Nhà thờ Công giáo ở Nepal bị phóng hỏa
Hỏa hoạn gây thiệt hại một phần nhà xứ và nhà thờ chính tòa Mông Triệu ở Kathmandu.
Những kẻ phá hoại cố ý phóng hỏa nhà thờ chính tòa Mông Triệu ở Kathmandu, nơi thờ tự công khai đầu tiên của người Công giáo trong quốc gia đa số Ấn giáo Nepal.
Cha Ignatius Rai, chánh xứ giáo xứ chính tòa, cho biết vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 3 giờ sáng ngày 18-4 khi “những kẻ không rõ danh tánh” đột nhập vào trong khuôn viên nhà thờ.
Những kẻ này phóng hỏa làm thiệt hại một phần nhà xứ và phần phía tây nhà thờ. Một xe hơi và 2 xe máy bị cháy trụi. Không có trường hợp thương vong nào được báo cáo.
“Vụ việc này khiến mọi người sửng sốt. Cộng đồng Kitô hữu địa phương hiện đang sống trong cảnh bị đe dọa”, cha Rai nói với ucanews.com.
Sự việc xảy ra 2 ngày sau khi cộng đồng Kitô hữu ở Nepal và các nơi khác trong nước này mừng lễ Phục sinh hôm 16-4. Cảnh sát hiện đang điều tra vụ này.
Đây là lần thứ hai nhà thờ bị nhắm làm mục tiêu. Năm 2009, một quả bom phát nổ ở đó, khiến 3 người thiệt mạng trong đó có một nữ sinh và 15 người khác bị thương.
Năm 2010, Ram Prasad Mainali, kẻ đứng đầu nhóm Ấn giáo cực đoan ít được biết đến, Nepal Defense Army, bị bắt do liên quan đến vụ đánh bom này.
“Chúng tôi đang lo sợ. Lần này không ai để lại thứ gì trong khuôn viên nhà thờ vì thế chúng tôi không biết vụ tấn công này do cá nhân hay tổ chức bất mãn thực hiện”, cha Silas Bogati, cựu chánh xứ giáo xứ chính tòa Mông Triệu, nói.
Giáo xứ lên án vụ tấn công và phát hành thông cáo kêu gọi điều tra rõ vụ tấn công.
“Giáo hội Công giáo tham gia công tác xã hội nửa thập niên nay và sẽ tiếp tục làm việc cho dù bị tấn công thường xuyên”, theo thông cáo viết bằng tiếng Nepal, chắc chắn không ai muốn để vụ tấn công này phá hoại sự hòa hợp tôn giáo trong đất nước.
Nepal sẽ tổ chức các cuộc bầu cử ở địa phương lần đầu tiên trong hai thập niên nay vào ngày 14-5. Các cuộc bầu cử sắp tới được xem là một bước quan trọng hướng đến thực hiện hiến pháp mới được chính phủ Nepal thông qua năm 2015.
Hiến pháp lần đầu tiên cho phép tái cơ cấu nền cộng hòa thế tục liên bang.
Tuy nhiên, đảng Rastriya Prajatantra, thế lực lớn thứ 4 trong quốc hội, quyết định vận động phục hồi nhà nước Ấn giáo trong các cuộc thăm dò dân ý sắp tới.
“Chúng tôi háo hức mong chờ các cuộc bầu cử địa phương sắp tới trong nước và chúng tôi đang đồng hành cùng chính quyền. Nếu vụ này có mang động cơ chính trị cũng sẽ không phương hại bầu khí hòa bình trong nước”, cha Bogati bình luận.
Nhà thờ Mông Triệu, có sức chứa 1.000 người, kết hợp các yếu tố Phật giáo và Ấn giáo theo phong cách kiến trúc chùa-gothic. Nhà thờ Công giáo công khai đầu tiên ở Nepal được xây dựng sau khi hiến pháp mới được ban hành năm 1991 cho phép người dân Nepal có quyền tự do hành đạo công khai miễn là không cố ý cải đạo người khác. Trước đó, các nghi lễ Công giáo trong vương quốc Ấn giáo này chỉ được tổ chức trong các nhà nguyện của trường học Công giáo, tu viện và các trung tâm xã hội.
Người Công giáo chiếm một phần rất nhỏ trong số Kitô hữu ở Nepal, trong đó đa số là người Tin lành. Theo Niên giám Công giáo Nepal, có khoảng 8.000 người Công giáo ở Nepal, đa số ở vùng miền đông có các giáo xứ được thành lập năm 1999. Nepal có khoảng 28 triệu dân, trong đó 80% là người Ấn giáo.
(UCAN 19,04.2017)