Hồng Y Miến Điện cảnh báo về những tai họa khi chính phủ cho Trung Quốc xây nhà máy thủy điện
Dừng ngay lại dự án cho Trung Quốc xây nhà máy thủy điện tại Myanmar, Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon nói. Ngài nhấn mạnh rằng có quá nhiều vấn đề gây tranh cãi xung quanh dự án này và lưu ý rằng dòng sông Irrawaddy là biểu tượng thiêng liêng nhất của đất nước.
Sông Irrawaddy là “mẹ của chúng ta” và có nguy cơ bị mất đi “trước sự tham lam của một siêu cường”, Đức Hồng Y nói.
Sông Irrawaddy là con sông dài nhất của quốc gia Đông Nam Á này, chạy từ bắc xuống nam, “là một người đồng hành bất tận” trong sinh kế của người dân Miến. Trong tuyên bố hôm 28 tháng Giêng, Đức Hồng Y nói Miến Điện là “một quốc gia nông nghiệp, nơi 80% người dân sống bằng nghề nông”.
“Nhân danh tất cả người dân Miến, đặc biệt là các nông dân nghèo, chúng tôi thành khẩn van nài các bên hữu quan dừng ngay lại những nỗ lực lạm dụng của họ”. Irrawaddy được coi là cái nôi của nền văn minh cho sắc dân Miến chiếm đa số tại Miến Điện. Vì thế, “Chúng tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta phải chống lại mọi nỗ lực hủy hoại vận mệnh và nhân phẩm của quốc gia chúng ta.”
Dự án đập thủy điện Myitsone với chi phí $ 3.6 tỷ này, nếu được xây dựng như thiết kế, sẽ làm ngập hơn 200 dặm vuông đất rừng tại tiểu bang Kachin. Theo hợp đồng hiện nay, Trung Quốc sẽ xây đập thủy điện này cho Miến Điện. Đổi lại, Trung Quốc được hưởng 90 phần trăm nguồn điện sản xuất ra. Trung Quốc đã từng cố thuyết phục chính phủ quân sự về dự án này. Nhưng cánh quân nhân, cầm quyền trước năm 2011, đã bác bỏ dự án này.
Miến Điện “cầu xin tất cả mọi người có thiện chí hãy hỗ trợ người nghèo”, Đức Hồng Y Bo nói.
Theo Đức Hồng Y, dòng sông này “là chứng nhân cho những nỗi buồn, niềm vui và lịch sử bị tổn thương của chúng ta. Nó là niềm hy vọng của chúng ta, là định mệnh của chúng ta”.
Dịp này, Đức Hồng Y cũng mạnh mẽ lên án các tội ác mà Trung Quốc gây ra cho quốc gia của ngài.
“Trong nhiều thập kỷ qua Trung Quốc đã lợi dụng Miến Điện, bao gồm cả việc buôn bán các cô gái và phụ nữ của chúng ta thông qua việc buôn người ở các bang phía bắc của Miến Điện”, Đức Hồng Y Bo nói.
“Viễn cảnh nghiệt ngã của hàng triệu nông dân mất sinh kế, việc lạm dụng các địa điểm linh thiêng dọc theo các dòng sông, cái chết và sự hủy diệt hệ động thực vật quý giá của quốc gia thân yêu chúng ta đang trở thành hiện thực kinh hoàng. Một tương lai ảm đạm đang chờ đợi người dân Miến Điện trừ khi dự án xây đập này bị chặn đứng.”
Lợi ích địa chính trị của Trung Quốc tại Miến Điện có tính chiến lược, bao gồm cả lối thoát ra Ấn Độ Dương cho các tỉnh phía tây nam Trung Quốc.
Đức Hồng Y cảnh báo rằng tình trạng nghèo đói, và bị cô lập của Miến Điện, và một loạt các sự kiện gần đây, thật không may, đã “làm tăng đòn bẩy dòm ngó của một số quốc gia đối với đất nước chúng ta”.
Các cuộc nội chiến ở các vùng ngoại vi của Miến Điện đã làm khổ cả quốc gia từng được gọi là Burma kể từ khi giành được độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1948. Các dân quân người dân tộc đã giao tranh với quân đội, là những người đã cai trị đất nước từ năm 1962 đến 2011, và sau đó tiếp tục khuynh đảo chính quyền trước cuộc bầu cử tháng 11 năm 2015.
Đặng Tự Do
(vietvatican 01.02.2019/ Catholic News Service)