Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đón tiếp Đức Hồng y Reinhard Marx

Đức HY Reinhard Marx khích lệ mọi người đừng bao giờ đánh mất hy vọng và ước mong rằng anh em giáo dân, nhất là giới trí thức, dấn thân vào các hoạt động xã hội và sẽ có vai trò lớn hơn trong các định hướng của GHVN.

Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đón tiếp Đức Hồng y Reinhard Marx

Tối 15-01, Đức Hồng y Reinhard Marx và phái đoàn Hội đồng giám mục Đức đã gặp gỡ các thành viên Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình (CLB) tại Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam ở Sài Gòn.

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, Linh mục Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Quản đốc nhà thờ Chính Tòa, Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Thư ký giáo tỉnh Sài Gòn của HĐGM Việt Nam, Cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng, thư ký ủy ban, cùng với 20 thành viên CLB đã đón tiếp phái đoàn nồng nhiệt.

Sau phần giới thiệu, Ban thư ký CLB đã trình bày với phái đoàn về sự hình thành CLB, mục đích và các hoạt động của CLB trong thời gian qua với gần 20 cuộc Tọa đàm, hội thảo về nhiều đề tài khác nhau liên quan đến tình hình của Giáo hội và xã hội, từ tôn giáo đến văn hóa và cả những vấn đề thời sự như chủ quyền Biển Đông và hải đảo Việt Nam. Một số hoạt động của CLB bị ngăn cản nhưng vẫn được in thành sách. Phần lớn các hoạt động của CLB đều được thực hiện qua sự liên kết với các tổ chức, nhất là với giới trí thức ngoài Công giáo.

Đáp lại, Đức Hồng y Reinhard Marx cho biết phái đoàn ngài đến Việt Nam nhằm tìm hiểu tình hình đời sống của Giáo hội địa phương trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình chuyển biến nhanh chóng về kinh tế, xã hội. Sau một tuần thăm Việt Nam, đã lắng đọng lại trong tâm trí ngài ba câu hỏi mà ngài cho là mấu chốt và nay ngài muốn được nghe các thành viên CLB chia sẻ cảm nghiệm và giải thích:

- Sau chiến tranh, vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc đã diễn ra như thế nào? CLB có bàn thảo vấn đề này và có hoạt động cụ thể gì?

- Xã hội Việt Nam đang có nhiều chuyển biến về kinh tế, chính trị và xã hội; đang mở rộng hội nhập và tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế, nổi bật là WTO và TPP. Triển vọng của những chuyển biến này là như thế nào? Có thể mang đến những thành quả tốt hơn về kinh tế, nhân quyền và tự do tôn giáo không? Quý vị đánh giá thế nào?

- Tất cả những điều đó có ý nghĩa gì với Giáo hội Việt Nam? Giáo hội có tham gia gì vào trong quá trình các chuyển biến này và đã chuẩn bị gì để đón nhận những cơ hội sẽ đến trong tương lai?

PhaoloNguyenVanBinh-2.jpg

Sau đó, các tham dự viên lần lượt trình bày những khó khăn, cản trở trong thực tế khi tiến hành hòa giải hòa hợp dân tộc, những hạn chế trong sinh hoạt tôn giáo và quyền con người. CLB vốn đeo đuổi tinh thần đối thoại và hòa giải nên cũng đã có một số hoạt động theo hướng này mà tiêu biểu là cuộc tưởng niệm chiến sĩ và đồng bào (của cả hai miền Nam Bắc) đã hy sinh vì biển đảo quê hương. Họ cũng trình bày những cố gắng của người Công giáo trong việc duy trì trật tự xã hội, lối sống đạo đức, giáo dục mầm non và góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp và luật tôn giáo.

Tất cả những cố gắng đó nhằm cho mọi người thấy Giáo hội muốn góp phần xây dựng xã hội công bằng, bác ái, an hòa. Về triển vọng tương lai của xã hội, đa số ý kiến cho rằng sẽ tiếp tục có những chuyển biến theo hướng tích cực nhưng không thực chất và mở rộng nếu không thay đổi thể chế. Vai trò của Giáo hội trong các tiến trình được xem là mờ nhạt và thậm chí Giáo hội không chuẩn bị đủ để giúp tín hữu đối phó với những vấn đề lớn như chủ nghĩa tiêu thụ và vấn đề tục hóa, cũng như chưa chuẩn bị đủ để đón nhận các cơ hội mở ra trong tương lai.

Trong phát biểu kết thúc, Đức Hồng y Reinhard Marx khích lệ anh em đừng bao giờ đánh mất hy vọng và ước mong rằng anh em giáo dân, nhất là giới trí thức, dấn thân vào các hoạt động xã hội và sẽ có vai trò lớn hơn trong các định hướng của Giáo hội Việt Nam. Ngài nhắc lại lời ngài nói trong Thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà rằng “Chúng tôi đứng về phía anh chị em. Xin hãy giữ liên lạc với chúng tôi và đừng ngại nói lên những nhu cầu của anh chị em”.

Đức cha Nguyễn Thái Hợp thay mặt CLB cám ơn Đức Hồng y và phái đoàn về chuyến thăm, về cuộc trao đổi, về những lời động viên và tình liên đới vì Giáo hội Đức có truyền thống giúp đỡ nhiều các Giáo hội nghèo, trong đó có Giáo hội Việt Nam. Ngài tặng Đức Hồng y và phái đoàn tượng Đức Mẹ Maria được thiết kế theo phong cách phụ nữ Việt Nam với áo dài và nón lá. Phái đoàn Đức cũng tặng quà kỉ niệm cho CLB.

Buổi gặp mặt kết thúc bằng một bữa cơm gia đình thân thiện.

(WGP.Vinh 19.01.2016)