Hội đồng Thế giới các Giáo hội thực hiện chuyến viếng thăm "lịch sử" tại Trung Quốc
Chuyến viếng thăm Trung Quốc từ ngày 7 đến ngày 16 tháng Giêng 2018 của một phái đoàn thuộc tổ chức đại kết “Hội đồng Thế giới các Giáo hội” (WCC - World Council of Churches), theo mục sư Olav Fykse Tveit, Tổng thư ký Hội đồng, là một chuyến viếng thăm “lịch sử”.
Trước đây mục sư Tveit đã đến Trung Quốc hồi tháng 11 năm 2016 để tham dự nhiều cuộc gặp gỡ. Trong chuyến viếng thăm lần này, mục sư Tveit nói rằng ông “rất ấn tượng về việc các giáo hội” đến với mọi người thuộc mọi lứa tuổi, cũng như các sinh hoạt đại kết và liên tôn và các công việc phục vụ xã hội của giáo hội”.
Cuộc viếng thăm cũng cho thấy WCC rất quan tâm đến Trung Quốc - đang trở thành quốc gia có đông Kitô hữu nhất thế giới trong vòng 30 năm nay và Hội đồng Kitô giáo Trung Quốc (CCC) là thành viên của WCC từ năm 1991. Vì Giáo hội Công giáo không phải là thành viên của WCC và số tín hữu Chính thống giáo ở Trung Quốc ít ỏi, mục đích chính chuyến viếng thăm của phái đoàn WCC là gặp gỡ các nhóm Tin Lành của Trung Quốc thuộc nhiều hệ phái khác nhau.
Gặp gỡ các Giáo hội chính thức
Tại Thượng Hải, phái đoàn WCC đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các tổ chức Giáo hội được chính phủ Trung Quốc chính thức công nhận, bao gồm Hội đồng Kitô giáo Trung Quốc và Phong trào Yêu nước Tam tự, cũng như các sinh viên của chủng viện thần học ở Đông Trung Quốc. Cũng có một buổi gặp gỡ các quan chức Trung Quốc đặc trách các vấn đề tôn giáo.
Đàng khác, trong chương trình không có cuộc phỏng vấn với các đại diện của các “giáo hội tại gia” không chính thức đang phát triển nhanh chóng. Trong một tuyên bố được đưa ra ngay trước khi phái đoàn lên đường, WCC nói rằng: “Từ khi Trung Quốc mở cửa với thế giới vào cuối những năm 1970, ngày càng có thêm sự khoan dung tôn giáo. Số người được rửa tội đã gia tăng đáng kể”. Theo các nhà quan sát, các Giáo hội có số tăng trưởng lớn nhất là các Giáo hội “không đăng ký”, ở ngoài sự kiểm soát của nhà nước.
Trước đây thường được gọi là “Giáo hội thầm lặng”, nay các Giáo hội này được tổ chức tốt hơn và thu hút rất nhiều người. Các Giáo hội này tồn tại trong một “vùng xám” hợp pháp, không được phép nhưng cũng không chính thức bị cấm, mặc dù thỉnh thoảng vẫn có những cuộc đàn áp.
Những tăng trưởng ấn tượng của Tin Lành Trung Quốc
Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho biết số Kitô hữu Trung Quốc gia tăng hơn 2,5% vào năm 2014. Theo số liệu thống kê từ năm 2012, 1,8% là Tin Lành, trong khi 0,4% là Công giáo.
Theo thông tin từ cuộc “Thăm dò đời sống tâm linh của người Trung Quốc”, do Quỹ John Templeton tài trợ, số Kitô hữu tại Trung Quốc được cho là đã tăng lên 2,4%, bao gồm 30 triệu người Tin Lành và 3 triệu người Công giáo trong tổng dân số Trung Quốc là 1,3 tỷ người. Các ước tính khác cho rằng con số thực sự có thể còn cao hơn.
Theo Marie-Eva Reny, giáo sư kiêm nhiệm của Khoa chính trị tại Đại học Montreal, Canada, chuyên về vận động xã hội và tôn giáo dưới chế độ độc tài, sự hiện diện của Hội thánh Tin Lành ở Trung Quốc là lớn hàng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Trong đó, có 80 phần trăm không ghi danh chính thức.
(Minh Đức, WHĐ 15.01.2018/ La Croix)