Tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các nhóm thiểu số tại Sri Lanka
COLOMBO: Tín hữu các tôn giáo thiểu số tại Sri Lanka yêu cầu chính phủ tôn trọng quyền tự do tôn giáo.
Họ đã đưa ra lời kêu gọi trên đây khi bình luận về lời tuyên bố của thủ tướng Ranil Shriyan Wickrenmesinghe khẳng định rằng Phật giáo là tôn giáo của đa số dân trong Tân Hiến pháp Sri Lanka. Ông đã tuyên bố như trên để làm dịu các phản đối của một nhóm 70 nhà sư cấp tiến quá khích đe dọa sẽ có các hậu qủa nghiêm trọng, nếu Tân hiến pháp không có các bảo đảm đặc biệt cho Phật giáo là tôn giáo của 70% dân chúng Sri Lanka.
Mục sư Anh giáo Samuel Ponniah, cha sở họ đạo thánh Gioan Tiền Hô tại Chundikulil trên đảo Jaffna nói: “Mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến riêng của mình. Các nhà sư đã làm điều đó trong bối cảnh dân chủ. Chính quyền được bầu lên năm 2015 đã hứa thay đổi Hiến Pháp. Nhưng giờ đây điều gì sẽ xảy ra, nếu chính quyền không giữ lời hứa? Trong quá khứ dân chúng đã bị lừa nhiều lần lắm rồi. Lý tưởng là phải tách biệt nhà nước và tôn giáo”.
Các kitô hữu Methodist và tín hữu các Giáo Hội Kitô khác cũng nhấn mạnh rằng “Sri Lanka là một quốc gia đa chủng tộc và đa tôn giáo. Đúng thật là Phật giáo chiếm 70% trên tổng số 21 triệu dân, nhưng cũng đúng là có nhiều người Sri Lanka theo Hồi giáo, Kitô giáo và Ấn giáo. Các tín hữu Ấn giáo chiếm hơn 12%. Sri Lanka phải có một chính phủ đời, tôn trọng mọi tôn giáo. Chỉ như vậy mới có bình đẳng và hiệp nhất.”
Theo luật sư kitô Migara Doss các lời của thủ tướng “chỉ kéo dài sự độc tài của đa số. Chúng ta phải hiểu lịch sử của chúng ta và bối cảnh quốc gia. Chỉ thăng tiến một nhóm chủng tộc hay tôn giáo thôi đã luôn luôn gây ra thiệt hại cho sự hiệp nhất quốc gia”. Còn đối với ông Hilmy Ahammod, thành viên Hội đồng Hồi giáo Colombo, “lời tuyên bố của thủ tướng Wickrenmesinghe là một thảm kịch chính trị. Việc Phật giáo là tôn giáo đa số đã là một sự kiện. Nhưng các nhóm tôn giáo thiểu số khác phải có quyền tự do tuyên xưng niềm tin theo lương tâm của họ. Tất cả mọi tôn giáo đều có tầm quan trọng như nhau và phải được tôn trọng, có giá trị và tự do như nhau. Chúng tôi tín hữu hồi cũng là người, và chúng tôi muốn sống trong hoà bình không có vấn đề, chứ không phải sống trong sự sợ hãi bị các tín đồ phật giáo bạo hành”.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 26.07.2017/ Oss. Rom 21-7-2017)