BAN MỤC VỤ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN TGP SÀI GÒN
THĂM PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG
Vào buổi chiều ngày thứ Ba, 17.5.2016, Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn TGP Sài Gòn đã đến thăm và mừng lễ Phật Đản Vesak 2016 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, TP.HCM). Đi chung trên xe 16 chỗ xuất phát từ Trung Tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn có cha Trưởng Ban, cha Bình OFM, Sr. Ngọc Lan FMM và các và Anh Chị em trong Ban. Ngoài ra có các thầy OFM đến từ Thủ Đức, các Soeurs và các Anh Chị Học viên trong khóa học “Kitô giáo và Phật giáo” do Lm. P.X Bảo Lộc và Đại Đức Thích Giác Hoàng hướng dẫn.
Khi đi dọc theo xa lộ Hà Nội, mới qua khỏi Mega-Maill và Metro thì từ xa chúng tôi đã không khó để nhìn thấy Pháp Viện Minh Đăng Quang, là cả một quần thể kiến trúc Phật giáo rất uy nghi, đặc trưng cho hệ phái Khất sĩ của miền Nam Bộ. Những tầng tháp cao ngút, ẩn hiện trong nắng chiều, với những đóa hoa sen đầy màu sắc được trang trí để chuẩn bị đón mừng Lễ Phật Đản Vesak... Các Đại Đức đã niềm nở tiếp đón, giới thiệu và hướng dẫn chúng tôi vào Nhà tiếp khách “Linh Sơn Pháp Lữ” để gặp vị Trụ trì là Hòa thượng Thích Giác Toàn.
Cha P.X Bảo Lộc đại diện cho Ban MVĐTLT, vấn an Hòa thượng Thích Giác Toàn và trình bày các lý do của buổi gặp gỡ. Hòa Thượng đáp từ một cách rất gần gũi bình dị, và chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời của ngài từ khi sinh ra tại Mỹ Tho. Cha của ngài mất sớm từ khi ngài còn là bào thai, và mẹ sinh ra ngài trong nhà thương Pháp năm 1949, ngài được các dì Phước thương mến và đặt tên cho là Lê Phước Tường. Hòa Thượng đọc cho mọi người nghe những câu thơ kể về những biến cố đầy duyên tình này, được ngài viết từ những năm 1971-1972:
Mẹ đi sanh ở nhà thương Chúa
Có ngoại có dì Út con đưa
Giây phút quặn đau còn mơ ước
Phải chi có bóng dáng người xưa…
Bà Phước nhà thương thương con lắm
Muốn con không khổ đặt tên TƯỜNG
Danh vang nhờ Chúa ban ơn tắm
Từ thuở nằm nôi được Phước thương…
Hòa thượng Thích Giác Toàn cũng kể lại những kinh nghiệm khi có dịp gặp gỡ Đức TGM Phaolô Nguyễn văn Bình, và cho thấy quan điểm rất cởi mở về các tôn giáo. Việc Đối thoại Liên tôn rất gian nan nhưng giới Công Giáo đã khởi xướng và phát triển ngày càng tốt đẹp. Theo Hòa Thượng thì sứ mạng của các tôn giáo là cần đem những cái tốt đẹp nhất của đạo để phụng sự cho nhân loại và giúp ích cho dân tộc. Khoảng thời gian sau 1975 có dịp đi học hỏi về chính sách của nhà nước mới có cơ hội gặp gỡ các cha, các sơ, các mục sư… Nhờ đó Ngài có thể quen biết tạo các tương quan và hiểu rõ chính sách tôn giáo nên năm 1976-1977 đã về mở các lớp giáo lý tại Tịnh xá Trung Tâm để hoằng pháp. Và từ đó ngài quyết tâm ở lại Việt Nam luôn cho tới nay dù lúc đó nhiều dịp để đi ra nước ngoài… Hòa thượng rất vui và cám ơn vì Ban MVĐTLT đã đến thăm chúc mừng dịp lễ Phật Đản, vui vì thấy đạo giáo phát triển khắp nơi dù việc chúng sinh đau khổ vẫn là chuyện muôn đời. Có lẽ chỉ kho con người hết tham sân si và thất tình lục dục thì mới bớt khổ, muốn vậy phải khéo tu, sống tốt sứ mạng tôn giáo của mình…
Ban MVĐTLT đã gởi tặng món quà là các tập san Nhịp Cầu Tâm Giao mới, và bên Pháp Viện cũng tặng lại cho mỗi người tập sách “Gạn Đục Khơi Trong”, bao gồm những nghiên cứu, giải thích, tư vấn về Phật pháp theo nhiều chủ đề, và Tuyển tập Thơ của Trần Quê Hương (bút danh của Hòa thượng Thích Giác Toàn). Chị Ngọc Anh cũng đại diện ban diễn ngâm bài “Gần Nhau” để góp chút tâm tình. Sau đó cả phái đoàn được hướng dẫn đi thăm Pháp Viện…
Ngôi Chánh điện của Pháp Viện nằm ở vị trí trung tâm, phía trước là những bậc thang bằng đá hai bên điêu khắc nhiều hoa văn đẹp. Khi leo lên mỗi người đều cảm nhận sự lớn lao uy nghi của công trình dù nhiều phần còn đang dang dở. Bước vào trong Chánh điện, một tượng Phật rất lớn còn đang được nhóm thợ thếp vàng. Chung quanh tường cả trong và ngoài đều có nhiều hình khắc khác nhau. Các Đại đức hướng dẫn đoàn giới thiệu và giải thích nhiều thắc mắc cho những ai đặt ra, nhất là các học viên trong khóa học về “Kitô giáo và Phật giáo” muốn làm sáng tỏ nhiều điều.
Rời Chánh điện cả đoàn xuống thăm Thiền Đường nằm ở tầng dưới của Chánh điện. Phía trước Thiền Đường có hai câu thật ý nghĩa: Nói Năng Như Thiền Sư – Im Lặng Như Chánh Pháp… Nhiều vị trong đoàn trầm trồ vì hai câu đơn giản ngắn gọn này không chỉ đối nhau mà còn đối ý thật thâm thúy ngay trong mỗi câu nữa. Tại Thiền Đường, Đại Đức Thích Giác Hoàng kể cho cả đoàn nghe về sự tích của đức Tôn sư Minh Đăng Quang là vị Tổ sư lập ra Giáo hội Tăng già Khất Sĩ Việt Nam.
Những chia sẻ của Đại Đức Thích Giác Hoàng giúp mọi người trong đoàn hiểu rõ và mến phục quý chư tăng của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, đồng thời thấy được giá trị của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam trong đời sống của đất nước và dân tộc. Phía sau Thiền Đường là nơi Thành kính Đảnh lễ tưởng niệm Đại Lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên, là vị Đại đệ tử của Tổ sư đã phát huy đạo đức miền Đông Nam Việt Nam, mở cơ quan Hội sở Trung ương tại Sài Gòn. Trước năm 1975 Ngài là Tổng Tri sự Trưởng Giáo hội Tăng già Khất Sĩ Việt Nam, sau đó là Pháp chủ Giáo hội Tăng già Khất Sĩ Thế giới tại Mỹ. Phía trong Thiền Đường còn có di ảnh của các vị Đại đệ tử khác của Tổ sư Minh Đăng Quang.
Tiếp đến chúng tôi xuống khán đài phía trước, nơi được trang hoàng rực rỡ chuẩn bị chào mừng Lễ Phật Đản, để chụp ảnh lưu niệm chung cùng với Hòa thượng Thích Giác Toàn và quý Đại Đức. Rời khán đài chúng tôi đến thăm tòa tháp lớn phía bên trái gần cổng, nơi cất giữ những lưu niệm quý giá. Ngoài tường có những hàng chữ thật lớn: “NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP - ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM”. Bên trong là những hình ảnh đầy đủ về cuộc đời của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang từ thời thơ ấu cho đến khi Ngài vắng bóng. Chúng tôi thật ngạc nhiên vì từ thời xa xưa mà những tấm ảnh được lưu giữ kể lại những câu chuyện sống động, đặc biệt là hình ảnh thuyết pháp trong một rạp hát và đưa đoàn du tăng đi giáo hóa bằng xe hơi. Thật không thể tưởng tượng được rằng những chuyện đó xảy ra trong những thập niên 40-50 của thế kỷ trước… Lúc này các học viên trong khóa học về “Kitô giáo và Phật giáo” tranh thủ chụp hình với các vị giáo sư!
Khi chúng tôi rời Pháp viện để về lại nhà thì trời đổ mưa to. Hình ảnh còn đọng lại trong tôi là một chị nữ cư sĩ ngồi định tâm tọa thiền thật thâm trầm ngay trong khu vực chúng tôi tham quan. Điều đó nói với tôi nhiều hơn các lời thuyết giảng, và nhắc nhở tôi về những giá trị của việc cầu nguyện trong đời sống tâm linh của chính mình. Dù không có thời gian đi thăm hết những khu vực khác nhau trong Pháp viện Minh Đăng Quang, nhưng chúng tôi thấy được sức sống của hệ phái Khất Sĩ Việt Nam nói riêng và của Phật Giáo Việt Nam nói chung. Trong tinh thần Đối Thoại Liên Tôn, chúng tôi ước mong có dịp hiểu biết để trân trọng hơn giá trị của các tôn giáo bạn, là điều đang góp phần giúp cho đời sống của toàn nhân loại tốt đẹp hơn, đồng thời quý mến hơn những người anh chị em đang góp công sức nỗ lực xây dựng quê hương Việt Nam theo cách của mình.
Sr. Ngọc Lan, fmm.