Những dấu ấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong đời sống Giáo hội Công giáo
Bài: Văn Phượng & ảnh: Ngọc Dũng
WGPSG -- Chúng ta tạ ơn Chúa, vì Chúa đã ban cho chúng ta một vị Giáo hoàng lỗi lạc, thánh thiện, vừa từ nhiệm; đồng thời, chúng ta cầu nguyện cho việc bầu chọn Giáo hoàng mới. Với tâm tình tạ ơn đó, không gì tốt hơn là ôn lại những dấu ấn đặc biệt trong triều đại Giáo hoàng của ngài.
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận TPHCM (TGP) - đã thuyết trình về “Những dấu ấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong đời sống Giáo hội Công giáo” cho khoảng 1000 người là linh mục, tu sĩ nam nữ học viện Liên dòng nữ Phaolô Nguyễn Văn Bình, học viện Liên dòng Mến Thánh Giá, học viện Liên tỉnh dòng Thánh Phaolô thành Chartres, học viện Liên tỉnh dòng Thánh Tôma các dòng Đaminh nữ, học viện Liên dòng nam Phaolô Nguyễn Văn Bình, học viện Lasan, học viện Phanxicô, học viện Đaminh nam, Trung tâm Mục vụ Đaminh Ba Chuông, và học viện Trung tâm Mục vụ TGP vào lúc 14g30 ngày 02/3/2013, tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ TGP (TTMV).
Ngay từ 14g00, mặc dù trời thành phố hôm nay nắng gắt và oi bức, trong tâm tình tri ân Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, các tham dự viên đã đến chật kín hội trường.
Khai mạc
Cha Giuse Trần Hoàng Quân đã khởi động bằng việc tập hát những bài “Chung một mái nhà” và “Xin hiệp nhất chúng con” để cùng hát trong giờ sinh hoạt. Cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc đã giới thiệu thành phần tham dự, dâng lên Chúa những lời cầu nguyện và cộng đoàn cùng hát “Xin hiệp nhất chúng con…” Sau đó, mọi người xem một đoạn video clip về Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.
Thuyết trình
Hôm nay, chúng ta đang sống trong một thời điểm đặc biệt, thời đại giữa 2 triều đại Giáo hoàng, mọi người ao ước được nghe về Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, vị Giáo hoàng tiền nhiệm, để biết rõ hơn về ngài.
- Đức Bênêđictô XVI như là vị Giáo hoàng của Công đồng Vatican II
Ngài đã có mặt tại Công đồng ngay từ đầu, lúc còn là một linh mục trẻ (35 tuổi), đã là một giáo sư thần học có tiếng tăm, được chọn làm nhà thần học chính thức của Công đồng Vatican II. Ngài viết lại những nhận định của mình dọc dài Công đồng Vatican II và sau này người ta tập hợp lại thành tác phẩm Theological Highlights of Vatican II. Khi ngài quyết định từ nhiệm, một trong những bài thuyết trình cuối cùng của ngài là bài nói chuyện về Công đồng Vaticanô II với hàng giáo sĩ Rôma, (không cần soạn tài liệu), đã gây tác động rất lớn đến cử tọa và cả thế giới. Nhắc lại những sự kiện trên để thấy Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng nắm rõ và gắn bó với Công đồng Vatican II. Ngài để lại cho chúng ta bài học về “Tính liên tục của Công đồng Vatican II” (một sự canh tân trong dòng chảy liên tục của Hội Thánh). Canh tân để giúp cho chúng ta gặp gỡ Đức Kitô.
- Đức Bênêđictô XVI như là vị Giáo hoàng giảng dạy
Gần như cả cuộc đời ngài là đi dạy thần học. Khi được chọn làm giám mục, ngài nhận khẩu hiệu “Cộng tác viên của chân lý”. Ngài có những bài giáo lý vào thứ Tư hằng tuần, người ta đến rất đông, đến nỗi có nhận xét: Trước đây, người ta đến với Đức Gioan Phaolô II để nhìn; ngày nay, người ta đến với Đức Bênêđictô XVI để nghe. Trong 8 năm làm Giáo hoàng, ngài chọn những đề tài giáo lý liên quan trực tiếp đến nội dung đời sống đức tin của chúng ta: năm 2005 - 2006 là các tông đồ, năm 2007 là các giáo phụ, năm 2008 là Thánh Phaolô tông đồ, năm 2009 – 2010 là các vị thánh lớn trong lịch sử Giáo hội, năm 2010 - 2012 là cầu nguyện, đặc biệt là bằng Thánh Vịnh, và năm 2013 là kinh Tin Kính.
Ngoài những bài giáo lý, ngài đã hoàn thành tác phẩm “Đức Giêsu thành Nazareth” (3 cuốn) là tác phẩm thần học, nghiên cứu Kinh Thánh cao cấp.
Ngoài ra, ngài còn để lại cho chúng ta 3 thông điệp: (1) Thiên Chúa là tình yêu (Deus caritas est), (2) Niềm hy vọng cứu độ (Spe salvi), (3) Yêu thương trong chân lý (Caritas in veritate).
- Đức Bênêđictô XVI như là vị Giáo hoàng nối kết thần học với linh đạo, với đời sống thiêng liêng
Ngài từng nói: Canh tân đích thực là nỗ lực làm cho những gì của chúng ta biến mất càng nhiều càng tốt, để những gì của Chúa Kitô được rõ nét hơn.
Ngài quan tâm đến Linh đạo kenosis (Linh đạo Mầu nhiệm hủy mình ra không). Ngài để lại cho các giám mục, linh mục bài học: khi cử hành phụng vụ, giảng Lời Chúa là làm nổi bật khuôn mặt của Chúa Kitô chứ không phải khuôn mặt của mình. Ngài có mặt tại đại hội giới trẻ thế giới và để lại dấu ấn “những giờ tĩnh lặng”. Ngài xin giới trẻ dành một buổi tối để chầu Thánh Thể trong tĩnh lặng, và hàng triệu giới trẻ đã tĩnh lặng để chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Cốt lõi của mầu nhiệm Tử nạn, mùa Chay, tình yêu, khiêm nhường, can đảm là hủy mình ra không. Đức Bênêđictô XVI đã chọn mùa Chay để từ nhiệm, chứng tỏ ngài sống với Linh đạo Mầu nhiệm hủy mình ra không.
Cuối cùng, khi thấy Giáo hội trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, đặt ra nhiều vấn nạn cho đời sống đức tin, và thấy sức khỏe của mình sa sút, ngài quyết định từ nhiệm, nhưng ngài vẫn tiếp tục ở lại trong lòng Hội Thánh bằng rút vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.
Kết luận, Đức cha mong muốn:
Chúng ta học được một chút ở nơi ngài, để tiếp tục góp phần nhỏ bé của mình xây dựng Giáo hội trong chiều sâu của đức tin.
Noi gương ngài, đặc biệt trong Năm Đức Tin này được đào sâu đức tin bằng sự hiểu biết, đồng thời nhờ hiểu biết ấy mà củng cố đức tin của mình.
Khi học giáo lý hay thần học, không phải chỉ là những khái niệm thuần túy tri thức, mà phải biết liên kết với đời sống thiêng liêng, giúp cho mình càng ngày càng gắn bó hơn với Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu mới là trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo.
Bài nói chuyện của Đức cha Phêrô đã làm say lòng mọi người, cả hội trường với khoảng 1000 người im phăng phắc để nghe ngài nói chuyện. Cha Bảo Lộc đã cám ơn Đức cha và nói lên sự gần gũi hơn với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI của tham dự viên sau khi nghe Đức cha tâm tình. Cộng đoàn cùng hát “Anh em chúng ta có chung một ngôi nhà, anh em chúng ta có chung một người Cha…” để kết thúc phần nói chuyện của Đức cha.
Sau khi nghe Đức cha nói chuyện, nhiều câu hỏi được gởi đến Đức cha, và đã được ngài trả lời thỏa đáng.
Những lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa và phép lành của Thiên Chúa qua tay Đức cha Phêrô, đã khép lại buổi nói chuyện về “Những dấu ấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong đời sống Giáo hội Công giáo”.
Mọi người ra về trong tâm tình yêu mến và gần gũi hơn với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.
Chuyên đề: Những dấu ấn của ĐTC Bênêdictô XVI trong đời sống Giáo hội.
(Nguồn: tgpsaigon.net)