Từ 5-10 năm trước, dạng tin đồn liên quan đến đồng Việt Nam như đổi tiền, thu hồi tiền polymer hay phát hành tiền 1 triệu đồng đã xuất hiện, gây hoang mang cho người dân...
Những tin đồn về tiền đồng gây hoang mang trong dân Việt...
Thu hồi tiền polymer mới
Tháng 12/2003, ngay sau tin đồn thất thiệt về việc mất tích và bỏ trốn của cựu Tổng giám đốc ngân hàng Á Châu Phạm Văn Thiệt, trên thị trường Hà Nội lại rộ tin Ngân hàng Nhà nước sẽ thu hồi loại tiền mới đưa vào lưu thông thời kỳ đó là đồng polymer. Ngay khi thông tin nói trên xuất hiện, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định đây là tin đồn thất thiệt, không có cơ sở.
Thời điểm tin đồn này được phát tán là lúc Ngân hàng Nhà nước vừa đưa vào lưu thông 2 mệnh giá tiền polymer mới là 50.000 đồng và 500.000 đồng, song song với những mệnh giá cũ. Cơ sở của tin đồn nói trên là việc không in năm phát hành (2003) lên các tờ tiền này. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết do năm phát hành không phải yếu tố bảo an hay quy tắc bắt buộc nên sẽ không xuất hiện trên tờ tiền. Việc thay đổi mẫu tiền, theo Ngân hàng Nhà nước, sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như độ chống giả, sự thuận tiện trong giao dịch, hoặc lượng tiền giả mà nhiều sau khi phát hành sẽ có thể thay đổi mẫu mã.
Phát hành tờ tiền 1 triệu đồng
Tin đồn Việt Nam sẽ phát hành tờ tiền mệnh giá 1 triệu đồng rộ lên vào ngày cuối năm 2009. Thời điểm đó, Việt Nam vừa trải qua một thời kỳ khó khăn với mức lạm phát dự đoán của chuyên gia có thể lên tới 20%, chính sách tiền tệ những tháng cuối năm thắt chặt, lạm phát tăng cao nên tin đồn nói trên càng có cơ sở phát tán ra công chúng.
Nhiều lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia kinh tế nhận được câu hỏi về thông tin này. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã chính thức khẳng định mệnh giá tiền lớn nhất vẫn là 500.000 đồng và tin đồn sẽ phát hành tiền 1 triệu đồng là vô căn cứ.
Hai năm sau, những tháng đầu năm 2011, trên một diễn đàn về tài chính cũng xuất hiện tin đồn liên quan đến tờ tiền 1 triệu đồng. Mục đích của người tung tin, theo điều tra từ phía cơ quan công an, là để gây hoang mang tâm lý nhà đầu tư lợi dụng mua cổ phiếu giá rẻ.
Thời kỳ đó, Chính phủ và các bộ ngành vẫn đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI)- một chỉ tiêu kinh tế để đo lạm phát cả năm của 3 tháng đầu năm 2011 đã tăng 6,12%.
Ngân hàng Nhà nước đã chính thức vào cuộc và khẳng định thông tin sắp phát hành tiền 1 triệu đồng là tin đồn vô căn cứ, có mục đích xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người dân, gây bất ổn thị trường và an toàn kinh tế xã hội. Cơ sở để tin đồn này xuất hiện là 4 lần phá giá tiền đồng Việt Nam trong vòng hơn 1 năm.
Việt Nam đổi tiền lần thứ tư
Cuối năm 2010, tin đồn Việt Nam sẽ đổi tiền khiến cho giá vàng và đôla Mỹ ở thị trường trong nước tăng mạnh. Thời kỳ đó, giá vàng trong nước dao động trong khoảng trên 37 triệu đồng. Còn với tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát bắt đầu tăng lên, càng khiến cho tin đồn nói trên “dựa hơi” phát tán rộng rãi. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ là ông Lê Đức Thúy đã phải lên tiếng khẳng định không đổi tiền mà sẽ bổ sung tiền mới vào lưu thông.
Kể từ sau năm 1975, Việt Nam đã tiến hành 3 lần đổi tiền: một vào ngày 2/9/1975, lần thứ hai là ngày 3/5/1978 và lần thứ ba là 4/9/1985.
Tiền 2.000 đồng seri 70 đổi được 70.000 đồng
Không có độ “phủ sóng” rộng rãi như những tin đồn thất thiệt bên trên, thậm chí, tính xác thực còn thấp hơn so với những tin đồn cùng loại, song việc tung tin tiền cotton 2.000 đồng seri đuôi 70 đổi được 70.000 đồng cũng khiến không ít người dân tỉnh Bạc Liêu hoang mang. Nội dung tin đồn này là những ai có tiền 2.000 đồng seri 70 đem đến công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết Bạc Liêu đổi sẽ được trả 70.000 đồng (gấp 35 lần).
Tuy nhiên, đích thân Tổng giám đốc công ty xổ số Bạc Liêu đã bác bỏ thông tin này và cho rằng đó chỉ là thông tin thất thiệt, mang tính chất lừa đảo. Những kẻ tung tin đồn này nhận đổi tờ tiền 2.000 đồng seri 70 cho người dân với giá 20.000 đồng và cho biết nếu đem đến công ty xổ số đổi thì sẽ được 70.000 đồng (lời 50.000 đồng/tờ).
Tin đồn nhấn chìm chứng khoán
Tháng 3/2010, có tin đồn cho rằng SSI cho phép nhà đầu tư bán khống một số mã chứng khoán gây bất ngờ, hoang mang với nhiều nhà đầu tư. Ngay sau đó, SSI đã khẳng định: "Đây là thông tin không chính xác vì hiện tại SSI không cho phép bán khống bất kỳ cổ phiếu nào".
Trước đó, SSI cũng dính tin đồn Chủ tịch có nhiều ảnh hưởng trong làng chứng khoán bị bắt vì những sai phạm trong giao dịch chứng khoán. Cả thị trường được một phen rùng mình chao đảo. Tuy nhiên, ngay trong buổi chiều người ta vẫn thấy ông Hưng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cuối năm 2008, tin đồn Công ty chứng khoán VNDirect phá sản, lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt rộ lên đã gây hoang mang cho các nhà đầu tư. Đích thân Tổng giám đốc VNDirect đã có văn bản gửi cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ. Và sau đúng nửa năm "truy lùng", 2 thành viên một diễn đàn chứng khoán được xác định là thủ phạm.
Đổ xô mua ôtô vì tin đồn tăng thuế
Năm 2009, thị trường xôn xao tin đồn Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu ôtô từ 83% lên 91% trong vài ngày tới. Giới buôn xe hay tin cũng vội thúc hàng về thị trường để tránh thuế mới.
Tin đồn khiến cuối tháng 10/2009, ở Hà Nội và TP người có nhu cầu xe hơi đổ xô đến các đại lý, showroom để mua ôtô. Ngay cả những người chưa có nhu cầu cấp thiết cũng dốc tiền tích góp ra để tậu xe. Họ lo ngại thuế nhập khẩu thay đổi, cộng với chính sách giãn, giảm thuế VAT, phí trước bạ chấm dứt từ ngày 31/12/2009 có thể khiến giá ôtô tăng cao trong năm 2010.
Bộ Tài chính đành phải ban hành quyết định thuế sớm hơn dự kiến cả nửa tháng, đồng thời khẳng định: Biểu thuế nhập khẩu với ôtô không xáo trộn nhiều trong năm 2010 mà chỉ có một vài dòng xe thay đổi không đáng kể.
Sở dĩ người tiêu dùng Việt nhạy cảm với những tin đồn về thuế là do chính sách này thường thay đổi bất ngờ. Năm 2007, thuế nhập khẩu ôtô tăng tới 4-5 lần song các quyết định đều được ban hành và không theo lộ trình.
Tin hết gạo làm khổ dân nghèo
Đầu tháng 12/2009, trùng thời điểm VN ký hợp đồng xuất khẩu gạo lớn cho Philippines với giá rất cao, nhiều người dân Sài Gòn lại bị một phen hú vía khi tin đồn thiếu gạo chẳng biết bắt nguồn từ đâu nhanh chóng lan toàn thành phố.
Hầu hết loại gạo bán ở chợ đều tăng giá, ít nhất 500 đồng và nhiều nhất là 2.500 đồng một kg. Đợt tăng này được các tiểu thương nhận định là cao nhất từ trước tới nay, song không có cảnh người dân ùn ùn kéo nhau đi mua gạo như cơn sốt hồi tháng 4/2008.
Trước thông tin "khan hiếm gạo", Bộ Công Thương phải có văn bản gửi khẳng định đó chỉ là tin đồn, lượng gạo dự trữ của Việt Nam hiện có hơn 1 triệu tấn. Vì vậy không có chuyện thiếu gạo, an toàn an ninh lương thực vẫn được đảm bảo.
Tháng 8/2011, có hiện tượng các DN xuất khẩu nhận được tin nhắn không đúng sự thật từ các số máy lạ thông báo về giá gạo sẽ tăng do Việt Nam vừa ký được nhiều hợp đồng lớn.
Các tin nhắn này được gửi tới cả ban lãnh đạo và nhân viên của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khiến doanh nghiệp lo ngại và đi thu mua, kéo giá gạo tăng thêm 400 nghìn đồng/tấn.
Giá xăng dầu - nạn nhân của tin đồn
Mỗi khi xuất hiện tin đồn là người dân lại đổ xô đến các cây xăng để mua xăng dầu dự trữ. Đặc biệt đầu năm 2011, rộ lên tin đồn xăng dầu sẽ tăng giá thêm 6.000 - 8.000 đồng/lít, hàng nghìn người dân đã đổ xô đến các cây xăng để tranh thủ mua trước khi xăng tăng giá.
Tại địa bàn TP. Vinh (Nghệ An), tất cả các cây xăng đều chật kín người, dân đua nhau mang theo can, thùng và tất cả những gì có thể đựng được xăng, dầu để "dùng dần", có người còn mang cả loại can 20 lít ra để chứa. Tin đồn xăng tăng giá đúng vào thời điểm các cơ quan công sở tan tầm, làm cho các tuyến đường có cây xăng đều xẩy ra tình trạng tắc nghẽn, gây hỗn loạn cho cả đoạn đường dài và gây ách tắc giao thông.
Cuối ngày 4/4/2011, tin đồn giá xăng dầu sẽ tăng cao đã lan ra khắp các tỉnh từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế ...
Cơ quan chức năng đã thông báo cho người dân tin đồn xăng, dầu tăng giá là thất thiệt và huy động lực lượng loa thông báo thông tin xăng, dầu tăng giá là tin đồn "nhảm nhí" và yêu cầu người dân giải tán, không tụ tập, chen lấn nhốn nháo trước cây xăng sẽ rất nguy hiểm.
Trước đó, năm 2008, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng xuất hiện tin đồn tăng giá xăng khiến người dân đổ xô đến các cây xăng để mua. TP Hồ Chí Minh sau đó đã tung quân đi điều tra nguồn gốc tin đồn nhưng không có kết quả.
Theo Nhị Anh
VEF