Người Công giáo tuần hành và cầu nguyện mừng sinh nhật Gandhi

Khoảng 500 người bao gồm người Ấn giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Sikh giáo, cầm nến cháy sáng diễu hành tại Bhopal, Ấn Độ, hôm 2-10, mừng sinh nhật Mahatma Gandhi, cha đẻ đất nước Ấn Độ, nhằm nhấn mạnh lý tưởng phi bạo lực của ông...

Người Công giáo tuần hành và cầu nguyện mừng sinh nhật Gandhi

Cuộc tập trung tại Bhopal kêu gọi người dân Ấn Độ chấm dứt mối bất hòa giáo phái và bạo lực chống các nhóm thiểu số

Khoảng 500 người bao gồm người Ấn giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Sikh giáo, cầm nến cháy sáng diễu hành tại Bhopal, Ấn Độ, hôm 2-10, mừng sinh nhật Mahatma Gandhi, cha đẻ đất nước Ấn Độ, nhằm nhấn mạnh lý tưởng phi bạo lực của ông. 

Tổng giáo phận Bhopal, trụ sở ở thủ phủ bang Madhya Pradesh, tổ chức cuộc diễu hành kết thúc bằng cuộc tập trung cầu nguyện liên tôn giáo. Sự kiện kỷ niệm sinh nhật thứ 148 của Gandhi, người dẫn dắt Ấn Độ đấu tranh giành độc lập khỏi ách thống trị của Anh quốc bằng phương pháp phi bạo lực. 

Đức Tổng Giám mục Leo Cornelio của Bhopal phát biểu với cuộc tập trung cầu nguyện rằng chương trình này nằm trong những nỗ lực cổ vũ “hòa bình và hòa hợp liên tôn giáo” của Giáo hội trong bang. 

Bang này do đảng ủng hộ Ấn giáo Bharatiya Janata nắm quyền từ năm 2003, chứng kiến hàng trăm vụ bạo lực chống các tôn giáo thiểu số như Kitô giáo và Hồi giáo, nghi ngờ là do các nhóm Ấn giáo muốn biến Ấn Độ thành quốc gia Ấn giáo duy nhất gây ra. 

Đức cha Cornelio nhấn mạnh việc cần thiết “noi gương Gandhi cổ vũ hòa hợp và hòa bình” trong xã hội. 

Đức cha nhận xét đất nước nói chung “đang đối mặt các vụ xung đột ý thức hệ và giáo phái dữ dội” như hành hình những người Hồi giáo ăn thịt bò và sát hại các nhà báo và tác giả phản đối các hệ tư tưởng Ấn giáo cánh hữu. Người Ấn giáo chính thống không ăn thịt bò vì họ xem bò là linh vật. 

Acharya Krishna Kumar Dubey, lãnh đạo Ấn giáo, và Gyani Dilip Singh, lãnh đạo Sikh giáo, cũng phát biểu với cuộc tập trung, kêu gọi người dân đi theo con đường “phi bạo lực và khoan dung” để chấm dứt bất hòa và mang lại hòa bình lâu dài cho xã hội. 

(UCAN 04.10.2017)