Báo Gia đình Công giáo cho biết, án phong thánh của em Anne-Gabrielle Caron (2002-2010) đã được giáo phận Toulon chính thức mở. Bị bệnh ung thư, thử thách khủng khiếp của em là dịp thăng tiến thiêng liêng đáng kinh ngạc của em. Theo Đức Giám mục Dominique Rey, giáo phận Toulon, thì em Anne-Gabrielle Caron cho chúng ta một bài học hy vọng tuyệt vời. Ngài nói với trang Aleteia: “Em Caron đã sống căn bệnh của mình y hệt như sự Thương khó của Chúa Kitô. Tôi cầu nguyện cho em và tôi thấy trong đau đớn của em, em nhận cuộc sống như món quà Chúa trao ban. Anne-Gabrielle là chứng nhân của Chúa, là dấu hiệu của Chúa”.
Đối diện căn bệnh và cái chết
Luôn luôn tươi cười vui vẻ, sẵn sàng chăm sóc ba người em của mình, thích sinh hoạt hướng đạo, em Anne-Gabrielle Caron đối diện với cơn bệnh khắc nghiệt và cái chết. Năm em lên 7, càng ngày em càng đau một bên chân. Sáu tháng sau căn bệnh phủ phàng được chẩn đoán: em Anne-Gabrielle bị loại bệnh ung thư rất hiếm: sarcoma Ewing tổn hại đến ống chân. Em được điều trị hóa trị ở bệnh viện La Timone, Marseille trong vòng tám tháng. Cả gia đình buồn bã… nhưng người thân và các cô y tá ở bệnh viện đã lên chương trình để hỗ trợ gia đình về mặt tinh thần cũng như các mặt khác. Dù em được điều trị bằng các phương pháp khác nhau nhưng rồi căn bệnh ung thư bị tái phát. Bệnh di căn toàn thân và vào đến xương. Dưới tác dụng của móc-phin, em gần như không chịu được sức nặng của cơ thể mình.
Dù vậy, tuy còn nhỏ nhưng em đã cho một bài học hy vọng rất lớn. Em là hiện thân câu trích của Tông huấn Ý nghĩa đau khổ của con người (Salvici doloris): “Theo gương Chúa Kitô, đau khổ có thể trở thành lời cầu nguyện. Kết hiệp với Chúa Kitô, đau khổ có thể vào trong thứ trật của tình yêu và mang lại ân sủng cho người khác.”
Như bà Marie-Dauphine Caron, mẹ của em Anne-Gabrielle giải thích trong quyển sách chứng từ sâu sắc Nơi hy vọng không còn thì bừng sáng lên Hy vọng (Là où meurt l’espoir, brille l’Espérance), không có chuyện nói “vâng” với đau khổ. Nhưng đúng hơn là nói “vâng” với tình yêu mà chúng ta có thể cho qua đau khổ này. Như thế món quà này là bằng chứng của tình yêu hướng về Chúa Kitô, một bằng chứng chống lại tội lỗi của con người. Em Anne-Gabrielle gọi đó là “an ủi Chúa Giêsu”. Em nói: “Dù con không thích đau, nhưng con được may mắn vì con có thể giúp Chúa Nhân lành mang nhiều người đến với Ngài”.
Trong thời gian bệnh, cuộc sống của em Anne-Gabrielle kết nối trong sự chung sống giữa thập giá và niềm vui. Một vài tháng trước khi qua đời, em còn tâm sự với mẹ: “Con xin Chúa Lòng Lành cho con tất cả đau khổ của các em bé trong bệnh viện.” Em còn nói rõ: “Con đã đau đến mức ước chi các em bé khác đừng đau nữa…” Mẹ của em cho biết, em rất quyết tâm. Em mong muốn trở thành một vị thánh lớn “như Thánh Têrêxa Lisiơ!” Em tin tưởng nói: “Nhưng con sẽ là thánh!”. Một ít lâu sau, em tâm sự với mẹ: “Thỉnh thoảng con tự nhủ (nhưng không thường xuyên) khi con chết, thật ra cũng không khó lắm để làm chuyện tốt. Đúng vậy, cũng không khó lắm để dễ thương, để nghĩ đến người khác, để vâng lời, để không làm phiền anh chị em”.
Tháng cuối cùng là tháng em trải nghiệm những giây phút ân sủng. Em Anne-Gabrielle tha thứ cho những ai làm em buồn, những người chế nhạo em. Em cũng xin những người em đã làm cho họ buồn tha thứ cho em. Em nhắc lại tình yêu em dành cho cha mẹ, cho em trai và hai em gái. Em cầm hình ảnh Chúa Kitô trên thập giá, em kêu lên: “Không! Thật quá đáng! Chúa ơi… Chúa quá đau khổ…”. Lời cầu nguyện của em mang một giá trị mà nhiều người thân giao ý chỉ cầu nguyện của họ cho em.
Sau này một vài người cho biết, ý chỉ của họ đã được nhận lời. Đức Giám mục Dominique Rey còn nhớ một ngày đặc biệt. Cha mang Mình Thánh Chúa đến cho em. Lần đầu tiên sau 18 tháng bệnh, em nói với cha, chén đắng quá đắng, tất cả những chuyện này là quá sức em. Đó là ngày hôm trước ngày em qua đời. Vài giờ sau, em yên nghỉ. Và đó là cách em giã biệt. Em qua đời trong đêm 23 tháng 7 năm 2010 sau 30 giờ hấp hối nhưng em vẫn còn tỉnh táo đến cùng. Một linh mục nói trong đám tang của em: “Nhìn em Anne-Gabrielle là nhìn Chúa”.
Ông Pascal Barthélemy, cáo thỉnh viên án phong thánh của em là một giáo dân dấn thân, thương gia và là người cha gia đình.
Hồ sơ điều tra ở giáo phận sẽ tiến hành trong nhiều tháng trước khi chuyển về Vatican. Đức Giám mục Rey giải thích: “Phải cần thì giờ để gom lại chứng từ và rất nhiều chứng từ dồn dập gởi đến, cần phải sắp xếp lại”.
Marta An Nguyễn dịch
(phanxico.vn 05.06.2019/ fr.aleteia.org, Marzena Devoud, 2019-06-05)