Mỹ thất thế trong chiến tranh mạng

Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers phát biểu hôm 24-2 rằng các tường thuật mới đây về nạn tin tặc Trung Quốc cho thấy Mỹ đang thua trong cuộc chiến tranh mạng toàn cầu.

Mỹ thất thế trong chiến tranh mạng

Hạ Nghị sĩ Đảng Cộng hoà Mike Rogers đã lên án quân đội Trung Quốc vì các cáo buộc tấn công mạng nhắm vào những tập đoàn Mỹ và nỗ lực nhằm tấn công cơ sở hạ tầng như hệ thống điện và các cơ sở quan trọng với an ninh Mỹ.

Phát biểu trên chương trình Meet the Press của hãng ABC News, ông Rogers gọi các cuộc tấn công mạng là một cuộc chiến mà “chúng ta đang thua”.

Khi được hỏi liệu ông có tin rằng chính phủ và quân đội Trung Quốc đứng sau những cuộc tấn công mạng nhắm vào các công ty hàng đầu nước Mỹ hay không, ông Rogers nói đó là chuyện không còn nghi ngờ.

Bình luận của ông Rogers được đưa ra sau khi hãng bảo mật Mỹ Mandiant công bố một báo cáo vào tuần trước mô tả các cuộc tấn công của một đơn vị quân đội Trung Quốc nhắm vào 140 mục tiêu Mỹ.
Ông Rogers nói báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng và Mỹ nhiều khả năng phải hứng chịu ít nhất 140 cuộc tấn công mỗi ngày.
Ông Rogers nói các hành động đó là chưa có tiền lệ và tình hình ngày càng tồi tệ đi theo hàm số mũ vì không có hậu quả hoặc sự trừng phạt nào được đưa ra.
Cũng trong chương trình Meet the Press, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Eliot Engle nói Mỹ phải truyền đạt đến Trung Quốc rằng các cuộc tấn công phải chấm dứt và phải trả giá.

Sơn Duân

Nguồn: TTO

Philippines tiếp tục kiện Trung Quốc

Người dân Philippines biểu tình chống Trung Quốc
Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc tuyên bố đã đưa đội tàu hải giám xuống tuần tra định kỳ ở Biển Đông nhưng không cho biết thời gian tuần tra là bao lâu và sẽ tới địa điểm nào. Đội tàu này gồm hai chiếc hải giám 84 và 72 đã xuất phát từ Quảng Châu ngày 18-2. Trong năm 2013, Tổng đội Hải giám Nam Hải của Trung Quốc sẽ tăng cường tuần tra biển đảo ở Biển Đông, bất chấp những quan ngại của các nước trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) hôm 21-2 cho biết Manila vẫn yêu cầu Hội đồng Trọng tài của Liên Hiệp Quốc phân xử nhằm vô hiệu hoá những tuyên bố vô lối về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua.

Trước đó, ngày 19-2, Tân Hoa Xã cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ vụ kiện và cử đại sứ tại Manila Mã Khắc Khanh gửi trả công hàm và thông báo của Philippines về việc đưa tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông lên Hội đồng trọng tài của Liên Hiệp Quốc.

Tự tin theo tiếp vụ kiện

“Việc phân xử sẽ được thực hiện theo điều 9, phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển Quốc tế (UNCLOS) và Uỷ ban Trọng tài gồm 5 thành viên sẽ được hình thành dù có hay không có Trung Quốc. Thậm chí ngay khi một bên không tham gia thì quá trình phân xử vẫn được tiếp tục cho đến khi quyết định cuối cùng được đưa ra” - báo Daily Inquirer của Philippines dẫn lời người phát ngôn của DFA Raul Hernandez.

Một tháng trước, ngày 22-1 Philippines đã chính thức gửi hồ sơ kiện Trung Quốc, trong đó yêu cầu Hội đồng Trọng tài của Liên Hiệp Quốc phân xử việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Manila buộc Bắc Kinh phải tôn trọng quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và muốn chặn đứng sự xâm nhập của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp giữa các nước.

Philippines hiện có 2 tuần để thỉnh cầu Chánh án Toà án Quốc tế về Luật Biển chỉ định một chánh án đại diện cho Trung Quốc, còn Manila đã chọn cho mình chánh án người Đức Rudiger Wolfrum. Trên báo Daily Inquirer, Giáo sư Ian Storey - chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore - nhận định vẫn còn phải chờ xem liệu việc Trung Quốc từ chối vụ kiện có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ thành viên nào trong uỷ ban ra quyết định về vụ kiện hay không, bởi Trung Quốc đang có ông Cao Chí Quốc hiện là chánh án thành viên của Toà án Quốc tế.

Đạt được mục đích
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 21-2, Tiến sĩ Luật Nguyễn Vân Nam - Giáo sư Luật từ Cộng hoà Liên bang Đức đang làm việc tại Việt Nam - cho biết Philippines đã đạt được mục đích khi đưa Trung Quốc ra hội đồng trọng tài quốc tế. Với động thái này, Manila không hy vọng thắng kiện mà họ chỉ cần chính thức gửi đơn kiện lên Hội đồng Trọng tài Quốc tế là đủ. Theo Tiến sĩ Nam, với cách làm này, Philippines đã chủ động tự vệ và ngăn chặn nguy cơ Bắc Kinh sử dụng vũ lực chống lại mình, bởi Manila đã chính thức yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng hội đồng trọng tài theo quy chế của Liên Hiệp Quốc.

“Trung Quốc đã từ chối, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã từ chối giải quyết vụ việc theo con đường hoà bình. Dù như thế, Trung Quốc vẫn không có cớ dùng vũ lực để can thiệp chống Philippines. Bởi nếu sử dụng vũ lực, Trung Quốc có thể đối mặt với những rủi ro như bị Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án và uy tín của Trung Quốc sẽ giảm mạnh, cộng đồng quốc tế sẽ gia tăng nghi ngại về ý thức tôn trọng cam kết quốc tế của Trung Quốc” - Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam phân tích.

Philippines cũng nhận được sự ủng hộ của quốc tế đối với vụ kiện. Nhóm các nhà lập pháp của Liên minh Châu Âu (EU) đang thăm Philippines từ ngày 15-2 cho biết họ ủng hộ Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Hội đồng Trọng tài Quốc tế và cho rằng đây là động thái nhằm đảm bảo một giải pháp hoà bình trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. “EU đứng về phía Philippines” - báo Manila Standard Today dẫn lời Werner Langen, trưởng phái đoàn EU, khẳng định.

Washington cũng ủng hộ Manila đưa vấn đề tranh chấp trên biển với Trung Quốc ra Hội đồng Trọng tài Quốc tế. Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines Del Rosario, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh Washington ủng hộ Manila giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng pháp lý theo UNCLOS. Đây là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của Washington đối với Philippines kể từ khi nước này kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế. Trước đây, Mỹ luôn khẳng định sẽ không đứng về phía nào trong tranh chấp ở Biển Đông.

Mỹ Loan

Nguồn: TTO

Trung - Nhật đang trong tình trạng chiến tranh?

Chiến tranh đang được tiến hành thông qua các phương tiện khác. Chúng ta khó có thể nói họ là bạn bè được nữa - Ian Bremmer nhận xét.

Căng thẳng đang leo thang vượt quá phạm vi chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang trở thành vấn đề quan ngại quốc gia lớn đối với cả Mỹ và các nước khác trên thế giới. Xin giới bài phỏng vấn của tờ Business Insider với Ian Bremmer, Giám đốc Công ty Tư vấn Địa Chính trị Eurasia Group, bàn về tình hình hiện nay giữa hai nước.


Phóng viên Blodget: Điều gì sắp xảy ra với Trung Quốc và Nhật Bản?

Bremmer: Vấn đề lớn là mối quan hệ, cán cân quyền lực giữa hai nước đã và đang thay đổi mạnh mẽ - và thực sự theo chiều hướng rất không có lợi cho Nhật Bản.

Từ quan điểm an ninh, chính trị và kinh tế, điều này chỉ đang tạo ra những rắc rối lớn, rất lớn cho Nhật Bản. Và hiện giờ, họ đã có những nhà lãnh đạo đang muốn chứng tỏ năng lực của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ đang hành động theo cách chứng tỏ họ lo ngại về một thách thức Trung Quốc trong khu vực. Đây là nỗ lực chiến lược lớn nhất mà chính quyền Obama đang tham gia, nếu nhìn từ quan điểm chính sách đối ngoại.

Và chắc hẳn Trung Quốc nhìn nhận tất cả điều này là sự khiêu khích. Câu hỏi thực tế là, chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng phản ứng theo cách leo thang vấn đề đến đâu?

Liên quan đến câu hỏi này, lưu ý một số điểm chính như sau:

Trước hết, không giống như Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đang nắm trong tay nhiều quyền kiểm soát quân đội hơn. Ông có khả năng tập hợp cao hơn các hội đồng thường trực quanh ông. Ông là một nhân vật mạnh mẽ hơn nhiều, cá tính mạnh mẽ hơn nhiều và có sự trung thành từ quân đội hơn. Do đó, nếu muốn leo thang, ông có thể thoải mái và tự tin hơn trong mỗi tình huống mà không sợ vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát.

Điều đó nguy hiểm cho Nhật Bản.

Đồng thời, nếu nhìn vào các động thái mới đây của Trung Quốc: cho các máy bay bay sát các khu vực lãnh thổ Nhật Bản ngay trước các cuộc bầu cử, thì sẽ thấy Trung Quốc không quan tâm ông Abe đắc cử hay không. Chủ nghĩa dân tộc chống Nhật Bản có lẽ là một vở diễn dễ với Trung Quốc, cho phép họ xoa dịu bất mãn với những điều có thể sẽ gây rắc rối hơn cho chính phủ.

Điểm cuối cùng về vấn đề này: không giống như tương quan giữa Trung Quốc với Nhật Bản, so với các lãnh thổ khác trong khu vực - thuộc Hoa Đông, Biển Đông - với tất cả các nước liên quan, Trung Quốc không chỉ là một nền kinh tế lớn hơn nhiều, mà còn có cộng đồng Hoa kiều khá lớn chi phối nền kinh tế các nước láng giềng. Cộng đồng Hoa kiều là những bộ phận quan trọng trong nền kinh tế các nước, và theo thời gian, điều này giúp Trung Quốc cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Điều đó cũng có nghĩa là dần dà, Trung Quốc cũng cảm thấy chỉ cần xây dựng quan hệ kinh tế sẽ tất yếu đảm bảo quan hệ an ninh.

Họ sẽ cần cả ảnh hưởng chính trị, ảnh hưởng an ninh song phương. Tất cả họ cần làm là đảm bảo rằng Mỹ không thể tạo dựng các mối quan hệ đa phương mạnh trong khu vực.

Với Nhật Bản, điều đó không đúng.

Không có người Trung Quốc ở Nhật với nhiều ảnh hưởng kinh tế. Nhật Bản rộng lớn hơn nhiều, vì thế, nếu bạn là Trung Quốc, bạn sẽ chỉ có thể nghĩ tìm cách nào nghiêng cán cân theo hướng có lợi cho mình theo thời gian.

Các nước đang ngày càng hiếu chiến với nhau.

Tất cả những yếu tố mang tính cấu trúc này đang khiến tôi lo ngại. Dĩ nhiên quan hệ kinh tế vẫn quan trọng đối với cả hai nước. Mỹ cũng chắc chắn không muốn xung đột giữa đồng minh Nhật Bản và Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ nỗ lực đến đâu để ngăn chặn tình huống này và họ thể hiện sự gắn kết ra sao với Nhật Bản vẫn là điều tôi chưa dám khẳng định. Còn nếu cho tôi đánh cược, tôi nghĩ sẽ có một cuộc leo thang đáng kể trong năm 2013.

Tôi nghĩ, cho đến nay căng thẳng Trung-Nhật vẫn là căng thẳng địa chính trị đáng ngại nhất trên bản đồ, nếu xét trên phương diện xung đột song phương trực tiếp trong những năm tới.

Blodget: Ông có nghĩ hai nước sẽ đi đến chiến tranh.

Bremmer: Theo tôi, họ đang trong tình trạng chiến tranh. Tôi nghĩ, chiến tranh không gian mạng với các ngân hàng Nhật Bản đã tăng lên đáng kể.

Nếu bạn nhìn vào các cuộc biểu tình chống Nhật sẽ thấy, ảnh hưởng của nó đến đầu tư Nhật Bản là rất rõ ràng.

Chiến tranh đang được tiến hành thông qua các phương tiện khác. Chúng ta khó có thể nói họ là bạn bè được nữa.

Tôi có thể khẳng định với anh như vậy rằng nhìn vào toàn bộ G20, mối quan hệ song phương xấu nhất trong quạn hệ giữa hai nước trong G20 là quan hệ Trung-Nhật. Tôi nghĩ điều đó rất rõ ràng. Trong khi đó, 10 năm trước, đó là mối quan hệ Nga-Nhật. Tại thời điểm này vẫn còn có những tranh chấp lãnh thổ. Nhưng trên thực tế, họ đã thực sự nỗ lực để cải thiện mối quan hệ này.

Có nhiều lý do giải thích cho điều này. Đó không phải là những điểm đồng văn hoá. Nhưng Nga coi Nhật là nguồn đầu tư quan trọng, và đây là điều họ rất coi trọng. Trong quan hệ Trung-Nhật, mọi chuyện đang trở nên khó khăn hơn.

Vậy họ có đi đến đối đầu trực tiếp? Nguy cơn lớn hơn ở đây là phản ứng dây chuyền lên quan hệ Trung-Mỹ.

Blodget: Vậy điều gì xảy ra nếu chúng ta thực sự phải chứng kiến điều đó? Máy bay Nhật bắn đạn lửa vào máy bay Trung Quốc. Máy bay Trung Quốc phản ứng và bắn hạ máy bay Nhật? Điều gì xảy ra?

Bremmer: Trước tiên, chúng ta sẽ chứng kiến sự hạ tầm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Các đại sứ dĩ nhiên được mời về nước ngay lập tức. Bạn sẽ thấy tinh thần chống Trung Quốc và Nhật Bản ở khắp mọi nơi. Bạn sẽ thấy một số vụ bạo lực.

Sẽ có những người Nhật sinh sống tại Trung Quốc bị ngược đãi hay ám sát. Sự ảnh hưởng của Nhật Bản tại Trung Quốc sẽ trở nên ít đi. Nhiều công ty Nhật sẽ rời khỏi Trung Quốc.

Nhưng liệu hai bên có thể lui bước?

Tôi nghi ngờ về phương diện quân sự họ khó có thể lùi bước...

Blodget: Cảm ơn ông, Ian.

Trâm Anh (theo BusinessInsider)

Nguồn: Tuần VN