Nhà thờ cử hành Thánh lễ đầu tiên sau 204 năm
Nhà thờ Budiao chỉ mới được khai quật gần đây sau khi bị chôn vùi trong đợt núi lửa Mayon phun trào năm 1814
Bên dưới các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, Đức cha Joel Baylon of Legazpi chủ tế Thánh lễ tại khu đổ nát của nhà thờ Budiao thuộc thị xã Daraga hôm 11-5.
Đây là lần đầu tiên trong 204 năm Thánh lễ được cử hành tại đây.
Ngôi nhà thờ đổ nát chỉ mới được khai quật gần đây sau khi bị chôn vùi trong tro do núi lửa Mayon gần đó phun trào năm 1814.
Thánh lễ quy tụ người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội và con cháu của các cư dân trước đây trở về ngôi thánh đường hàng trăm năm tuổi, vốn là trung tâm của cuộc sống cộng đồng trước khi thảm kịch khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Trong bài giảng lễ, Đức cha Baylon nhấn mạnh cần hiểu “những chuyện quá khứ”. Ngài cho biết trước đây đã có nhiều nỗ lực khai quật nhà thờ, nhưng giáo phận không cho phép.
“Cuối cùng chúng tôi đã cho phép khai quật … để chúng ta biết lịch sử của nhà thờ này và các thầy dòng Phanxicô đã xây dựng nó như thế nào”, vị giám chức giải thích.
Dưới thời cai trị của Tây Ban Nha, và trước khi núi lửa phun trào năm 1814, làng Budiao được cho là một nơi nổi tiếng về suối nước nóng và đấu bò tót.
Ngôi làng cách một nhà thờ bị chôn vùi khác thuộc làng Cagsawa 20 cây số.
Con đường bùn lầy giữa hai ngôi làng băng qua 6 con sông đầy dấu tích dung nham núi lửa từ các con dốc trên núi lửa đổ xuống trong những đợt phun trào trước đây.
Các bức tường nhà thờ ở Budiao đứng đó như là những nhân chứng thầm lặng về sự phẫn nộ của thiên nhiên trong quá khứ.
Mục đích của cuộc khai quật này, hiện đang do các nhà khảo cổ học đến từ Đại học Philippines dẫn đầu, nhằm nghiên cứu cấu trúc, các phòng bằng đá, vật liệu xây dựng, và kỹ thuật xây dựng, cũng như tìm hiểu thêm về cách lắp đặt và trang trí nội thất trong nhà thờ.
Lee Anthony Neri, trưởng nhóm khai quật, cho biết nhóm của ông chưa phục hồi được thứ gì có giá trị vì chưa đào đến nền nhà thờ và bàn thờ.
Ông nói người Công giáo xung quanh làng sẽ hưởng lợi từ cuộc nghiên cứu này vì nhà thờ là “di sản đức tin”.
Cho đến nay các nhà nghiên cứu đã đào được và phục hồi đá vôi dùng để xây, vỏ sò và đá núi lửa vốn được cho là nguyên vật liệu dùng để xây nhà thờ.
Vỏ sò nằm trong số các nguyên vật liệu được dùng làm chất kết dính dùng trong xây dựng. Có thể vỏ sò được đun nóng và nghiền mịn trước khi trộn với các nguyên liệu khác.
Mức độ thiệt hại của nhà thờ vẫn chưa được biết, mặc dù các tường phía bắc, đông và tây vẫn còn nguyên vẹn.
Dựa theo tài liệu lịch sử, các thừa sai dòng Phanxicô đầu tiên đến Manila ngày 24-6-1577, và ở lại cùng với các tu sĩ dòng Augustinô trong tường thành Intramuros.
Từ năm 1578 trở đi, các tu sĩ đi chân đất này lên đường đến vùng Bicol, đến Budiao và Cagsawa, để truyền giáo cho người dân địa phương và xây các nơi thờ tự.
Các nhà nguyện và nhà thờ đầu tiên được làm bằng lá cọ và tre, sau đó được thay bằng gỗ, gạch, đá vôi và đá cuội.
Nhà thờ ở Budiao trước đó là một visita, hay nhà nguyện của làng, thuộc Cagsawa gần đó trước khi tách riêng vào ngày 29-11-1786 và được đặt dưới sự bảo trợ của Asuncion de la Nuestra Senora (Đức Mẹ Mông Triệu).
Trong đợt núi lửa phun trào năm 1814, nhà thờ đá Budiao bị chôn vùi và ngôi làng này bị bỏ rơi. Chuyện kể rằng chỉ có linh mục chánh xứ sống sót nhờ bám chặt trên cây dừa.
Tu sĩ Francisco Aragoneses kể “các dòng sông lửa, khói và tro dày đặc” bao trùm lên ngôi làng trong khi người dân bị ảnh hưởng bởi những trận động đất dữ dội.
Vị tu sĩ viết vào ngày 1-2-1814 lúc khoảng 8 giờ sáng, núi Mayon bắt đầu phun ra một cột đá, đất, cát và tro dày đặc kèm theo sau đó là “một dòng sông lửa rất lớn”.
Đợt phun trào năm 1814 là một trong hai đợt phun trào lớn nhất của núi lửa Mayon trong lịch sử, theo người ta kể lại, đến tận tỉnh Samar thuộc miền trung Philippines cũng nghe thấy.
Tro và đất đá do núi lửa phun ra đã chôn vùi các ngôi làng quanh Budiao và Cagsawa, có khoảng 1.200 người lánh nạn bên trong nhà thờ bị chôn sống.
Trong khi nhà thờ Budiao hoàn toàn bị chôn vùi, mặt tiền, tháp chuông, và mái nhà thờ bị phá hủy, tháp chuông nhà thờ Cagsawa vẫn còn và trở thành điểm mốc của tỉnh Albay.
(UCAN 23.05.2018)