NHẠC SĨ PHẠM DUY QUA ĐỜI

Cây đại thụ của làng nhạc đã qua đời lúc 14h30 trưa ngày 27/1 tại bệnh viện 115, hưởng thọ 93 tuổi. Ông ra đi để lại cho đời rất nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị, trong đó còn khá nhiều tác phẩm chưa được công bố.

 

NHẠC SĨ PHẠM DUY QUA ĐỜI

Ở tuổi 93, nhạc sĩ Phạm Duy ra đi, để lại di sản sáng tác đồ sộ cùng tình yêu trọn đời dành cho âm nhạc.

Vào lúc 14h30 chiều 27/1, nhạc sĩ Phạm Duy mất tại bệnh viện 115, TP HCM sau 3 ngày nhập viện cấp cứu. Hiện người nhà ông đang làm thủ tục để chuyển thi hài người nhạc sĩ tài hoa về nhà lo an táng. Chăm sóc ông những ngày cuối đời có con trai Duy Cường luôn túc trực cùng với một vài người thân. Phút lâm chung, ông cũng ra đi trong vòng tay người thân, gia đình và bạn bè.

Từ Pháp liên lạc về, Đức Tuấn khóc: "Tôi coi Phạm Duy như một người ông. Ông ra đi mà tôi không có bên cạnh. Thật buồn". Anh cũng chia sẻ cảm xúc trên facebook: "Nghìn trùng xa cách, Ông đã đi rồi... Con xa quá không gặp được Ông lần cuối. Xin kính chúc nhạc sĩ Phạm Duy yên giấc. Một cuộc phiêu lưu mới Ông đang bắt đầu. Con sẽ hát mãi những bài hát của Ông cho một thế hệ mới".
 
Nhạc sĩ Phạm Duy Loạt chương trình giao lưu ca nhạc mừng sinh nhật Phạm Duy, chủ đề
Nhạc sĩ Phạm Duy tại cuộc giao lưu mừng sinh nhật ông với chủ đề "Tạ ơn đời" diễn ra từ ngày 5 đến ngày 18/10. Chặng cuối cùng của "Tạ ơn đời" khép lại vào ngày 18/10/2012 tại Phòng trà Da Vàng, TP HCM với ca sĩ: Cẩm Vân, Đức Tuấn, Quang Linh, Thanh Thúy, Xuân Phú... Tâm sự trong đêm này, Phạm Duy cho biết, ông rất hạnh phúc khi ở tuổi 93 vẫn cảm thấy trẻ trung và những nhạc phẩm mình sáng tác sống được theo thời gian, được các ca sĩ trẻ chọn hát. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.
 
Nhạc sĩ nổi danh qua đời chỉ hơn một tháng sau khi con trai cả Duy Quang của ông mất ở tuổi 62. Trước đó, người nhà giấu tin Duy Quang mất, vì sợ Phạm Duy buồn và ảnh hưởng đến sức khỏe vốn đã rất yếu của ông. Nhưng khi biết tin, Phạm Duy không quá đau buồn. Ông tâm sự với nữ danh ca Ánh Tuyết, ông biết con trai bệnh và sẽ không qua khỏi, nên đã chuẩn bị sẵn tâm thế để đón nhận. Nhạc sĩ Phạm Duy cảm thấy được an ủi hơn, khi con trai mất trong tình cảm yêu thương của khán giả, bạn bè và người thân.
Tuổi cao sức yếu, thời gian qua, Phạm Duy vài lần vào viện cấp cứu rồi lại ra viện khi sức khỏe có dấu hiệu phục hồi. Khoảng 2 tuần trước khi qua đời, ông còn có thể đi dạo được. Những người gần gũi ông giai đoạn cuối đời đều nhận xét, ông luôn thể hiện sự lạc quan, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống như chính âm nhạc của mình. Khoảng một tuần trước khi mất, ông còn trao đổi thư từ qua email với ca sĩ Ánh Tuyết, để góp ý cho chị về việc thực hiện những album nhạc của ông mà nữ danh ca đã ấp ủ kế hoạch từ lâu.
 
anh-tuyet-1-jpg-1359277748-1359277858_50
Cuối tháng 12/2012, nữ ca sĩ Ánh Tuyết thực hiện đêm nhạc Phạm Duy để quyên tiền ủng hộ người nhạc sĩ tài hoa mà chị yêu quý khi ông đang nằm cấp cứu. Sau đêm diễn, Ánh Tuyết mang số tiền nhỏ đến biếu ông.
 
Sau 14 ca khúc được cấp phép biểu diễn vào tháng 4/2012 như: Mùa thu chết, Giọt mưa trên lá, Tạ ơn đời, Tiễn em, Đi đâu cho thiếp theo cùng… gần đây nhất, một loạt ca khúc khác của Phạm Duy tiếp tục được cấp phép trở lại, gồm có: Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp, Mẹ chờ mong, Lúa mẹ, Nước mắt rơi, Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Phố buồn, Tiếng hát trên sông Lô, Viễn du, Xuân nồng, Biển khúc, Em hát, Khúc ru tình, Nỗi nhớ vô thường, Tình qua tin nhắn...

Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921 tại Hà Nội, tên thật là Phạm Duy Cẩn. Ông là nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ, đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông cũng từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.

Từ sau năm 1975, ông sang Mỹ sống và định cư. Năm 2005, ông về Việt Nam sống an hưởng tuổi già. Tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy được tổ chức tại tư gia ở Lê Đại Hành, phường 3, Quận 11, TP HCM. Lễ nhập quan diễn ra lúc 9h ngày 28/1, lễ động quan lúc 6h ngày 3/2. Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ yên nghỉ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Thoại Hà -  Hoàng Dung
 
==============================
 

TÌNH CA CỦA PHẠM DUY
 
Mời quý bạn hiền cùng tưởng niệm và cùng hướng về quê hương thân thương,... vớihai bản nhạc bất hủ của PhạmDuy, qua giọng ca cũng bất hủ của Thái Thanh và một bài viết về Tình Ca của PhạmDuy :

Tình Hoài Hương
http://www.youtube.com/watch?v=UiZtvzOfnGk


Tình Ca
http://www.youtube.com/watch?v=mkpj-Ht-66o


>> Tình ca của Phạm Duy 

Bài hát Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy nói về một tình yêu thiêng liêng và cao vời vợi là tình yêu non sông đất nước. Ngay từ câu mở đầu, ông đã khẳng định: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”
Phạm Duy sáng tác Tình ca năm 1952. Giai điệu và ca từ của nó trầm hùng, mênh mông, sâu lắng, thiết tha và dằng dặt thể hiện cái hào khí của Con Rồng, Cháu Tiên. Ở một góc độ nào đó, Tình ca là sự khởi đầu, là phác thảo cho trường ca Con đường cái quan mà Phạm Duy miệt mài sáng tác từ năm 1954 tới 1960. Có thể nói, Tình ca là một trường ca thu nhỏ.
Phạm Duy là một nghệ sĩ đa tình “thiên hạ vô đối”. Ông là “ông hoàng tình ca” của nhạc Việt (kể cả nhạc ngoại được ông đặt lời Việt). Cả tình yêu đôi lứa lẫn tình yêu quê hương đều được ông đưa vào âm nhạc một cách trên cả tuyệt vời. Tình ca là một điển hình, đó là tình tự dân tộc. Có thể nói không ngoa ngữ rằng: Phạm Duy là một “phù thủy âm nhạc”, hễ ông chạm tới cái gì là nó lập tức trở thành nhạc, mà là “nhạc chất lượng cao”.
Tình ca trải dài theo tiếng ru à ơi vang vọng ngàn đời của người mẹ Việt Nam. Những khoảnh khắc lịch sử, những địa danh tiêu biểu của đất nước xuất hiện trong bài hát. Tình ca có 3 lời, và cả 3 đều được khéo léo kết bằng 4 câu thơ lục bát – thơ của dân tộc Việt.
Đặc biệt bài hát được khép lại với 4 câu rất đẹp, rất thơ hòa quyện giữa hai loại nhịp điệu nhạc và thơ giúp người nghe kéo dài cảm xúc phơi phới, yêu đời:
     Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
     Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca
     Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
     Lòng tôi đã nở như là đóa hoa…
Ngoại trừ ai đó muốn chẻ chữ và tách một vài câu ra khỏi toàn bộ ngữ cảnh của nó để mà suy diễn chủ quan, toàn bộ bài hát Tình ca chỉ thể hiện tình yêu đất nước của người dân Việt, không sa đà vào khái niệm chính kiến, cũng chẳng đả động gì tới chuyện hận thù của một dân tộc đã trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm tới mức độ bi kịch lịch sử. Phạm Duy đã nói giùm người Việt những tình tự với quê hương và người Việt nào cũng có thể an nhiên tự tại mà hát nó.
Năm 2006, công ty sản xuất đầu karaoke Sơn Ca ở Saigon đã mua bản quyền 10 nốt nhạc đầu tiên của bài Tình ca để làm nhạc hiệu của mình với giá 100 triệu đồng.
 
Nhạc sĩ Phạm Duy năm 91 tuổi. (Nguồn ảnh: Internet)
Nhạc sĩ Phạm Duy trên giường bạo bệnh vẫn ôm đàn. (Nguồn ảnh: Internet)

Tình ca – Phạm Duy

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi
 
Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn khôn nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai
 
Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên…
 
2
Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Đất nước tôi! Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi.
 
Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong
 
Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi xây đắp ruộng đồng Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau
 
3
Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi
 
Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai
 
Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là đóa hoa…
 
 

Nghệ sĩ Việt ngậm ngùi tiếc nhớ Phạm Duy

Ánh Tuyết bùi ngùi vì không kịp ra đĩa nhạc tặng Phạm Duy còn Tùng Dương buồn đến nỗi ngừng ngang công việc thu âm anh đang làm khi nghe nhạc sĩ tài hoa qua đời.

Ánh Tuyết"Buồn khi không kịp mang đĩa đến tặng ông!"

Từ khi học lớp 3, lớp 4 tôi đã biết hát và yêu nhạc Phạm Duy. Ngày ấy, tuy chưa hiểu hết ý nghĩa của những ca khúc như Tình hoài hương, Đưa em tìm động hoa vàng, Ngày xưa Hoàng Thị, Áo anh sứt chỉ đường tà... tôi đã say mê và ngấm vào lòng những giai điệu trữ tình ấy. Ngày đó, ở quê, tôi còn được mọi người gọi với nickname là "Tình hoài hương" vì còn bé tý mà đã thể hiện thành công nhạc phẩm này.

pham-duy-2-jpg-1359284292-1359284296_500

Ánh Tuyết thăm Phạm Duy ngày ông nằm cấp cứu ở bệnh viện cách đây không lâu.

Trên con đường âm nhạc của mình, tôi dành cho Phạm Duy sự kính trọng, yêu mến gia tài âm nhạc đồ sộ mà ông để lại. Trong nhạc Phạm Duy có tình yêu quê hương, yêu đất nước, cuộc sống... nhưng nhiều nhất là sự đa tình - tình yêu đôi lứa.... thứ tình yêu duyên dáng, mặn mà, rất Việt Nam mà hiện đại.

Từ lâu tôi đã ấp ủ thực hiện album nhạc riêng về nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng do thời gian, do bận bịu và nhiều yếu tố khách quan, đến gần đây tôi mới có thể bắt tay vào thực hiện. Những ngày cuối đời, ông đều giữ sự vui vẻ, lạc quan và rất vui khi mỗi khi tôi ghi âm được bài hát nào đó gửi qua email cho ông nghe. Tôi rất buồn khi chưa kịp hoàn thành bộ 3 album này để đến khoe với ông như mong muốn.

Cẩm Vân: "Ông ra đi để lại mất mát lớn cho nền âm nhạc!"

Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời là một mất mát lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Tôi nhớ tiếc vừa ở góc độ một người ca sĩ thể hiện nhạc phẩm của ông vừa như một khán giả yêu thích các ca khúc của Phạm Duy. Chỉ cần nhìn vào gia tài hàng nghìn sáng tác của ông, mà phần lớn đều hay, đều đi vào lòng người nhờ vào sự hòa quyện giữa nét hiện đại và truyền thống, mới thấy được sức làm việc đáng nể cũng như sự đóng góp rất lớn của ông cho âm nhạc Việt.

Ca khúc của ông, dù sáng tác hay phổ thơ, đều tinh tế, tài hoa về giai điệu, truyền thống ra truyền thống, hiện đại ra hiện đại. Trong số các sáng tác ấy, tôi yêu nhất là bài hát Áo anh sứt chỉ đường tà. Mỗi lần thể hiện nhạc phẩm này, tôi đều cảm phục nhạc sĩ ở việc ông dồn nén được mọi cung bậc cảm xúc vào bài hát. Mọi hỷ, nộ, ái, ố... đều được gửi vào nhạc điệu.

Quang Hà: "Ông có nhiều ca khúc đi vào lòng người!"

Quang Hà khá bàng hoàng khi nhận được tin Phạm Duy Mất. Anh cho biết, những ca khúc của Phạm Duy đã đi vào lòng người mộ điệu trong và ngoài nước. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Nam ca sĩ Hà Nội chia sẻ, anh thường chọn ca khúc Cây đàn bỏ quên để hát thường xuyên trong các phòng trà ca nhạc tại TP HCM và được nhiều người yêu mến. Đây cũng là bài hát “tủ” của anh trong sự nghiệp ca hát.

19-1350380996-480x0-jpg-1359284178_500x0
Ca sĩ Mỹ Lệ.

Mỹ Lệ: "Phạm Duy đã sống trong sự yêu thương của mọi người"

Đang chuẩn bị cho đêm nhạc Cặp đôi hoàn hảo, khi được biết thông tin Phạm Duy qua đời, Mỹ Lệ cũng không khỏi chua xót.

Chị bùi ngùi, hiếm có một nhạc sĩ nào có tinh thần lạc quan và yêu đời như Phạm Duy. "Con người già rồi cũng có lúc phải ra đi nhưng nhìn lại quãng đời của nam nhạc sĩ, ông có phúc vì được sống trong sự yêu thương của người hâm mộ", chị nói.

Nữ ca sĩ cho biết, chị từng có vinh dự thể hiện các tác phẩm của ông: Tôi đang mơ giấc mộng dài,  Kiếp nào có yêu nhauTiếng đàn tôi. Theo chị, nhạc Phạm Duy đòi hỏi ca sĩ có một quãng rộng và nội lực thâm hậu. Chị cho rằng, âm nhạc của ông vừa bác học vùa gần gũi, thân quen.

Nhạc sĩ Quốc Bảo: "Phạm Duy để lại màu sắc âm nhạc chỉ riêng ông có!"

Nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ trên trang các nhân: "Ở ngoài đời, tôi chỉ trò chuyện với ông đúng ba lần: khi ông về nước lần đầu, khi làm đĩa Những bài tình Duy Quang(2005) và khi làm concert Đêm Hiền cho chị Thái Hiền (2006). Nhưng Phạm Duy là nguồn cảm hứng và ảnh hưởng lớn đến âm nhạc của tôi (giai đoạn Vàng Son) vì bằng tài năng của ông, ông đã 'bắt' tiếng Việt và ngũ cung Việt phải vang lên một cách đẹp đẽ nhất, thiết tha nhất, giàu âm hưởng nhất. Gần như một mình một cách không lẫn vào đâu, bằng những sáng tạo về lai ghép điệu thức, ông đã rải thảm hoa với màu sắc chỉ riêng ông có, cho khu vườn ca khúc Việt. Tôi viết đoạn này để tưởng niệm ông".

duong-jpg-1359283458_500x0.jpg
Ca sĩ Tùng Dương bên nhạc sĩ Phạm Duy.

Tùng Dương: "Quá buồn về sự ra đi của ông"

Tôi đang thu âm thì nhận được tin về cái chết của Phạm Duy. Tôi quá buồn và không thể hát được nữa trước hung tin này. Không thể buồn hơn được nữa... Tôi là một trong nhiều ca sĩ yêu nhạc của ông. Sự ra đi của ông khiến không chỉ tôi mà hàng ngàn người yêu nhạc Việt Nam phải tiếc thương. Tôi dành một phút cúi đầu trước vong linh của ông.

Tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy được tổ chức tại tư gia ở Lê Đại Hành, Phường 13, Quận 11, TP HCM. Lễ nhập quan diễn ra lúc 9h ngày 28/1. Lễ động quan lúc 6h ngày 3/2. Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ yên nghỉ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Hoàng Dung - Thoại Hà ghi

VNExpress.