ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn kỷ niệm 150 năm thành lập (1863-2013)
Lm Giuse Nguyễn Hữu An, khóa 3
Ngày họp mặt các Linh Mục từ khóa I đến khóa IX
Hôm nay ngày 7.3.2013, trong bầu khí hân hoan vui mừng, khoảng 600 anh em Linh mục thuộc 9 khóa gần nhất đã được thụ huấn tại ĐCV Thánh Giuse Sài gòn trở về mái trường thân yêu, hòa chung niềm vui gặp gỡ và cùng hiệp thông tâm tình tri ân trong Thánh Lễ Tạ Ơn.
Anh em khóa I đã bước vào năm 21 đời sống linh mục. Anh em khóa 9 chỉ mới mấy tháng trong sứ vụ mục tử. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, hỏi han sức khỏe, hàn huyên câu chuyện…ai cũng rạng ngời niềm vui. Các Chủng sinh đón mừng niềm nở. Quý cha ban giám đốc, ban giáo sư vui tươi đón tiếp. Quý cha cựu Bề trên, Phaolô Lê Tấn Thành, Ernest Nguyễn Văn Hưởng đến gặp gỡ chia vui với các học trò.
Chương trình bắt đầu lúc 8 giờ, anh em mỗi khóa gặp gỡ nhau, chia sẻ vui buồn trong thời Chủng sinh và đời sống sứ vụ linh mục. Đóng góp ý kiến xây dựng đời sống chung trong gia đình Chủng viện: những mong muốn nơi người đào tạo và người thụ huấn.
Từ 9giờ đến 10giờ: anh em gặp gỡ chung tại Hội trường Trung tâm mục vụ. Cha Giám đốc Gioakim Trần Văn Hương, chào mừng và giới thiệu ban đào tạo tại ĐCV, tổng quát chương trình đào tạo và hiện tình của Chủng viện. Sau đó đại diện mỗi khóa tổng kết những ý kiến của anh em, ghi nhận từ mục vụ giáo xứ mong muốn gởi đến các nhà đào tạo.
10giờ30, Thánh Lễ Tạ Ơn, với tâm tình cầu nguyện cho các vị tiền nhân là cha Théodore Louis Wibaux (1820-1877) vị giám đốc tiên khởi và cũng là người đã khởi công xây dựng ĐCV Thánh Giuse Sài gòn, các Đức cố Giám mục, Linh mục Hội Thừa Sai Paris, quý giáo sư, quý soeurs và các cô chú phục vụ, cùng quý ân nhân…Tất cả đã đóng góp phần mình cho gia đình Chủng viện có được những thành quả như hôm nay.
Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ tế và giảng lễ. Ngài suy niệm từ câu chuyện Tin mừng Chúa gọi các Tông đồ.
Thưa anh em, cha Giám đốc chủng viện ngỏ ý mời tôi chủ sự thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa với anh em trong thánh lễ rất đặc biệt này. Trong lòng tôi xuất hiện hai từ đó là Khơi Dậy.
Trước hết là khơi dậy ơn sủng chức thánh.
Ở trong bản văn rất ngắn ngủi mà anh em chúng ta vừa nghe có ba động từ chính: thứ nhất là Gọi, thứ hai là Ban, và thứ ba là Sai. Chúa Giêsu gọi 12 môn đệ, rồi Chúa Giêsu ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế, và cuối cùng Chúa Giêsu sai 12 ông đi loan tin. Cả 3 động từ đó đều diễn tả hành động đi bước trước của Thiên Chúa chứ không phải của con người. Là tông đồ là bởi vì được Chúa Giêsu gọi, được Chúa Giêsu ban quyền năng, được Chúa Giêsu sai đi và các tông đồ mở lòng ra đón nhận. Anh em linh mục chúng ta cũng thế thôi, mình trở thành linh mục là vì được Chúa gọi; được Chúa ban quyền năng: quyền trên các thần ô uế và cụ thể là quyền tha tội, quyền thánh hóa; và Chúa sai chúng ta đi. Thế cho nên ngày hôm nay khi các linh mục xuất thân từ Chủng Viện Thánh Giuse quy tụ về đây là cơ hội đặc biệt để chúng ta khơi dậy hồng ân chức Thánh mà mình đã lãnh nhận. Khơi dậy hồng ân chức Thánh là để tạ ơn, là để cảm nhận sự nhỏ bé hèn mọn của mình, và cũng vì thế là để sám hối.
Trong danh sách của 12 tông đồ có tên ông Giuđa Iscariốt. Sự hiện diện của ông Giuđa Iscariốt trong danh sách này giúp chúng ta ý thức hơn về thân phận yếu đuối của mình. Giuđa Iscariốt cũng được gọi, cũng được ban quyền trên các thần ô uế, và cũng được sai đi như các tông đồ khác. Nhưng cuối cùng ông phản bội chính thầy Giêsu của mình. Trong cộng đoàn anh em linh mục chúng ta và nơi bản thân mỗi người chúng ta liệu không có tình trạng đó hay sao? Hồng ân chức Thánh thì mình đã lãnh nhận, mình được gọi, được ban quyền và được sai đi nhưng cách này cách khác, lúc này lúc khác có thể mình cũng phản bội chính Chúa Giêsu là Thầy chí thánh của mình. Cho nên khơi dậy hồng ân chức thánh không những để tạ ơn mà còn để cảm nhận sự yếu đuối của mình để khiêm tốn tạ lỗi với Chúa.
Cùng với việc khơi dậy hồng ân chức thánh, cuộc gặp gỡ này còn là dịp để khơi dậy tình huynh đệ.
Chúa Giêsu đã chọn nhóm 12, tất cả anh em chúng ta đều là những người đã được học kinh thánh, ở đây còn có những anh em là giáo sư kinh thánh. Ai cũng hiểu rằng con số 12 này gợi lại con số 12 chi tộc Israel, nhưng một cách đơn giản thì tôi chỉ muốn nói là tính cộng đoàn. Chúa Giêsu đã không chỉ gọi và chọn rồi sai 1 người, nhưng Chúa Giêsu đã gọi 12 người và đã sai cả 12 vị lên đường, một tập thể, một cộng đoàn. Anh em chúng ta cũng vậy, là linh mục giáo phận thì ngay khi mình chịu chức linh mục, mình đã trở nên thành viên của linh mục đoàn. Linh mục đoàn đấy không phải là một hiệp hội để mình muốn tham gia thì tham gia mà muốn rút ra thì rút. Chúng ta làm linh mục không phải làm một mình mà cùng với anh em của mình. Tình huynh đệ ấy đã được nuôi dưỡng và huấn luyện từ lâu khi anh em chúng ta ngồi trong mái trường chủng viện sáu đến bảy năm: ăn chung, ở chung, học chung, sinh hoạt chung. Sáu đến bảy năm như vậy luôn tạo nên một mối tình thân giữa tất cả anh em chúng ta với nhau. Và khi mình làm linh mục, tình thân đó vẫn tiếp tục. Mình không làm linh mục và thi hành thừa tác vụ một cách đơn độc mà cùng với anh em của mình. Nhưng cũng đôi khi, lý do công tác mục vụ hoặc những lý do nào khác khiến cho tình huynh đệ ấy vơi giảm, ý thức cộng đoàn vơi cạn thì cuộc gặp gỡ này là cơ hội quý báu để khơi dậy tình huynh đệ trong đời sống linh mục của mình, vốn là điều rất cần thiết. Chắc anh em cũng đã nghe nơi một vài giáo hội địa phương trên thế giới người ta bắt đầu nghĩ đến đời sống cộng đoàn nơi các linh mục giáo phận: vẫn là cha sở các giáo xứ nhưng ở chung với nhau rồi đi làm việc ở nhiều giáo xứ khác nhau, mục đích là để củng cố đời sống cộng đoàn nơi các linh mục giáo phận. Dĩ nhiên đó không phải là một mô hình mang tính bó buộc nhưng là một gợi ý để chúng ta có thể thực hiện ở một mức độ nào theo khả năng và hoàn cảnh của mình.
Và cuối cùng, cuộc gặp gỡ này còn là để khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi anh em chúng ta đối với chủng viện là nơi đào tạo mình thành linh mục. Cái ý thức trách nhiệm đấy nó có thể được nhìn theo hai mặt. Mặt thứ nhất rất tự nhiên đó là tình cảm, ngôi trường này là nơi mà tôi đã sống, tôi học hành, tôi gặp gỡ, tôi sinh hoạt, nó gắn liền với cuộc đời của tôi. Từ tình cảm rất đỗi tự nhiên ấy chúng ta thấy mình có trách nhiệm đối với chủng viện. Nhưng ý thức trách nhiệm này còn hơn nữa, nó không chỉ là một tình cảm mà là đòi hỏi của sứ vụ, bởi vì chủng viện là nơi đào tạo linh mục để phục vụ dân Chúa và phục vụ công cuộc loan báo tin mừng…
Thưa anh em, có dịp để chia sẻ vài tâm tình đức tin với anh em trong lần gặp gỡ đặc biệt này, tôi chia sẻ những suy nghĩ rất chân thành như thế. Chúng ta cùng nhau khơi dậy hồng ân chức Thánh, khơi dậy tình huynh đệ, khơi dậy ý thức trách nhiệm đối với chủng viện, nơi đào tạo các linh mục. Và tất cả sự khơi dậy ấy vốn được khơi nguồn từ chính việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của đời sống đức tin Kitô giáo, là Đấng mà anh em linh mục chúng ta tiếp cận hằng ngày, gần gũi hơn ai hết, nhưng có một nguy cơ là quen quá hóa nhàm. Ý thức đức tin của chúng ta không còn đủ nhạy bén để cảm nhận sự gặp gỡ sâu xa với Chúa Giêsu. Xin Chúa giúp cho anh em chúng ta cùng nhau cử hành thánh lễ hôm nay thật sốt sắng như lòng Chúa mong muốn.
Sau thánh lễ, các linh mục chụp chung tấm hình lưu niệm. Bữa tiệc thân mật tại nhà cơm Chủng viện ấm áp tình huynh đệ. Anh em ra về còn có quả tặng của Chủng viện là cuốn Kỷ yếu 150 năm Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn và bức tượng Thánh Cả tuyệt đẹp.
Từ năm 1863, Đức Cha Dominique Lefèbvre, giám quản tông toà địa phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn), đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Chủng viện Thánh Giuse hiện nay. Cha Théodore Louis Wibaux (cha Vị), giám đốc đầu tiên của Chủng viện, đích thân điều hành công trình này. Năm 1866, Đức Cha Miche (Đức Cha Mịch) chủ sự lễ khánh thành Chủng viện và chính thức khai giảng năm học mới với 60 chủng sinh, do các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris đảm nhận việc đào tạo. Hiện nay, phần mộ của cha Wibaux vẫn còn được gìn giữ trong khuôn viên Chủng viện, để ghi nhớ công lao của vị giám đốc tiên khởi.
Vào tháng 7 năm 1961, Hội Thừa Sai Paris trao Chủng viện Thánh Giuse cho hàng giáo sĩ Việt Nam đảm trách. Lúc bấy giờ, các lớp Triết học được đặt tại trường Lê Bảo Tịnh, đường Hoàng Hoa Thám; các lớp Thần học được đặt tại Chủng viện hiện nay, đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng). Để quy tụ cả khoa Triết và Thần học tại một nơi, Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã xây thêm những khu nhà mới. Ngày 7 tháng 8 năm 1963, năm học mới được khai giảng với 235 chủng sinh Triết và Thần học. Cũng trong năm đó, ngày 29-30 tháng 12, Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô đã long trọng chủ sự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Chủng viện Thánh Giuse (1863-1963).
Chính từ ngôi trường Chủng viện này, biết bao nhiêu linh mục đã được đào tạo và đang phục vụ trên khắp các miền đất nước… Tiếp nối công trình của các vị tiền nhiệm, Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn đã quyết định xây dựng khu nhà mới cho Đại chủng viện. Khu nhà mới có Nhà nguyện, Thư viện, Hội trường, phòng Truyền thống, các phòng học, phòng họp, cũng như nhà ở cho chủng sinh. Chủng viện tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 19 tháng 3 năm 2012. Công trình đang được thi công.
Suốt chặng đường dài 150 năm, dưới sự bảo trợ của Thánh Cả Giuse Bổn mạng, Thiên Chúa luôn gìn giữ chúc lành cho Chủng viện. Chính từ vườn ươm ơn gọi này đã có nhiều thế hệ linh mục phục vụ Giáo Hội. Dầu có trải qua những thăng trầm của thời cuộc, Chủng Viện vẫn phát triển và và xứng đáng với sứ mệnh đào tạo những mục tử như lòng Chúa mong ước.
Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse, xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho quý cha ban giám đốc, ban giáo sư và anh em linh mục chủng sinh chúng con.
Theo Vietcatholic.