Ngày 19/7 vừa qua, JPIC – Dòng Anh Em Hèn Mọn đã tổ chức khóa học trực tuyến “Cuộc cách mạng Laudato Si”, nhân kỉ niệm 5 năm ngày Đức Thánh Cha Phanxico ra Thông điệp Laudatosi. Nó thật hân hạnh để tham dự khóa học này. Thoạt đầu, nó cảm thấy e ngại vì khóa học mang tính quốc tế mà ngôn ngữ nó giới hạn. Nhưng nghĩ lại, học trực tuyến thì đâu có ai thấy ai và đây cũng là cơ hội để nâng cao vốn tiếng anh, thế là nó tham dự. Thật cám ơn Chúa vì Ngài đã dùng động lực ban đầu rất con người này để mở mắt tâm hồn nó trước những gì đang diễn ra cho thiên nhiên, cho Mẹ Đất. Mở mắt tâm hồn để nó cùng thổn thức với tiếng kêu của người nghèo, để cùng ưu tư và thêm động lực cho những hành động thiết thực nhằm cứu lấy Mẹ Đất cũng như tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai.
Khóa học xoay quanh và đào sâu thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxico với các đề tài:
- Lời mời gọi hoán cải sinh thái và sự thay thế toàn diện cho mô hình kỹ trị.
- Tin Mừng của Tạo Thành
- Lời mời gọi sinh thái toàn vẹn – Một góc nhìn từ những Đất nước nghèo (Global South)
- Hướng tới cách tiếp cận nhất quán đối với xã hội và hệ sinh thái
- Những thay đổi về thể chế, hệ thống và lối sống
- Một con đường hướng đến sự giáo dục hiểu biết về hệ sinh thái và tinh thần cho sự biến đổi của xã hội.
- Tiếng kêu của Trái Đất, tiếng kêu của người nghèo - Lời đáp trả từ người trẻ lãnh đạo các phong trào xã hội.
Ở đây xin được tóm lược và chia sẻ vài tâm tình.
Trước hết, những gì đang xảy ra cho ngôi nhà chung của chúng ta? Những vấn đề thường được nhắc đến: sự ô nhiễm và biến đổi khí hậu, vấn đề “nước”, vấn đề mất dần sự đa dạng sinh học....Thực tế gần đây nhất, chắc mọi người vẫn chưa quên cơn bão Molave đã viếng thăm các tỉnh Miền Trung Việt Nam và gây không ít thiệt hại, Vamco tại Philippines, Nivar tại Ấn Độ (26/11) hoặc trận lụt kinh hoàng ở Brazil (ngày 28/11). Và trận động đất 7 độ richter tại Thổ Nhĩ Kì vào cuối tháng 10 vừa qua.....và còn rất nhiều thiên tai khác ở khắp nơi trên thế giới. Phải chăng thiên nhiên đang nỗi giận? Hay nói cách tích cực hơn thiên nhiên đang lên tiếng cảnh báo và mời gọi con người hãy làm hòa với thiên nhiên. Vậy làm sao để đáp trả tiếng kêu này của Mẹ Đất?
Với Cha Thánh Phanxico, việc ôm hôn người cùi là bước khởi đầu, mở ra con đường hoán cải đích thực. Để đi đến động thái này, chắc hẳn Ngài đã trải qua cuộc chiến đấu nội tâm, nhận ra sự cùi hủi nơi mình – chấp nhận nó – cảm nhận lòng thương xót của Chúa – đi đến hành động. Cùng một tiến trình như thế, Cha Thánh là mẫu gương cho chúng ta trong đời sống Hoán Cải. Để có thể ôm lấy những tổn thương, đau đớn của Mẹ Thiên Nhiên, chúng ta cần nhận ra sự cùi hủi nơi mình – chấp nhận nó và cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa để đi đến sự biến đổi tận căn bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Ngoài ra, chính sự Hoán Cải – nhận ra sự giới hạn của bản thân giúp ta nhìn thấy vẻ đẹp của người khác, của thiên nhiên, vạn vật và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những thụ tạo ấy. Hơn nữa, chính sự khiêm tốn nhận ra những yếu đuối của mình sẽ giúp ta khiêm nhường đón nhận sự ngang hàng của mình với các thụ tạo khác, để rồi đi đến sự hoán cải, thay đổi nhận thức và não trạng của sự thống trị sang vai trò quản lí và hơn nữa là tương quan anh chị em đối với thiên nhiên, tạo vật.
Việc đáp trả tiếng kêu của thiên nhiên, cũng là lời đáp trả tiếng kêu của người nghèo. Laudato Si, không chỉ đơn thuần là thông điệp về môi trường, nhưng những vấn đề về nhân quyền và công bằng xã hội cũng được Đức Thánh Cha đề cập đến (LS 43 – 52).
Cách cụ thể một ngày kia trong khóa học, nó bỗng giật bắn mình trước câu hỏi của thuyết trình viên Steeven Kezamutima đến từ Kenya với đề tài “Lời mời gọi sinh thái toàn vẹn – Một góc nhìn từ những Nước Nghèo (Global South)”. Câu hỏi được đặt ra: “Có khi nào bạn cầm chiếc điện thoại đắt tiền trên tay và nghĩ đằng sau nó là những người đang đói khổ và bệnh tật chưa?”. Nó tự hỏi, “có gì liên quan giữa điện thoại và người nghèo?” Và câu trả lời thế này, bởi vì những vật liệu thô để làm nên những sản phẩm đắt tiền như điện thoại, laptop, máy tính bảng....đều được các Nước Giàu (Global North) khai thác từ những Nước Nghèo ở Châu Phi – nơi có những nguồn khoáng sản phong phú và quí giá. Thế nhưng, những nước nghèo này họ chỉ được chi trả cho những nguyên liệu này với giá rẻ mạt hoặc thậm chí các nước giàu ấy trả cho họ trên danh nghĩa từ thiện. Mặt khác, các nước giàu còn biến một số vùng của Kenya hay Congo thành bãi rác của họ. Thật quá bất ngờ, lần đầu tiên nó được biết điều này. Khi nêu lên vấn đề này ở đây chắc chắn nó không khuyên bạn thôi đừng dùng điện thoại nữa, nhưng nó muốn nói đến cách bạn sử dụng, mua sắm. Thật thế, ở thời đại kĩ thuật số này không ít người có hơn 1 chiếc điện thoại, ngoài ra còn có thêm laptop, máy tính bảng...Vậy nên, trong tình liên đới với người nghèo và với Mẹ Đất ta cần có thái độ nào trong việc sử dụng, mua sắm các thiết bị điện tử? Đây chỉ là một trong muôn vàn sự bất công khác trong xã hội ví như nạn buôn người, phá thai, phân biệt chủng tộc, văn hóa dùng một lần (throw –away)....Vì thế, ta được mời gọi sống sự thật trong môi trường sống của mình qua những chọn lựa nhỏ nhất.
Laudato Si - Thông điệp rất Phan Sinh thứ nhất và gần đây thông điệp rất Phan Sinh thứ hai - FRATELLI TUTTI - Tình huynh đệ và Tình hữu nghị xã hội. Qua đó, có thể thấy rằng Giáo hội đang ở trong thời điểm rất Phan Sinh. Hay nói cách khác, tinh thần Phan Sinh đang ảnh hưởng sâu đậm trong Giáo Hội hiện nay. Vậy đây là lúc rất thuận lợi và đầy gợi hứng cho mỗi thành viên của gia đình Phan Sinh nói lên tiếng nói của mình cho Mẹ Đất và cho người nghèo. Người Việt Nam ta thường nói: “Con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh.” Là con cái Cha Thánh Phanxico, chúng ta giống Ngài ở điểm nào? Xin cho mỗi thành viên gia đình Phan Sinh luôn mạnh mẽ, kiên quyết và sáng tạo để sống thời khắc Phan Sinh này cách thuyết phục nhất.
A.Q fmm