Gương Mục Tử Nicaragua: các giám mục liều thân xuống đường để ngăn chặn cuộc tắm máu
Nicaragua (21/6/18): Nhận được tin khoảng 500 tay súng của quân đội và cảnh sát đã được điều động từ thủ đô Managua đến Masaya vào lúc 5g sáng và chuần bị cho một cuộc tấn công tàn sát mới tại thành phố ‘nổi loạn’ này, thì thay vì tiếp tục kế hoạch cầu nguyện cho hòa bình đã dự tính vào ngày 21 tháng Sáu tại thủ đô Managua, toàn thể các giám mục của tổng giáo phận Managua và 30 linh mục, cùng với đức khâm sứ tòa thánh là tổng giám mục Waldemar Sommertag, đã cấp tốc đi Masaya để tìm cách ngăn chận cuộc tắm máu sắp xảy ra.
Trước năm 1979, Masaya, 150 ngàn dân, cách thủ đô 30 dặm về phiá Nam, từng là thành trì của cuộc cách mạng Sandinista do ông Ortega cầm đầu.
Là một du kích cánh tả, ông Ortega đã lãnh đạo đất nước từ năm 1979 cho đến năm 1990 và sau đó đã trở lại làm tổng thống từ năm 2007, ông hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của mình, với vợ là bà Rosario Murillo làm phó tổng thống.
Nhưng vào ngày 18 tháng 4, Nicaragua bắt đầu rơi vào một cuộc khủng hoảng tàn nhẫn nhất kể từ thập niên 80, bắt đầu bằng các cuộc biểu tình chống lại việc cải cách an sinh xã hội rồi trở thành tiếng kêu của dân chúng đòi hỏi sự thay đổi dân chủ. Các cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp mạnh tay, nhưng vẫn lan truyền nhanh chóng và sự ủng hộ của Ortega và Murillo càng ngày càng suy yếu hơn. Cho đến nay, hơn 200 người đã bị sát hại trong các vụ đụng độ và ám sát, trong đó có một gia đình bị thiêu sống ở Managua.
Thành phố Masaya, một lần nữa đi tiên phong trong cuộc đối lập, vào đầu tuần này tuyên bố là một thành phố nổi dậy chống chế độ Ortega, và lập tức bị tấn công "không cân xứng" bởi các lực lượng cảnh sát và bán quân sự.
Các lực lượng ủng hộ chính phủ sử dụng súng AK47 và Dragunov để bắn tỉa cư dân dân sự của thị trấn, người đứng đầu Hiệp hội Nhân quyền Nicaragua, là Alvaro Leiva cho biết.
"Thật là đau đớn khi phải nhìn thấy anh em chúng tôi chết tất tưởi như thế", một cư dân địa phương ở khu phố Monimbo nói với thông tấn xã AFP, Monimbo là một khu dân cư bị chọn làm mục tiêu chính của chiến dịch tấn công.
"Nếu chúng tôi có vũ khí thì cuộc diện đã khác, nhưng cuộc tranh đấu này là rất bất bình đẳng. Xin hãy giúp chúng tôi chống lại những kẻ giết người đang lùng giết chúng tôi," ông nói.
Một phóng viên AFP ở Monimbo báo cáo rằng người dân địa phương đã chống lại bằng bom săng tự chế và lực lượng chính phủ đã đốt cháy một số nhà.
Nhiều người đã chạy ra đường, khóc, quỳ xuống đất và vẫy cờ trắng.
Hơn 20 người đã thiệt mạng tại Masaya.
Các giám mục của Nicaragua, là cơ chế duy nhất còn được người dân Nicaragua tin tưởng, đã được giao nhiệm vụ vào tháng trước để làm trung gian cho cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa phe đối lập và chính phủ. Hội đồng giám mục Nicaragua đã triệu tập một cuộc đối thoại quốc gia. Vòng đàm phán mới nhất do các giám mục bảo trợ đã sụp đổ hôm thứ Hai. Các giám mục và phe đối lập cáo buộc chính phủ đã không thi hành thỏa thuận là cho phép các tổ chức quốc tế đến điều tra bạo lực.
Vào thứ Năm vừa qua, các giám mục Nicaragua cho biết họ đi tới thành trì đối lập Masaya "để ngăn chặn một vụ thảm sát khác" sau khi nơi đó đã bị tấn công bởi các lực lượng trung thành với Tổng thống Daniel Ortega.
“Tôi muốn kêu gọi tới những người đến thành phố này để giết người, tôi muốn kêu gọi những tay súng bắn sẻ… Tôi muốn gọi điện cho Tổng thống Daniel Ortega và (Phó tổng thống và đệ nhất phu nhân) Rosario Murillo, là không nên có thêm một cái chết nào nữa ở Masaya”, Đức Giám Mục phụ ta Silvio Baez Ortega nói với người dân địa phương bên ngoài nhà thờ St. Sebastian.
"Sự đau đớn ở Nicaragua là rất lớn", GM Baez nói. “Những người không vũ trang đang bị tàn sát. Thành phố đang nằm trong tay những tên cướp.”
Khi các giám mục tiến vào Masaya, chuông nhà thờ của thành phố đã vang lên mà không dừng lại, không như các lần trước là để cảnh báo về sự xuất hiện của các đội ám sát của cảnh sát và quân đội, nhưng lần này là để loan báo một hy vọng. Việc xuất hiện của đức khâm sứ và các giám mục trên bãi chiến trường là một việc làm cực kỳ nguy hiểm, nhưng khi nhìn thấy các giám mục diễn hành trên đường, toàn bộ dân chúng đã ùa ra khỏi nhà và gia nhập. Tất cả cùng nhau, tiến bước trong im lặng, khiến cảnh sát và quân đội đã phải rút lui ra khỏi thành phố một cách vội vã.
Các giám mục đã rước Thánh Thể qua các đường phố, đi qua các chướng ngại vật và những cảnh hoang tàn của những cuộc tấn công trong quá khứ.
Đức Hồng Y Leopoldo Brenes Solorzano của Managua bước vào đồn cảnh sát và nói chuyện với Ủy viên Ramón Avellán, từng bị cáo buộc đã chỉ đạo các cuộc tấn công vào dân thường. Ngài đưa ra một danh sách các tù nhân mà ngài muốn được thả.
Sau hơn một giờ, Đức Hồng Y đã thông báo cho dân chúng: "Ủy viên Avellán đã cam kết ngăn chặn tất cả bạo lực, tôi nói với ông ta rằng nếu điều này không xảy ra, tôi sẽ gọi cho ông sau".
Còn đức cha Baez, Giám Mục Phụ Tá của Managua, thì nhắc nhở dân chúng rằng "có một điều răn của Thiên Chúa áp dụng cho tất cả mọi người: Bay chớ giết người".
Trong dịp này đức khâm sứ đã nói với mọi người: "Đức Thánh Cha đã được thông báo về những gì đang xảy ra ở Nicaragua". Sau đó, ngài kêu gọi dân chúng ở Masaya không sử dụng bạo lực, thúc giục mọi người tin vào Chúa như một phương tiện để vượt qua bạo lực.
Người dân địa phương đã túa ra đường, nhiều người quì gối khi đám rước Thánh Thể đi qua.
Theo lời của tờ báo đối lập La Prensa, thì các giám mục “vừa ngăn chặn một vụ thảm sát khác”.
Trần Mạnh Trác
(vietcatholic 23.06.2018)