Hai tháng sau vụ hỏa hoạn, thánh lễ đầu tiên được cử hành chiều thứ bảy 15 tháng 6 tại Nhà thờ Đức Bà còn dấu vết tàn phá nặng nề. Một giây phút cảm động nhưng cũng là một cách để Giáo hội công giáo nhớ lại mục đích thờ phượng của nơi này và “trả lại cho Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa”.
Để vào nhà thờ ngày 15 tháng 6, khoảng ba mươi người được phép vào dự thánh lễ đầu tiên phải mang mũ bảo hiểm trắng và phải qua một bồn ngâm chân. Hai tháng sau đêm hỏa hoạn, kéo theo tháp mũi tên Viollet-le-Duc thành mây khói, tất cả các biện pháp phòng ngừa vẫn còn áp dụng. Vòm vẫn chưa được an toàn hoàn toàn, bên trong vẫn còn lộn xộn. Công việc kiên nhẫn quét dọn vẫn chưa xong.
Ông Christophe Rousselot, giám đốc Quỹ Nhà thờ Đức Bà cho biết: “Khi bước vào nhà thờ, hình ảnh đầu tiên đến trong tâm trí tôi là hình ảnh của một vụ dội bom. Có ba lỗ hổng lớn trên vòm. Mùi khét cháy vẫn còn. Ngay lập tức bạn chìm đắm trong một bầu khí không giống bất cứ điều gì bạn đã từng biết.”
Bàn thờ chính của nhà thờ bị phá hủy và chỉ có thể đến được cánh ngang bằng các máy rô-bô nhỏ, thánh lễ được cử hành ở nhà nguyện Đức Mẹ ở đàng sau bàn thờ chính. Được Viollet-le-Duc phục hồi hoàn toàn vào thế kỷ 19, màu sắc tươi sáng và cửa sổ kính màu tương phản với bóng tối của gian giữa phủ một lớp chì mỏng. Ông Rousselot cho biết: “Tất cả những màu sắc này … Tôi nghĩ đó sẽ là màu sắc của Nhà thờ Đức Bà sau này”. Khoảng mười mấy linh mục và giáo dân có mặt trong thánh lễ chiều thứ bảy 15 tháng 6. Ông nói tiếp: “Trong buổi lễ, tôi nghĩ đến tất cả các thư nhận được, tất cả các liên hệ tôi liên lạc từ vụ cháy đến bây giờ, những lời hứa đóng góp hàng triệu âu kim cho chương trình tái thiết. Chúng tôi xin đại diện cho tất cả những người này”.
Bên ngoài thánh đường, đằng sau các hàng rào bao quanh sân trước bây giờ là công trường, từng nhóm nhỏ tụ họp lại. Một nữ tu kết nối điện thoại của mình với chương trình phát sóng của kênh công giáo KTO, sơ chia sẻ với hàng chục người cùng xem trong tâm tình xúc động. Ai thuộc bài hát, họ hát theo trước sự ngạc nhiên của khách du lịch. Một vài người cầu nguyện bằng ngôn ngữ riêng của mình. Một linh mục lên tiếng ở sân trước nhà thờ: “Hai tháng trước, khi nhà thờ bị đốt cháy, tôi chưa bao giờ nghĩ chúng ta có thể cử hành thánh lễ một cách nhanh chóng như vậy”.
Nếu Giáo hội công giáo muốn có thánh lễ này dù tòa nhà chưa được bảo đảm, thì không chỉ để kỷ niệm ngày thánh hiến nhà thờ, nhưng và trên hết là để nhắc lại Nhà thờ Đức Bà không phải là viện bảo tàng, nhưng là một nhà thờ. Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, tổng giám mục giáo phận Paris đã nhấn mạnh trong bài giảng của mình: “Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: chúng ta có xấu hổ về đức tin của tổ tiên mình không? ngày hôm nay chúng ta có xấu hổ về Chúa Kitô không? Cha nhìn về cộng đoàn nhỏ nhưng cha biết thánh lễ được truyền đi. Đúng, nhà thờ này là nơi thờ phượng. Và đây là cùng đích riêng và duy nhất của nó. Không có khách du lịch tại đây như thỉnh thoảng tôi nghe thấy. (…) Tất cả các linh mục chung quanh tôi đây có thể làm chứng, có thể nhiều người bước vào nhà thờ vì hiếu kỳ, họ không biết tại sao nhưng khi họ đi ra, họ không cảm nhận cùng một cách, vì ở đây có một sự hiện diện, một sự hiện diện có thể tiềm ẩn, nhưng sự hiện diện này không thể chối cãi được.”
Trong khi dự luật liên quan đến việc phục hồi nhà thờĐức Bà vẫn đang được thảo luận, một số người đưa ra ý tưởng Giáo hội công giáo là “người dùng đầu tiên” tòa nhà này – ngụ ý có thể có những người khác – người này bảo vệ vai trò là người phân bổ duy nhất của nhà thờ, theo luật năm 1905 và 1907 định nghĩa về nó. Đức Tổng Giám mục Aupetit nhắc lại: “Nhà thờ này có hòn đá tảng. Nền tảng này gánh cho toàn bộ tòa nhà. Và với chúng tôi, nền đá tảng này là Chúa Kitô! Nếu chúng ta loại bỏ viên đá này, nhà thờ sẽ sụp đổ, nó sẽ là một cái vỏ rỗng, một hộp trang sức quý giá, một bộ xương vô hồn, một cơ thể vô hồn. (…) Thật không thể nói chúng tôi hân hoan như thế nào khi cử hành thánh lễ này để dâng lên Chúa những gì thuộc về Ngài và trả cho con người ơn gọi cao siêu của mình.”
Đức Tổng Giám mục giáo phận Paris cũng nhân cơ hộinày để nhắc lại nhà thờ luôn là nơi ẩn náu của người nghèo và người bị loại trừ. Trong khi Hôtel-Dieu gần đó được một công ty thuê có lẽ để mở một trung tâm thương mại và nhà ở, ngài nhắc lại tòa nhà này được xây bên cạnh nhà thờ Đức Bà “là dấu hiệu của nơi tiếp đón vô điều kiện người nghèo, người bệnh, và tôi hy vọng chúng ta có thể tìm thấy tinh thần này nơi những người xây dựng thánh đường này, bởi vì chính họ – những người nghèo, người bệnh, người bị ruồng bỏ là những người có vị trí đầu tiên trong Giáo hội, như Chúa đã dạy chúng ta.”
Vào cuối thánh lễ, Linh mục Pascal Gollnisch, Tổng Giám đốc Hành động Đông phương đã tặng Tổng Giám mục Aupetit cây thánh giá được khắc từ các viên đá rơi của nhà thờ Maronite Saint-Elias, thành phố Alep, nơi có cuộc chiến dữ dội trong những năm gần đây.
Cuối cùng, các tín hữu đến chào kính tượng Đức Mẹ Nâng đỡ trước khi ra về trong tiếng hát kinh Lạy Nữ Vương Salve Regina. Tượng Đức Mẹ nằm trên mặt đất và được bảo vệ bởi các thanh gỗ. Linh mục Christophe Rousselot kết thúc: “Tiếng hát khiêm tốn của chúng tôi hát với cả quả tim trong nhà thờ hư hại này, theo hình ảnh của những người cống hiến hết sức mình trong việc tái thiết.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch