Siêu thị tăng giờ bán hàng phục vụ Tết
Thời gian bán hàng muộn nhất ở một số siêu thị trong những ngày giáp Tết là 11 giờ đêm. Đến ngày cuối cùng của năm, có nơi sẽ bán đến giao thừa.
Giám đốc Quan hệ Công chúng và đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, bà Dương Thị Quỳnh Trang cho biết đã chuẩn bị nhiều phương án tăng cường về nhân sự, giờ mở cửa, hạ tầng, cơ sở vật chất... để phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, vị này cho hay trong giai đoạn cao điểm từ 23-29 Tết, tất cả các siêu thị trong hệ thống đều nới rộng khung giờ mở cửa từ 0,5 – 2 tiếng, theo đó, thời gian bán hàng muộn nhất là 23h. Riêng ngày 29 Tết, tất cả các siêu thị đều mở cửa phục vụ khách hàng từ 7-24h. Đồng thời, sáng mùng 3 các siêu thị trong hệ thống sẽ mở cửa hoạt động trở lại.
Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cũng cho biết, từ 20 tháng Chạp, hệ thống sẽ mở cửa sớm hơn ngày thường, từ khoảng 7h30 và phục vụ cho đến khi nào hết khách.
Các siêu thị đều nới rộng thời gian bán hàng, tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất để phục vụ khách trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Anh Quân |
Các siêu thị điện máy cũng cho biết sẽ nới thời gian hoạt động trong thời gian từ nay đến Tết. Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Trần Anh Điện máy - Máy tính - Mobi cho biết doanh thu trong thời gian cận Tết âm lịch tăng gấp đôi so với ngày thường, có những ngành hàng tăng mạnh như điện tử, giàn âm thanh tăng gần 4 lần, hàng gia dụng tăng 3 lần so với tháng trước. Trần Anh đã tăng cường hơn 60% nhân lực phục vụ khách hàng trong những ngày này. Bên cạnh đó, đội ngũ giao nhận cũng hoạt động hết công suất, giao hàng cho khách hàng ngay khi có yêu cầu, kể cả tới 24h đêm và sáng sớm.
Ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc Media Mart cho biết, bên cạnh việc bán hàng sớm hơn ngày thường khoảng 30 phút, các bộ phận sau bán hàng như giao vận sẽ làm việc muộn hơn, có thể tới 12 giờ đêm.
Theo ông Ngô Quang Đức - Trưởng phòng Marketing Pico Plaza, các siêu thị trong hệ thống sẽ mở cửa phục vụ cho đến khi nào hết khách. Từ khoảng rằm tháng Chạp trở đi, doanh số bán hàng của Pico gấp đôi so với ngày thường. Tuy nhiên, theo ông Đức, so với những năm trước, tình hình tiêu thụ của đơn vị này có giảm nhẹ do tình hình kinh tế khó khăn, sức mua giảm.
Còn tại Media Mart, doanh thu những ngày gần đây tăng gấp 3 lần. Theo đại diện các siêu thị điện máy, các mặt hàng được tiêu thụ mạnh gồm tivi, tủ lạnh cỡ lớn, đồ gia dụng như lò vi sóng, lò nướng...
Bên cạnh việc nới rộng khung giờ mở cửa, các siêu thị đều cho biết đã tăng cường về nhân lực, cơ sở vật chất... để phục vụ khách hàng. Bà Trang cho hay, trước đó, big C đã tăng cường thêm khoảng 30% số nhân viên thu ngân trong 1 ca làm việc, huy động thêm nhiều quầy thu ngân lưu động. Đồng thời, tất cả các quầy đều được trang bị thiết bị thanh toán bằng thẻ ATM, Visa, Master…
"Một số siêu thị của chúng tôi còn mở rộng và tăng cường lực lượng an ninh, phương tiện giao nhận hàng, trang thiết bị cho bãi đỗ xe...", bà Trang cho hay.
Fivimart cũng tăng cường gấp đôi số quầy thu ngân tại các đơn vị để hạn chế tình trạng ùn tắc của khi thanh toán. Bà Hậu cho biết, hiện sức mua của người dân tăng mạnh đối với những mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát... Theo bà Hậu, giá cả các mặt hàng này hầu như không biến động. Riêng mặt hàng bia, do thời tiết nắng ấm hơn nên tăng giá nhẹ so với trước đó.
"Còn các mặt hàng thực phẩm, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ càng về nguồn cung nên chắc từ nay đến Tết sẽ không có biến động về giá", bà Hậu khẳng định.
Đại diện các siêu thị điện máy cũng cho biết, nguồn cung các mặt hàng đều được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vài tháng nay nên chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng "sốt" giá hoặc "cháy" hàng.
Ngọc Tuyên
Chợ Tết ông Táo: Rau xanh giảm giá, thực phẩm đắt thêm
Một ngày trước lễ cúng ông Táo 23 tháng Chạp, sức mua tại Hà Nội và TP HCM vẫn chưa yếu, nhưng giá các loại thực phẩm tươi sống tiếp tục tăng. Riêng rau xanh chững giá, thậm chí giảm.
Tại Hà Nội, các chợ như Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), Vĩnh Tuy (Hoàng Mai), Khương Đình (Thanh Xuân), giá thịt gà lông dao động từ 140.000 đến 160.000 đồng một kg. Gà công nghiệp rẻ hơn khoảng 70.000 kg. Cá chép to khoảng 60.000 một kg. Tại các chợ lớn hơn như Thái Hà, Châu Long - nơi chuyên bán gà làm sẵn - giá khoảng 200.000 đồng một kg.
Thịt bò tăng 20.000 -30.000 đồng mỗi kg. Ảnh: Anh Quân |
So với ngày thường, giá thịt lợn tăng khoảng 10.000-20.000 đồng một kg tùy khu vực, thịt thăn tại các chợ nhỏ như Khương Đình, Khương Trung, khoảng 100.000- 110.000 đồng mỗi kg nhưng ở một số chợ lớn như chợ Mơ, chợ Hôm Đức Viên hay chợ Châu Long, giá nhỉnh hơn khoảng 10%.
Thịt bò tại nhiều chợ sáng nay tăng mạnh, có nơi tăng thêm 20.000 – 30.0000 đồng mỗi kg lên 240.000 – 260.000 đồng. Riêng thịt bò thăn có cửa hàng “hét” giá tới 280.000 đồng.
Một số mặt hàng hoa quả cũng tăng giá nhẹ như cam canh hôm qua 40.000 đồng mỗi kg hôm nay lên 50.000 đồng. Xoài xanh Thái từ 35.000 đồng lên 45.000 đồng mỗi kg.
Bà Bảy (90 Võ Thị Sáu, Hà Nội) cho hay giá các loại thịt lợn, thịt bò bắt đầu tăng từ trước đó một ngày. Bà nội trợ này cho biết dù giá đắt hơn nhưng vì cuối tuần nhiều gia đình cúng lễ sớm nên vẫn phải đi chợ thật sớm mới còn thực phẩm ngon.
Ngoài ra, một số thực phẩm khô đã bắt đầu tăng giá. Nấm hương giá khoảng 350.000 đồng một kg (tăng khoảng 20.000 đồng), mộc nhĩ cũng được bán với giá đắt hơn ngày thường, khoảng 200.000 đồng mỗi kg. Theo các tiểu thương, giá thực phẩm khô sẽ tăng mạnh từ nay đến ngày 25 Tết.
Giá các mặt hàng tươi sống tại TP HCM cũng tăng nhẹ. Tôm bạc tăng giá từ 180.000 lên 190.000 đồng một kg. Cá thu tuần trước 160.000, nay lên 180.000 đồng một kg. Cá chép lớn 70.000 đồng lên 85.000 đồng một kg. Cá chép nhỏ để phục vụ cúng ông Công ông Táo dao động từ 15.000-25.000 đồng một con, tăng 5.000 đồng so với năm ngoái.
Giá thịt gà tại các khu chợ truyền thống tiếp tục nhích lên 2.000 đồng một kg đối với gà công nghiệp và 10.000 đồng đối với gà ta đặc biệt là gà cúng. Gà công nghiệp đang ở mức 50.000 đồng một kg, gà ta giá 130.000 đồng một kg.
|
Rau xanh tại Hà Nội và TP HCM chững giá. Ảnh: Thi Hà |
Trong khi đó, giá rau xanh giữ nguyên so với ngày thường. Tại chợ Khương Đình, các mặt hàng rau xanh như su hào, su su, rau cần vẫn giữ giá. Đơn cử, su hào củ to 4.000 đồng - 5000 đồng mỗi củ, hoa lơ xanh từ 8.000 đến 10.000 một cây.
Chị Nhung, tiểu thương bán rau trên phố Trung Liệt cho biết thời gian này thời tiết nồm nên rau xanh giữ giá. “Giá thậm chí còn rẻ hơn cả thời điểm trời rét đậm vừa qua”, chị Nhung so sánh.
Theo phản ánh của các tiểu thương, những ngày cận Tết năm nay giá thực phẩm vẫn tăng nhưng sức bán không mạnh như năm ngoái. Chị Vân, một tiểu thương kinh doanh gà tại chợ Vĩnh Tuy cho biết, năm nay kinh doanh không “sướng” bằng năm ngoái. “Mọi năm tầm gần ngày ông Công, ông Táo, có ngày tôi bán được hơn 100 con gà thì năm nay chỉ tiêu thụ được khoảng 60-70 con”, chị chia sẻ.
Một ngày trước 23 tháng Chạp, cảnh mua bán tại các cửa hàng cá chép vàng khá trầm lắng. Tại các chợ nhỏ, cá chép khoảng 30.000 đồng một bộ 3 con, trong khi đó, chợ lớn, giá khoảng 40.000 đồng. Chị Dung (chợ Thái Hà, Hà Nội) cho biết, đầu giờ sáng còn nói thách 50.000 đồng một bộ nhưng thấy tình hình ế ẩm nên tôi nói luôn giá 30.000 đồng mà vẫn chưa hết hàng.
Tại TP HCM, đồ vàng mã năm nay có thêm sản phẩm cá chép vàng, giá 3.000 đồng một con. Bộ 3 mũ và 2 cá chép vàng lớn giá 70.000 đồng một bịch. Ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Thái Bình (quận 1), giá vàng mã tăng 5%. Bộ 3 mũ dành cho ông Công ông Táo có giá dao động từ 35.000 đến 45.000 đồng. Thèo lèo thường đứng giá ở mức 5.000 đồng một bịch, thèo lèo cao cấp 30.000 đồng một bịch. Bộ giấy tiền vàng có giá 10.000 đồng một bịch, tăng 2.000 đồng.
Theo các tiểu thương ở TP HCM, năm nay sức mua yếu hơn so với mọi năm, người tiêu dùng mua với số lượng ít nên hàng hóa chỉ tăng nhẹ. Chị Linh, tiểu thương chợ Bà Chiều chia sẻ: “Năm nay, nhân viên ở các công ty than vãn lương thưởng ít, có nơi tháng thứ 13 còn chẳng có có chứ lấy đâu ra tiền mua mua sắm nên sức mua chán lắm”.
Theo ban quản lý chợ Bà Chiểu, sức mua năm nay quá kém, thực phẩm tươi sống cũng như thực phẩm khô vẫn ế ẩm. Dự báo giá sẽ không tăng trong tuần tới.
Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM cho hay đến thời điểm này sức mua vẫn ì ạch, chỉ tăng 30% so với ngày bình thường. Dự đoán sức mua sẽ tập trung vào những ngày cận Tết, do vậy nhiều cửa hàng sẽ đóng cửa trễ hơn so với năm trước.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) dự định 12h trưa ngày 29 tháng chạp đóng cửa nhưng giờ đã chuyển sang 17h chiều.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chia sẻ, bắt đầu từ 23 tháng chạp trở đi hàng về liên tục, nếu sức mua yếu tiểu thương sẽ ngưng nhập hàng. Bà Hà dự báo một số mặt hàng rau quả sẽ tiếp tục giảm giá vì ít người mua. Tuy nhiên, theo chuỗi cung cầu, trường hợp nếu cầu nhiều hơn cung, khi ấy cung cầu mất cân đối, giá sẽ tăng mạnh trở lại, còn nếu cung nhiều hơn cầu thì toàn bộ các mặt hàng sẽ tiếp tục giảm.
“Do diễn biến sức mua của người dân rập rình nên tiểu thương khó dự đoán được lượng hàng cung ứng cho thị trường. Năm ngoái, tiều thương dự trữ hàng hóa rất nhiều nhưng sức mua quá yếu nên hàng tồn lớn. Năm nay, họ rút kinh nghiệm nên lưu lượng hàng hóa có tập trung nhưng không cao bằng năm ngoái. Những ngày cận Tết nếu sức mua tăng lên thì giá hàng hóa có thể sẽ tăng mạnh để phản ứng lại với sức mua” bà Hà lo lắng.
Còn theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, sức mua có tăng hơn nhưng lượng hàng vẫn ổn định, một số mặt hàng khô có tăng giá nhưng nếu so với cung kỳ thì thấp hơn do sức mua giảm. Dự báo trong tuần tới sức mua và nguồn hàng tăng lên. Lượng trái cây và rau sẽ tăng 100%, thịt cá tăng 50-70%.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu. Các mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ tăng 20-25% so với Tết 2012 nên giá cả sẽ bình ổn. Lãnh đạo Sở Công Thương cho hay, để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác hàng hóa từ các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào một số mặt hàng có biến động mạnh trong dịp Tết như: thịt lợn, thịt gà, rau củ quả, trứng gia cầm.
Trước đó, Thành phố cũng có công điện khẩn yêu cầu sở ngành phải theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, rau quả tránh hành vi đầu cơ gây mất cân đối cung cầu.
Trâm Anh - Bách Hợp - Thi Hà
Giá thuê mai, quất Tết tăng nhẹ
Do thời tiết thất thường nên mai nở hoa sớm, cộng với chi phí chăm sóc tăng cao nên giá bán hoặc thuê những cây cho hoa đúng dịp Tết đắt đỏ hơn năm ngoái.
Ở vườn mai Tư Hòa, đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), giá thuê năm nay tăng 10%, dao động 8-45 triệu đồng một chậu. Năm trước, cây mai cổ thụ cho thuê 40 triệu đồng thì nay lên 45 triệu đồng; cây 1,6 m đắt thêm 1 triệu, lên 9 triệu đồng. Nguyên nhân do giá phân bón, nhân công tăng và lượng cây cung ứng vào đúng dịp Tết giảm mạnh do thời tiết thất thường.
Giá thuê mai bonsai dao động 3-20 triệu đồng cây. Ảnh: Thi Hà |
Trong vườn của ông Hòa, khoảng 20 gốc mai đã có chủ, phần lớn là công ty, trường đại học thuê để trưng trong những ngày Tết. Hiện có một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP HCM chịu chi 45 triệu đồng để thuê gốc mai hơn 20 năm tuổi.
"Gốc mai này rất đẹp nên năm nào cũng có người xí phần trước. Gốc to, dáng đẹp, nhiều nụ và phải áp dụng cách chăm sóc đặc biệt mới cho hoa đúng dịp Tết, cao tới 3,5m và dùng cần cẩu để vận chuyển vì nặng đến 1,6 tấn", ông tâm đắc kể.
Tại vườn mai nhà ông Tuấn (quận Thủ Đức) hiện 300 gốc được đặt thuê, giá 3-20 triệu đồng. Ông chia sẻ, năm nay, chi phí chăm sóc tăng hơn 10% nhưng không dám điều chỉnh giá nhiều vì e sẽ khó kinh doanh. Từ 22 tháng chạp âm lịch, các nhà vườn bắt đầu chuyển cây tới công ty. Thời gian thuê 20 ngày, thông thường khoảng 15/1 âm lịch mai được trả về để "bảo dưỡng".
Sau khi đã tạo dáng thành công, anh Đức đang tháo những thanh nhôm ra khỏi cây. Ảnh:Thi Hà. |
Theo nhiều chủ vườn, dịch vụ cho thuê mai Tết khá rủi ro vì người thuê ít quan tâm bón phân và tưới nước cho cây. Trong khi đó, cây thiếu ánh sáng mặt trời, tiếp xúc với các loại nước thừa như trà, bia, rượu trong nhiều ngày nên cây nhanh "đuối sức".
“Năm ngoái tôi đã mất trắng 2 cây mai giá trị trên 10 triệu đồng vì khách không tưới nước trong thời gian dài nên khi lấy về cây khô trắng, không thể phục hồi lại được”, ông Hòa than.
Trong khi đó, chủ vườn mai An Hoài (quận Thủ Đức) năm nay phải giảm giá bán lẫn cho thuê vì nụ đã bung hết từ sớm, hoa vàng cả cành. Anh Đức lý giải, giá thuê mai cao hay thấp phụ thuộc vào số lượng nụ, thế đứng của cây và độ tuổi. Đối với bonsai lớn giá thuê 12-15 triệu đồng, bonsai nhỏ 4-7 triệu đồng. Mức giá này đã hạ 2 triệu đồng so với năm ngoái.
"Tôi giữ gìn rất kỹ cây mai cổ thụ cổ thụ cao 3 m, có tuổi đời trên 20 năm nhưng cũng không được như ý muốn. Nụ nhỏ và thưa thớt hơn mọi năm nên giá cho thuê còn 23 triệu đồng, trong khi năm trước tới 25 triệu", anh Đức tiếc.
Quất năm nay được mùa, trái căng mọng, đều. Ảnh:Thi Hà |
Trái ngược với mai, trồng quất được mùa trong Tết Quý Tỵ, giá thuê ít nhất 3 triệu và cao nhất là 40 triệu đồng.
Chị Uyên, chủ cửa hành cây cảnh Minh Tân (quận Tân Bình) cho biết, thời điểm này đa phần khách hỏi thuê quất chứ chưa có nhiều người đặt mua. Năm nay, chi phí chăm sóc quất tăng mạnh nên giá thuê tăng 10% so với mọi năm. Có nhiều mức giá khác nhau tùy vào thế, độ tuổi của cây
Cây cao khoản 1 m giá thuê 3 triệu đồng, 2 m được chào giá 8-15 triệu đồng. Còn riêng quất cổ thụ, tuổi đời 15-20 năm, cao 3,5m ở mức 40 triệu. Điểm hấp dẫn của chậu quất cho thuê tới 40 triệu đồng này là dàn quả sum suê "non già có đủ", lá xanh mơn mởn, dáng đẹp, nếu bán có giá 60 triệu đồng.
Những người đi thuê sau khi lựa chọn cho mình được chậu quất ưng ý thì thỏa thuận giá cả với chủ vườn, đặt cọc 30-50% giá trị tiền thuê của cây quất.
Chủ vườn kiểng Minh Tân cho hay, năm nay quất ra đều trái, lá xanh mướt, căng vàng, mọng nước, mỏng vỏ, số lượng đậu quả cao hơn so với mọi năm. Do được trồng ngay tại TP HCM nên thích nghi cao với khí hậu thất thường ở đây.
Theo VNExpress.