khẳng định họ có quyền tự vệ nếu bị tấn công.
Bang Sabah có chung đường biên giới biển với miền nam Philippines, nơi có nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo và các nhóm bắt cóc đòi tiền chuộc.
Sabah từng là một phần của Vương quốc Hồi giáo Sulu - vốn bao gồm vài hòn đảo ở miền nam Philippines và các khu vực của Borneo - trước khi bị xem là một vùng bảo hộ của đế quốc Anh vào những năm 1800.
An Bình
Theo AFP, BBC