Lễ Giáng Sinh trong bầu khí baọ lự khủng bố đó đây trên thế giới

Giáng Sinh là lễ của tình yêu thương, hòa bình và niềm vui. Nhưng năm nay tại nhiều nước vùng Trung Đông, Á châu và Phi châu bầu khí Giáng Sinh xem ra thê thảm, vì đầy dấu vết của xung đột, bạo lực, căng thẳng và âu lo...

Lễ Giáng Sinh trong bầu khí baọ lự khủng bố đó đây trên thế giới

Giáng Sinh là lễ của tình yêu thương, hòa bình và niềm vui. Nhưng năm nay tại nhiều nước vùng Trung Đông, Á châu và Phi châu bầu khí Giáng Sinh xem ra thê thảm, vì đầy dấu vết của xung đột, bạo lực, căng thẳng và âu lo.

Điển hình trước hết là ngay tại Thánh Địa, quê hương của Chúa Giêsu Kitô. Hôm mùng 6 tháng 12 vừa qua sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố Giêrusalem là thủ đô của Israel và Mỹ sẽ rời toà đại sứ về Giêrusalem, tình hình lập tức trở nên căng thẳng.  Người Palestine đã biểu tình ở khắp nơi, đốt cờ Hoa Kỳ, hình và hình nộm của tổng thống Trump. Phong trào Hamas đã phát động chiến dịch Antifada lần thứ ba “để giải phóng Giêrusalem”.

Trong dải Gaza cũng như trong các thành phố vùng Cisgiordania đã có các cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ chống Hoa Kỳ và Israel. Giới trẻ Palestine đốt bánh xe, dựng hàng rào cản, và dùng gạch đá chống lại súng bắn đạn cao su, khói cay và có khi là đạn thật của quân đội Israel. Trong thành cổ Giêrusalem và tại Hebron quân đội Israel đã giải tán các nhóm biểu tình. Đã có  hàng trăm người bị thương và bầu khí xung đột lan tràn khắp nơi. Tại nhiều nước thuộc khối A rập như  Thổ Nhĩ Kỳ, dân chúng cũng xuống đường biểu tình đốt cờ Hoa Kỳ và hình hay hình nộm của tổng thống Trump. 

Trước tình hình căng thẳng gia tăng ĐTC Phanxicô cũng đã lên tiếng trong buổi tiếp kiến tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư mùng 6 tháng 12. Ngài nói nói: “Giờ đây tôi nghĩ tới Giêrusalem. Về vấn đề này, tôi không thể không nói lên sự âu lo sâu xa của tôi về tình trạng diễn ra trong những ngày này, đồng thời tôi tha thiết kêu gọi dấn thân tôn trọng quy chế hiện tại của thành Giêrusalem, phù hợp với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Giêrusalem là thành độc nhất, thánh thiêng đối với người Do thái, Kitô và Hồi giáo, tại đó họ tôn kính các nơi thánh của các tôn giáo liên hệ và có một ơn gọi đặc biệt về hoà bình. Tôi cầu xin Chúa để cho căn tính ấy của Giêrusalem được bảo tồn và củng cố để mưu ích cho Thánh Địa, Trung Đông và toàn thế giới; cầu cho sự khôn ngoan và thận trọng được trổi vượt, để tránh tăng thêm những yếu tố căng thẳng mới trong bối cảnh đã bị co quắp và ghi đậm bao nhiêu cuộc xung đột tàn ác”. 

** Trong sứ điệp chung công bố nhân dịp Giáng Sinh 13 Thượng Phụ và các vị lãnh đạo  các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô tại Thánh Địa đã tái khẳng định lập trường chung là duy trì thành Giêrusalem trong tình trạng hiện nay cho tới khi nào người Israel và người Palestine đạt được một thoả hiệp hoà bình công bằng, dựa trên các cuộc thương thuyết và các luật lệ quốc tế. Sứ điệp có đoạn viết: “Mọi yêu sách thi hành việc chiếm hữu độc quyền trên Giêrusalem sẽ mở đường cho một “tình hình đen tối”, bởi vì nó chống lại bản chất và các đặc thái của Thành Thánh, và chà đạp chính guồng máy đã duy trì hòa bình qua các thời đại.

Các kitô hữu Thánh Địa biết rằng sự hiện diện và chứng tá của họ “gắn liền chặt chẽ với các Nơi Thánh và với khả thể thăm viếng chúng, khiến cho thành phố trở thành một nơi có tiềm năng gặp gỡ và hiệp nhất giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau. Vì thế, mọi tiếp cận độc quyền đối với thành Giêrusalem đều chống lại bản chất và các đặc thái của Thành, và chà đạp chính guồng máy đã duy trì hoà bình qua các thời đại. Giêrusalem là một món qua thánh thiêng, một Nhà Tạm, một vùng đất đã được thánh hoá đối với toàn thế giới. Tìm chiếm hữu Thành Thánh Giêrusalem, hay hạn chế nó trong các phạm trù của chủ trương độc quyền sẽ dẫn đưa tới một tình hình vô cùng đen tối”. 

Trong buổi tiếp kiến 30 vị lãnh đạo tôn giáo tại Ramallah, nhân dịp trao đổi các lời chúc mừng lễ Giáng Sinh, tổng thống Palestine Abu Mazen tuyên bố: “Thế giới và quyền quốc tế thừa nhận Đông Giêrusalem như quốc gia Palestine, và chúng tôi sẽ hiệp nhất trong việc bảo vệ Giêrusalem, các đất đai và tư hữu kitô và hồi giáo. Có vài tuyên bố mới đây nhắm khước từ lịch sử của chúng tôi, nhưng đây là đất của chúng tôi, và người Palestine sẽ tiếp tục tranh đấu một cách hòa bình”.

Tổng thống Abu Mazen cũng nhắc tới việc phối hợp thường xuyên với chế độ quân chủ nhà Hashemita của Giordania trong việc che chở các Nơi Thánh kitô và hồi giáo của Giêrusalem, bắt đầu từ đền thờ Al Aqsa và Thánh Mộ. Đáp lời tổng thống Đức Thượng Phụ chính thống hy lạp Teophilos III nêu bật sự cần thiết duy trì tình trạng hiện nay của Thành Thánh khỏi mọi xâm phạm đơn phương. Ngài cũng cám ơn tổng thống đã sốt sắng ủng hộ sự hiện diện kitô tại Thánh Địa và mời tổng thống tham dự các lễ nghi phụng vụ long trọng của hai Giáo Hội chính thống và công giáo nhân dịp Giáng Sinh. 

Chúa Nhật 17 tháng 12 vua Abdallah II của Giordania đã gặp các vị lãnh đạo các Giáo Hội và cộng đoàn kitô tại nơi Chúa Giêsu lãnh phép rửa xưa kia bên bờ sông Giordan. Nhà vua khẳng định rằng “các quyền của tín hữu kitô và hồi giáo trên thành Giêrusalem là vĩnh cửu”; và nhà Hascemita có vài trò che chở các Nơi Thánh kitô và hồi giáo tại Giêrusalem. Nhà vua cũng than phiền về lời tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ thay đổi thế quân bình mong manh tại Thánh Địa, và không giúp tiến trình hoà bình, trái lại đào sâu hơn sự mất tin tưởng của Palestine đối với người Israel. 

** Nhân dịp này các vị lãnh đạo kitô đã cám ơn nhà vua yểm trợ việc giữ gìn các Nơi Thánh. Các vị cũng xin nhà vua bảo vệ tình trạng pháp lý hiện nay của Thành Thánh, khi tiếp xúc với các chính quyền và các tổ chức quốc tế. ĐTGM Pizzaballa nhận xét rằng các quyết định đơn phương về thành Giêrusalem sẽ không đem lại hoà bình, nhưng khiến cho nó rời xa hơn, bởi vì Giêrusalem là một gia tài của toàn nhân loại  và mọi yêu sách độc đoán chính trị hay tôn giáo đều đi ngược lại chính cái luận lý của Thành Thánh. 

Tại Thánh Địa lễ Giáng Sinh đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng mới này khiến cho niềm vui của ngày lễ bị suy giảm rất nhiều. Nhiều đoàn hành hương đã huỷ bỏ chương trình thăm viếng Thánh Địa nhân dịp này. 

Bên Libăng giới lãnh đạo các tôn giáo cũng đã tham dự một phiên họp liên tôn do ĐHY Bechara Rai triệu tập tại toà Thượng Phụ Maronít ở Bkerké hôm 14 tháng 12. Thông cáo chung công bố sau đó viết: “Quyết định của tổng thống Hoa Kỳ thừa nhận Giêrusaem như thủ đô của nước Israel dựa trên các tính toán đặc biệt chính trị, và là một khiêu khích đối với 3 tỷ tín hữu kitô và hồi giáo, và xúc phạm một cách sâu xa niềm tin của họ. Giêrusalem không như các thành phố khác. Nó đầy các Nơi Thánh của ba tôn giáo độc thần như Thánh Mộ và đền thờ Al Aqsa.

Khi thừa nhận sự kiện này, mọi quốc gia trên thế giới đã dấn thân tôn trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc coi Giêrusalem và phần còn lại của West Bank như là đất bị chiếm đóng, và họ đã không thành lập các tòa đại sứ tại Giêrusalem bị chiếm đóng. Cả Hoa Kỳ cũng đã chia sẻ dấn thân này cùng với cộng đồng quốc tế cho tới khi tổng thống Trump vi phạm với quyết định tai hại ngày mùng 6 tháng 12 năm 2017. Quyết định này vi phạm tính cách pháp luật quốc tế, gây thiệt hại và chống lại ý nghĩa tinh thần của Giêrusalem. Các vị lãnh đạo tôn giáo Libăng cũng kêu gọi các chính quyền trên thế giới cũng như nhân dân Hoa Kỳ và các tổ chức xã hội và tôn giáo Mỹ gây áp lực để tổng thống Trump rút lại lời tuyên bố của mình, hầu tránh gây ra vòng xoáy bạo lực mới. 

Bước sang Siria, nơi chiến tranh đã kéo dài gần 7 năm khiến cho mấy trăm ngàn người  chết và 12 triệu người phải di tản lánh nạn sống trong các điều kiện thiếu thốn, lễ Giáng Sinh được cử hành trong bầu khí đổ vỡ tang thương. ĐC Samir Nassar, TGM Maronít Damasco, cho biết trong khi lễ Giáng Sinh đến gần các người tỵ nạn Siri phải sống trong một tình trạng không có lối thoát, âu lo phiền muộn. Họ bị đè bẹp giữa hai bức tường: họ không thể về nhà, vì đường đi bị chặn và nhà cửa đã bị hư hại, đàng khác thế giới khinh rẻ họ và khép kín đối với họ. Họ là những người không ai muốn tiếp nhận. Các anh chị em đáng thương này đã mất hết mọi sự và đã không tìm đuợc một mái nhà trú ngụ. Các tổ chức quốc tế đến với họ trong các trại tỵ nạn hay các khu nhà nơi thiếu thốn mọi sự.

Trước tình trạng khổ đau này, có người tìm trốn về các vùng an bình hơn, nhưng họ thường bị đuổi ngược trở lại. Nhiều người đã chết gục trên đường, hay bị chết đuối, rất nhiều người chết vì bệnh tật, hay vì tự tử. Trong quá khứ dân tộc Siri đã quảng đại tiếp nhận ngưòi Armeni năm 1915, người tỵ nạn Assiri năm 1924, người tỵ nạn Palestine năm 1948, ngưòi Kurde năm 1960, người Libăng năm 1975, và người Iraq năm 2003. Giờ đây chính họ lại trở thành người tỵ nạn, bị cô lập và cay đắng, họ trở thành những người không được ưa chuộng. Chúa Hài Đồng thách đố chúng ta. Chúng ta còn có thể nhắm mắt làm ngơ nữa không?” 

** Tại Mossul bên Iraq sau mấy năm bị các lực luợng IS chiếm đóng và được giải phóng, các dấu hiệu của lễ Giáng Sinh bắt đầu tái xuất hiện, với các cây thông và hình ông già Noel cũng như ánh đèn mầu vui mắt. Nhưng đa số các kitô hữu vẫn ở lại trong các thành phố vùng Kurdistan và chưa trở về, vì nhà cửa ruộng vườn của họ đã bị tàn phá.  

Sang đến Pakistan, từ khi xảy ra vụ đặt bom khủng bố nhà thờ Bethel tại Quetta của Giáo Hội Methodist ngày 17 tháng 12 vừa qua, khiến cho 14 kitô hữu thiệt mạng và 65 người khác bị thương, HĐGM nước này đã kêu gọi mọi người thiện chí tình nguyện giữ gìn an ninh cho các cơ sở kitô, đặc biệt trong dịp lễ Giáng Sinh.

Thông cáo do ĐC Joseph Arshad, TGM Islamabad, kiêm chủ tịch HĐGM và Ủy ban Công lý và Hòa bình Pakistan công bố,  viết: “Tại Pakistan các vụ khủng bố sát hại mạng sống vô tội gia tăng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta sức mạnh, sự khôn ngoan, lòng khoan nhượng và hòa bình. Xin Thiên Chúa ban cho gia đình các nạn nhân sức mạnh chịu đựng sự mất mát người thân của các nạn nhân, và cho những người bị thương mau bình phục”. Các GM đã ca ngợi các lực lượng cảnh sát và an ninh đã mau chóng can thiệp để che chở mạng sống của 400 tín hữu hiện diện trong nhà thờ. Từ nhiều năm qua Giáo Hội đã liên tục yêu cầu chính quyền đưa ra các biện pháp để bảo vệ an ninh cho các tôn giáo thiểu số, và coi việc loại trừ khuynh hướng cuồng tin cực đoan như ưu tiên hàng đầu. Nhưng chính quyền đã không cố gắng và hữu hiệu đủ. Tại Pakistan có 4,4 triệu kitô hữu chiếm 2% và 2,2 triệu tín hữu Ấn giáo chiếm 1% trên tổng số hơn 190 triệu dân đa số theo Hồi  giáo. 

ĐC Sebastian Francis Shaw, TGM Lahore, đã chủ sự một buổi canh thức cầu nguyện liên tôn cho các nạn nhân, có sự tham dự của đại diên các Giáo Hội công giáo, Anh giáo. Tin lành Methodist, Trưởng lão và Đạo binh cứu độ. Ngài kêu gọi mọi người hiệp nhất chống lại phong trào cực đoan gây chia rẽ trong xã hội và giữa các cộng đoàn tôn giáo. ĐC nhấn mạnh bổn phận của chính quyền phải bảo đảm an ninh cho dân chúng và cho các nơi thờ tự. Vì tình hình an ninh bấp bênh có nhiều kitô hữu tìm rời bỏ Pakistan để đi sinh sống tại các nơi khác. 

** Bước sang Phi châu linh mục Edmond Dembele, tổng thư ký HĐGM Mali, cho biết từ mấy tháng nay tình hình an ninh trong nước trở nên tồi tệ hơn vì các vụ khủng bố phá hoại. Thoả hiệp hoà bình ký kết tại Algeria năm 2015 đã không đem lại hoà bình mong muốn, và từ hơn một năm qua các vụ khủng bố lại thường xuyên tái diễn trong vùng trung Mali và ngay tại thủ đô Bamako. Mali trở thành trung tâm của sự bất ổn, vì đa số các nhóm khủng bố chọn Mali làm căn cứ để khuynh đảo tình hình của cả hai nước Burkina Faso và Niger. Các nhóm này liên lụy tới các vụ buôn bán bất hợp pháp gồm khí giới, ma tuý, thuốc lá và buôn người, đem lại lợi nhuận rất lớn. Và các nhóm hồi thánh chiến cố ý gây hỗn loạn và bất ổn để trục lợi. Tuy nhiên, việc thành lập lực lượng bình định mới đây bao gồm 5.000 binh sĩ 5 nước Mali, Niger, Burkina Faso, Ciad và Mauritania, trao ban hy vọng cho dân chúng toàn vùng nam sa mạc Sahara. Lực lượng này do Liên Hiệp Âu châu, Hoa Kỳ, Arập Sauđi và các Vương quốc thống nhất Arập tài trợ. 

Trong các nước Phi châu có nạn khủng bố phá hoại mạnh mẽ nhất phải kể đến Nigeria. Tại đây tổ chức hồi cuồng tín Boko Haram đã làm mưa làm gió từ nhiều năm qua với các vụ tấn công quy mô khiến cho hàng ngàn người chết và hàng chục ngàn người phải tản cư lánh nạn. Lực lượng này có mộng hồi giáo hoá các bang miền bắc Nigeria. Cha Gideon Obasogie, giám đốc Ủy ban xã hội của giáo phận Maiduguri, thủ phủ bang Borno tại miền bắc Nigeria, cho biết lực lượng này đã tuyên bố là đồng minh của Nhà nước Hồi IS, và đã có các thành viên cho nổ bom người khiến cho nhiều người chết tại trại Minawao, trong đó cũng có hai giáo lý viên. Đã có hơn 91.000 người Nigeria chạy trốn sang Camerun lánh nạn.

Nhưng sự thù nghịch của người dân Camerun đã khiến cho nhiều người phải trở lại Nigeria, và có nguy cơ bị tổ chức Boko Haram sát hại. Các phiến quân Boko Haram đã phát xuất từ vùng rừng Sambisa, họ tấn công các cộng đoàn sống chung quanh, và tìm cách áp đặt ách thống trị của họ từ Gwoza cho tới Pulka và Bama trong vùng bắc bang Borno. Nhưng nhờ các cuộc hành quân của quân đội chính phủ từ cuối năm 2015 lực lượng Boko Haram đã bị đẩy lui. Cha Gideon cũng cho biết dân chúng cũng từ từ trở về  tái thiết nhà cửa, nhưng họ rất thiếu thốn vật liệu. 

Mới đây 3 Giám Mục các giáo phận Kafanchan, Ibadan và Oyo, đã công bố sứ điệp kêu gọi chính quyền đầu tư nhiều hơn để tạo công ăn việc làm cho dân chúng, đặc biệt là người trẻ để họ đừng liều lĩnh tìm sang Âu châu qua ngã Libia, và rơi vào tay các tổ chức buôn người vô luân và vô nhân đạo, hay bị chết trên biển Địa Trung Hải. Nigeria là quốc gia có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Vì thế cần đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển đất nước để người trẻ có việc làm không phải mạo hiểm đi xa tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong bầu khí bất ổn và loạn lạc đó lễ Giáng Sinh mang ý nghĩa sâu đậm hơn, tuy ít có các trang hoàng bề ngoài. 

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 25.12.2017)