Ủy ban thượng viện Mỹ phê chuẩn bộ trưởng quốc phòng
Một ủy ban Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn ông Chuck Hagel làm tân bộ trưởng quốc phòng, một bước tiến quan trọng trong quy trình bổ nhiệm, có thể giúp ông lên nắm chức vụ sớm nhất là trong tuần này.
Cựu Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Chuck Hagel. Ảnh: AP |
Với 14 phiếu thuận, 11 phiếu chống, Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm qua phê chuẩn cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Chuck Hagel, làm tân bộ trưởng quốc phòng của nước này. Theo AFP, đây là một bước tiến quan trọng trong quy trình bổ nhiệm ông Hagel làm người thay thế Leon Panetta, có thể đưa ông lên nắm chức vụ sớm nhất là trong tuần này.
Những quan điểm về Iran, Israel và cuộc chiến ở Iraq của ông Hagel khiến những người bảo thủ trong đảng Cộng hòa lo ngại. Trong phiên điều trần căng thẳng kéo dài hai giờ đồng hồ, các nhà lập pháp đã tranh cãi về năng lực ông Hagel, về phản ứng lảng tránh của ông với câu hỏi của các thượng nghị sĩ và thậm chí cả về lòng yêu nước của Hagel.
Nếu được toàn bộ Thượng viện phê chuẩn, ông Hagel sẽ trở thành bộ trưởng quốc phòng mới của Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại các điểm nóng ở Trung Đông, cuộc chiến ngân sách tại Mỹ và sau khi Triều Tiên vừa thử hạt nhân.
Ông Hagel hôm 31/1 đã có một phiên điều trần kéo dài, khi những người Cộng hòa gây áp lực cho ông về những tuyên bố trong quá khứ, các lá phiếu của ông đối với vấn đề Israel, Iran và tham vọng hạt nhân của nước này.
"Điều quan trọng nhất đối với tôi trong tư cách một thượng nghị sĩ Mỹ, là khi chúng ta nói về việc tiến hành chiến tranh chống Iraq hay chống bất kỳ ai, chúng ta cần suy nghĩ kỹ càng, không chỉ về các hệ quả chính trị hay địa chính trị và ngoại giao hay kinh tế - những điều đó đều quan trọng. Nhưng ít nhất đối với tôi, một cựu trung sĩ bộ binh nghĩ về thời tôi ở Việt Nam năm 1968, tôi nghĩ các thượng nghị sĩ Mỹ đã ra các quyết định ảnh hưởng đến cuộc đời tôi và nhiều người khác, những người đã mất mạng, họ không hề có, tôi cũng không hề có tiếng nói gì.
Cũng cần có ai đó đưa cái nhìn như thế vào chính quyền của chúng ta. Những người ngồi ở Washington ra quyết định về chính sách, nhưng những thanh niên thấp cổ bé họng thì ra đi và phải trở về trong các túi đựng xác".
Trọng Giáp
Hàn Quốc nâng tầm tên lửa đối phó Triều Tiên
Quân đội Hàn Quốc sẽ triển khai các tên lửa hành trình có thể tấn công bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ Triều Tiên và đẩy nhanh việc triển khai các tên lửa đạn đạo sau khi nước láng giềng phía bắc thử hạt nhân dưới lòng đất.
"Chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc phát triển tên lửa đạn đạo với tầm bắn 800 km," người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok cho biết.
Tháng 10 năm ngoái, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc tăng tầm bắn tên lửa lên gần gấp ba bởi Seoul cần phòng thủ trước sự phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Tên lửa KSLV-1 (Naro) của Hàn Quốc phóng thành công trong tháng trước, đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Ảnh: Yonhap |
Mỹ hiện có 28.500 quân đồn trú ở Hàn Quốc và sẵn sàng lập "ô hạt nhân" trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử.
Theo thỏa thuận tháng 10 năm ngoái, Hàn Quốc chỉ được giới hạn tầm bắn tên lửa là 300 km. Nhưng giờ, việc tăng giới hạn không chỉ đưa tầm bắn tên lửa Hàn Quốc vươn tới hết biên giới Triều Tiên mà còn tới được cả một phần Trung Quốc và Nhật Bản. Ông Kim cũng cho biết Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh chuỗi hệ thống sát thủ có khả năng nhắm bắn và phá hủy tên lửa Triều Tiên.
Cùng ngày, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã nhất trí sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn với Triều Tiên sau khi quốc gia này tiếp tục tiến hành một vụ thử hạt nhân bị nhiều nước chỉ trích.
Theo Jiji Press, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong bối cảnh Hàn Quốc đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng này.
Ông Abe nói với ông Lee: "Tại Hội đồng Bảo an, chúng ta cần thông qua một nghị quyết siết chặt trừng phạt" Triều Tiên. Ông Lee nhất trí với ông Abe rằng: "Chúng ta cần một nghị quyết mạnh mẽ. Hàn Quốc và Nhật Bản cần hợp tác" trong vấn đề này.
Vietnam+
Liên Hợp Quốc lên án vụ thử hạt nhân Triều Tiên
Hội đồng Bảo an vừa chỉ trích vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ ba của Triều Tiên, cho rằng động thái mới nhất này "vi phạm nghiêm trọng" các nghị quyết liên quan của hội đồng.
> Triều Tiên dọa sẽ hành động quyết liệt hơn thử hạt nhân
> Mỹ, Nhật, Hàn họp thượng đỉnh về Triều Tiên
Ngoại trưởng Hàn Quốc hôm qua đọc tuyên bố của HĐBA. Ảnh: Xinhua |
"Các thành viên của Hội đồng Bảo an kịch liệt chỉ trích vụ thử này, bởi nó vi phạm nghiêm trọng nghị quyết 1718 (năm 2006), 1875 (năm 2009) và 2087 (năm 2013) của Hội đồng Bảo an, và do đó tiếp tục gây đe dọa tới hòa bình và an ninh thế giới", Xinhua đẫn lời Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan hôm qua tuyên bố.
Hàn Quốc, một trong 10 nước thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) gồm 15 thành viên, giữ chức chủ tịch luân phiên hội đồng vào tháng hai. Ông Kim đã làm chủ tọa một cuộc thảo luận của Hội đồng ở trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York về việc bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang.
Triều Tiên hôm qua cho biết nước này đã thử hạt nhân lần ba dưới lòng đất thành công. Vụ thử là một phần trong "những biện pháp phản kháng thực tế" nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh trước các chính sách thù địch của Mỹ mà Triều Tiên cho là vi phạm "quyền phóng vệ tinh vì mục đích hòa bình" của Triều Tiên, truyền thông Triều Tiên tuyên bố.
"Các thành viên HĐBA nhắc lại rằng hồi tháng một, họ đã thông qua nghị quyết 2087, thể hiện quyết tâm của hội đồng nhằm đưa ra "hành động quan trọng" nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân", tuyên bố viết. "Theo cam kết này và mức độ nghiêm trọng của sự vi phạm, các thành viên HĐBA sẽ ngay lập tức bắt đầu việc thảo luận để đưa ra những biện pháp thích hợp trong một nghị quyết của HĐBA".
Bình Nhưỡng từng thực hiện các vụ thử hạt nhân tương tự năm 2006 và 2009.
Cũng hôm qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon chỉ trích vụ thử và bày tỏ quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng tiêu cực của hành động này với sự ổn định của khu vực cũng như nỗ lực phi hạt nhân hóa của toàn cầu. Ông Ban một lần nữa kêu gọi Triều Tiên dừng hoạt động và tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Trọng Giáp
VnExpress.