Thỏa thuận Trung Hoa – Vatican dưới cái nhìn của Giám Đốc AsiaNews: một số bước tích cực, nhưng không quên các vị tử đạo
Bản văn thỏa thuận tạm thời giữa Trung Hoa và Tòa Thánh về việc bổ nhiệm giám mục, vì chưa được chính thức công bố và có người còn cho rằng sẽ không bao giờ được công bố, nên các nhà bình luận chỉ biết dựa vào thông cáo chính thức của Tòa Thánh cũng như các lời bình luận và giải thích của Hồng Y Quốc Vụ Khanh và Giám Đốc Báo Chí của Tòa Thánh. Người bi quan thì cho là một cuộc bán đứng Giáo Hội Trung Hoa cho quỷ đỏ. Người lạc quan thì coi là một đột phá lịch sử. Lý luận bên nào nghe cũng có lý cả.
Trong số các nhận định trên, chúng tôi thấy nhận định của Cha Bernardo Cervellera, giám đốc hãng tin AsiaNews, là quân bình hơn cả. Cha là cựu giáo sư môn Lịch Sử Văn Minh Tây Phương tại Đại Học Bắc Kinh (Beida), được coi như một chuyên gia hàng đầu về Trung Hoa. Hãng tin do cha làm giám đốc là hãng tin chính thức của Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Ngoại Quốc (PIME). Theo Wikipedia, từ năm 2003, hãng tin này có ấn bản bằng tiếng Trung Hoa, nhằm vào các sinh viên đại học Trung Hoa, những người họ tin rất “tò mò về Kitô Giáo” và có thể cứu Trung Hoa khỏi trở thành một “thị trường vô linh hồn hay... độc tài”.
Cha Cervellera cho rằng hãng tin của Cha không bi quan và cũng không lạc quan, nhưng hiện thực, nghĩa là nhìn thấy thấy cả điều tích cực lẫn điều tiêu cực trong “thoả thuận mong manh và ‘tạm thời’ này”.
Đức Giáo Hoàng và việc cử nhiệm các giám mục
Thoả thuận chứa một điều mới mẻ: một cách nào đó, cách mà AsiaNews cho là chúng ta không dự phần vào, vì bản văn của thỏa hiệp chưa được công bố, và sẽ không được công bố, Tòa Thánh sẽ can dự vào việc cử nhiệm các giám mục. Ít nhất trên giấy tờ, điều này có nghĩa chấm dứt Giáo Hội “độc lập”, từng được loan báo rất nhiều trong mấy năm qua, và thừa nhận rằng dây nối kết với Đức Giáo Hoàng cũng là điều cần thiết để một giám mục Trung Hoa thi hành thừa tác vụ của ngài. Theo thỏa hiệp, sẽ không thể nào cử nhiệm và tấn phong một giám mục mà không có ủy nhiệm (mandate) của Đức Giáo Hoàng, ngay cả nếu chính phủ, hay hội yêu nước, hay hội đồng giám mục có thể đề cử các ứng viên. Đây là khía cạnh lạc quan.
Nhưng cũng có khía cạnh bi quan: điều gì sẽ xảy ra nếu 1 ứng viên do Trung Hoa đề cử bị Đức Giáo Hoàng bác bỏ? Cho đến nay, người ta nói tới quyền phủ quyết tạm thời của Đức Giáo Hoàng: Ngài có thể đưa ra lý do cho việc bác bỏ của mình trong vòng 3 tháng, nhưng nếu chính phủ thấy động lực của Đức Giáo Hoàng bất nhất, họ có thể tiếp tục việc bổ nhiệm và tấn phong ứng viên được chọn. Không có bản văn thỏa thuận trong tay, ta không biết liệu điều khoản này có được duy trì hay không, liệu quả thực Đức Giáo Hoàng có lời nói cuối trong việc cử nhiệm và tấn phong không, hay liệu thẩm quyền của ngài chỉ được thừa nhận một cách hình thức.
Một giáo luật gia, bạn của Cha Cervellera, tin chắc rằng Đức Giáo Hoàng sẽ có bản quyền (permanent power) nói lời cuối cùng đối với các ứng viên “vì Giáo Hội không thể làm khác thế”. Dù sao, đây cũng là một trong các điểm chúng ta phải kiểm nghiệm trong các tháng kế tiếp, với các cử nhiệm và tấn phong từng bị trì hoãn trong nhiều năm.
Bãi bỏ các vạ tuyệt thông
Một yếu tố tích cực khác là việc bãi bỏ vạ tuyệt thông cho bảy giám mục, được tấn phong mà không được Đức Giáo Hoàng ủy nhiệm giữa các năm 2000 và 2012. Đây là một sự kiện tích cực bởi vì ít nhất, về nguyên tắc, nó sẽ giúp người Công Giáo Trung Hoa hướng tới sự thống nhất nhiều hơn. Các giám mục bị tuyệt thông này đã được Hội Yêu Nước sử dụng để chia rẽ Giáo hội, với việc cảnh sát buộc họ phải chủ trì các buổi lễ và các cuộc tấn phong giám mục. Cũng phải nói rằng nhiều vị trong số này đã thực hiện hành trình thống hối và, trong nhiều năm, đã yêu cầu được hòa giải với Rôma. Việc bãi bỏ vạ tuyệt thông không phải là thành phần của "gói" thỏa thuận, nhưng là một cử chỉ nội bộ bên trong Giáo hội, mặc dù việc công bố sự hòa giải này được loan báo cùng ngày với tin tức về thỏa thuận, điều mà Cha Cervellera cho có lẽ vì một nỗ lực hơi ngây thơ trong chiến lược chính trị.
Nhưng trong số những tín hữu Trung Hoa trung thành - tức "đoàn dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa" mà Đức Giáo Hoàng yêu cầu chúng ta phải lắng nghe - có sự vỡ mộng và buồn bã vì một số các giám mục được hòa giải này có tiếng có người yêu và con cái và là "những tên hợp tác". Nhiều người khác thắc mắc liệu các giám mục được hòa giải có sẽ bày tỏ một lời yêu cầu công khai được tha thứ hay không trước những người mà họ đã làm gương mù gương xấu bằng hành động "độc lập" của họ. Trong thực tế, Đức Hồng Y Pietro Parolin, trong nhận định của ngài về thỏa thuận, đã kêu gọi phải có "các hành động cụ thể giúp khắc phục các hiểu lầm của quá khứ, ngay cả quá khứ gần đây".
Thỏa thuận "mục vụ" và "phi chính trị"
Một yếu tố tích cực khác của thỏa thuận là đặc tính "mục vụ" và "phi chính trị" của nó. Và, quả thực, sự thỏa thuận đã được ký kết mà không có việc Trung Quốc đòi phải phá vỡ liên hệ ngoại giao với Đài Loan như một điều kiện tiên quyết. Trong nhiều thập niên và cả trong những năm cuối cùng của cuộc đối thoại dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, điệp khúc của Trung Hoa là nếu Vatican muốn cải thiện liên hệ với Bắc Kinh, trước tiên, họ phải gián đoạn các liên hệ với Đài Loan và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Hoa. Với thỏa thuận "mục vụ", hai điều kiện này bị bỏ qua: Vatican được đưa vào các cuộc cử nhiệm giám mục và không có sự đoạn tuyệt với Đài Loan, với sự đánh giá cao của Bộ Ngoại giao Đảo Quốc và đại sứ của nó bên cạnh Tòa Thánh.
Cuộc bách hại không được nói đến
Tuy nhiên, có một yếu tố khác cực kỳ tiêu cực: cả trong tin tức về thỏa thuận lẫn trong các giải thích về nó không hề nhắc chi tới, dù là xa xôi nhất, cuộc bách hại mà người Công Giáo và mọi Kitô hữu khác đang phải chịu hiện nay.
Như cơ quan tin tức của Cha Cervellera đã chứng kiến nhiều lần trong những dịp gần đây, nhân danh "Trung Hoa hóa", các thánh giá bị đốt cháy và phá hủy, các nhà thờ bị san bằng, các tín hữu bị bắt và những người trẻ dưới 18 tuổi bị cấm việc thờ phượng và giáo dục tôn giáo ở Trung Quốc.
Ngoài ra còn có các giám mục và linh mục biến mất trong lúc bị cảnh sát giam giữ; nhiều giám mục bị quản thúc tại gia; các giám mục không chính thức bị coi là tội phạm; kiểm soát mọi loại sinh hoạt cộng đồng. Thêm vào tất cả những điều này, còn có các cuộc bách hại các cộng đồng tôn giáo khác nữa (Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, ...), những cuộc bách hại này chứng minh quan điểm tiêu cực Trung Quốc vốn có về các tôn giáo, và kế hoạch của họ là đồng hóa hoặc tiêu diệt họ.
Điều này làm cho thỏa thuận tạm thời giống như một kết quả kỳ lạ, một điều bất ngờ và tạm thời, không có tương lai, bởi vì nó phủ một cái bóng nghi ngờ lên người nói chuyện mà Toà Thánh đã quyết định đối thoại với. Các nhận định từ Trung Quốc bày tỏ sự hài lòng với thỏa thuận, nhưng cũng buồn rầu vì người Trung Quốc không tin tưởng các thẩm quyền chính trị của họ.
Về phương diện này, vài tháng trước trong một cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng "đối thoại là một rủi ro, nhưng tôi thích sự rủi ro không chắc chắn hơn là sự thất bại của việc không nói". Do đó, tốt hơn là nên bắt đầu một cuộc đối thoại với một người đối thoại không đáng tin cậy, hơn là cứ giữ thinh lặng. Theo quan điểm này, thỏa thuận, dù tạm thời, chắc chắn là một trang mới.
Các tử đạo Lithuania và Trung Hoa
Sự kiện im lặng về bách hại vẫn còn đó. Trong tất cả những năm này, Tòa Thánh đã im lặng về bất cứ cuộc bách hại nào: giết hại các linh mục; phá hủy các nhà thờ; bắt giữ các giám mục... Điều này khiến nhiều người có ấn tượng rằng cuộc đối thoại có tính "chính trị" hơn là "mục vụ". Ngay hôm qua, ở Vilnius, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi tưởng nhớ các nạn nhân diệt chủng của Đức Quốc xã và Cộng sản, đã đọc một lời cầu nguyện, trong đó ngài cầu xin Chúa đừng để chúng ta trở nên "điếc tai đối với tiếng kêu than của tất cả những người ngày nay tiếp tục cất cao tiếng nói của họ lên trời". Và đó chính là điều người Công Giáo Trung Hoa đang yêu cầu.
Cha Cervellera tự hỏi tại sao Toà Thánh muốn thông báo việc ký kết thỏa thuận đúng lúc ở Vilnius Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tưởng nhớ chứng tá vĩ đại của người Công Giáo Lithuania dưới chủ nghĩa cộng sản, sự kháng cự và đức tin của họ dưới sự tra tấn, việc họ là hạt giống của một xã hội tự do và thân thiện hơn. Ngay thời đó người Công Giáo đã thảo luận và bị chia rẽ giữa sự tố cáo và kháng cự và nền chính trị hòa hoãn Đông Tây (Ostpolitik) của Vatican. Nếu bạn chỉ nhìn thỏa thuận như một điều xấu xa, thì ký ức về các tử đạo Lithuania có thể dẫn đến lối giải thích "hai cân hai đấu" (two weights and two measures) mà ngành ngoại giao thường thi hành và việc tưởng niệm các tử đạo ở Vilnius sẽ là một sự nhạo báng đối với các đau khổ của Kitô hữu Trung Quốc.
Nhưng nếu trong thỏa thuận, mặc dù tạm thời, chúng ta có thể thấy dù một chút tích cực, thì việc tưởng niệm ở Lithuania là một dấu hiệu của hy vọng: chủ nghĩa cộng sản, "sự mê sảng toàn năng của những kẻ đòi quyền kiểm soát mọi sự", đã không chiến thắng. Và điều này cũng mang lại hy vọng cho Trung Hoa.
Vũ Văn An
(vietcatholic 25.09.2018)