Đức Phanxicô dưới con mắt Cha Cựu Bề Trên Cả Dòng Tên
Cha Adolfo Nicolás, SJ, cựu Bề Trên Cả Dòng Tên, vừa viết lại, trên ấn phẩm Mensajero của Dòng Tên Tây Ban Nha, các cuộc đàm đạo của ngài với Đức Phanxicô, sau khi vị này được bầu làm giáo hoàng, giáo hoàng thứ nhất của Dòng Tên.
Ai cũng biết Cha Nicolás và Đức Phanxicô có sợi dây nối kết chặt chẽ ngay từ đầu, khi đức tân giáo hoàng tìm cách thiết lập mối liên hệ làm việc gần gũi với dòng của ngài sau nhiều thập niên nghi ngờ và lạnh nhạt.
Trong một giai thoại được loan truyền nhanh chóng tại Rôma trong các ngày đầu tiên của triều giáo hoàng mới, Đức Phanxicô trực tiếp gọi điện thoại cho Cha Nicolás một ngày sau khi được bầu, khiến thầy canh điện thoại ở trụ sở chính của Dòng Tên ở Rôma “mắc nỡm”, phát ra câu nói “để đời”: “nếu ông là Giáo Hoàng thì tôi là Napoleon!”
Sau khi đôi bên nói chuyện với nhau, Đức Phanxicô hứa sẽ gọi lại để hẹn một cuộc gặp mặt nhau. Trong một giai thoại đáng lưu ý đối với các nhà chép sử về ngôi vị giáo hoàng, khi gọi lại vào Chúa Nhật sau đó, Đức Phanxicô nói với Cha Nicolás rằng: “Cha hãy tới Nhà Thánh Marta đi vì ngày mai tôi sẽ dọn vào Tông Phủ rồi, vì ở đây, tôi có nhiều tự do hơn”. Nói cách khác, theo Cha Nicolás, “quyết định ở lại Nhà Thánh Marta đã được đưa ra vào phút chót”.
Điều trên xác nhận nhiều truyện kể cho rằng chỉ sau khi tới Tông Phủ và nhìn thấy nó, một dẫy phòng vô tận, phòng này dẫn tới phòng kia, Đức Phanxicô mới quyết định ở lại nhà khách thân thiện và cởi mở hơn.
Cha Nicolás rất ngạc nhiên trước thái độ của Đức Phanxicô: ngài biết rõ người ta nhận định về ngài ra sao và chỉ trích ngài như thế nào. Có một lần ngài nói với cha: “Người ta chỉ trích tôi, thứ nhất, vì tôi không ăn nói như một giáo hoàng, và thứ hai, vì tôi không hành xử như một ông vua”.
Cha Nicolás cho rằng, trong bối cảnh linh đạo Inhã, “đối với tôi điều hiển nhiên là những chỉ trích như thế không hề làm ngài bận tâm”.
Các tu sĩ Dòng Tên nổi tiếng là những người khấn hứa từ khước chức vụ cao và các đề bạt trong Giáo Hội. Phần chủ yếu của tuần lễ thứ hai trong Linh Thao của Thánh Inhã là “bày ra trong trí khôn” cung cách Satan cám dỗ các môn đệ của Chúa Kitô bằng “giàu có, vinh dự và kiêu hãnh”.
Cha cựu bề trên cả nhận xét khiến người ta ngạc nhiên rằng theo cách nhìn của Đức Phanxicô điều thế giới hiện đang cần là “nhiều khôn ngoan, ít tín điều hơn, và nhiều ý nghĩa nói chung hơn để sống và hy vọng”.
Quan điểm trên, theo Cha Nicolás, phát sinh từ việc Đức Phanxicô đọc thấy sự tương tự giữa việc thời nay thiếu đức tin và việc mất đức tin thời dân Do Thái bị đầy ải, lúc truyền thống khôn ngoan thắng thế truyền thống tiên tri.
Về việc cải tổ Giáo Triều, Cha Nicolás nhận xét rằng Đức Phanxicô muốn tiến hành “theo cung cách Tin Mừng hơn cả, điều mà ngài có khả năng” và cuộc cải tổ này “phải liên hệ tới tính khả tín của Giáo Hội” một điều “đụng tới khí lực truyền giáo cực kỳ quan trọng đối với ngài”.
Nói cách khác, mục đích cuộc cải tổ Giáo Triều là loại bỏ các trở ngại đối với nhiệm vụ truyền giáo và rao giảng Tin Mừng, hơn là một mục tiêu ngay trong nó.
Các bài diễn văn Giáng Sinh của ngài với Giáo Triều, theo Cha Nicolás, “là lời kêu gọi mọi người sống phù hợp hơn với Tin Mừng”, không “tránh né và viện cớ” mà phần lớn chúng ta vốn triển khai.
Cha bề trên cả và Đức Giáo Hoàng đã dành nhiều thì giờ bàn luận tới chức linh mục; cha xác nhận rằng đối với Đức Phanxicô, việc hồi tâm mục vụ là ưu tiên chính của hàng giáo sĩ.
Cha Nicolás liệt kê những điều mà đối với Đức Phanxicô vốn không thuộc chức linh mục: một đẳng cấp ưu đãi, một nguồn phúc lợi kinh tế, một nghề nghiệp, một phương thế đạt quyền hành trên người khác v.v… Đồng thời nhấn mạnh tới điều vốn thuộc chức linh mục: linh mục là người “mà lo lắng chính” là sự đau khổ của người khác, và làm cách nào giảm thiểu nó; linh mục là người tiếp xúc với đời người, một tiếp xúc phải được phản ảnh trong các suy nghĩ và lối sống của ngài, v.v…
Để trả lời các chỉ trích thường nghe được từ các giáo sĩ cho rằng Đức Giáo Hoàng không qúy trọng các vị vì ngài có bao giờ khen các vị đâu, Cha Nicolás cho rằng thay vào đó, các vị nên biết ơn ngài vì ngài đã nhận diện rõ ràng các cơn cám dỗ chỉ tạo nên xa cách và thảm hại nơi các vị mà thôi.
Về câu hỏi Đức Phanxicô còn làm giáo hoàng bao lâu nữa, Cha Nicolás cho hay cha không có câu trả lời và cả Đức Phanxicô cũng không. Cha cho hay: “Suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng khá linh động tùy theo sự biện phân của ngài về tình trạng của Giáo Hội”.
Khi cha, người cùng tuổi với Đức Giáo Hoàng, nói với ngài về ý định từ chức bề trên cả, Đức Phanxicô nói với cha: “chính tôi đang nghĩ tới việc nghiêm túc bước theo thách thức của Đức Bênêđíctô”.
Nhưng rồi, mấy tháng sau, lúc phải đương đầu với một số đề kháng chống lại các cải tổ của ngài, Đức Phanxicô lại nói với cha: “Tôi xin Chúa nhân lành nhận lấy tôi khi các thay đổi đã thành bất phản hồi”. Nói cách khác, theo Cha Nicolas “phó thác chúng ta trong bàn tay Thiên Chúa”.
Cha Nicolás cho chúng ta một giai thoại lý thú. Ngài kể lại rằng lúc còn là Hồng Y tổng giám mục Buenos Aires, Đức Phanxicô có nghe kể: tại một cuộc cử hành phụng vụ trong nhiệt độ dưới zero ở thủ đô Bosnia là Sarajevo, “một ai đó đã chuyền đi một ly rượu mạnh nhỏ” giúp cho buổi phụng vụ diễn tiến ấm áp và vui tươi.
Cha cho hay: khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô “không chậm trễ đã cử người đó làm Trưởng Bố Thí của Tòa Thánh và khích lệ vị này tới sống tại Rôma để gần gũi hơn với người nghèo”.
Cha Cựu Bề Trên Cả hẳn có ý nói tới vị trưởng bố thí của Đức Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, người Ba Lan, được Đức Phanxicô cử nhiệm hồi tháng Tám năm 2013. Nhưng thực ra “Don Corrado”, như người ta thường gọi ngài, vốn sống ở Rôma, làm Trưởng Nghi từ năm 1999.
Vũ Văn An
(vietcatholic 12.05.2017)