SỨ ĐIỆP TRUYỀN THÔNG 2021 VÀ VẤN ĐỀ BẢN QUYỀN
1. Chủ đề ‘Hãy đến mà xem’ của sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm nay có ý nghĩa đặc biệt như thế nào?
Kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta là: “Trăm nghe không bằng một lần THẤY”. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng muốn ứng dụng kinh nghiệm này trong sứ điệp của Ngày Thế giới Truyền thông năm nay (2021): Người truyền thông phải là người đã “thấy” trong một ý nghĩa sâu xa, phong phú, nghĩa là phải nắm chắc chắn, vững vàng:
- về những sự kiện xảy ra mà mình muốn nói đến, với ý thức về tính chân thực và tinh thần trách nhiệm khi thông truyền sự kiện.
- về con người trong thực tại của họ, với sự gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông và yêu thương.
- về nội dung sâu sắc của chân lý Tin Mừng, với một sự hiểu biết đúng đắn, gắn liền với những kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống.
- về sứ điệp mình muốn thông truyền, với những kinh nghiệm bản thân và niềm xác tín, như những chứng nhân sống động có sức thuyết phục cao.
2. ‘Hãy đến mà xem’ - chủ đề này có liên quan gì đến một vấn đề rất nóng bỏng hiện tại trong giới truyền thông, đó là vấn đề Bản quyền?
Bản quyền là quyền của sở-hữu-chủ trên tài sản trí tuệ của họ. Bản quyền bảo vệ các tác phẩm gốc của tác giả. Để có một tác phẩm truyền thông được diễn tả cách trung thực và sống động, người ta đã phải rất vất vả ‘đi đến mà xem’. Bản quyền phản ánh sự tôn trọng đối với những tác phẩm đầy giá trị ấy, phản ánh sự công bằng, tôn trọng tài sản, phẩm giá, tự do, và năng lực phát triển của mình và của người khác.
Người ta có bản quyền trên các bài viết, hình ảnh, audio, video của họ - được đăng ở nhiều nơi, đặc biệt trên các trang web và mạng xã hội. Khi sử dụng các tác phẩm trên đây mà không có phép của tác giả, là vi phạm bản quyền, là lỗi đức công bằng, vi phạm tài sản, phẩm giá, tự do, và năng lực phát triển của người khác.
3. Việc xâm phạm bản quyền nơi những sản phẩm truyền thông thường xảy ra như thế nào?
Các tác phẩm của bạn trên internet rất dễ bị ai đó chiếm dụng với những mục đích không lành mạnh. Vì thế phải cảnh giác để theo dõi các vi phạm có thể xảy ra và nhanh chóng báo vi phạm.
Trong lãnh vực truyền thông Công giáo, nhiều người lấy các tác phẩm ở các kênh Công giáo chính thức làm thành của mình, viện cớ là để loan báo Tin Mừng, nhưng thực chất là để kiếm tiền khi ‘xào nấu’ lại tác phẩm của người khác, ‘giật tít’ với những tựa đề không trung thực, nhằm ‘câu views’, thu hút được nhiều người xem và ‘đăng ký’ để thâu được nhiều tiền. Từ đó đưa đến một nguy cơ rất lớn khác, đó là khi một kênh truyền thông ‘không chính thức’, nhưng biết cách lấy các tác phẩm của các kênh Công giáo ‘chính thức’ để ‘xào nấu, câu views’, lôi kéo rất nhiều người vào xem kênh của họ, họ sẽ nghiễm nhiên trở thành kênh ‘chính thức trong thực tế’. Như thế, họ có thể lái hướng dư luận theo ý họ, và lôi cuốn mọi người đi theo những quan điểm có khi là rất sai lệch của họ.
4. Để tránh tệ nạn này, Ủy ban Truyền thông xã hội (UBTTXH) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã có kế hoạch gì không ?
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, UBTTXH / HĐGMVN kêu gọi mọi người hãy tôn trọng bản quyền, luôn cố gắng có phép của tác giả khi sử dụng bất kì bài viết, hình ảnh, audio, video nào… nếu nó không thuộc phạm vi cộng đồng. Khi ta phổ biến những tác phẩm có sự đồng ý của tác giả - một cách trung thực và với ý hướng tốt - ta sẽ góp phần rất nhiều cho việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
UBTTXH / HĐGMVN mời gọi các tín hữu hãy cảnh giác và biết phân định đối với những thông tin trên các trang web, đặc biệt các trang mạng xã hội. Khi có những nghi ngờ, hay có những vấn đề ảnh hưởng đến đức tin truyền thống thì hãy tìm hỏi những người có hiểu biết chuyên môn, cũng như tìm cách đối chiếu thông tin đó trên các trang mạng chính thức của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Và UBTTXH / HĐGMVN cũng sẽ công bố các trang web và mạng xã hội chính thức của các giáo phận cũng như của các dòng tu tại Việt Nam để tránh những lầm lẫn đáng tiếc.
Media HĐGMVN