Tin trong nước

Hai tuổi mất mẹ, ba năm sau người cha cũng qua đời vì bạo bệnh, dù cuộc sống gian khổ nhưng Trà My học rất giỏi. Sau buổi đến trường, cô bé lên 10 lại cùng bà lang thang trên phố hay tìm đến bãi rác nhặt phế liệu mưu sinh.

ô bé mồ côi học giỏi dù phải nhặt rác mưu sinh

Hai tuổi mất mẹ, ba năm sau người cha cũng qua đời vì bạo bệnh, dù cuộc sống gian khổ nhưng Trà My học rất giỏi. Sau buổi đến trường, cô bé lên 10 lại cùng bà lang thang trên phố hay tìm đến bãi rác nhặt phế liệu mưu sinh.

Nhiều năm nay, bất kể ngày nắng hay mưa, bà Lê Thị Thoa (ở phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) vẫn cùng cô cháu nội nhỏ tuổi cặm cụi đi nhặt rác. Trong căn nhà ọp ẹp nằm bên bờ sông không có tài sản gì đáng giá ngoài những bộ quần áo cũ của hai bà cháu và đồ phế liệu xếp ngổn ngang. 70 tuổi, bà Thoa được xem là người đàn bà bất hạnh nhất phường vì đã chịu quá nhiều mất mát.

Dù trải qua ba đời chồng, nhưng người chết, người bỏ đi nên bà Thoa vẫn chỉ một mình. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà sống cùng đứa cháu nội Bùi Thị Trà My năm nay 10 tuổi. Chẳng có người thân thích, không nghề nghiệp, nên ngày ngày hai bà cháu lầm lũi mưu sinh với nghề nhặt rác.

Mỗi ngày, sau giờ lên lớp, bé Trà My lại cùng bà đi nhặt rác mưu sinh. Ảnh: Lê Hoàng.

Bà Thoa kể, mẹ của Trà My mất vì bệnh ung thư khi bé chưa tròn hai tuổi. “Ngày nhỏ, tôi vẫn thường dối cháu rằng mẹ đang nằm ngủ trong cái rương, khi nào cháu ngoan, được nhiều điểm mười rồi mẹ sẽ dậy chơi với cháu. Sau này khi lớn hơn nó đã hiểu ngày nào cũng ngoan, cũng nghe lời bà và học rất giỏi thì mẹ cũng mãi mãi không thể quay về nữa”, bà Thoa nhớ lại.

Ba năm sau ngày mẹ mất, bố Trà My cũng qua đời. Những ngày đầu đưa Trà My về nuôi, bà Thoa phải bế cháu đi ăn xin khắp nơi. Khi bé lớn hơn một chút, bà để Trà My ở nhà một mình rồi đi nhặt rác kiếm tiền nuôi cháu. Cô bé lớn lên bằng tình thương, sự đùm bọc của bà và sự sẻ chia của những người hàng xóm.

Tuổi thơ của Trà My là những ngày chờ bà trong tiếng khóc khản giọng vì đói lả, hay cùng bà rong ruổi khắp con đường, ngõ hẻm nhặt ve chai bán lấy tiền mua gạo và sách vở. Bà Thoa bảo, nhiều hôm không kiếm được đồng nào, bữa cơm của hai bà cháu lại trông chờ sự hảo tâm của hàng xóm. Có hôm bà phải nhịn ăn nhường phần cơm cho cháu.

Vài năm gần đây, căn bệnh khớp tái phát khiến bà Thoa không còn đi lại được nhiều. Trung bình mỗi ngày, hai bà cháu chỉ kiếm được dăm bảy nghìn từ bán ve chai. Số tiền ít ỏi đó bà Thoa dành dụm một phần mua gạo, một phần cho cháu mua sách vở, đồ dùng học tập. Hôm nào trên đường đi nhặt rác, gặp được người bà con tốt bụng cho cơm hay thức ăn thừa thì hai bà cháu không phải dùng đến số tiền bán ve chai.

Cũng bởi không có tiền trả tiền điện nên đã lâu trong căn nhà ẩm thấp của hai bà cháu không còn ánh điện, thay vào đó là đèn dầu hay nến sáp. Bà Thoa bảo, mấy lần định mua bóng điện về lắp cho cháu học bài, nhưng thương bà đau bệnh, không có tiền thuốc thang nên Trà My lại gàn: “Cháu học bằng nến là được rồi, nhà mình không có tiền nên đừng lắp điện nữa, bà để dành mua gạo thôi”.

Dù sớm chịu cảnh mồ côi, ăn không đủ no nhưng năm nào Trà My cũng đạt học sinh giỏi. Ảnh: Lê Hoàng.

Dáng cao gầy, làn da đen vì nắng gió, Trà My có phần trưởng thành và sống tự lập hơn những đứa trẻ cùng tuổi. Một ngày của em bắt đầu bằng việc dậy sớm ôn bài rồi đạp xe đến trường đi học. Trưa về, bé vào bếp nấu cơm giúp bà. Buổi chiều, cô bé lại cùng bà đi nhặt ve chai. Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh nến leo lét, Trà My lại ngồi ôn bài cho buổi học ngày mai...

Có người hỏi đi nhặt rác có ngại bẩn hay bạn bè trêu, Trà My chững chạc trả lời: “Sao lại sợ, cháu không thấy bẩn. Vì những thứ đó nên bà nội mới nuôi cháu được đến hôm nay”.

Sợ nội buồn nên Trà My rất chăm học. Ba năm liền em đều đạt học sinh giỏi. Không những thế, Trà My còn tham gia nhiều cuộc thi học sinh giỏi ở trường và thành phố. Tâm sự về ước mơ của mình, cô bé ngây thơ trả lời: "Cháu chỉ thích được làm cô giáo thôi, cháu sẽ dạy và yêu thương những học trò mất cha thiếu mẹ giống như cháu”. Rồi chợt cảm nhận được nỗi sợ hãi mất người thân, Trà My ngập ngừng: "Nếu bà nội già, bà nội chết thì không biết ai sẽ nuôi cháu trở thành cô giáo?”.

Thấy cháu gái nói điềm gở, bà Thoa gạt ngang rồi ôm đứa cháu tội nghiệp vào lòng òa khóc. Đôi tay gầy guộc đan vào nhau run run, bà Thoa tâm sự: "Biết cháu sống thiếu tình thương của cha mẹ từ nhỏ nên tôi cố bù đắp cho cháu, nhưng tôi nghèo quá nên chẳng làm gì được. Tôi già rồi, cũng không biết sống được bao lâu, dù bây giờ có nghèo đói nhưng bà cháu có nhau chứ tôi chết rồi không biết cháu sẽ ra sao”. Nói đến đây, bà lại bật khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của bà lão.

Nhận xét về hoàn cảnh và nghị lực của bé Trà My, bà Lê Thị Thêm, cán bộ chính sách phường Đông Sơn cho biết, bà Thoa không có lương hay chế độ gì. Nhiều năm nay, hai bà cháu mưu sinh bằng nghề nhặt rác trên phố. Dù mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng Trà My rất chăm ngoan và học giỏi. Hiện chỉ Trà My được nhà nước hỗ trợ 180 nghìn đồng một tháng theo chế độ trẻ mồ côi.

“Gia cảnh hai bà cháu rất khó khăn. Hàng năm, vào dịp lễ Tết, địa phương có hỗ trợ quà, gạo cứu trợ cho hai bà cháu. Tuy nhiên vì phường còn nhiều người khó khăn nên việc hỗ trợ cũng không được thường xuyên”, bà Thêm cho hay.

Lê Hoàng

Bi kịch hai vợ chồng bị tạt axit giữa đường

Người chồng chạy xe máy chở vợ trên đường về nhà trọ thì bị kẻ lạ mặt tạt ca axit vào người gây bỏng nặng, có thể mù mắt. Bi kịch xảy ra chừng 10 ngày trước khi hai vợ chồng rời TP HCM về Nam Định ăn Tết cùng gia đình.

Hai mắt chị Luyn không còn nhìn thấy. Ảnh: A.N
Hai mắt chị Luyn không còn nhìn thấy. Ảnh: A.N

Ngày 30/1, Công an quận 4 (TP HCM) vào Bệnh viện Chợ Rẫy lấy lời khai của anh Phạm Quang Thược (36 tuổi) và chị Vũ Thị Luyn (30 tuổi, cùng quê Nam Định). Vợ chồng anh Thược bị bỏng nặng, có khả năng mù do bị kẻ lạ tạt axit đêm 27/1 trên đường Nguyễn Khoái (quận 4).

Nằm trên giường bệnh với nửa gương mặt và mắt bị bỏng khá nặng, vết axit chạy dài từ mặt đến gót chân, anh Thược kể, khoảng 23h30 ngày 27/1, sau khi dọn hàng ở chợ Cô Giang (quận 1), anh chở vợ về nhà trọ ở quận 4. Khi từ đường Nguyễn Khoái vào khúc cua đến nhà trọ, anh chị bị người đàn ông lạ mặt chạy xe máy từ phía sau vọt lên, tạt nguyên ca axít khiến cả hai ngã xuống đường. Hung thủ phóng xe bỏ chạy.

Lãnh trọn ca axit, cả hai nạn nhân bị bỏng nặng ở mặt và toàn thân. "Dính axit, chiếc quần jeans tôi đang mặc rớt từng mảnh xuống đường, quần áo của vợ tôi cũng vậy…", anh Thược bần thần nhớ lại.

Thấy chị Luyn kêu rên thảm thiết, người chồng nén đau, cố dìu vợ vào ngồi bên đường cầu cứu. Mọi người xung quanh đã xối nước vào thân thể họ để giảm đau và đưa đi cấp cứu.

Vết bỏng axit của anh Thược nhẹ hơn nhưng hai mắt cũng có thể bị mù. Ảnh: A.N
Vết bỏng axit của anh Thược nhẹ hơn nhưng hai mắt cũng có thể bị mù. Ảnh: A.N

Theo người nhà anh Thược, nửa năm trước, vợ chồng anh gửi hai con nhỏ ở Nam Định vào TP HCM học nghề sửa quần áo và thuê một chỗ ở lề đường Cô Giang hành nghề. Chỗ làm của hai vợ chồng anh còn có một người khác. Do tay nghề cao và có duyên ăn nói tiệm của vợ chồng anh ngày càng đông khách.

Hằng ngày, vợ chồng anh làm được chừng 200.000 đồng nhưng tiền mướn chỗ hết 2 triệu mỗi tháng, rồi tiền ăn uống, nhà trọ nên cuộc sống khá khó khăn. "Chúng tôi chỉ biết cố gắng làm ăn, không bao giờ nói phật lòng ai. Có thể hung thủ đã theo dõi vợ chồng tôi rất kỹ và chọn thời điểm ra tay", anh Thược nói.

Gương mặt bị cháy xém, bỏng khắp người, hai mắt không mở được, chị Luyn giọng nghèn nghẹn cho biết, dù khó khăn nhưng vợ chồng cố dành dụm để gửi tiền về quê nuôi hai con. Họ đã mua vé tàu, dự định 29 Tết về quê đoàn viên với hai con cùng cha mẹ thì tai họa ập đến.

An Nhơn

Theo  Vnexpress