Năm 2018, 97% tín hữu kitô bị giết ở lục địa Phi châu
Theo Tổ chức Phi Chính Phủ Cánh cửa Mở (Portes ouvertes) thì Nigeria là nước bách hại tín hữu kitô nhiều nhất.
Năm 2018 trên thế giới, gần chín phần mười trong số 4 305 tín hữu kitô bị giết liên hệ đến tín ngưỡng của họ là ở Nigeria. Đây là con số được Tổ chức Phi Chính Phủ tin lành Cánh cửa Mở đưa ra.
Sau Nigeria (3 731 người bị giết) là đến 6 nước Phi châu khác: Trung Phi (146), Sômalia (50), Công-gô (43), Mozambique (42), Ê-ti-ô-pia (31) và Nam-Xuđăng (30). Trong một năm con số tổng cộng những người bị giết tăng vọt lên 40 %.
Ngày thứ tư 16 tháng 1-2019, Tổ chức Phi Chính Phủ Cánh cửa Mở đưa ra báo cáo năm 2019 về “chỉ số đàn áp kitô giáo trên thế giới”. Được thực hiện hàng năm, bản báo cáo này tổng hợp các dữ liệu được các phóng viên địa phương báo cáo cho Tổ chức Phi Chính Phủ có mặt trong nhiều quốc gia. Bản báo cáo này bao gồm giai đoạn từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 10 năm 2018. Theo ông giám đốc Michel Varton thì các dữ liệu “còn đánh giá thấp”, chỉ số này đưa ra bảng xếp hạng năm mươi nước mà tín hữu kitô bị bách hại nặng nhất.
Bạo hành thể xác hay vật chất, các cơ chế đàn áp hoặc loại trừ
Các dữ liệu này khá phức tạp vì nó bao gồm vừa bạo hành thể xác hay vật chất và các cơ chế đàn áp giữ đạo hay loại trừ tín hữu. Và cũng phải kể đến các bạo hành do các nhóm quân đội vũ trang và chính sách của Nhà nước đưa ra. Theo chỉ số của Tổ chức Phi Chính Phủ, “có hơn 245 triệu người bị bách hại nặng nề trên thế giới, như thế một trên chín người là tín hữu kitô”. Bản báo cáo tóm tắt: “Từ sáu năm liên tiếp đã có sự gia tăng liên tục mức độ bách hại tín hữu kitô trên thế giới”.
Ở Phi châu, tỷ lệ này là một trên sáu, ở Á châu, Cận và Trung Đông là một trên ba. Một sự gia tăng đáng kể so với con số 215 triệu người được liệt kê trong năm 2018. Điều này một phần do tình trạng ở Trung quốc, nơi có 1 131 tín hữu kitô bị bắt và Ấn Độ được đưa vào trong danh sách “10 nước đứng đầu” bản xếp hạng này. Bắc Triều tiên là nước luôn đứng hàng đầu.
Ở Phi châu các nước Sômalia (3), Libya (4), Xuđăng (6) và Êritrêa (7) ở trong số các mười nước đầu tiên. Trung quốc và Algeria đã nhảy từ vị trí thứ 42 lên vị trí thứ 22. Tổ chức Phi Chính Phủ Cánh cửa Mở cáo buộc chính quyền Algeria đã cản trở sự phát triển các nhà thờ tin lành, đặc biệt ở Kabylia, buộc họ phải đóng cửa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 05.05.2019/ lemonde.fr, Cécile Chambraud, 2019-01-16)