Trong sứ điệp, các Giám mục cũng bày tỏ sự gần gũi với mọi người trên trái đất và khẳng định nước là một nguồn lợi chung, việc sử dụng nó phải được thực hiện phù hợp với điều này. Chính vì thế, không được dùng nước cho mục đích thương mại, xem nước là hàng hóa như mọi loại hàng hóa khác, tư nhân hóa nước.
Ngày Lễ Tạ ơn là cơ hội để suy tư về lợi ích chung và ý nghĩa của việc chung sống, cha Bruno Bignami, Giám đốc Văn phòng Quốc gia về Các vấn đề Xã hội và Công việc của Hội đồng Giám mục nhấn mạnh và nhắc lại rằng rửa tay là một trong những hành động được ghi dấu bởi đại dịch. Không đảm bảo việc tiếp cận với nước cho tất cả mọi người là một sự “bất công xã hội”.
Cha Bignami nói thêm: “Suy tư về nước có nghĩa là đi đến cội nguồn của sự chung sống xã hội. Thực tế là ngày nay rất nhiều công ty kiếm lợi từ nước. Nhưng trên hết chúng ta phải nhận ra nước là một ân ban. Chúng ta không chỉ hiểu nước là một nguồn tài nguyên có hạn, nhưng nước phải được quản lý một cách khôn ngoan. Một vấn đề mang tính thời sự trong thời đại của chúng ta, đó là làm sao để đảm bảo nước không bị lãng phí và không trở thành một vấn đề, như đã từng xảy ra trong lịch sử”.
Hôm Chúa nhật 08/11, tại buổi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến Ngày Lễ Tạ ơn này. Ngài nói: “Nước rất quan trọng cho nông nghiệp và cuộc sống. Tôi gần gũi với thế giới nông thôn bằng lời cầu nguyện và tình cảm, đặc biệt những nông dân nhỏ bé. Hơn bao giờ hết, trong thời điểm khủng hoảng này, công việc của họ rất quan trọng. Cùng với các Giám mục Ý, tôi mời gọi mọi người hãy bảo vệ nước như lợi ích chung. Trong việc sử dụng nước phải tôn trọng tính toàn cầu của nước”.
Ngọc Yến - Vatican News