ĐHY Chủ tịch FABC Oswald Gracias: “Giáo Hội tại Việt Nam cần tập trung vào việc huấn luyện đức tin”
ĐHY Chủ tịch FABC Oswald Gracias |
WHĐ – Nhân dịp Đại hội toàn thể lần thứ X Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) vừa diễn ra tại Giáo phận Xuân Lộc, WHĐ đã gặp Đức Hồng y Oswald Gracias, Chủ tịch FABC, và được ngài dành cho cuộc phỏng vấn:
– Trọng kính Đức Hồng y, chúng con đại diện cho trang web Hội đồng Giám mục Việt Nam, xin có một vài câu hỏi. Trước hết, Đại hội toàn thể lần thứ X Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã chọn một chủ đề có liên quan đến những thách đố. Vậy theo Đức Hồng y, đâu là những thách đố quan trọng nhất hiện nay đối với Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội tại Việt Nam?
– Theo tôi, thách đố quan trọng nhất là toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá đã đưa những giá trị của những nước khác vào và ảnh hưởng trên châu Á, đưa cả những tiêu cực vào như: chủ nghĩa duy vật chất khiến người ta chạy theo tiền bạc; chủ nghĩa tương đối cho rằng cái gì cũng chấp nhận được. Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi những điều nguy hại này cũng giống như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Một thách đố khác: chúng ta cảm thấy Thiên Chúa ngày càng trở nên ít quan trọng đối với cuộc sống con người, vì thế cần phải tập trung để đưa Thiên Chúa trở về với cuộc sống. Đức giáo hoàng đã nhấn mạnh đến vai trò của đức tin, của giáo lý chân chính. Trong Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm Công đồngVatican II, cần học hỏi Công đồng với những văn kiện có thể trả lời cho những vấn nạn của thời đại.
Tôi nghĩ Giáo hội Việt Nam khá mạnh mẽ. Tôi rất ấn tượng với những gì trông thấy ở đây, về giáo dân, về các Giám mục Việt Nam, rất tốt đẹp. Xin cám ơn Giáo hội Việt Nam.
– Chúng con nghe nói Đại hội đang thực hiện việc tu chỉnh điều lệ. Đức Hồng y có thể cho chúng con biết đôi chút về điều này?
– Phải, chúng tôi đang thực hiện một số tu chỉnh về điều lệ như: từ nay có chức vị Chủ tịch FABC. Chúng tôi tu chỉnh điều lệ nhằm để các tài liệu của FABC có thể được phổ biến rộng rãi hơn, giới trẻ được đào tạo nhiều hơn để họ thực sự hiểu biết về đức tin, và mọi người biết sống và loan báo Tin Mừng tốt hơn, nhờ đó có thể đáp ứng các thách đố ở châu Á cũng như ở Việt Nam .
– Chúng con xin có một câu hỏi nữa: Đại hội FABC sẽ có sứ điệp gửi đến mọi người. Vậy làm thế nào để sứ điệp này có thể được áp dụng cách tốt nhất tại Việt Nam?
– Cách tốt nhất để áp dụng sứ điệp của Đại hội là huấn luyện đức tin. Đây là điều quan trọng nhất. Hiện tại Giáo Hội tại Việt Nam đang sống động nhưng cần phải chuẩn bị để đương đầu với những thách đố đến từ bên ngoài như chủ nghĩa duy vật chất, chạy theo tiền bạc… Giáo Hội tại Việt Nam cần tập trung vào việc huấn luyện đức tin, mọi người cần hiểu biết về Tin Mừng nhiều hơn, tham dự Phụng vụ cách sống động hơn.
– Đức Hồng y sắp rời Việt Nam. Vậy những gì sẽ còn lưu lại trong tim Đức Hồng y về người Việt Nam?
Tôi rất ấn tượng về lòng hiếu khách ấm nồng, tình thân hữu, và cách tổ chức thật tuyệt vời mà tôi cần học hỏi. Tất cả đều hơn hẳn sự mong đợi của chúng tôi.
– Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Hồng y.
Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: Yêu mến Giáo Hội và Phúc Âm hoá với nhiệt tình mới
(Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn trả lời phỏng vấn của WHĐ và WGPSG)
WHĐ – Vào cuối Đại hội toàn thể lần thứ X Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), hai vị Chủ tịch FABC (Đức Hồng y Oswald Gracias) và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn) đã ưu ái dành cho chúng tôi những câu trả lời phỏng vấn, bộc lộ tâm tư của các ngài từ những cuộc thảo luận trong Đại hội. Khi được hỏi về những thách đố quan trọng, Đức Hồng y Gracias đã cho rằng toàn cầu hoá và tục hoá là những vấn đề cần quan tâm nhất. Và giải pháp ưu tiên là huấn luyện đức tin. Việc tu chỉnh điều lệ của FABC được thực hiện trong hướng đó.
Riêng với Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chúng tôi đã xin được đặt 2 câu hỏi:
1. Với chủ đề “Đáp ứng những thách đố của Á châu”, hẳn là Đại hội toàn thể FABC lần thứ X đã nhận diện và phân tích nhiều về các thách đố trong thời đại của chúng ta. Vậy theo Đức Tổng thì đâu là những thách đố quan trọng đối với Giáo Hội tại Việt Nam, và hướng giải quyết như thế nào?
2. Đại hội toàn thể FABC lần thứ X lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, chắc chắn sẽ mang lại những hoa trái đặc biệt, ảnh hưởng tốt đẹp trên Giáo Hội. Để những hoa trái đó có thể triển nở trên đời sống Giáo hội tại Việt Nam, xin Đức Tổng, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, cho chúng con một số lời khuyên cụ thể?
Qua những câu trả lời của mình, Đức Tổng giám mục Phêrô bày tỏ quan điểm: cần phải quan tâm đến tất cả 15 thách đố được đưa ra thảo luận trong Đại hội, vì những vấn đề như: bảo vệ sự sống, toàn cầu hoá, biến đổi khí hậu, di dân, tị nạn… đều khiến mọi người phải suy nghĩ. Giải pháp thì tuỳ từng địa phương, không thể có giải pháp chung được. Đại hội chỉ đưa ra những gợi ý, những quyết tâm nằm trong chương trình tân Phúc Âm hoá, Phúc Âm hoá với nhiệt tình mới, phương pháp mới, ngôn ngữ mới… Cần ngồi lại chia sẻ với nhau, cầu nguyện với nhau để tìm ra giải pháp cụ thể cho từng vấn đề.
Từ biến cố Đại hội toàn thể FABC lần thứ X đầy ấn tượng, Đức Tổng Giám mục Phêrô mời gọi các tín hữu Công giáo Việt Nam hãy có “tâm tình Hội Thánh”: sentire cum Ecclesia (đồng cảm với Giáo Hội). Không nên đứng bên ngoài Giáo Hội mà phê phán vì như vậy là phê phán chính mình. Hãy ở trong Giáo Hội và tự hỏi: Tôi đã làm gì, đã đóng góp gì cho Giáo Hội? Hãy nhìn xem: tề tựu về đây là hơn 100 giám mục từ bao nhiêu nước khác nhau, kể cả từ những nước đối nghịch với nhau, vẫn có thể ngồi lại bàn bạc, đón nhận, chia sẻ với nhau. Ta có tự do phát biểu ý kiến, nhưng vì ở trong Giáo Hội và vì yêu mến Giáo Hội, ta lắng nghe nhau, hợp nhất và cộng tác với nhau. Sự cộng tác thể hiện rõ nét khi tổ chức Đại hội này. Có rất nhiều phận vụ: nhà bếp, điện nước, trật tự, phụng vụ, tất cả đều quan trọng, và khi mọi người cộng tác với nhau và làm tròn trách nhiệm của mình, Đại hội đã diễn ra tốt đẹp.
Nguồn: WHĐ