Nhìn lại mình
Mới đây trong một bài báo, một phóng viên của hãng AFP sau khi hết lời khen sự “tinh tế, thanh lịch” của phở Hà Nội, cũng không quên thòng một ý, đó là món ngon đó được bán bởi những người…“thô lỗ”! Chắc ông nhà báo này đã được nếm món “phở quát cháo chửi” nổi tiếng Hà thành.
Nhiều người dân xứ ta đọc xong cũng ấm ức. Nhìn lại mình xem, sự tinh tế, thanh lịch biến đâu mất rồi khi khắp nơi lễ hội đều hỗn tạp, ai nấy nhăm nhăm mua thần bán thánh. Thậm chí các tượng thần phật còn bị người đi lễ nhét kín tiền lẻ, nhét đầy cả miệng tượng phật !
Dăm bảy năm trước, báo Tiền Phong từng mở diễn đàn “Người Việt - phẩm chất và thói hư tật xấu” được đông đảo các tầng lớp sôi nổi tham gia, gom các bài viết lại in được cuốn sách dày sụ.
Nhưng nay những thói tật có vẻ càng nhiều thêm với những biến tướng mới. Chúng đã trở nên rất đỗi “bình thường” dưới mắt mọi người, được tiếp sức và lan truyền rộng khắp bởi truyền thông đa phương tiện, không chỉ các trang mạng xã hội, mà có cả những cơ quan được gọi là “báo chí”, mà dư luận vẫn gọi là lá cải.
Từ những bữa tiệc óc khỉ rùng rợn trên bàn nhậu, những màn đâm chém tàn bạo ngoài đường phố, chốn học đường, đến nhan nhản cuộc “ném đá” hạ nhục người khác trên mạng ảo, vậy người Việt có “hung hăng” thật không?
Nếu ai đó hung hăng, thì có lẽ không phải do “ăn thừa thịt” lắm tiết canh như ông nhà báo người Mỹ nọ nhận định, mà thiết nghĩ do pháp luật thiếu nghiêm minh và niềm tin vào công bằng xã hội vơi cạn. Sự bất công trong ứng xử trước pháp luật dễ là mồi lửa thổi lên sự bất mãn, phản kháng bất chấp hậu quả.
Khi bị người ngoài phê phán, trước hết hãy nhìn lại mình.
Trí Quân
Lộ dần “mảng tối” vụ Dương Chí Dũng
“Ngoài làm rõ những kẻ đã giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn thì các cơ quan tố tụng cần phải tiếp tục làm rõ ai đã bao che cho người phạm tội”, đây là ý kiến của ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Đại tá Dương Tự Trọng (mặc cảnh phục, đứng giữa) khi còn là Phó giám đốc Công an TP.Hải Phòng. Ảnh: P.H.S. |
Theo ông Quyền, việc ông Dương Tự Trọng, một cán bộ cấp cao của Bộ Công an bị bắt giữ cho thấy Bộ Công an đã rất nỗ lực làm rõ tất cả những hành vi vi phạm pháp luật xung quanh vụ tiêu cực xảy ra tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), đồng thời thể hiện không có bất cứ vùng cấm nào trong hoạt động tố tụng.
Vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Vinalines thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và gây ra nhiều bức xúc cho người dân khi kẻ đầu vụ là Dương Chí Dũng đột ngột bỏ trốn sát thời điểm cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) tống đạt quyết định khởi tố bị can.
Mặt khác, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã từng triệu tập ông Dũng lên làm việc trước thời điểm khởi tố và “ông Dũng đã thừa nhận những sai phạm, làm trái với chỉ đạo của Chính phủ, trái luật Đầu tư, luật Đấu thầu”.
Theo ông Quyền, xung quanh vụ việc này dư luận và thậm chí có cả đại biểu Quốc hội đã từng đặt ra nhiều vấn đề như các cơ quan tố tụng để lọt thông tin và bao che, tạo điều kiện để ông Dũng bỏ trốn.
“Tuy nhiên, để làm rõ những điều này cần phải có đủ bằng chứng chứ không thể đưa ra những nhận định chủ quan”, ông Quyền nói. Trước đó, trả lời vấn đề này trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết đã chỉ đạo cơ quan CSĐT làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn xem có lộ, lọt thông tin hay không? Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật.
Trả lời Thanh Niên việc ông Dũng từng bị cơ quan công an triệu tập và thừa nhận sai phạm nhưng không bị áp dụng biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, ông Quyền cho rằng, về nguyên tắc tố tụng trước khi bị tống đạt quyết định khởi tố bị can, ông Dũng vẫn được hưởng đầy đủ mọi quyền công dân, không có quy định nào buộc cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp nghiệp vụ như theo dõi, giám sát.
“Trong vụ việc này, điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra phải dựa vào kinh nghiệm, niềm tin nội tại của mình để nhận định ông Dũng có bỏ trốn hay không. Có thể họ nhìn nhận, ông Dũng là cán bộ cấp cao, có nhân thân tốt nên việc bỏ trốn là không thể xảy ra, do vậy để quy trách nhiệm là không dễ”, ông Quyền nói.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vụ ông Dũng bỏ trốn cũng là một vấn đề thực tiễn để Quốc hội sẽ xem xét các biện pháp phòng ngừa bỏ trốn trong việc sửa đổi bộ luật Tố tụng hình sự tới đây.
“Về nguyên tắc hoạt động tố tụng là công khai, do vậy đây cũng là nguyên nhân ông Dũng biết trước mình sẽ bị bắt để bỏ trốn. Việc bị can này bỏ trốn trong thời gian dài, ra được cả nước ngoài có thể sẽ liên quan đến nhiều người khác đã bao che giúp đỡ, không tố giác tội phạm. Theo tôi đây là những vấn đề mà cơ quan tố tụng tiếp tục phải làm rõ”, ông Quyền nói.
Diễn biến vụ án - Tháng 1-2012, cơ quan CSĐT (C48) đã xác minh làm rõ dấu hiệu sai phạm trong quá trình sửa chữa ụ nổi; xác định 4 đối tượng Trần Hải Sơn - Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, Trần Văn Quang - Trưởng phòng Kế hoạch Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, Trần Bá Hùng - cán bộ Hyundai Vinashin, Phạm Bá Giáp - Giám đốc Công ty Nguyên Ân lập 2 bộ hợp đồng, chứng từ quyết toán khống chiếm đoạt 2,9 tỉ đồng (theo kết luận của giám định viên Bộ Công thương). - Ngày 1-2-2012, C48 quyết định khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng trên. - Ngày 17-5-2012, C48 đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can về tội “cố ý làm trái...”, bắt tạm giam ông Dũng, lúc bấy giờ là Cục trưởng Cục Hàng hải; ông Mai Văn Phúc - nguyên Tổng giám đốc Vinalines, hiện là Vụ phó Vụ Vận tải; ông Trần Hữu Chiều - Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban QLDA Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam. Chiều cùng ngày, C48 xác định ông Dũng đã bỏ trốn. - Ngày 18-5, C48 ra quyết định truy nã đặc biệt trên toàn quốc đối với bị can Dương Chí Dũng và phối hợp với Interpol truy nã quốc tế bị can này. - Tháng 9-2012, Cơ quan CSĐT bắt giữ được ông Dũng. - Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cũng vào cuộc điều tra vụ việc ông Dũng bỏ trốn và bước đầu xác định một trong những nghi phạm chủ chốt tổ chức cho ông Dũng trốn đi nước ngoài là Trần Văn Dũng, một đối tượng giang hồ cộm cán ở Hải Phòng nên đã khởi tố vụ án “Trần Văn Dũng cùng đồng bọn tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. - Từ cuối năm 2012 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã bắt giữ 6 người có liên quan đến vụ án này. |
Theo Thái Sơn
Điều ít biết về Đại tá Dương Tự Trọng vừa bị bắt
Hôm qua, Cơ quan ANĐT Bộ Công an bắt tạm giam đại tá Dương Tự Trọng (Cục phó Cục Cảnh sát Quản lí Hành chính về TTXH, Bộ Công an, nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng). Ông Trọng bị bắt để điều tra hành vi liên quan vụ giúp anh trai Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) bỏ trốn.
Từ trái sang: Các ông Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng, người đứng kế ông Dũng là ông Bùi Quốc Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Vinalines, cũng đã bị bắt giam về hành vi tham ô) Ảnh: Lam Khê - Đức Nam. |
Tước quân tịch, bắt tạm giam
Đại tá Dương Tự Trọng bị bắt giam về hành vi “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, theo Điều 275 Bộ luật Hình sự. Cùng ngày, cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc và chỗ ở của đại tá Dương Tự Trọng (52 tuổi) tại Hà Nội. Đồng thời, Bộ Công an ra quyết định tước quân tịch CAND đối với ông Dương Tự Trọng.
Nguồn tin của phóng viên Tiền Phong cho biết, ngay sau khi công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cơ quan ANĐT lập tức thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Dương Tự Trọng.
Cơ quan điều tra xác định, đại tá Dương Tự Trọng là một mắt xích quan trọng trong đường dây tổ chức cho nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Tại thời điểm ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, đại tá Dương Tự Trọng giữ chức Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hải Phòng.
Sau đó vài tháng, lãnh đạo Bộ Công an quyết định điều động đại tá Dương Tự Trọng lên Hà Nội làm Cục phó Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH. Việc khởi tố đại tá Trọng sẽ giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ một số nghi vấn liên quan đến một số cán bộ tham gia tổ chức cho ông Dũng bỏ trốn.
Đại tá Dương Tự Trọng là ai?
Thông tin đại tá Dương Tự Trọng bị bắt gây xôn xao dư luận đất Cảng, mặc dù sau khi ông Dương Chí Dũng bỏ trốn dư luận đã có nhiều đồn đoán ông Trọng sớm muộn sẽ sa vòng lao lý.
Ông Dương Tự Trọng chính là em trai ruột ông Dương Chí Dũng và là con trai thứ hai trong một gia đình có 5 người con. Ông Trọng quê Hải Dương, sinh ra và lớn lên ở TP Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nhiều người là cán bộ ngành công an.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Dương Tự Trọng gia nhập lực lượng công an và công tác, cống hiến tại công an TP Hải Phòng, khởi đầu từ một cán bộ công an phường ở quận Lê Chân.
Người dân đất Cảng không xa lạ gì với cái tên Dương Tự Trọng, bởi ông nổi tiếng là một cán bộ cảnh sát hình sự giỏi nghề. Thời gian làm Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự rồi sau đó là Phó giám đốc Công an Hải Phòng, ông Trọng từng trực tiếp chỉ đạo nhiều chuyên án lớn, triệt phá các băng ổ nhóm giang hồ cộm cán đất Cảng.
Đại tá Dương Tự Trọng còn được nhiều người biết đến không phải tư cách là một sĩ quan công an mà là một người đam mê nghệ thuật. Ông Trọng thường sáng tác thơ, nhạc và đã được đăng tải trên một số báo, tạp chí.
Tám người bị bắt và truy nã
Liên quan đến đường dây tổ chức cho ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, đến nay Cơ quan ANĐT đã khởi tố, bắt giam và ra lệnh truy nã tổng cộng 8 người.
Trong số này, có 6 cán bộ công an Hải Phòng, gồm: đại tá Dương Tự Trọng, thượng tá Vũ Tiến Sơn (47 tuổi, Phó phòng Cảnh sát Hình sự), trung tá Hoàng Văn Thắng (43 tuổi, một đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát Môi trường), thiếu úy Nguyễn Trọng Ánh (cán bộ phòng Cảnh sát Hình sự), Vũ Văn Sáu (44 tuổi, Trưởng Công an xã An Thọ, huyện An Lão) và Phạm Đình Nghiên (43 tuổi, Phó trưởng Công an xã An Thọ).
Hai người còn lại gồm Hà Trọng Tuấn (48 tuổi, ở đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) bị bắt giam vì tham gia làm giấy tờ giả cho ông Dũng; Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng) bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã.
Ở một vụ việc khác, mới đây em rể ông Dương Chí Dũng và đại tá Dương Tự Trọng là đại tá Nguyễn Bình Kiên (Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng) bị khai trừ Đảng vì vi phạm nghiêm trọng quy định công tác nghiệp vụ của ngành công an và xâm phạm quyền tự do cá nhân của công dân.
Lam Khê
Phát hiện hành tinh tí hon nhất vũ trụ
Hành tinh Kepler-37b nằm ở chòm sao Lyra, cách chúng ta khoảng 210 năm ánh sáng, có kích thước chỉ bằng khoảng 80% sao Thủy và chỉ lớn hơn mặt trăng một chút.
Kepler-37b được xếp giữa mặt trăng và sao Thủy trong bảng so sánh kích thước một số hành tinh. Ảnh: Discovery News |
Kepler-37b dịch chuyển quanh ngôi sao của nó với khoảng cách ngắn hơn khoảng cách giữa trái đất và mặt trời 10 lần nên thời gian quay một vòng quỹ đạo nói trên chỉ mất 13 ngày và nhiệt độ lên đến 427oC.
Tuy ở gần vùng các hành tinh có khả năng tồn tại sự sống nhưng các nhà khoa học cho rằng khả năng này không xảy ra ở Kepler 37-b. Nó có thể chủ yếu là một khối đá và cũng không có bầu khí quyền bao quanh do nhiệt độ quá nóng.
Hai hành tinh cùng quay chung ngôi sao với Kepler-37b được đặt tên là Kepler-37c có vòng quỹ đạo 21 ngày và Kepler -37d có vòng quỹ đạo 40 ngày.
Trong số 833 hành tinh ngoài hệ mặt trời được xác định cho đến nay, có 114 hành tinh do nhóm công tác với kính thiên văn Kepler khám phá. Kepler cũng đang khảo sát ánh sáng của 150.000 ngôi sao giống mặt trời. Giới thiên văn học cho rằng trong vũ trụ bao la, hành tinh càng nhỏ càng khó được phát hiện.
Khám phá này được công bố trên tạp chí Nature .
Theo Tr. Lâm
Smartphone cho người già
TPO - Hãng Fujitsu Nhật Bản và nhà mạng Orange vừa chính thức ra mắt mẫu smartphone đặc biệt – Stylistic S01. Đây là thiết bị Android được thiết kế hướng đến đối tượng người sử dụng cao tuổi.
Stylistic S01. |
Sử dụng smartphone có thể gây nhiều trở ngại đối với người cao tuổi, vì vậy Fujitsu và Orange kết hợp với nhau để tạo nên Stylistic S01, một smartphone Android với nhiều tính năng và cách hoạt động tiện dụng cho người lớn tuổi.
Được phân phối chính thức qua nhà mạng Orange của Pháp, smartphone S01 có màn hình rộng 4inch, chống bụi, nước. Đây sẽ là thiết bị chủ lực của hãng Fujitsu đầu tiên được bán ra thị trường Nhật Bản.
Máy sở hữu rất nhiều tính năng tương thích cho người già, vay mượn từ dòng điện thoại phổ thông Raku-Raku của hãng. Dòng điện thoại trên cũng dành cho người cao tuổi, được khách hàng Nhật Bản ưa chuộng trong hơn thập kỷ qua.
Màn hình cảm ứng rất dễ sử dụng như một bàn phím với các nút ấn vật lý, sử dụng công nghệ màn hình độc đáo, cho phép thiết bị tránh nhận diện những lần chạm ấn một cách vô thức bằng cách yêu cầu người dùng ấn một biểu tượng trên màn hình cảm ứng mạnh như ấn phím cứng.
Ngoài ra, Fujitsu Stylistic S01 còn hiệu chỉnh âm thanh cuộc gọi của máy giúp người già nghe tốt hơn. Người dùng chỉ cần cho biết tuổi của mình và máy tự động điều chỉnh mức âm lượng phù hợp. Máy còn có khả năng làm chậm lại lời thoại của người thực hiện cuộc gọi với S01 khi họ nói quá nhanh mà không cần ngắt cuộc gọi.
S01 còn được trang bị tính năng cảnh báo an ninh với âm thanh rất lớn. Nó cho phép người xung quanh biết được chủ nhân vừa bị ngã hay nếu bất kỳ đối tượng nào tấn công. Máy chạy trên nền tảng Android 4.0 Ice Cream Sandwich và cũng có tích hợp một số ứng dụng của hãng Orange.
Trang bị phần cứng còn gồm có bộ xử lý Qualcomm MSM8255, tốc độ 1.4GHz, camera 8megapixel và camera trước để gọi video call. Máy sẽ được bán chính thức tại Pháp từ tháng 6 tới.
Gia Bảo
Giá xăng & lạm phát
Cho đến hôm qua, khi giá xăng dầu thế giới vẫn không giảm. Áp lực tăng giá xăng đè nặng lên cả xã hội khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang nín thở chờ quyết định của cơ quan quản lý. Càng bán, các đại lý xăng dầu càng lỗ.
Biểu hiện thường thấy là nhiều cây xăng đã tìm mọi lý do để bán nhỏ giọt hoặc ngừng bán.
Về nguyên tắc, đại lý xăng dầu không được ngừng bán vì lý do lỗ. Họ có thể bị xử phạt vì găm hàng. Nhưng xét dưới góc độ kinh doanh, các ông chủ tư nhân không thể lấy tiền nhà ra bù lỗ cho xã hội.
Nên dù luật đã cấm hành vi găm hàng, nhưng mỗi lần lỗ, chờ tăng giá thì hiện tượng trên lại xảy ra. Và cơ quan quản lý không phải lúc nào cũng xử lý được. Hoặc không may nếu có bị xử phạt, thì số tiền đó thường ít hơn rất nhiều so với những thiệt hại hoặc lợi nhuận có được.
Dù sốt ruột không kém doanh nghiệp, nhưng tới chiều tối qua cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được quyết định điều hành giá xăng dầu.
Lý do chính là lo ngại lạm phát leo thang. Lo ngại này, là có thật, vì nếu như năm 2012, lạm phát tháng 1 chỉ tăng 1%, thì cũng tháng 1 của năm 2013 đã tăng tới 1,25%.
Dự báo tháng 2-2013 (cũng là tháng mua sắm Tết), lạm phát tăng khoảng 1,5%. Điều này sẽ đẩy lạm phát 2 tháng đầu năm 2013 lên tới 2,75%. Năm 2012 cũng hai tháng đầu năm, lạm phát chỉ tăng 2,38%, nhưng cả năm tăng 6,81%.
Trong khi mục tiêu năm 2013 này, lạm phát cả năm khống chế dưới 6,8%. Và với đà tăng trên, nếu tăng giá xăng mạnh ngay từ đầu năm thì mục tiêu trên sẽ bị khoan thủng, báo hiệu một năm lạm phát cao quay trở lại.
Theo phân tích của một số chuyên gia, nếu tăng giá xăng dầu thời điểm này bằng mức lỗ (từ 1.000 đến 1.500 đồng/lít) của những doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 sẽ tăng thêm từ 0,12-0,16%.
Còn nếu không tăng giá thì không doanh nghiệp xăng dầu nào chịu nổi, bởi nguồn tiền từ quỹ bình ổn cơ bản đã được trích hết, thậm chí có nơi đang âm. Bài học về kìm giá điện những năm trước còn nhãn tiền và Chính phủ cũng không có ngân quỹ để bù cho doanh nghiệp, mà cuối cùng vẫn phải đưa vào giá bán điện, buộc người tiêu dùng phải gánh.
Trong hoàn cảnh này, nếu chỉ tăng giá xăng, mức tăng sẽ đẩy gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp. Bởi thế, giải pháp nhà nước, người dân, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cùng san sẻ được coi là tối ưu. Nhà nước nên giảm thuế, doanh nghiệp xăng dầu cần minh bạch, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.
Nhật Anh
(Tổng hợp từ internet)