Phạt xe không chính chủ: Khó thực hiện đối với xe máy
(Dân trí) - “Xét về mặt luật pháp thì yêu cầu chính chủ đối với xe máy là đúng, nhưng khi số người sử dụng loại phương tiện này quá lớn mà thủ tục hành chính lại nhiêu khê nên cần một thời gian dài nữa chứ không thể phạt ngay được”.
Đó là chia sẻ của bà Đinh Thị Thanh Bình - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải - với PV Dân trí về quy định xử phạt xe không chính chủ trong Dự thảo Nghị định (lần 2) về xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
“Tôi đồng tình với việc phạt xe không chính chủ nhưng theo tôi phải có lộ trình chứ không thể nói phạt là phạt ngay. Phải gỡ được sự rối rắm trong cơ chế thủ tục hành chính, giảm chi phí để người dân không cảm thấy phiền phức khi sang tên đổi chủ phương tiện thì sẽ thuyết phục được người dân trong vấn đề này” - bà Bình khẳng định.
“Khi xảy ra tai nạn hoặc có những tranh chấp về tài sản thì việc đứng tên chính chủ đối với phương tiện sẽ dễ dàng hơn để làm rõ đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi người sử dụng phương tiện tham gia giao thông bị phát hiện là xe không chính chủ xử phạt thì rất phức tạp để giải quyết sao cho hợp tình hợp lý” - bà Bình cho hay.
Lý giải cho việc này, bà Bình chỉ rõ, do có liên quan đến 2 vấn đề là người sở hữu phương tiện (người đứng tên chính chủ xe) và người sử dụng phương tiện. Ở nước ngoài người ta không quy định chỉ chính chủ mới được sử dụng phương tiện để lưu thông mà người dân có quyền mượn phương tiện đó để sử dụng.
Nêu ra ví dụ khác để thấy sự bất cập khi xử phạt xe máy chính chủ, bà Bình cho hay, trong một gia đình có 7-8 người nhưng chỉ có 2 cái xe máy và việc đứng tên chính chủ trên giấy tờ của 2 xe đó đương nhiên cũng chỉ là 2 người, vậy trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày khi những thành viên khác trong gia đình sử dụng xe máy để đi (tức là không chính chủ) hay bạn bè mượn xe chắc hẳn sẽ gặp những phiền toái không đáng có liên quan đến quy định chính chủ và không chính chủ này.
“Để giải quyết những phiền toái liên quan đến Luật giao thông, người sử dụng phương tiện chỉ có cách là phải chứng minh được mình là người thân hay bạn bè của người sở hữu phương tiện bằng giấy ủy quyền, giấy mượn xe giữa 2 bên và phải có công chứng xác nhận của chính quyền địa phương. Với những điều kiện để được đi xe máy như vậy thì rõ ràng là mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn và rối rắm hơn.” - bà Bình cho biết.
Nhìn nhận về thực tế mua bán xe nhưng không sang tên đổi chủ, bà Bình cho rằng đó là sai luật nhưng lí do là thủ tục hành chính nhiêu khê. Bởi, tìm được người chủ đầu tiên của xe không phải đơn giản, sau đó người ta lại mất quá nhiều thời gian cho việc thực hiện các mệnh lệnh hành chính hiện hành để được hợp thức hóa cái xe đó. Vì thế, tâm lý của họ là ái ngại và cứ sử dụng xe đó để đi mà không cần nghĩ đến việc phải đứng tên mình chính chủ của phương tiện.
Thủ tục hành chính cũng là vấn đề bức xúc nhất mà ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - nhấn mạnh đối với quy định xe chính chủ.
“Quy định này hợp lý và giúp giải quyết được những rắc rối liên quan đến phương tiện trong quá trình tham gia vận tải, tham gia giao thông. Tuy nhiên, thủ tục hành chính là vấn đề có nhiều vướng mắc nhất cần được giải quyết trước khi đưa quy định xử phạt vào thực thi” - ông Liên khẳng định.
Với xe máy, chỉ khi phát hiện có vi phạm giao thông thì mới nên hỏi đến chuyện chính chủ hay không chính chủ để răn đe người vi phạm chứ không nên đánh đồng lỗi này với tất cả các phương tiện tham gia giao thông.
Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính (lần 2) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt mà Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến đưa ra đối với nhóm vi phạm xe chính chủ: mức phạt đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô chỉ là 100.000- 200.000 đồng; đối với chủ xe là tổ chức thì mức phạt là 200.000- 400.000 đồng. Mức phạt đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô là 2- 4 triệu đồng; đối với chủ xe là tổ chức thì mức phạt là 4- 8 triệu đồng. Mức phạt 100.000- 8.000.000 đồng trên cũng được áp dụng cho những phương tiện cơ giới không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định. |
Quỳnh Anh
Lại “đầu nóng, tim lạnh” với Xe và Thuế
“Tóm lại vẫn thấy chỉ tìm cách móc tiền từ túi của dân… Nào là xe không chính chủ, rồi phí bảo trì....... đến cả đề xuất đánh thuế tiền gửi 500t nữa thì… Híc, ngột ngạt quá!!!” - Trần Mạnh Trang: trantrang38@gmail.com
Với cách tư duy rõ là vẫn kiểu “cố đấm ăn xôi” vào cái gọi là xe “không chính chủ” (chưa sang tên đổi chủ) dù ai cũng biết mười mươi nảy sinh từ thời có quy định hạn chế xe máy trước đây, thì có lẽ ngay cả những “cái đầu lạnh” nhất cũng bị nung thành... nóng bỏng. Dù thông tin được đưa ra cũng có vẻ… hấp dẫn, đó là mức phạt được đề xuất đã giảm từ 1 triệu đồng/xe máy và 6-10 triệu đồng/ôtô xuống còn 100 ngàn tới 4 triệu đồng (!!!???)
Tiền tất nhiên là rất quan trọng rồi, nhưng cái khiến người dân thấy khó thở hơn chính là "điệp khúc Phạt – Phí" cứ lặp đi lặp lại, mà luôn chỉ nhằm vào 1 phía chẳng có gì chống đỡ hoặc được bày tỏ quan điểm của mình là Dân?
“Phạt, phạt. phạt… động tí là phạt? Dường như giới chức ngành GT thích phạt hơn là nghĩ cách để đảm bảo an toàn giao thông, để các công trình GT như đại lộ Thăng Long hay cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình không mau xuống cấp và chóng trở nên nhếch nhác đến vậy?” - Su Sea: cuti0909@gmail.com
“Người dân đã quá mệt mỏi vì cứ ra đường là lo tai nạn, rồi lại còn thấp thỏm vì luôn có nguy cơ bị phạt? Rõ ràng ai cũng thấy đó là 1 nghị định không khả thi, chả vì lợi ích gì của người dân cả mà các ông Bộ vẫn cứ...” - Lãng tử Yến Thanh: lumia_1980@gmail.com
“Sao Bộ GTVT không sớm ra văn bản về nâng cao chất lượng đường cao tốc, mà chỉ thấy xoay quanh nghị định phạt xe không chính chủ nhỉ?” - Vinh: henhenhen@gmail.com
“Bộ GTVT đúng là rảnh thiệt, chỉ cố thu tiền trong khi chất lượng đường sá thì không lo.... Không có phương án giải quyết kẹt xe, chỉ lo kiếm tiền?” - Nguyễn Ngọc Phúc: ngphuc2k@gmail.com
“Sao lắm thứ phạt thế? Toàn chính sách không khả thi, làm khó dân quá… Mấy quan chức GTVT đi xe công nên chẳng nghĩ đến dân gì cả… Có phải ai cũng muốn đi xe không chính chủ đâu, mà trước đây chính Hà Nội cấm người dân mua xe, nên người dân phải mượn người khác đúng tên chứ... Hơn nữa xe chạy trên đường ai biết cái nào "không chính chủ" để ách lại mà phạt? Hay xe nào đã bị dừng đều phải chịu phạt?” - Nguyễn Hoàng Bình: happyl_and@gmail.com
“Nếu chính sách phạt chính chủ được áp dụng thì tỷ lệ người mua xe sẽ tăng lên, sẽ không còn tình trạng 3 người trong 1 gia đình đi chung một xe nữa, mà 3 người mua 3 chiếc xe cho chính chủ để đi làm. Như vậy chắc là số lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng lên, không biết có tiếp tục tắc đường nữa không?...Mua thêm xe đồng nghĩa 1 gia đình sẽ phải mất đi 1 số tiền lớn nữa, trong khi lẽ ra số tiền này được sử dụng cho mục đích khác tốt hơn...” - Phạm Ngọc Minh: Amnhac.thainguyen@gmail.com
“Cũng có thể chấp nhận được, nhưng với điều kiện cơ quan chức năng sang tên đổi chủ có phương pháp làm việc khoa học, đơn giản, không sách nhiễu” - Lê Hải Thanh: thanh.hpt1968@gmail.com
“Đề nghị trước khi áp dụng xử phạt thì các cơ quan chức năng hãy tạo điều kiện từ vật chất đến các thủ tục hành chính, để các cá nhân có xe không chính chủ thực hiện nghiêm túc việc đăng ký lại theo đúng qui định. Khi hết hạn thực hiện ưu đãi ấy thì mới tiến hành phạt. Như vậy vừa thấu tình đạt lý mà còn làm cho người dân tâm phục khẩu phục. Sau thời hạn ưu đãi ấy, trường hợp nào vi phạm chứng tỏ là họ ngoan cố, khi ấy phạt là đúng quá rồi. Đừng vội vã áp dụng ngay mà không có lộ trình giúp người dân tuân thủ qui định, khi ấy lợi bất cập hại đấy.
Trường hợp thứ hai là về việc phí bảo trì đường bộ. Việc này cần thống nhất các phương án tổ chức thu phí cho xe 2 - 3 bánh cho rõ ràng và thuận tiện cho người dân. Thật tình cá nhân tôi đã đi hỏi vài nơi nhưng chưa thấy nơi nào trả lời một cách thỏa đáng cả, thậm chí muốn đóng phí cho xong cũng chẳng ai chịu thu. Vì vậy, Chính phủ nên cân nhắc kỹ trước khi ban hành các chính sách nhạy cảm như thế để tránh gây sự phiền toái và bất bình trong đại bộ phận dân chúng như hiện nay” - Trần Công Bảo: baocongtran@gmail.com
Tiền ơi, chào mi!
Song song với những đợt sóng phản ứng điệp khúc Phí – Phạt, là những cơn sóng thần dữ dội bác lại kiến nghị bị cho là mang đậm dấu ấn “lợi ích nhóm” vừa được ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoRea) đưa ra. Đó là muốn đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên để “chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh” (???)
“Nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, tôi thấy là độc ác và vô lý. Nhiều người dân, trong đó có các cụ về hưu dành dụm cả đời mới được khoản tiền ít ỏi, chắt bóp để phòng thân lúc tuổi già. Nhiều công chức làm công ăn lương dành dụm số tiền ít ỏi (đã bị đánh thuế thu nhập từ bảng lương hàng tháng) để lo cho con cái học hành, cho bản thân và gia đình lúc ốm đau hay có công việc.... Giờ số tiền cỏn con ấy nếu lại bị đè ra đánh thuế tiếp, thì là bao nhiêu lần chịu thuế? Người nghèo lại càng nghèo thôi…”-
Tham Pham: thampilot777@yahoo.com
“Ông Châu có biết là để có 500 triệu gửi ngân hàng, người gửi tiết kiệm đã phải đổ biết bao mồ hôi và nước mắt không mà ông lại kiến nghị như vậy? Để có 500 triệu ấy thì người ta cũng đã phải nộp rất nhiều loại thuế cho nhà nước rồi, bây giờ lại muốn bị đánh thuế tiếp, thế các ông định kiến nghị đánh thuế bao nhiêu % nữa đây cho dân… khỏi sống luôn?” - Lê Cường:Giacmosaobang_911@yahoo.com
Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu để cứu bất động sản? Phải chăng kiến nghị này là bước đường cùng rồi phải không vị Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu? Theo tôi, BĐS không phải là “xương sống của nền kinh tế” mà chỉ là xương sườn nhỏ trong bộ xương sườn thôi. Ông nên đề xuất những quốc sách để cứu nền kinh tế với những giải pháp lớn lao, khả thi thì hay hơn là chuyện kiến nghị, đòi hỏi vô lý chỉ để cứu các ông đang... gần đuối nước – cái tôi của ông lớn quá! Tôi nghĩ rằng kiến nghị của ông chẳng những không ai nghe mà còn tạo ra chuyện buồn cười và dư luận không tốt trong xã hội... ” - Thái Hồng (Cần Thơ):thai_khdt@yahoo.com.vn
“Nếu đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm, chắc chẳng còn ai dám gửi tiền vào ngân hàng nữa! Xin các “đại gia” sau khi đã tung ra bao chiêu trò ảo thuật làm cho người dân thất điên bát đảo rồi, no túi rồi thì đừng làm người dân kiệt quệ thêm nữa... Ông Châu có lẽ chẳng bao giờ biết rằng 500 triệu tiền gửi tiết kiệm là mồ hôi xương máu của người lao động, có khi phải tích lũy từ ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác từ trẻ tới già mới có được ... Ôi! chỉ khổ người dân lao động mà thôi! Xin hãy đứng từ vị trí của người lao động mà xem xét vấn đề, hỡi những người có lẽ đang quên mất lương tâm!” - Hoang Chuc: hoangchuc@yahoo.com
Lẽ nào các nhà chức năng vẫn chưa nhận thấy đã tới lúc nên chốt lại vấn đề gây đau đầu và tăng xông cho biết bao người dân lao động rồi, bởi như Đỗ Minh Thùy (Thái Bình)minhthuy@yaho.com.vn ca thán!
“Toàn những ý kiến ‘sáng suốt’ quá!!! Dân tích cóp chút tiền dưỡng già, đầu tư vào vàng thì vàng nhảy múa cao hơn thế giới hàng triệu bạc. Dân gửi tiết kiệm thì vừa lãi suất quá thấp, vừa nơm nớp lo ngân hàng đổ bể, bây giờ lại thêm nỗi lo… đánh thuế? Cái gì cũng thuế, đã đánh thuế thu nhập cá nhân rồi, bây giờ dư chút gửi tiết kiệm phòng khi tuổi già (mà tiền ấy đã qua thuế thu nhập cá nhân rồi) lại tiếp tục thuế nữa? Khi bất động sản bị đẩy lên cao chót vót, chúng tôi mua nhà cao gấp bao nhiêu lần giá trị thực thì các ông có chia sẻ với dân không? Toàn những kiến nghị với đề xuất… làm cho dân không còn đường mà thở nữa thôi!!!”
Khánh Tùng
Vụ nổ làm 11 người chết: Ai có trách nhiệm bồi thường?
(Dân trí) - Sau vụ nổ kinh hoàng tại nhà ông "Phương khói lửa" làm 11 người chết, một vấn đề đặt ra là, khi người gây ra đại họa và cả gia đình ông đều đã tử vong, ai là người chịu trách nhiệm bồi thường cho những nạn nhân bị liên lụy?
Những ngày qua, vụ nổ tại nhà kho chứa đạo cụ ở hẻm 348 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TPHCM) của chuyên gia khói lửa phim trường Lê Minh Phương làm 11 người chết vẫn chưa lắng xuống khi các vấn đề về bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân còn bỏ ngỏ. Thân nhân của những nạn nhân tử vong bày tỏ sự lo lắng khi người gây ra đại họa và gia đình ông đều đã chết, họ có được bồi thường thiệt hại hay không? Nếu có thì ai sẽ bồi thường?
Nạn nhân vẫn được bồi thường
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TPHCM, nguyên nhân vụ cháy nổ xuất phát từ số vật liệu nổ, vũ khí mà ông Phương tích luỹ được. Ông Phương đã chết nên bản thân ông không còn trách nhiệm hình sự (TNHS) dù hậu quả từ hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán... là rất lớn. Tuy nhiên phía CQĐT vẫn khởi tố vụ án nhằm làm rõ sự liên quan của những người khác cũng như phần nào xác định trách nhiệm dân sự do hành vi nguy hiểm cho xã hội đó của ông Phương gây ra.
Trường hợp CQĐT xác định được những người cung cấp vũ khí, khí tài, chất nổ trái phép cho ông Phương thì những người này sẽ bị khởi tố về hành vi liên quan đến các nhóm tội về chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, vũ khí thô sơ tại các Điều 230, 232, 233 BLHS ở vai trò đồng phạm.
Nạn nhân bị liên lụy trong vụ Phương khói lửa vẫn được bồi thường
Theo các cơ quan chức năng nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn này có thể là do một lượng lớn thuốc pháo chứa trong nhà ông Phương. Như vậy, trách nhiệm bồi thường trong vụ án này thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cụ thể là do chất nổ, chất cháy gây nên.
Theo khoản 2,3 Điều 623 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, ngay cả khi không có lỗi. Trừ các trường hợp: thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Tuy nhiên, trường hợp này không thuộc các sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết được quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Khoản 1 Điều 16 Bộ Luật Hình sự 1999 (Sửa đổi bổ sung năm 2009). Do vậy, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại có gia đình các nạn nhân ngay cả khi không có lỗi.
Trong khi đó, dưới góc độ là một chuyên gia về bảo hiểm, ông Trần Tam Phúc, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm AAA cho rằng, trong trường hợp này những nạn nhân vẫn được bồi thường, tuy nhiên mức độ bồi thường tùy thuộc vào từng loại bảo hiểm.
Theo đó, những nạn nhân đã tử vong hay bị thương nếu có bảo hiểm thì sẽ được bảo hiểm, nếu công ty bảo hiểm được yêu cầu bảo hiểm con người. Phí bảo hiểm dao động từ 28.000 đồng/năm với số tiền bảo hiểm tối đa 10 triệu đồng hoặc phí bảo hiểm đến vài triệu đồng hay nhiều hơn, tùy vào mức trách nhiệm và quyền lợi được yêu cầu.
Trong trường hợp có tham gia bảo hiểm sinh mạng/thương tật do tai nạn, công ty bảo hiểm sẽ chi trả đến hết hạn mức/đến số tiền cao nhất mà hai bên đã thỏa thuận và được qui định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ hợp đồng bảo hiểm qui định bồi thường 100 triệu đồng trong trường hơp tử vong do tai nạn thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường đến 100 triệu đồng nếu người tham gia chết do tai nạn.
Ai có trách nhiệm bồi thường?
Luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng, trong vụ cháy nổ này, cần xác định rõ ai là chủ sở hữu hoặc là người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng các chất nổ, chất cháy này? Ông Phương mua các chất này với tư cách cá nhân hay pháp nhân (Công ty Lạc Việt)? Nếu ông Phương mua với tư cách pháp nhân thì việc ông Phương được giao chiếm hữu, sử dụng có đúng quy định của pháp luật không? Khi đó sẽ xác định được người có trách nhiệm bồi thường. Nếu ông Phương mua các chất nổ, chất cháy này với tư cách cá nhân hoặc với tư cách pháp nhân nhưng ông Phương được công ty giao chiếm hữu, sử dụng theo đúng quy định pháp luật, thì ông Phương là chủ sở hữu. Như vậy ông Phương là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân.
Nếu ông Phương mua các chất cháy, chất nổ này với tư cách pháp nhân và việc ông Phương được công ty giao chiếm hữu, sử dụng không đúng quy định của pháp luật thì công ty Lạc Việt là chủ sở hữu các chất nổ, chất cháy này có trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng, người thân còn lại của ông Phương theo hàng thừa kế có trách nhiệm bội thường trên số tài sản còn lại
Phạm vi bồi thường là toàn bộ các thiệt hại về người (ngoài gia đình ông Phương), căn nhà ông thuê và các nhà lân cận cùng các tài sản bị hư hại ngoài các tài sản thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Phương.
Nguồn tài sản sử dụng để bồi thường là phần di sản của ông Phương. Hiện nay ông Phương và toàn bộ gia đình (vợ, con) đều đã qua đời nên hàng thừa kế thứ nhất của ông sẽ là Cha Mẹ ruột (hoặc các hàng thừa kế thứ 2, 3) sẽ nhận phần thừa kế này để thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Trường hợp phần bồi thường vượt quá số di sản để lại thì chỉ thanh toán đến hết phần di sản này mà thôi (Đ.637, 674, 683 BLDS).
“Nếu các căn nhà, tài sản của những người khác ngoài gia đình ông Phương bị thiệt hại mà có mua bảo hiểm cháy, nổ thì sẽ được cơ quan bảo hiểm đền bù tương ứng. Tất nhiên, bảo hiểm sau đó sẽ yêu cầu người quản lý di sản của ông Phương thanh toán lại”, luật sư Nguyễn Thành Công nói.
Công Quang
Theo dantri.com