Mưởi ngày cho hoà bình tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử
Trong sứ điệp phổ biến nhân “Mười ngày cho hoà bình”, từ mùng 6 tới 15 tháng 8 để tưởng niệm các nạn nhân của vũ khí nguyên tử HĐGM Nhật Bản khẳng định rằng “Hoà bình không thể được xây dựng với quyền bính quân sự. Vì thế chúng tôi kêu gọi chính quyền Nhật và mọi người thiện chí thực thi đối thoại chân thành và lâu bền để thiết lập hoà bình tại Á châu và trên thế giới, không đáp trả lại các đe dọa của các nước láng giềng hay của phong trào khủng bố phá hoại bằng quân sự. Chỉ qua bất bạo động và tình yêu thương mới vượt thắng được bạo lực. Giáo Hội ủng hộ quyền có một cuộc sống hoà bình, được bảo đảm bởi Hiến pháp Nhật đã có từ 70 năm qua”.
Giáo Hội Nhật Bản cũng nhắc tới kỷ niệm 500 năm phong trào Cải cách do Luther khởi xướng. Biến cố này sẽ được cử hành vào ngày 23 tháng 11 tới đây tại nhà thờ chính toà Urakami ở Nagasaki. Đây cũng là nơi tổ chức diễn đàn đối thoại, do các Giám Mục công giáo và Luther cùng bảo trợ. Thông cáo do ĐC Joseph Mitsuaki Takami, chủ tịch HĐGM Nhật Bản ký tên, cũng cho biết: “Nagasaki đã sống kinh nghiệm Kitô giáo bị bách hại và thảm cảnh nguyên tử của thế kỷ XX. Sẽ không phải là điều tuyệt diệu hay sao, nếu giờ đây nó tiếp đón một cuộc gặp gỡ cầu nguyện và đối thoại giữa các kitô hữu, nó cũng cống hiến một mô thức hoà bình trên thế giới?”
Ngoài ra, các Giám Mục Nhật Bản cũng đề cập tới luật mới được Quốc Hội Nhật phê chuẩn liên quan tới phạt tội dự tính khủng bố phá hoại và các thứ tội phạm khác. Luật mới cho phép cảnh sát bắt giữ bất cứ ai bị tình nghi là đang chuẩn bị một vụ khủng bố phá hoại. Các Giám Mục viết: “Một luật như thế có nguy cơ dẫn tới một xã hội bị kiểm soát và hạn chế các quyền của công dân. Nhưng trong quá khứ khi quyền bính của chính phủ đã vi phạm sự tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo, Nhật Bản đã đi tới chiến tranh. Chúng ta có bổn phận phải để lại cho con cháu chúng ta một xã hội, trong đó các quyền nền tảng con người, bao gồm cả quyền tự do tín ngưỡng và nhân phẩm, được tuyệt đối tôn trọng, không đi tới chiến tranh”.
** Tiếp tục thông cao các Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Nạn khủng bố phá hoại thường xuyên xảy ra tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới này. Nhưng bởi vì các quốc gia dành ưu tiên cho các lợi lộc riêng tư, cho nên mối âu lo đó là việc các nước không cộng tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu, như số người di cư tỵ nạn gia tăng, nạn buôn người lan tràn, các lạm dụng khai thác và tàn phá thụ tạo, với các hậu quả nghiêm trọng cho các giai tầng yếu kém nhất như trẻ em, phụ nữ và người già”. Kết thúc thông cáo, các Giám Mục Nhật Bản mời gọi mọi người tha thiết cầu nguyện và hoạt động cho một xã hội hoà bình và công bằng hơn.
Từ nhiều thập niên qua HĐGM Nhật Bản đã liên tục lên tiếng kêu gọi chính quyền và toàn dân tỉnh thức trước nguy cơ cuả nạn chạy đua vũ trang và của một cuộc chiến hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là khi tình hình thế giới căng thẳng vì các tranh chấp lợi lộc giữa các cường quốc kinh tế đồng thời cũng thường là các cường quốc có vũ khí hạt nhân. Điển hình như tình trạng căng thẳng giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ, giữa một bên là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước vùng Đông Nam Á và bên kia là Trung Quốc, là nước dùng vũ lực lấn chiếm biển đảo của Việt Nam, xây các đảo nhân tạo, đưa binh lính và vũ khí chiến lược tới bố trí tại các đảo này, và xấc xược vẽ bản đồ lưỡi bò cướp biển Đông, vi phạm luật hàng hải quốc tế. Cho tới nay Hoa Kỳ và các nước trong Liên Hiệp Âu châu vẫn còn buôn bán với Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khổng lồ đem lại rất nhiều lợi nhuận cho họ, nên chưa nước nào muốn mất đi nguồn lợi kinh tế trong các dịch vụ làm ăn với Trưng Quốc. Nhưng khi các quyền lợi của họ bị xâm phạm, chắc chắn Hoa Kỳ và các nước Tây Âu cũng như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ sẽ không ngồi yên nhìn Trung Quốc một mình muá võ trên Biển Đông và độc quyền trên vùng đại dương lộ trình chuyên chở 50% các loại hàng từ Đông sang Tây.
Trở lại với biến cố hai trái bom nguyên tử đầu tiên do không quân Hoa Kỳ thả trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trong hai ngày mùng 6 và mùng 9 tháng 8 năm 1945 , hình chiếc nấm khổng lồ có thể là biểu tượng và là hình ảnh tàn phá không thể quên nổi. Lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945 trái bom “Little Boy” Thằng bé đã được ném xuống thành phố Hiroshima khiến cho thành phố biến thành bình địa trong tích tắc sau khi bom nổ, và ít nhất 80.000 ngàn người đã chết tại chỗ.
** Cùng cảnh tượng này lập lại ba ngày sau đó mùng 9 tháng 8 tại Nagasaki với qủa bom mang tên "Fat man" người mập. Chính cha Pedro Arrupe, sau này là Bề trên tổng quyền dòng Tên, đã kể lại biến cố ấy như sau, vì cha có mặt tại Hiroshima khi bom nổ: “Đúng lúc 8 giờ 15 phút sáng tôi trông thấy quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nổ trên thành phố Hiroshima… Trong khoảnh khắc đó tôi đang ở trong văn phòng của tôi cùng với một linh mục khác nữa. Trước hết chúng tôi đã trông thấy ngọn lửa tàn sát: tôi nhảy chổm lên chạy ra cửa sổ và trong lúc đó có một tiếng nổ vang tới chúng tôi, không phải là một tiếng nổ khổng lồ, nhưng như cái gì tuyệt đối khác, tôi nhớ như là một loại tiếng gầm khổng lồ… Chúng tôi nhìn về phía thành phố. Hiroshima không còn nữa. Thay vào chỗ của nó là một lò lửa cháy…”. Các tu sĩ dòng Tên đã đứng trước các thương tích kinh khủng, các thân mình bị sức nóng thiêu rụi, các hình hài quái đản và kinh khiếp. Các tu sĩ đã tiếp xúc với hàng trăm thảm cảnh thê thảm trong các ngày sau đó.
Cha Arrupe kể tiếp: một trong các cảnh thê thảm đó là của một nữ sinh viên công giáo: cô Nakamura San, thuộc giáo xứ do tôi trông coi. Cô có mặt tại Hiroshima ngày bom nguyên tử nổ. Cô cho gọi tôi. Tôi đã tìm thấy cô trong một căn chòi, đã không có ai muốn tháp tùng tôi tới đó. Họ đứng từ xa chỉ cho tôi chỗ cô nằm. Trước khi trông thấy cô tôi đã ngửi thấy mùi thịt bị tàn phá khiến buồn nôn. Nakamura San nằm trên mặt đất chân tay giang ra và sưng phồng khủng khiếp. Thịt bị cháy phỏng chỉ cho thấy xương và da. Cô đã nằm trong các điều kiện như thế 15 ngày. Nakamura San mở mắt ra, cô nhận ra tôi và chỉ nói với tôi các lời này, mà tôi sẽ không bao giờ quên “Arrrupe shimpusama, Goseitai, o motte irasshaimashita ka?” Cha Arrupe, cha có mang Mình Thánh Chúa cho con không?
Cách đây hai năm ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, cũng đã có mặt tại Nagasaki để cầu nguyện cho cô Nakamura San và tất cả các nạn nhân của bom nguyên tử. Ngài đã tham dự hội nghị kéo dài 5 ngày để suy tư, cầu nguyện và thăng tiến hoà bình nhân lễ kỷ niệm biến cố hai trái bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử được ném xuống trên hai thành phố Nhật Bản. Chuyến viếng thăm của ĐHY cũng năm trong khuôn khổ “Mười ngày cầu nguyện cho hoà bình” do HĐGM Nhật Bản phát động. ĐHY cũng đã chủ sự thánh lễ trong nhà thờ chính toà Hiroshima và tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn, trong đó ĐHY đọc một bài diễn văn nói về việc cộng tác với nhau để xây dựng nền hoà bình thế giới. Tiếp đến ngài cũng viếng thăm Nagasaki và tham dự buổi cầu nguyện liên tôn tưởng niệm các nạn nhân tại “Ground Zero Park” trong thành phố. Và ngày mùng 9 tháng 8 ngài chủ sự thánh lễ cầu cho hoà bình thế giới trong nhà thờ chính toà Nagasaki.
** Sáng kiến “Mười ngày cầu nguyện cho hoà bình” của HĐGM Nhật Bản cần thiết hơn bao giờ hết. Xét vì tình hình vũ khí hạt nhân lan tràn trên thế giới. Tuy có các chương trình bài trừ vũ khí hạt nhân và các hoả hiệp giữa các cường quốc nguyên tử, nhưng hiện nay trên thế giới vẫn còn có 16.000 đầu đạn nguyên tử, có khả năng gây ra các thảm cảnh không thể tả được cho toàn gia đình nhân loại. Cũng chính vì thế cách đây 3 năm cộng đồng thánh Egidio đã cùng với các hiệp hội tôn giáo Nhật Bản tổ chức một đại hội vào ngày mùng 6 tháng 8 tại Hiroshima. Trong ngày đại hội các chuyên viên và các tham dự viên Nhật Bản và quốc tế đã cùng nhau suy tư và trao đổi ý kiến nhằm nhận diện các bước cần thiết phải làm một cách cấp bách nhằm đạt tới một việc giảm thiểu các kho vũ khí hạt nhân trên thế giới. Hội nghị nhắm mục đích thăng tiến việc giải giáp vũ khí hạt nhân và bài trừ việc chế tạo các vũ khí nguyên tử. Ngày nay người dân trên thế giới ý thức nhiều hơn về các nguy hại to lớn của các vũ khí nguyên tử, vì thế càng ngày càng có nhiều người chống lại việc sử dụng vũ khí nguyên tử. Liên Hiệp quốc cũng đã bỏ phiếu yêu cầu chấm dứt việc sử dụng các vũ khí hạt nhân . Đương nhiên là các cường quốc lớn, thành viên của Hôi Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đã không ký nhận, vị họ không muốn nằm dưới quyền của tổ chức này.
Điều này cho thấy sự hàm hồ của các cường quốc. Một đàng thì tìm kiếm hoà bình, đàng khác lại tìm cách gây ra chiến tranh và gia tăng việc sản xuất vũ khí. Vì thế mọi hội nghị hoà bình do các cường quốc triệu tập chỉ là trò đánh lận con đen. Và chính các cường quốc và quốc gia tây âu là các nước có kỹ nghệ sản xuất và buôn bán vũ khí mạnh nhất. Vì lợi nhuận mọi quốc gia này đều giả vờ điếc và mù, nhưng không câm vì vẫn luôn luôn mạnh miệng cổ võ hoà bình. Và đây chính là điều nhà nước Bắc Hàn đang thực thi. Lãnh tụ Kim Yong Un chỉ phản ánh tâm thức chung của các cường quốc thế giới thôi. Riêng bên Á châu có căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan là hai cường quốc hạt nhân từ lâu nay vẫn dùng vũ khí nguyên tử để đe dọa nhau. Và việc đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử từ bao thập niên quan vẫn là chính sách có từ thời chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ các nước Tây Âu có vũ khí hạt nhân và Nga. Trong khi Trung Quốc cũng liên tục nỗ lực chế tạo và củng cố kho vũ khí nguyên tử của mình.
Với sự kiện các nạn nhân của hai quả bom nguyên tử đầu tiên dần dần chết hết, thế giới cũng có nguy cơ mất đi ký ức về thảm cảnh hạt nhân. Với tình hình suy yếu kinh tế mà Nhật Bản đang phải đối đầu, cộng thêm với các vấn đề chính trị trong vùng của các tương quan với Trung Quốc và Bắc Hàn, người trẻ Nhật Bản gặp nguy cơ sống qua ngày, mà không nghĩ và lo lắng cho tương lai. Nạn sóng thần gây ra vụ nổ lò nguyên tử Fukushima hồi năm 2011 gây ra nạn ô nhiễm biển và đất liền khiến cho người dân Nhật Bản nổi loạn đối với việc dùng năng lượng hạt nhân. Trong khi thủ tướng Shinzo Abe và đảng cầm quyền muốn vượt thắng hậu qủa của Đệ Nhị Thế Chiến là Hiến pháp chủ hoà của Nhật, để cho Nhật Bản có một quân đội và vũ khí, hầu có thể đối phó với các đe dọa từ phiá Trung Quốc và Bắc Hàn, vì cho tới nay năng lượng hạt nhân chỉ được sử dụng cho mục đích hoà bình mà thôi.
Linh Tiến Khải, RadioVaticana