Linh Mục dự thi Britain's Got Talents hy vọng Đức Phanxicô sẽ phát động nhiều ơn gọi mới cho Ái Nhĩ Lan
Ký giả Filipe Domingues của tạp chí Crux, ngày 30 tháng Bẩy qua, đã đích thân phỏng vấn Cha Ray Kelly, người gần đây nổi tiếng nhờ xuất hiện trên chương trình Britain’s Got Talents của Simon Cowel với bài hát làm rung động nhiều người “Everybody Hurts” của R.E.M.
Vị linh mục nói trên, thực ra, đã nổi tiếng về ca hát từ lâu, ít nhất cũng từ năm 2014, khi buổi trình diễn của ngài được phổ biết cực kỳ nhanh chóng và rộng rãi trên Internet, trong đó, ngài hát bài “Hallelujah” cải biến của Leonard Cohen, nhân một đám cưới. Cuốn video đó đã được tới hơn 64 triệu người coi trên Youtube.
Cha cho hay cha khám phá ra ơn gọi làm linh mục của cha sau chuyến tông du Ái Nhĩ Lan năm 1979 của Đức Gioan Phaolô II. Bởi thế, cha mong chuyến viếng thăm Ái Nhĩ Lan trong tháng Tám sắp tới cũng sẽ phát động nhiều ơn gọi mới.
Vị cha xứ 67 tuổi của giáo xứ St Brigid và St Mary ở Oldcastle, County Meath, Aí Nhĩ Lan, cho rằng “người ta hiện không được hài lòng nhiều đối với Giáo Hội. Chắc chắn vì thế ơn gọi đã đi xuống. "Nhưng tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi tới vào tháng sau, sẽ giúp một tay”. Ngài nghĩ tình hình của Giáo Hội Ái Nhĩ Lan không tệ như người ta nghĩ.
Lần lên Britain’s Got Talents lần này, cha chỉ đạt được mức bán kết, nhưng cha rất vui với thành quả này. Cha tin rằng trải nghiệm này không những khiến cha trở thành một chấn động trên liên mạng mà còn thay đổi cả thừa tác vụ của cha nữa. Cha đã nối vòng tay lớn với những người đau khổ và động viên họ đứng vững.
Cha kể lại trường hợp điển hình “Một mệnh phụ kia gửi cho tôi 1 e-mail. Bà bị chứng đau nhức kinh niên đã lâu và từng viết thư tỏ ý tự tử. Bà bảo tôi: ‘con vào Youtube và thấy cha hát bài ‘Everybody Hurts’ và Chúa Thánh Thần tràn ngập lòng con. Con đang sống trong đau đớn, nhưng con cũng đang sống trong hy vọng’”.
Về các kế hoạch tương lai, Cha Kelly tiết lộ rằng ngài sẵn sàng hát cho Đức Phanxicô nghe nhân Cuộc Họp Mặt Các Gia Đình Thế Giới, như ngài từng hát cho Đức Gioan Phaolô II nghe. Nhưng không nhận được giấy mời. Tuy nhiên, ngài dự định thực hiện một chuyến lưu diễn tại Hoa Kỳ vào tháng Chín này.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Domingues với Cha Kelly:
Cái duyên Youtube
Trước nhất cha kể về cái duyên lên youtube: “tôi có một đám cưới tại giáo xứ của tôi ở đây, ở Oldcastle, và điều này không có gì lạ cả, vì tôi vẫn thường làm như thế. Giáo xứ này là một địa điểm được nhiều người biết. Đám cưới này diễn ra ngày 5 tháng Tư năm 2014, một ngày thứ Bảy. Chàng rể và nàng dâu đến từ Dublin và Cookstown. Họ chọn nhà thờ của tôi vì tiệc cưới của họ diễn ra tại 1 khách sạn gần đó".
"Tại buổi tập dượt, ít ngày trước đó, chúng tôi đã hoàn tất mọi điều. Thông thường, nếu họ là một cặp ở địa phương, chắc hẳn họ sẽ nói ‘thưa cha, cha phải hát một bài hát cho đám cưới nho nhỏ của chúng con’. Nhưng cặp này không nói thế vì họ không phải người địa phương”.
Ý cha muốn nói: họ không hề biết cha vốn có tiếng hát hay. Bởi thế “sau buổi tập dượt lễ cưới, tôi nói với họ: ‘cha có thể hát cho các con một bài hát’. Họ nhìn nhau, có ý hoài nghi, có lẽ nghĩ ‘Ông cha này nói chi vậy?’. Nhưng tôi giả thiết là họ nghe rõ thông điệp của tôi. Do đó, trước phép lành sau cùng của nghi thức hôn phối, tôi tiến lên phía máy micro và bắt đầu hát dịch bản tôi đã sửa đôi chút bài ca ‘Hallelujah’ của Leonard Cohen, lồng tên cô dâu chú rể vào đó. Tôi vốn làm thế nhiều lần rồi".
“Mấy ngày sau đám cưới, một ngày thứ Ba, cặp đó gửi cho tôi một e-mail cám ơn về lễ cưới đáng yêu và bài hát đầy ngạc nhiên. Họ cho biết bài hát đã đăng trên Youtube và họ gửi cho tôi một đường link. Lúc ấy, tôi chưa thông thạo với Youtube chút nào".
“Tôi xem video đó mấy lần và nghĩ ‘Chúa ơi! Giọng hát đó từ đâu mà có vậy?’ Rồi điện thoại reo cho biết ‘Cha Ray ơi, cha ở trên Facebook! Cha ở trên Twitter! Và cha có 1 ngàn hits, 2 ngàn hits!’ Cứ thế cứ thế mãi. Và hiện nay hơn 62 triệu hits trên Youtube. Câu truyện bắt đầu như thế đó!”
Rồi truyền hình đến, truyền thanh mời, phỏng vấn trên báo chí, miết cha phải nói với họ: “đủ rồi, để tôi lo Tuần Thánh”, nhưng sau Tuần Thánh, câu truyện lại tái tục, và qua thứ hai và thứ ba tuần Phục Sinh, video lại nhận được 10, 15 triệu hits.
Chưa hết, Universal Music và Sony Music gõ cửa nhà cha đề nghị ghi âm một album. Cha trộm nghĩ “Chuyện này rồi sẽ đi đến đâu đây? Nó chẳng quen thuộc gì ráo trọi. Tôi như con chiên không người chăn! Lạc lối rồi. Tôi điện thoại cho một người bạn vốn là một luật sư và ông ta cố vấn cho tôi. Tôi liên lạc với một người khác vốn quen với việc thương lượng khế ước ghi âm. Cuối cùng, tôi e-mail cho họ ở Vienna. Họ rất lo lắng khi thực hiện việc ghi âm với tôi. Chúng tôi gặp nhau ở Đức và, sau đó, chúng tôi thỏa thuận ghi cuốn album. Nhưng tôi bảo ‘vì tôi khá bận việc giáo xứ, nên thử ghi âm ở tại nhà tôi xem có tốt hơn không?’ Cuối cùng, họ đã dựng một phòng thu ngay tại phòng khách của tôi ở đây”.
Cuốn album trên ra đời vào lễ Giáng Sinh 2014, tựa là “Where I belong” gồm tuyển tập các bài hát Ái Nhĩ Lan, các bài hát nổi danh của các nghệ sĩ khác, và “một số bài hát viết riêng cho tôi. Chúng tôi không chắc mình có được phép của Leonard Cohen để ghi âm bài ‘Hallelujah’ với lời ca đám cưới hay không. Nhưng cuối cùng, có lời cho hay chúng tôi được phép gi âm, quả là tuyệt”.
“Trong khi ấy, một bài ca đám cưới khác đã được viết riêng cho tôi, tựa là 'Together Forever'. Một bài khác nữa, tựa là 'Where I belong' cũng đã được đặc biệt viết riêng cho tôi. Cuốn album được bán hàng triệu (platinum) tại Ái Nhĩ Lan và được mua rất nhiều ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác”.
Cha vẫn chu toàn bổn phận một cha xứ. Lên London nhiều lần để được phỏng vấn; qua lại Đức cũng một số lần. “Năm ngoái, tôi sống ở Hoa Kỳ 5 tuần, thực hiện 10 tới 12 buổi hòa nhạc khắp nước..."
Tham dự Briatin's Got Talents
Về việc tham dự Britain’s Got Talents năm nay, cha cho hay: “họ điện thoại cho tôi mấy lần về việc tham gia cuộc thi. Và tôi hơi do dự. Quan điểm cá nhân của tôi là đây chỉ là chuyện của mấy giám khảo và cách họ phản ứng, đâu hẳn chuyện tài năng chi. Tôi suy nghĩ cả một năm trời. Thế rồi tôi nghĩ lên ITV và TV3 cũng có thể tốt thôi. Do đó, họ lại tiếp xúc với tôi và tôi trả lời ‘OK, chúng ta làm thử đi’. Quả là một trải nghiệm tuyệt vời, và tôi phải nói ngay, là một trong các trải nghiệm tích cực trong đời tôi”.
Và cha đã hát bài “Everybody Hurts” và nó cũng được truyền đi nhanh như vi khuẩn. Simon Cowel cho hay đó là một trong các buổi thi loại (auditions) thích thú nhất của ông. Các giám khảo khác cũng có phản ứng tích cực tương tự.
Cha cho biết cảm tưởng khi hát bài trên trong cuộc thi: “Tôi hát bài trên nhiều lần trước đó. Nhưng có một chỗ dừng lại, chỉ chừng 2 hay 3 giây... Bình thường, khi bạn hát một bài hát và người ta thích nó thì họ thường đứng dậy trước khi bạn chấm dứt. Nhưng trong trường hợp này, chỗ dừng chỉ xẩy ra khi tôi chấm dứt nốt cuối cùng của bài hát. Tôi dừng lại. Lâu như 2 hay 3 tiếng đồng hồ! Và tôi cảm thấy ‘Chuyện gì diễn ra đây? Xéo đi cho rồi. Này Ray, cút về nhà và câm mồm cho yên”.
“Nhưng rồi Simon đứng lên và bắt đầu vỗ tay. Họ đứng cả lên, vỗ tay vang đội, các giám khảo khác... Tôi bắt đầu thấy lúng túng, lúc ấy! Tôi bắt đầu rúng động. Quả là một phản ứng kỳ diệu đối với một bài ca. Tôi đã không qua tới kỳ bán kết, nhưng không hề hối tiếc”.
Trong lần thi sau, cha hát bài “Go Rest High on That Mountain”, một bài do Vince Gill sáng tác sau khi em trai của anh ta qua đời vì dùng thuốc quá liều lượng. Cha gặp bài hát này sau khi em gái cha chết vì bị ung thư, cách nay chừng 2 năm rưỡi. “Tôi thấy bài ca đầy an ủi. Đôi khi tôi hát nó tại các buổi hòa nhạc để tặng những người mất người thân vì ung thư. Dù sao, nó cũng không tới được kỳ chung kết, nhưng tôi không ân hận chi. Đây là một trong các trải nghiệm tuyệt vời của tôi”.
Cha cho hay rất có thể là do bài hát. Một trong các giám khảo cho hay cô chưa bao giờ nghe bài hát trước đây. Một số người được nghe. Simon Cowel nói chọn bài hát này là việc đúng.
Nếu qua được ải trên, cha đã chuẩn bị bài hát cho kỳ chung kết, tựa là “Bridge Over Troubled Water” một bài hát của Simon and Garfunkel.
Đức tin và âm nhạc
Về liên hệ giữa đức tin và âm nhạc, Cha Kelly cho hay “tôi xuất thân từ một gia đình âm nhạc. Cha mẹ tôi rất mê âm nhạc, anh tôi và em gái tôi cũng rất mê âm nhạc. Tôi thích hát. Mãi khoảng năm 26, 27 tuổi tôi mới vào chủng viện và từng làm việc khoảng 10 cho công vụ chính phủ Aí Nhĩ Lan. Tôi có nhiều bạn bè ở Dublin và chúng tôi thường tới các quán nhậu về đêm và tôi có thể đứng lên và hát một vài bài hát. Chúng tôi cũng có các cuộc thi tài tại nhiều quán nhậu... tôi thua ở một vài cuộc thi, nhưng quả là thú tiêu khiển tuyệt diệu”.
“Nhưng rồi, năm 1982, tôi gia nhập chủng viện của Hội Truyền Giáo Thánh Patrick của Các Cha Kiltegan. Âm nhạc luôn là một phần của chủng viện này. Chúng tôi thành lập một ban nhạc gọi là ‘Rafiki’ tiếng Swahili có nghĩa 'Bạn Bè'. Thậm chí, chúng tôi còn ghi âm một bài hát để quyên tiền cho các dự án tuổi trẻ ở Châu Phi. Tôi từng là một linh mục truyền giáo ở Châu Phi trong mấy năm. Âm nhạc luôn là một phần trong hành trình linh mục".
“Năm 1989, tôi đi Châu Phi, lúc đó vừa diễn ra việc tan vỡ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nelson Mandela vừa được thả khỏi nhà tù hồi tháng Hai năm đó. Nó tiến từ từ, từ từ thay đổi. Tôi ở đó 2 năm rưỡi. Tôi vào đó tháng Chín năm 1989, nhưng phải về nhà trước Lễ Giáng Sinh, vì cha tôi lâm bệnh nặng, với khối u trong óc. Người qua đời tháng Hai năm 1990.Tôi trở lại đó 1 tháng hay hơn sau khi người qua đời. Nhưng sau 3 tháng, má tôi phải vào phòng săn sóc đặc biệt sau một cơn nhồi máu cơ tim. Tôi cảm thấy có lỗi nếu bỏ về lần nữa, nhưng sau đó, tôi vẫn bỏ về. Người sống thoát và chỉ qua đời năm 2004. Tôi trở lại Châu Phi nhưng sau đó, tâm hồn không được an ổn. Tâm trí tôi không ở đúng chỗ. Tôi quyết định làm việc tại Ái Nhĩ Lan một thời gian, tại nhiều giáo xứ, và cuối cùng nhập giáo phận hiện nay”.
Nhận định về tình hình Giáo Hội Ái Nhĩ Lan, Cha Kelly cho rằng “Giáo hội này tốt hơn là hình ảnh của các phương tiện truyền thông vẽ ra. Tôi giả thuyết là do toàn bộ vấn đề lạm dụng, từ mấy năm trước, rồi chuyện giặt giũ trong đó, người ta gom các phụ nữ không chồng vào các nhà... Tất cả nay ra ánh sáng. Có nhiều chuyện lịch sử ở đấy, và tôi nghĩ người ta hơi thất vọng đối với Giáo Hội. Chắc chắn ơn gọi cũng sút giảm”.
“Tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi ngài tới vào tháng tới, sẽ giúp một tay. Tôi luôn cho rằng ơn gọi của tôi là do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vì ngài tới Ái Nhĩ Lan năm 1979. Năm sau, một nhóm của chúng tôi tới Rôma để cám ơn ngài. Ngài cử hành Thánh Lễ với chúng tôi tại Castel Gandolfo và tôi nhớ đã hát bài 'Danny Boy' trong một buổi hòa nhạc dành cho ngài. Đó chính là nơi ơn gọi của tôi thực sự đã phát sinh. Năm 1980, tôi bắt đầu nghĩ tới chức linh mục một cách nghiêm túc”.
Thành thử, Cha Kelly từng hát cho một vị giáo hoàng nghe. Lần này “thì hơi thất vọng một chút” vì có buổi hòa nhạc tại Croke Park Mill, nhân chuyến tông du sắp tới của Đức Phanxicô tại Ái Nhĩ Lan, nhưng cha không được yêu cầu hát. Một người khác được yêu cầu hát bài “Everybody Hurts” chứ không phải cha, điều này “hơi làm phiền tôi chút đỉnh. Nhưng dù sao, đây cũng là chuyện đã thành lịch sử”. Cha mong biến cố này sẽ gia tăng số ơn gọi. “Chúng ta đang lao đao trong phương diện này... Hiện có nhiều ông già làm cha xứ và nhiều giáo xứ không có linh mục. Chúng ta may mắn có các linh mục châu Phi đến giúp, cả những vị đang du học ở đây nữa. Ngoài ra còn có các linh mục Lỗ Ma Ni, Ba Lan. Nên chưa đến nỗi nào..."
Hát như một thừa tác vụ
Dù đã 67 tuổi, nhưng Cha Kelly hiện có liên hệ với nhiều người trẻ trên Internet. Hỏi về Thượng Hội Đồng sắp tới về tuổi trẻ, cha nói “tôi yêu người trẻ, và một phần lý do là vì tôi có tới 14 hay 15 cháu trai cháu gái gọi bằng cậu hay chú và 25 cháu trai cháu gài gọi bằng ông! Vâng, tôi bắt đầu ca hát và hiểu ra rằng việc này trở thành một thừa tác vụ, chứ không hẳn chỉ là một nghệ sĩ. Sau khi hát bài 'Everybody Hurts' tôi nhận được một vài lá thư cám ơn, vì họ có một cách để nhìn Giáo Hội trở lại”.
“Một mệnh phụ kia gửi cho tôi 1 e-mail. Bà bị chứng đau nhức kinh niên đã lâu và từng viết thư tỏ ý tự tử. Bà bảo tôi: ‘con vào Youtube và thấy cha hát bài ‘Everybody Hurts’ và Chúa Thánh Thần tràn ngập lòng con. Con đang sống trong đau đớn, nhưng con cũng đang sống trong hy vọng’. Tôi cám ơn bà về lòng trung thực. Bà cho hay tôi không bao giờ hiểu được là có biết bao nhiêu người tôi đã vươn tay nắm lấy. Bà hiện đang dùng thuốc men mới để giảm đau... Tôi không có ý nâng mình lên bệ tượng cao ở đây, chỉ muốn nói đây là loại người tôi đã vươn tới”.
Thoạt đầu cha không nghĩ tới việc trên, nhưng nay, cha thấy rõ việc đó, nên rất vui. “Điều quan trọng là chúng ta đem hy vọng, ánh sáng và bình an vào đời sống người ta. Mãi tới những giây phút gần như cuối cùng tôi mới như khám phá thấy rằng có lẽ tôi đã làm được việc này cho một số người. Và nếu tôi đã làm được điều đó, thì chắc là không thể đòi gì thêm. Tôi chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa. Điều này tuyệt diệu xiết bao. Người ta có thể liên hệ với các bài ca và điều này đem lại cho họ sự thanh thản và bình an. Ở đời không phải chỉ có thế hay sao?
Vũ Văn An
(Vietcatholic 31.07.2018)