Đức TGM Mark Coleridge (Úc châu) thăm Đại Chủng viện Vinh Thanh
Nhận lời mời của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên – Giám đốc Đại Chủng viện Vinh Thanh, sáng ngày 22.01.2016, Đức TGM Mark Benedict Coleridge, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Brisbane, Australia đã có cuộc viếng thăm và nói chuyện với các chủng sinh Đại Chủng viện Vinh Thanh.
Trong Thượng Hội đồng Giám mục (HĐGM) thế giới kỳ thứ 14 về chủ đề “gia đình” diễn ra từ ngày 4 đến 25.10.2015 vừa qua tại Rôma, ngài là một trong hai giám mục của Australia được mời tham dự, và được chọn làm Tường trình viên nhóm C – nhóm nói tiếng Anh của Thượng Hội đồng này.
Vị tiến sỹ Kinh Thánh đã nhấn mạnh đến chiều kích hoàn vũ của Giáo hội, cách riêng được diễn tả đậm nét trong Thượng HĐGM thế giới lần thứ 14 vừa qua. Trước nhất, ngài mời gọi mọi người cùng nhìn và nghĩ về Đức Thánh cha Phanxicô – người khởi xướng và triệu tập Thượng Hội đồng này. Đức TGM nhấn mạnh đến những nét đặc biệt và đầy ngạc nhiên nơi vị Giáo hoàng này từ khi đắc cử cho đến nay. Đó là con người của sự khiêm tốn và hết lòng phục vụ người khác bằng sự hướng dẫn tận tâm của một người mục tử và là một vị Giáo hoàng của lòng thương xót. Đó là một người cha luôn luôn lắng nghe những nỗi đau, niềm vui cũng như những ước muốn của con cái mình.
Từ điểm tham chiếu sống động đó, Đức TGM nhấn mạnh đến việc lắng nghe. Đó là điều cần thiết nhất của Giáo Hội ngày nay, bởi con người hôm nay hầu như mất đi khả năng lắng nghe người khác và lắng nghe tiếng Chúa, để rồi chỉ lắng nghe chính mình của một “cái tôi” duy nhất. Nếu khi con người chỉ nghe mình thì sẽ gây nên biết bao đổ vỡ trong cuộc sống xã hội cũng như trong đời sống gia đình như tình trạng ly hôn – một vấn nạn cho Giáo hội hiện nay. Dù thế nào thì đức tin của Giáo hội vẫn không bao giờ thay đổi cho dù nhân loại có nhiều đổi thay. Đứng trước viễn cảnh đó, Giáo hội phải dùng một thứ ngôn ngữ mới và những hình ảnh mới để rao giảng cho con người thời nay về một Đức Giêsu luôn luôn mới mẻ và là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha.
Giáo Hội được sinh ra từ trong ý định ngàn đời của Thiên Chúa nhưng mang yếu tố lịch sử, không gian, thời gian và các nền văn hóa khác nhau, vì thế, sứ mạng của Giáo hội là luôn phải đồng hành với nhân loại trong tâm thế không ngừng biết lắng nghe: lắng nghe để biết người khác cần gì, lắng nghe để thấu hiểu những vấn mắc của con người hôm nay, lắng nghe để cảm thông và đưa ra giải pháp phù hợp nhất cho “thể trạng” của nhân loại hôm nay. Đó cũng chính là đường hướng của hai Thượng HĐGM thế giới về chủ đề gia đình vào các năm 2014 và 2015 vừa qua.
Được gợi hứng từ Công đồng Vatican II, những ý hướng của Đức Giáo hoàng Phanxicô qua Thượng HĐGM vừa qua như đưa Công Đồng này tiếp tục mở ra và nối dài đường hướng của Giáo Hội. Để rồi, Giáo Hội luôn nhìn nhận sứ mạng của mình là một chuyến đi, một hành trình đã có sự chuẩn bị với nhiệm vụ giúp mọi người nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa qua Ngôi Lời Nhập Thể.
Là Thượng Hội đồng bàn về những vấn đề hôn nhân gia đình trong thời đại mới trên toàn thế giới nhưng lại có những khác biệt ở mỗi quốc gia, mỗi châu lục và ở mỗi nền văn hóa, nên đã có những bất đồng, tranh luận gay gắt giữa các tham dự viên tưởng chừng như không thể tìm thấy một tiếng nói chung. Tuy nhiên, sự hiện diện sống động của “một người mang áo trắng” như một phép màu của sự hiệp nhất. Đó chính là sự hiện diện đức tin của chính thánh Phêrô qua vị Giáo hoàng. Đức TGM cũng xác tín vai trò quan trọng và cụ thể của thánh Phêrô trong Thượng Hội đồng này. Đó là thái độ phục vụ hằng ngày cho sự hiệp nhất.
Đức TGM cũng nhấn mạnh rằng, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 không chỉ dành riêng cho các giám mục nhưng mang tính phổ quát cho hết mọi người. Nó đã kết thúc nhưng mở ra cho Giáo hội một thời kỳ mới, đồng hành để tiếp tục lắng nghe và thao thức với nhân loại. Lắng nghe để nhận thấy lòng thương xót của Thiên Chúa và diễn tả cũng như trao ban lòng thướng xót đó cho hết mọi người.
(WGP.Vinh 23.01.2016)