Israel trả tiền để Ruanda nhận người nhập cư Châu Phi

Từ đầu năm nay, chính phủ Isarael đã thông báo họ muốn thắt chặt việc tiếp nhận người nhập cư và đã thừa nhận rằng họ đã ký một thỏa thuận với chính quyền Kigali để xúc tiến việc trục xuất nhiều người Châu Phi về Ruanda (nghĩa là họ trả một khoản tiền cho mỗi người nhập cư).

Israel trả tiền để Ruanda nhận người nhập cư Châu Phi

Giêrusalem: Israel đã tìm ra một giải pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề người nhập cư Châu Phi; đó là trả tiền cho Ruanda để nước này tiếp nhận người nhập cư Châu Phi.

Sơ Azazet Kidane, một nữ tu người Eritrea thuộc Hội dòng Comboni, người đã nhiều năm hoạt động bên cạnh những người nhập cư tại Do Thái nói: “Chính phủ Israele đã tìm ra một giải pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề người nhập cư Châu Phi; đó là họ sẽ trả một số tiền cho chính phủ Ruanda để nước này tiếp nhận người nhập cư. Một số người đã sử dụng động từ “bán” để mô tả chính sách này của chính quyền Benjamin Netanyahu. Phải chăng đây là một việc buôn người? Thật là một điều đau buồn!” 

Từ đầu năm nay, chính phủ Isarael đã thông báo họ muốn thắt chặt việc tiếp nhận người nhập cư và đã thừa nhận rằng họ đã ký một thỏa thuận với chính quyền Kigali để xúc tiến việc trục xuất nhiều người Châu Phi về Ruanda (nghĩa là họ trả một khoản tiền cho mỗi người nhập cư). 

Trong một văn bản được công bố trong những ngày gần đây, các vị chủ chăn của Giáo hội Công Giáo tại Đất Thánh đã bày tỏ sự lo ngại về những động thái này của chính phủ Israel. 

Sơ Kidane giải thích: “Bắt đầu từ năm 2011, dòng người nhập cư từ Phi Châu vào Israel tăng cao. Để đối phó với hiện trạng này, ban đầu chính phủ chuyển họ đến các nhà tù mở, nơi đó họ đi ra ngoài vào buổi sáng và trở về vào buổi chiều. Như thế các thanh niên nam nữ Phi châu có thể làm những công việc như bồi bàn, gác cổng, giúp việc nhà… Tuy nhiên, tòa án Tối cao đã cấm việc giam giữ người mà không có sự kết tội và như thế chính phủ đã phải giải phóng họ.” 

Để có thể tiếp tục giải quyết tình trạng này, chính phủ đã dự tính một hệ thống mới để giảm sự hiện diện của người Châu Phi (hiện nay con số đã là 38 ngàn người, đặc biệt là người Eritrea và Sudan). Vì đã ký những công ước quốc tế về bảo vệ những người nhập cư, Israel không thể để người nhập cư Eritrea và Sudan hồi hương bởi họ có thể gặp nguy hiểm đến mạng sống. Vì thế họ đã ký một thỏa thuận với Ruanda. Israel trả cho Ruanda 5.000 đô la cho mỗi người nhập cư, thêm vào đó, mỗi người nhập cư được nhận 3.500 đôla. Những người này ký một cam kết không bao giờ trở lại Israel. Nhiều người nhập cư chấp nhận hồi hương đã đến Ruanda, nhưng ở đó họ đã bị chính quyền địa phương tịch thu giấy tờ, tiền bạc và không cho phép họ lưu trú. Những người tị nạn được đưa tới biên giới Uganda và từ đó họ phải đi bộ tới Sudan, Libia và cuối cùng tới Châu Âu. 

Ai không đồng ý đi Ruanda thì sẽ phải xin tị nạn hoặc sẽ bị trục xuất. Nhưng thực tế là họ không thể nộp đơn xin tị nạn. Hàng ngày, có hàng chục người xuất hiện tại các cơ quan của chính phủ, nhưng chỉ có một số nhỏ được tiếp nhận, và họ không nhận được câu trả lời. Tới tháng ba, ai không thể trình văn bản xin tị nạn sẽ bị bắt và tống giam. Nhưng lần này là ở trong các nhà tù thực sự. Israel không muốn nhận người Châu Phi vì họ e ngại rằng sự nhập cư của họ có thể làm suy yếu bản sắc Do Thái của đất nước. Theo ý kiến của sơ Azazet Kidane, Israel cần lao động Châu Phi, bởi vì có chỗ thực sự cho việc hội nhập và tiếp đón. Ở đây chỉ là vấn đề các nhà cầm quyền không muốn. 

Trong những ngày gần đây, hơn 2.000 người xin tị nạn đã biểu tình trước tòa đại sứ Ruanda ở Tel Aviv, chống lại ý định của Israel trục xuất người xin tị nạn trở về Ruanda: “Chúng tôi không muốn bị bán như những người nô lệ”, những người biểu tình đã khẳng định như thế. Sự kiện đã làm dấy lên tiếng vang lớn và tạo nên một phong trào của các công dân Isarael ủng hộ nhập cư. Shaul Betzer, người đứng đầu hãng hàng không Israel “El AL” đã viết: “Như là một con người và là một thành viên của dân Do Thái, tôi không thể tham gia vào chuyến bay đưa những người tị nạn tới một nơi mà cuộc sống của họ không được đảm bảo”. Một phi công khác nói thêm: “Những người tị nạn đã sống giữa chúng tôi, họ không thể bị bỏ rơi và bị đưa trở lại đất nước của họ nơi mà sự đau khổ và chết chóc đang chờ đón họ. 

(Ngọc Yến, RadioVaticana 24.01.2018/ Agenzia Fides 24/1/2017)