Kêu gọi đẩy mạnh chống nạn buôn bán người tại Indonesia

Adelina Jemira Sau là người lao động di dân thứ 9 thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara bị chết trong năm nay...

Kêu gọi đẩy mạnh chống nạn buôn bán người
tại Indonesia

Cái chết của cô gái trẻ giúp việc nhà, 21 tuổi người Indonesia tình nghi do tay chân của người chủ ở Malaysia gây ra, đã thôi thúc các nhóm di dân và các nhà hoạt động kêu gọi chính quyền bảo vệ tốt hơn cho người lao động hải ngoại và tăng cường ngăn chặn những kẻ buôn bán người.

Adelina Jemira Sau đến từ tỉnh đa số Kitô hữu Đông Nusa Tenggara, Indonesia, qua đời tại bệnh viện Penang hôm 11-2 sau khi được một nhóm bảo vệ người lao động di cư cứu khỏi nhà người chủ một ngày. Chị được chôn cất tại quê nhà ở huyện Timor, miền Trung Nam bộ hôm 19-2. Chị Sau là người lao động di cư thứ 9 đến từ tỉnh này bị chết trong năm nay, theo Migrant CARE.

Năm ngoái, tổ chức này ghi nhận có 62 di dân bị chết, trong đó có một người có giấy tờ chứng nhận là người lao động di dân, số còn lại là lao động bất hợp pháp. Con số này nói lên quan ngại của các nhóm bảo vệ lao động và nhân quyền về nạn buôn bán người và sự thiếu bảo vệ ngay cả đối với những người lao động có giấy tờ hợp pháp.

“Sự việc này cho thấy vẫn còn thiếu sự bảo vệ thích hợp dành cho người lao động di cư Indonesia”, Wahyu Susilo, giám đốc điều hành của Migrant CARE, nói với ucanews.com.

“Mặc dù chính phủ đã ký bản Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, những việc tệ hại vẫn đang diễn ra”.

“Chính phủ phải có hành động ngăn chặn bằng cách cung cấp cho dân làng thông tin đúng đắn về làm việc an toàn và thẳng tay với những kẻ tuyển dụng bất hợp pháp”.

Ông còn yêu cầu chính quyền tiến hành điều tra các cá nhân, tổ chức và ngay cả quan chức chính quyền liên quan đến nạn buôn bán người.

Gabriel Sola, nhà hoạt động chống nạn buôn bán người, nói Sau là trường hợp điển hình cho các mối nguy hiểm mà người lao động không có tay nghề gặp phải ở nước ngoài.

Ông buộc tội chính quyền không nỗ lực đào tạo nghề cho người dân, đặc biệt là những người ở những nơi nghèo khổ như Đông Nusa Tenggara để giúp họ sinh sống tại quê nhà hay có việc làm hợp pháp hay an toàn hơn khi ra nước ngoài.

Ông cho biết có 3 công ty tuyển dụng lao động chính thức trong tỉnh này.

“Nhưng không có trung tâm đào tạo nghề dạy kỹ năng cho người xin việc”.

Ông thừa nhận vấn đề kinh tế là nguyên nhân chính đằng sau các vụ buôn bán người và di dân trong tỉnh Đông Nusa Tenggara, với 20% trong số 4,9 triệu dân sống dưới mức nghèo khổ.

Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết tỉnh này có số vụ buôn bán người cao nhất Indonesia. Có ít nhất 7.200 nạn nhân bị buôn bán đến từ tỉnh này, trong đó có 82% là phụ nữ.

Nhiều người giống như Sau bị những kẻ môi giới bán sang các nước khác bằng cách dùng giấy tờ giả mạo.

Ambrosius Ku, người đại diện cho gia đình Sau, cho biết một người phụ nữ dẫn chị đi hồi tháng 8-2015 và tất cả giấy tờ của chị đều được làm giả mạo. Sau nhỏ hơn 6 tuổi so với tuổi trong giấy tờ, Ku cho biết.

Người ta tổ chức đêm canh thức thắp nến trước dinh thủ hiến trong thủ phủ tỉnh Kupang để tưởng nhớ Sau và thúc giục chính quyền chấm dứt nạn buôn bán người trong tỉnh.

Nguồn tin: UCAN