Cuộc Gặp Gỡ Độc Quyền Với Đức Phanxicô

“Đây là Giáo hoàng Phanxicô. Trước hết tôi xin lỗi, đây là lỗi của tôi vì tôi không chú ý đủ đến thư của con, tôi nghĩ con đã ở nhà con hôm nay. Tôi thú thật là tôi quá bận với tuần lễ Phục Sinh và chuyến đi vùng vịnh Balkans. Hạn chót của con cho bài bào này là ngày nào? Tôi xem lại kỹ lịch làm việc rồi sẽ gọi lại cho con. Trong lúc chờ đợi, tôi không chúc con “làm việc tốt” vì hôm nay là ngày lễ lao động. Con cố gắng tìm một giây phút thanh thản để cầu nguyện cho cha. Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau.”

Phóng sự của nhà báo Caroline Pigozzi, hình ảnh của nhiếp ảnh gia Guillaume Clavières, Virginie Clavières, video của Jérémy Larquet-Vezin

Để kỷ niệm 70 năm sinh nhật báo Paris Match, Đức Phanxicô tiếp các các ký giả báo Paris Match tại Nhà Thánh Marta.

Người đứng đầu một cộng đồng có hơn một tỷ tín hữu, nhưng tu sĩ Dòng Tên không bao giờ quên lời khấn khiêm nhường của mình. Xa dinh tông tòa long trọng, ngài sống, làm việc, dâng thánh lễ ở căn nhà đơn sơ dành cho các giáo sĩ khi họ có công việc về Rôma. Cũng trong tinh thần đơn sơ này, ngài mừng sinh nhật 70 năm tờ báo chúng tôi, một tờ báo mà từ triều giáo hoàng Piô XII đã luôn dành một chỗ trang trọng cho các giáo hoàng. Tháng 10 năm 2015, Đức Phanxicô đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn đầu tiên với báo Pháp. Năm nay, ngài thốt lên: “70, một con số thật đẹp!”

Ngày 1 tháng 5, điện thoại cầm tay của tôi reng lúc 15 h 30, tôi nghe giọng nói ấm áp “Buongiorno Carolina” (Chào Carolina), tôi nghĩ mình đã quen giọng nói của giáo hoàng, nhưng chuyện này gần như tôi không nghĩ ra được. Tôi lặng người. Trước sự im lặng này, đầu giây bên kia lên tiếng: “Đây là Giáo hoàng Phanxicô. Trước hết tôi xin lỗi, đây là lỗi của tôi vì tôi không chú ý đủ đến thư của con, tôi nghĩ con đã ở nhà con hôm nay. Tôi thú thật là tôi quá bận với tuần lễ Phục Sinh và chuyến đi vùng vịnh Balkans. Hạn chót của con cho bài bào này là ngày nào? Tôi xem lại kỹ lịch làm việc rồi sẽ gọi lại cho con. Trong lúc chờ đợi, tôi không chúc con “làm việc tốt” vì hôm nay là ngày lễ lao động. Con cố gắng tìm một giây phút thanh thản để cầu nguyện cho cha. Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau.”

Ý tưởng cho một cuộc hẹn với giám mục giáo phận Rôma được nảy sinh hai tháng trước đây. Năm mươi trang báo bìa và vô số bài báo từ thời giáo hoàng Piô XII từ năm 1949 đến nay, do đó chúng tôi có ý định mời vị kế nhiệm Thánh Phêrô tham dự theo cách của ngài vào ngài sinh nhật 70 của chúng tôi. Vì thế trên chuyến Airbus đi Marốc ngày 30 tháng 3 vừa qua, tôi cả gan nói vào tai ngài: “Trọng kính Đức Thánh Cha, sẽ là một vinh dự lớn lao cho chúng con nếu chúng con được cha tiếp trong dịp này.” Ngài cười: “Cha sẽ suy nghĩ, nhưng tại sao lại không!” Tôi biết khi Đức Jorge Mario Bergoglio nhíu mày là ngài không bằng lòng, vì thế tôi lạc quan dù tôi biết, ngài là nguyên thủ Quốc gia bận rộn nhất hành tinh.

Ngày 21 tháng 5, lúc 7 h 37 sáng, ngạc nhiên! Trên điện thoại cầm tay của tôi có e-mail với tiêu đề “Del Papa Francesco”, “Cara Carolina, cha chờ con ngày 25 lúc 4 giờ chiều ở Nhà Thánh Marta…” Ba ngày sau cùng với ông Guillaume Clavières, giám đốc hình ảnh, bà Virginie Clavières, nhiếp ảnh gia, chúng tôi đến Rôma. Đức Phanxicô tiếp chúng tôi không nghi thức gì. Các cuộc hẹn chiều thứ bảy là các cuộc hẹn không có trong lịch chính thức, Đức Phanxicô có một nhịp làm việc khác. Theo ông Hernan Reyes Alcaide, người đồng nghiệp người uruguay-argentina theo dõi ngài hàng ngày thì trong tuần ngài rất bận.

Đức Phanxicô nhìn chăm vào 50 trang bìa dành riêng cho các giáo hoàng của báo Paris Match từ ngày ra đời. Ngài ngần ngại: “Tôi nói tiếng Ý hay tiếng Tây Ban Nha?” Ngài dùng cả hai. © Virginie Clavières / Paris Match

“Với chuyến thăm của hội đồng giám mục Ý, các tiếp kiến, các buổi trình ủy nhiệm thư của các tân đại sứ, thánh lễ cho Caritas, tiếp 5 000 thành viên Hiệp hội túc cầu Ý…” đó là không kể các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư hàng tuần với hàng chục ngàn giáo dân, trong đó có rất nhiều linh mục, nữ tu đến nghe bài giáo lý của ngài. Và đó cũng là lúc các nhân vật ở nhiều nơi trên thế giới đến ngồi hàng đầu để được gặp ngài. Đối với Đức Phanxicô, gặp giáo dân hành hương hàng tuần là niềm hạnh phúc của ngài. Ngài thường giữ một giao tiếp trực tiếp với thế giới bên ngoài để luôn có phản xạ của một người ở hiện trường. Ngài ban phép lành cho các cặp vợ chồng mới cưới, an ủi người bệnh, ôm hôn trẻ con, vui đùa chụp hình với từng nhóm, nói chuyện thân mật như nói chuyện riêng với từng người.

Đức Phanxicô ký: “Chúc mừng sinh nhật 70 năm báo Paris Match với lời chúc tốt đẹp nhất của tôi và phép lành của tôi. Thân mến, Phanxicô” © Paris Match

Ngày thứ bảy 25 tháng 5, theo nghi thức, chúng tôi mặc áo màu sẫm và đến cổng Sant’Uffizio. Qua các hàng rào chắn, một cận vệ Thụy Sĩ trong bộ đồng phục vàng và xanh kiểm tra thẻ căn cước chúng tôi. Chúng tôi đi bộ đến Nhà Thánh Marta, căn nhà được xây từ thời Đức Karol Wojtyla. Khác với dinh thự giáo hoàng trang trọng, Đức Phanxicô chọn ở nơi khiêm tốn này kể từ ngày ngài được bầu chọn 13 tháng 3 năm 2013. Ngài sợ mình bị giam hãm trong căn hộ sang trọng, gần đây ngài còn tuyên bố: “Chính quyền Vatican vẫn còn là triều quân chủ tuyệt đối của Âu châu, các chính quyền khác bây giờ đã là quân chủ lập hiến. Chính vì thế cấu trúc này phải được biến mất.” Đức Phanxicô ở tầng thứ nhì với ba phòng có bàn ghế bình thường. Ngài thường ăn ở phòng ăn chung tầng trệt. Bàn của ngài nằm riêng ở phía trái, thỉnh thoảng có khách ngồi ăn chung với ngài. Dù được phục vụ, nhưng đôi khi ngài cũng muốn tham dự vào bầu khí chung quanh, ngài tự tay đi hâm thức ăn. Đó là lúc mọi người bắt chước ngài, đến gần ngài, chào ngài. Một ‘đám rước’ đặc biệt!

Đức Phanxicô ngạc nhiên trước trang bìa “Thật đẹp; 50 trang bìa, không phải là ít!”  

Rồi thì chúng tôi đứng trước Nhà Thánh Marta, một tòa nhà hiện đại. Chúng tôi không gặp ai vì chỉ có một vài giám chức làm việc cuối tuần.  Một người dẫn đường đưa chúng tôi vào căn phòng nhỏ. Và đúng 4 giờ, Đức Phanxicô mở cửa. Ngài không có thư ký đi theo, cũng không có nhân viên hay hai quản gia theo ngài. Với Đức Phanxicô, người đến từ Thế giới Mới, không có chuyện quỳ hay hôn nhẫn giáo hoàng. Chỉ cúi nhẹ đầu biểu hiệu sự tôn kính. Ngài đi đôi giày cũ, áo chùng để lộ chiếc quần đen của tu sĩ Dòng Tên. Ngài tiến về chúng tôi. Tôi nói với ngài bằng tiếng Ý, giới thiệu nhóm nhà báo Paris Match với ngài và tặng ngài chai sâm-banh. “Kính Đức Thánh Cha, để cha kỷ niệm sinh nhật của chúng con với các bạn của cha”. Chỉ để đùa. Cha nhắc chúng tôi nhớ, theo truyền thống thì một tu sĩ Dòng Biển Đức là người phát minh ra rượu sâm banh, sau đó cha để chai rượu trên chiếc bàn thấp. Tôi xin phép ngài: “Kính cha, chúng ta có thể thay đổi căn phòng, căn phòng này hơi buồn và không có nhiều chỗ… – Tôi có nhiều giờ”, ngài vui vẻ trả lời để trấn an chúng tôi.

Ngài đưa chúng tôi qua phòng tiếp tân, tôi giới thiệu cho ngài bức hình 50 trang bìa. Ngài thốt lên: “Thật đẹp; 50 trang bìa, không phải là ít!” Ngài chăm chú nhìn, ngài không tìm ba tấm hình của mình. Tôi chỉ cho ngài nhưng rõ ràng ngài để ý đến các tấm hình khác, nhất là hình của Đức Phaolô-VI, ngài nói, “đó là người bạn tuyệt vời của nước Pháp”. Ngài vui đùa làm bài toán: “Khi tờ báo của các bạn ra đời, tôi mới 12 tuổi rưỡi!” rồi ngài ôm tài liệu trong tay, đến bàn ngồi và xin tôi chọn cây bút, ngài nói: “Cha viết tiếng Ý hay tiếng Tây Ban Nha? – Trọng kính cha, xin tùy cha quyết định. – Tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ của cha.” Và ngài bắt đầu viết. “Tôi nhận ra, tôi tự nhiên chuyển từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Ý!” Kết quả: “Chúc mừng sinh nhật 70 năm báo Paris Match với lời chúc tốt đẹp nhất của tôi và phép lành của tôi. Thân mến.”

Ngài cho tôi biết vì sao ngài không đến Paris khi Nhà thờ Đức Bà bị cháy. “Dù khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tấn công vào các nhà thờ, tôi mạnh mẽ lên án các hành động khủng bố, cầu nguyện cho các nạn nhân, các gia đình và toàn cộng đoàn kitô, nhưng tôi không đi đến. Giáo hoàng áp dụng cùng nguyên tắc cho mọi nơi. Tôi đã giải thích cho tổng thống Macron và ông đã hiểu.”

Ngài đi ra với bước chân quả quyết, rồi ngài trở lại với chiếc mề đay, một tràng chuỗi cho em bé

Tôi nhân cơ hội để hỏi có ngày nào đó, ngài sẽ đến thăm đất nước tôi không. “Tôi sẽ suy nghĩ… Tôi thích đi nhưng cho đến bây giờ, tôi còn nhiều ưu tiên khác. A! Teresina!” Mắt ngài sáng lên, Thánh Têrêxa Lisiơ là vị một trong các thánh ngài yêu kính. Tôi nói tiếp: “Trọng kính Đức Thánh Cha, vì sao ở đây có bức ảnh Đức Mẹ Tháo gỡ nút thắt?” – Bức này là bản sao của Schmidtner. Bản gốc ở một nhà thờ ở Bavaria. Quý vị biết sự tích bức tranh này không? – Dạ ít biết. Xin cha kể cho chúng con. – Có rất nhiều nút thắt trong đời sống: nút thắt trong đời sống hàng ngày, trong gia đình, chung quanh chúng ta… Quan trọng là phải gỡ nút thắt cho được, vì vậy tôi thích bức tranh Đức Mẹ gỡ nút thắt với ân sủng. – Còn tượng Đức Mẹ thinh lặng giữa hai thang máy của dinh tông tòa? – Tôi đặt ở đó vì đó là một biểu tượng mạnh. Biết im lặng, tránh nhiều chuyện; khi chúng ta nói về người khác, chúng ta thường hay nói xấu và như thế là hủy hoại họ. Tốt hơn là kiềm chế không nên bình phẩm về người khác. Quý vị ở đây, tôi lên phòng lấy quyển sách nhỏ về Đức Mẹ thinh lặng để quý vị xem.” Chính lúc này, tôi tặng ngài một tác phẩm về Thánh Têrêxa Lisiơ.

Ngài nói một vài câu bằng tiếng Pháp. “Tôi học tiếng Pháp ở Trung tâm Văn hóa Pháp khi còn nhỏ nhưng bây giờ tôi quên hết rồi. – Có thể, nhưng cha phát âm hay.” Ngài có vẻ ngạc nhiên. Tôi kể cho ngài cha tôi là người vùng Piémont, ông nói tiếng địa phương, ngài nói: “Đây là tiếng của bà nội tôi.” Sau đó là cuộc nói chuyện riêng. Ngài quan sát “hộp ánh sáng” của nhiếp ảnh gia. Không có gì lọt ra khỏi mắt của ngài. “Thật đặc biệt, cái này hình tròn! – Trọng kính Đức Thánh Cha, Virginie rất sợ cuộc hẹn hôm nay rơi vào ngày bà ấy làm bà ngoại. – Bà là bà rồi sao! Tôi sẽ đi tìm một món quà cho cháu của bà, cháu tên gì?” Ngài ra khỏi phòng, ngài về phòng ngài rồi trở lại với một mề-đay, một tràng chuỗi trên tay, một quyển sách về Đức Mẹ thinh lặng để tặng mỗi chúng tôi, còn riêng tôi ngài tặng tập thơ vùng Piémont yêu quý của ngài và các bài viết của ngài về Âu châu. Chúng tôi hài lòng. 

Ở tuổi 82, người mục tử của Giáo hội đối diện với hàng loạt tai tiếng

Chúng tôi ấn tượng trước sức sống của ngài… đã 82 tuổi, người mục tử của Giáo hội hoàn vũ đối diện với các tai tiếng hàng loạt. Các vụ ấu dâm, tiền bạc dơ bẩn của các hồng y, các giám mục, các linh mục trên năm châu lục, các nữ tu nạn nhân các vụ lạm dụng tình dục… Ngài ôm vào và tiếp tục vạch con đường của mình. Thực tiễn hơn giáo điều, ngài muốn cải cách Giáo hội, ngài muốn Giáo hội khiêm tốn hơn, minh bạch hơn, ít tập trung hơn, dành nhiều chỗ hơn cho các hội đồng giám mục địa phương. Có tham vọng đơn giản hóa các cấu trúc không được mến chuộng này – các ban bộ, các hội đồng cố vấn – thêm nữa ưu tiên của chủ quyền là tuyệt đối, ngài đòi hỏi kết quả. Ngay từ đầu, ngài đã không nhân nhượng với giáo triều. Mỗi hồng y đều giữ trong đầu bài phát biểu không thương xót, về hình thức cũng như nội dung ngài đọc ngày 22 tháng 12 năm 2014 ở phòng Clémentine, ngài kê ra 15 căn bệnh trong chính quyền Giáo hội, buộc các hồng y phải xét mình triệt để. Đau đớn cho các hoàng tử của Giáo hội; nhưng ngược lại, với chúng tôi thì ngài không ngừng gây ngạc nhiên.

Vài ngày trước khi phát hành số báo lịch sử này, các nhà Vatican học đã tháp tùng Đức Phanxicô trên chuyến bay đi Rumani. Về phần tôi, đây là chuyến đi thứ 24 bên cạnh ngài, luôn là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Dù phải dậy rất sớm và có lịch làm việc mệt mỏi, Đức Phanxicô dường như tỉnh táo hơn chúng tôi. Chú ý, lắng nghe các câu hỏi trên độ cao 10 000 mét, vẻ như trong trắng ngây thơ, nhưng ngài là một trong các nhân vật nắm vững thông tin nhất trái đất.

Tập trung như một vận động viên cấp cao, phản xạ của một lãnh đạo quen với đám đông, ngài nhìn suốt đàng sau ca-bin, trả lời cho chúng tôi không e dè, lần này ngài nói về Âu châu: “Châu Âu phải nói, châu Âu không được nói: ‘Chúng tôi đoàn kết và tùy thuộc vào Bruxelles để tiến lên.’ Chúng ta tất cả đều có trách nhiệm với Liên hiệp Âu châu. […] Sự thay thế ban lãnh đạo không phải là một cử chỉ lịch sự, đó là biểu tượng của trách nhiệm mà mỗi nước phải có trên Âu châu. […] Nếu Âu châu không chú tâm nhìn các thách thức của tương lai thì Âu châu sẽ khổ, sẽ bị hạ thấp. […] Âu châu cần nhìn lại căn tính riêng của mình, vượt lên các chia rẽ, các biên giới. […] Hãy nghĩ về Âu châu bị chia cắt giữa hai thế chiến. Chúng ta hãy rút tỉa bài học Lịch sử: thêm một lần nữa, con người là loài động vật duy nhất rơi hai lần vào một lỗ.”

Lịch sự tế nhị, Đức Phanxicô không bao giờ nhìn đồng hồ, dù chỉ thoáng qua

Là nhà báo được ủy nhiệm của Vatican từ 23 năm nay, tôi luôn xúc động mạnh khi đứng trước Đức Thánh Cha. Nếu người áo trắng luôn bắt ánh sáng thì sự gần gũi này khi nào cũng có những ngạc nhiên. Và còn nhiều hơn với Đức Phanxicô. Ngài đã làm cho tôi xúc động ngay ngày hôm sau ngài được bầu chọn, khi ngài nhìn thẳng vào mắt của những người vô gia cư, người di dân, họ tạm trú trong các thùng giấy trước văn phòng báo chí. Tôi thấy họ đứng dậy đầu ngẫng lên với phẩm giá. Nhờ họ, tôi hiểu đã có một cái gì khác xảy ra với tu sĩ Dòng Tên đã từng phục vụ những người sống bên lề ở Achentina. Ở Vatican cũng vậy, chắc chắn ngài sẽ “hành nghề” một cách khác, trước hết là với những người “sống ở ngoại vi” mà ngài không ngừng lên tiếng “loại bỏ người di dân là dấu hiệu của một sự xuống dốc đạo đức”.

Lịch sự tế nhị, ngài không bao giờ nhìn đồng hồ dù chỉ thoáng qua trong ba mươi lăm phút qua nhanh này. Với giọng nói êm dịu, một cách thiện cảm ngài nói tiếng Ý thường chêm vào một vài cụm từ Tây Ban Nha, ngài truyền niềm vui cho chúng tôi, làm cho chúng tôi quên đi chúng tôi đang ở trước mặt nhà lãnh đạo thiêng liêng của 1,313 tỷ người công giáo.

Đức Thánh Cha tự tay mở cửa, để ý tắt đèn. Chúng tôi cùng đi qua hành lang rộng dẫn đến thang máy. Ngài cười và thân tình chào chúng tôi “Adiós!”. Một truyền thống cổ xưa quy định trên văn thư do giám mục giáo phận Rôma gởi đi, bên mặt bì thư có chữ “F.R.”, “Felicemente Regnante” (Hạnh phúc cai trị). Khi từ giã Đức Phanxicô, tôi nghĩ công thức giao tiếp này thực sự áp dụng cho ngài.

Marta An Nguyễn dịch