Tin tặc tấn công Twitter: 250.000 tài khoản bị đánh cắp dữ liệu

Vừa qua mạng Twitter đã phát hiện ra các mưu toan truy cập một cách trái phép các dữ liệu trong mạng của công ty, những cuộc tấn công nằm trong một loạt những vụ tấn công tin học trên quy mô lớn càng lúc càng tăng nhằm vào ngành công nghệ Mỹ và các công ty truyền thông. Vụ tin tặc đánh vào mạng xã hội Twitter diễn ra vào lúc hai tờ báo lớn tại Mỹ là The New York Times và The Wall Street Journal lần lượt tiết lộ là họ đã bị tấn công, và tin tặc xuất phát từ Trung Quốc.

Tin tặc tấn công Twitter: 250.000 tài khoản bị đánh cắp dữ liệu

Tại Hoa Kỳ, sau các tờ báo lớn, đến phiên một mạng xã hội quan trọng bị tin tặc tấn công. Vào hôm qua, 1-2-2013, quan chức phụ trách bảo mật thông tin cho mạng xã hội Twitter đã xác nhận rằng mạng thông tin có hàng trăm triệu người sử dụng trên thế giới này vừa phải chịu một cuộc tấn công "tinh vi".

Đây là một sự cố tương tự như những gì vừa xảy ra đối với hai tờ báo lớn tại Mỹ là The New York Times vàThe Wall Street Journal. Điểm khác biệt là đối với Twitter, tin tặc đã đánh cắp dữ liệu của khoảng 250.000 tài khoản. 

Trên trang blog của mình, ông Bob Lord, giám đốc bộ phận bảo mật thông tin của Twitter, xác nhận: “Cuộc tấn công này không phải là công việc của giới nghiệp dư, và chúng tôi không tin rằng đó là một sự cố cá biệt”. 

Theo nhân vật này, trong tuần, mạng Twitter đã phát hiện ra các mưu toan truy cập một cách trái phép các dữ liệu trong mạng của công ty, những cuộc tấn công nằm trong một loạt những vụ tấn công tin học trên quy mô lớn càng lúc càng tăng nhằm vào ngành công nghệ Mỹ và các công ty truyền thông. 

Vụ tin tặc đánh vào mạng xã hội Twitter diễn ra vào lúc hai tờ báo lớn tại Mỹ là The New York Times vàThe Wall Street Journal lần lượt tiết lộ là họ đã bị tấn công, và tin tặc xuất phát từ Trung Quốc. 

Hãng Twitter không nói rõ nguồn gốc của hành vi xâm nhập, nhưng ông Bob Lord ghi nhận: “Tin tặc vô cùng tinh vi... Chúng tôi tin rằng những tổ chức, doanh nghiệp khác cũng bị tấn công một cách tương tự như vậy trong thời gian gần đây”.

Cho dù Twitter đã chặn đứng được cuộc tấn công vào lúc vụ việc đang diễn ra, tuy nhiên, ông Bob Lord thừa nhận là tin tặc rất có thể là đã đánh cắp được tên người dùng, địa chỉ email, mật khẩu và các dữ liệu khác của khoảng 250.000 tài khoản. Để phòng ngừa, Twitter đã vô hiệu hoá mật khẩu của tài khoản bị vấn đề và gửi thư điện tử đến từng người để yêu cầu tạo mật khẩu mới. 


Vào tháng 12-2012, Twitter loan báo là số lượng người dùng dịch vụ đã vượt mức 200 triệu, một đà tăng trưởng nhảy vọt. Hàng trăm triệu người trên thế giới như vậy đã dùng mạng Twitter để chia sẻ tức thời các suy nghĩ, quan điểm và tin tức, thường là qua hệ thống điện thoại di động và nhiều khi ngay từ trung tâm các cuộc biểu tình hoặc sự kiện nóng bỏng khác. 

Cho đến giờ này chưa thể xác định được là liệu loạt tấn công vào mạng xã hội Twitter đặt trụ sở tại Thành phố San Francisco, tiểu bang California, Hoa Kỳ, có liên quan hay không đến các cuộc tấn công trắng trợn của hacker vào các tờ báo tên tuổi The New York Times và The Wall Street Journal mà giới phân tích cho rằng thủ phạm là tin tặc Trung Quốc, có liên hệ với Chính quyền và Quân đội Trung Quốc. 

Ngoại trưởng Mỹ vừa mãn nhiệm Hillary Clinton hôm thứ Năm vừa qua đã thừa nhận đà gia tăng của các cuộc tấn công tin học vào cả cơ quan nhà nước lẫn công ty tư nhân Hoa Kỳ. 

Giới chuyên trách bảo mật và an ninh mạng không che giấu thái độ lo ngại. Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Mike Lloyd, trưởng nhóm chuyên gia công nghệ tại Công ty An ninh Mạng Networks Redseal, cho biết: “Vụ tấn công vào mạng Twitter là một lời cảnh tỉnh mới, buộc chúng tôi phải tự hỏi là đã có đủ (an toàn) chưa? Tin tặc rõ ràng là luôn đi trước một bước so với hầu hết những người bảo vệ. Đây là cuộc chiến giữa các công ty với những tên trộm dữ liệu, và chúng tôi đang bị thua”.

Trọng Nghĩa

Nguồn: RFI

Myanmar thăng hạng tự do báo chí

Biểu tình ở Myanmar

Quốc gia này tăng vị trí xếp hạng trong khi các nước khác giảm

 

(UCAN/AFP) - “Cuộc cách mạng báo chí” của Myanmar mang lại cải thiện đáng kể về tự do thông tin trong quốc gia vốn không hợp với tiêu chuẩn quốc tế trước đây, đi ngược lại xu hướng giảm sút chung ở phần lớn châu Á, theo báo cáo công bố hôm thứ Tư.

 

Nhờ “thay đổi nhanh chóng”, Myanmar tăng lên vị trí 151 trong số 179 nước nằm trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2013, cải thiện 18 bậc, theo Reporters Without Borders (RWB - Phóng viên Không Biên giới).

 

“Không còn có nhà báo hay nhà bất đồng chính kiến trên mạng ở trong các nhà tù của chế độ độc tài quân sự trước đây”, RWB cho biết.

 

Hồi tháng 8 năm ngoái, Myanmar thông báo chấm dứt kiểm duyệt trước khi xuất bản, vốn là dấu hiệu của chế độ quân phiệt trong nhiều thập niên kết thúc vào năm 2011.

 

“Cải cách pháp lý chỉ mới bắt đầu nhưng những việc làm của chính quyền ủng hộ truyền thông, như chấm dứt kiểm duyệt trước và cho phép các tổ chức truyền thông tha phương trở về, là các bước quan trọng hướng tới tự do thông tin thật sự”, RWB nhận xét.

 

Sự đẩy mạnh quyền tự do truyền thông này hoàn toàn trái ngược với sự đàn áp ngày càng mạnh tay ở những nơi khác của châu Á, theo tổ chức giám sát truyền thông có trụ sở ở Paris.

 

Nhật Bản “giảm sút đáng báo động” từ vị trí thứ 22 xuống thứ 53 do kiểm duyệt tin tức liên quan đến vụ tai nạn hạt nhân tại nhà máy điện bị ảnh hưởng sóng thần ở Fukushima, báo cáo đánh giá.

 

Bắc Hàn (xếp thứ 178), Trung Quốc (đứng thứ 173), Việt Nam (172) và Lào (168) cũng rớt xuống gần cuối bảng xếp hạng vì “không cho công dân có quyền tự do thông tin” - RWB cho biết.

 

“Việc ông Kim Jong-un lên nắm quyền Vương quốc bí ẩn này vẫn chưa thay đổi được sự kiểm soát toàn bộ tin tức và thông tin của chế độ này” - RSF ám chỉ sự kiểm soát của Bình Nhưỡng.

 

Malaysia rơi từ vị trí 23 xuống vị trí 145, thấp nhất từ trước đến nay “do tiếp cận thông tin đang ngày càng hạn chế”.

 

Tiểu lục địa Ấn Độ cũng chứng kiến một sự giảm sút mạnh, nhà báo trong khắp khu vực này đang bị đe doạ bạo lực.

 

Tại Ấn Độ (nước đứng vị trí thứ 140), “các nhà chức trách khăng khăng đòi kiểm duyệt web và áp đặt ngày càng nhiều điều cấm, trong khi bạo hành báo giới không bị trừng phạt và các vùng Kashmir và Chhattisgarh ngày càng bị cô lập”.

 

Sau “Mùa Xuân Ảrập” và các phong trào phản đối khác mang lại nhiều thay đổi trong chỉ số năm 2012, năm nay “đánh dấu sự trở lại bình thường hơn”, theo báo cáo.

 

Turkmenistan (xếp thứ 177) và Eritrea (179) lại cùng với Bắc Hàn nằm ở cuối bảng, tiếp theo là Syria (176), Somalia (175) và Iran (174), trong khi Phần Lan, Hà Lan và Na Uy vẫn duy trì ở tốp 3.

 

Theo UCANews.