Các trường đại học Hồng Kông
bóp nghẹt tự do ngôn luận
Các ban quản lý trường đại học ở Hồng Kông đang tiếp tục đàn áp tự do ngôn luận vì sợ vi phạm những điều cấm kỵ chính trí mặc dù thiếu cơ sở pháp lý, theo một báo cáo gần đây của tổ chức theo dõi nhân quyền Hong Kong Watch cho biết.
Báo cáo có tựa đề “Quyền tự do học thuật tại Hồng Kông” nhấn mạnh các trường đại học ở khu bán tự trị này cố tình loại trừ hoặc gây áp lực đối với các trí thức và đe dọa sinh viên về tự do ngôn luận, đặc biệt là những lời bình luận chỉ trích Trung Quốc.
“Rõ ràng các trường đại học bị chỉ đạo gây áp lực lên những người ủng hộ độc lập với cái cớ phi lý là tự do ngôn luận và chất vấn có giới hạn”, Kevin Carrico, tác giả báo cáo, nói với ucanews.com.
Ông Carrico là chuyên gia về Hồng Kông và Trung Quốc giảng dạy tại Đại học Macquarie, Úc.
Đàn áp tự do ngôn luận trong trường đại học bắt đầu vào năm 2015 và ngày càng gia tăng, chủ yếu là do phong trào Chiếm Trung tâm đòi phổ thông đầu phiếu vốn kết thúc trong thất bại.
Các ban quản lý trường đại học đang phản ứng đặc biệt gay gắt trước bất kỳ lời phát biểu nào có thể được xem là ủng hộ Hồng Kông độc lập khỏi Trung Quốc.
Các trí thức hàng đầu của 10 trường đại học phát hành một thông cáo chung hồi tháng 9-2017 lên án những hạn chế về tự do ngôn luận trong trường đại học và gọi việc làm này là trái hiến pháp, dẫn việc các trường đại học tháo dỡ các biểu ngữ ủng hộ độc lập do sinh viên giăng lên.
“Thật rất đáng lo ngại khi các nhà quản lý trường đại học dường như đang đặc biệt nỗ lực để tự kiểm duyệt thay vì đẩy lùi những nỗ lực giới hạn phạm vi tự do ngôn luận trong trường đại học”, William Nee, nhà nghiên cứu Trung Quốc của tổ chức Ân xá Quốc tế, bình luận.
Tự do ngôn luận ở Hồng Kông được công nhận trong Luật Cơ bản, hiến pháp của lãnh thổ này. Các chính trị gia ủng hộ Bắc Kinh như Đặc Khu trưởng Carrie Lam cho rằng do Điều 1 của Luật Cơ bản tuyên bố Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, tự do ngôn luận ở đây phải được giới hạn.
Các nhà quản lý cấp cao của các trường đại học cùng với ông Carrico trong báo cáo của ông chỉ ra những lỗ hổng pháp luật trong cách suy nghĩ này: quyền tự do ngôn luận đó rõ ràng cho phép cá nhân tổ chức các cuộc thảo luận vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện nay.
Không có chỗ nào trong Luật Cơ ban cấm tự do ngôn luận. Trong khi Điều 23 là luật an ninh quốc gia giới hạn việc lật đổ chính quyền, nhưng chưa thành luật.
Uy tín của Đại học Hồng Kông danh tiếng (HKU) đi xuống từ khi ngăn việc bổ nhiệm Johannes Chan, một người nổi tiếng ủng hộ dân chủ, làm trợ lý hiệu trưởng năm 2015.
Phó hiệu trưởng Peter Mathieson từ chức cách bất thường hồi đầu năm ngoái, lấy lý do cá nhân. Việc ông bị gạt sang một bên này mang màu sắc chính trị.
Ông Mathieson ký một thông cáo chống Hồng Kông độc lập hồi tháng 9 năm ngoái vốn lên án cái ông gọi là “lạm dụng” tự do ngôn luận trong trường đại học.
Zhang Xiang, phó hiệu trưởng mới của trường đại học, đưa ra lời bình luận gây tranh cãi gần đây cho rằng “mọi thứ cần phải được nói trong giới hạn”.
Ông Carrico nói những lời phát biểu của ông Zhang về tự do ngôn luận “không mang tính khích lệ … bất kỳ giới hạn nào về tự do ngôn luận hay chất vấn đều tạo ra một tiền lệ nguy hiểm”.
Ông Zhang là nhà khoa học nổi tiếng người Nam Kinh, phát biểu với báo giới rằng ông chỉ mới đến trường đại học này hai lần và hầu như không quen với tình hình chính trị ở đó.
“Một mối quan ngại rất lớn đó là tại Trung Quốc đại lục có vô số chủ đề nhạy cảm, và nếu các trường đại học không sẵn sàng đẩy lùi tình trạng kiểm duyệt việc thảo luận về những chủ đề như Hồng Kông độc lập, vốn rất gây tranh cãi, thì khó mà nói vấn đề nào tiếp theo sẽ được xem là lạm dụng quyền tự do ngôn luận”, ông Nee phát biểu.
Tại Trung Quốc đại lục, các trường đại học bị kiểm duyệt chặt chẽ và đảng Cộng sản kiểm soát gắt gao quyền tự do thông tin. Không có sự khoan dung cho việc chỉ trích chế độ này hay nghiên cứu có thể gây mất cái gọi là hòa hợp xã hội.
Ông Zhang nói ông muốn thành lập Phòng Thí nghiệm Quốc gia Greater Bay Area do HKU đứng đầu, sẽ kết nối Đại học Hồng Kông với các đại học lớn ở Trung Quốc đại lục.
Greater Bay Area sẽ làm chủ một dự án kinh tế dài hạn kết nối Hồng Kông với các thành phố lớn trong cận tỉnh Quảng Đông như Quảng Đông, Thâm Quyến và Chu Hải.
Cây cầu nối Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao sẽ sớm khánh thành là một điển hình về một trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn sẽ kết nối Hồng Kông với khu vực miền nam Trung Quốc.
Ông Carrico lo sợ Hồng Kông sẽ sớm mất vị trí chiến lược vốn là trung tâm nghiên cứu cả lãnh thổ này lẫn Trung Quốc đại lục mà không sợ ảnh hưởng từ phía chính quyền hay cơ quan kiểm duyệt.
“Ngày nay độc lập, ngày mai tự quyết, và theo lập luận này những điều cấm sẽ tiếp tục mở rộng. Nhân nhượng chế độ này một ly, họ sẽ lấn tới một dặm”, ông Carrico nói.
Ucanews.