Thế hệ người trẻ Nigeria bị biến thành trẻ mồ côi sống lây lất giữa những thành phố lớn
Tại Phi châu, một phóng sự do hãng thông tấn Pháp AFP thực hiện hôm 18.05 vừa qua cho biết một thế hệ người trẻ Nigeria, bị cuộc chiến chống nhóm Boko Haram biến thành trẻ mồ côi đang phải sống lây lất giữa những thành phố lớn tại đây, nhất là tại Maiduguri.
Maiduguri là nơi phát sinh ra nhóm Boko Haram. Nạn nghèo khó tột cùng, nạn thất nghiệp cao và sự tham nhũng trong chính quyền địa phương là nguyên nhân khiến Boko Haram phát triển trong lòng người dân địa phương trước khi biến thành một phong trào thánh chiến hồi giáo cuồng tín và khát máu.
Ông Kashim Shettima, thống đốc bang Borno, có thủ phủ là Maiduguri, cho biết theo con số chính thức, bang Borno có khoảng 52 ngàn trẻ mồ côi, nhưng trên thực tế con số này lên tới trên 100 ngàn, trong số đó, một nửa ở tại Maiduguri. Nếu không được giáo dục, số những người trẻ này có thể trở thành những quái vật có thể nuốt chửng tất cả chúng ta.
Boko Haram trong thổ ngữ haoussa địa phương, có nghĩa là “nền giáo dục tây phương là tội lỗi”. Vì thế, nhóm này tổ chức nhiều cuộc tấn công thảm khốc nhắm vào các trường học, giết hại giáo sư và ngăn chặn học sinh đến trường để chống lại giáo dục phát triển.
Hiện nay, tại các trại di cư tỵ nạn ở vùng biên giới giáp nước Niger hay Camerun, hoặc ở những nơi có chiến tranh xung đột, không hè có trường sở nào cả. Riêng tại Maiduguri, dân số tại đây đã tăng hơn gấp đôi vì người tản cư tỵ nạn chạy về, trong số này có hàng chục ngàn trẻ em. Hầu như tất cả các em đều chưa bao giờ cắp sách đến trường.
Ông Samuel Manyok, chuyên viên bảo vệ trẻ thơ của UNICEF, cho rằng con số trẻ thất học ở Maiduguri lên đến ngang hàng với con số trẻ thất học ở Somalia và Nam Sudan gộp lại. Ông thống đốc bang Borno kêu gọi thế giới trợ giúp để xây cất ít nhất 20 trường sở mới trên toàn lãnh thổ Borno và một cô nhi viện có sức chứa 8000 em. Các trường sở cũ trước đây đã bị trưng dụng để đón tiếp làn sóng người tỵ nạn. Dạo tháng 9 năm ngoái, một số trường đã được khai giảng trở lại, nhưng không đủ để thâu nhận toàn bộ trẻ em trong thành phố.
Ông Manyok, chuyên viên của UNICEF khẳng định cần phải giải quyết gấp vấn đề này nếu không, vùng Đông Bắc Nigeria sẽ không bao giờ chấm dứt được cái vòng lẩn quẩn của bạo lực. Ông nói: Trẻ em nơi đây cần được giáo dục, cần có một cơ hội thứ hai để xây dựng tương lai. Đây thật là một quả bom nổ chậm.
(Mai Anh, RadioVaticana 27.05.2017/ AFP 18.05.2017)