Bâng khuâng
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
“Kể từ ngày 28-2-2013, vào lúc 8 giờ tối, Tòa Thánh Rôma, Tòa Thánh Phêrô, sẽ trở thành trống ngôi, và Mật tuyển viện sẽ được triệu tập để các vị có thẩm quyền tuyển chọn vị tân Giáo Hoàng”. Lời thông báo do chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói với các vị Hồng y tham dự cuộc họp tại Rôma vào buổi sáng ngày 11-2-2013, đã gây bàng hoàng cho những người hiện diện. Sự ngỡ ngàng này được Đức Hồng y Sodano, trưởng Hồng y đoàn, diễn tả liền sau đó: "Chúng con đã nghe Đức Thánh Cha nói mà cảm thấy mất mát làm sao ấy, hầu như không thể nào tin nổi. Trong lời nói của Đức Thánh Cha, chúng con thấy được lòng cảm mến sâu đậm nơi Đức Thánh Cha đối với Hội Thánh Chúa, vì Đức Thánh Cha đã yêu mến Giáo Hội này rất nhiều”.
“Tòa Thánh trống ngôi”. Sáng sớm ngày thứ sáu, 1-3-2013, bỗng thấy mình bâng khuâng đến kỳ lạ. Cảm giác bâng khuâng tiếc nuối như vừa mất đi một điều gì vô cùng quý giá. Cảm giác ấy cũng giống như vừa được chứng kiến một sự kiện lịch sử rất quan trọng trong đời người. Vẫn biết rằng trong vài tuần nữa sẽ có một vị Giáo Hoàng mới cho ngai tòa Thánh Phêrô, mà lòng vẫn cảm thấy xốn xang, bởi lẽ có một triều đại mang tên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đi vào lịch sử và sẽ không bao giờ tái hiện nữa. Trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng của Đức Thánh Cha tại quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ tư 27-2, trên 150.000 tín hữu đã hiện diện để lắng nghe và từ biệt Ngài. Con số này nói lên lòng yêu mến của mọi người dành cho vị Giáo Hoàng 86 tuổi, người sau cuộc tiếp kiến này sẽ bước vào một cuộc sống thinh lặng để chuyên tâm cầu nguyện. Những hình ảnh ghi lại cuộc tiễn biệt Đức Thánh Cha vào chiều ngày hôm đó làm cho người xem rất cảm động. Có vị Hồng y đã đưa tay lau nước mắt khi Đức Thánh Cha đi ngang qua và giơ tay vẫy chào.
“Tòa Thánh trống ngôi”. Sự kiện này nhắc tôi suy tư về Giáo Hội với vẻ đẹp thiêng liêng kỳ diệu. Tôi yêu mến Giáo Hội hơn bao giờ hết, vì sự hiện diện của Giáo Hội mang tính liên tục trong suốt hai mươi thế kỷ qua, từ Thánh Phêrô cho đến hôm nay. Sự ngắt quãng giữa hai vị Giáo Hoàng chỉ là tạm thời. Giáo Hội của Chúa luôn có người lãnh đạo. Con thuyền Giáo Hội luôn có Phêrô điều khiển. Không bao giờ Giáo Hội bị bỏ rơi, vì có Chúa luôn hiện diện. Chúa Giêsu đã hứa: “Này đây, Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chính nhờ sự hiện diện của Chúa mà Giáo Hội đứng vững trước bao cuồng phong của cuộc đời. Tôi yêu mến Giáo Hội như con thơ yêu mến mẹ hiền, vì Giáo Hội sinh ra và cưu mang tôi trong ân sủng. Tình yêu ấy thúc đẩy tôi hãy làm một điều gì đó dù nhỏ mọn để vẻ đẹp của Giáo Hội được rạng ngời.
“Tòa Thánh trống ngôi”. Đây cũng là lúc tôi cần phải cầu nguyện cho Giáo Hội cách đặc biệt hơn. Tôi cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất. Bởi lẽ có thể lúc này nhiều người thiếu thiện cảm với Giáo Hội lợi dụng để gây chia rẽ. Có thể lúc này ma quỷ như kẻ xấu vụng trộm gieo cỏ lùng vào ruộng lúa, làm cho thửa ruộng mất đi vẻ tinh tuyền. Tôi cần cầu nguyện với Giáo Hội trong lúc này để khẳng định tôi thuộc về Giáo Hội, chia vui sẻ buồn của Giáo Hội. “Sentire Cum Ecclesia”, niềm vui của Giáo Hội cũng là niềm vui tôi đang hưởng. Nỗi lo của Giáo Hội cũng là nỗi lo mà tôi phải sẻ chia. Tôi cầu nguyện để xin Chúa ban cho Giáo Hội của Ngài một vị lãnh đạo khôn ngoan tài đức, lái đưa con thuyền Giáo Hội trong bối cảnh xã hội phức tạp hôm nay.
“Tòa Thánh trống ngôi”. Sự kiện này nhắc tôi những kỷ niệm khó quên trong dịp yết kiến riêng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vào ngày 26-6-2009, nhân dịp các Giám mục Việt Nam đi Ad Limina. Đức Thánh Cha ân cần hỏi tôi về các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ngài cũng quan tâm đến mối tương quan giữa người Công giáo và Phật giáo cũng như các tôn giáo khác tại Hải Phòng. Khi tôi thưa với Ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, mỗi khi cầu nguyện, nhất là khi chầu Thánh Thể , chúng con đều cầu nguyện cho Đức Thánh Cha”. Ngài cám ơn và nói thêm: “Lời cầu nguyện của mọi người là điều căn bản để giúp tôi thi hành sứ vụ của một vị Giáo Hoàng”. Mặc dù từ hôm nay, tên của Ngài không còn được xướng lên trong thánh lễ, tôi vẫn cảm thấy gần gũi Ngài hơn bao giờ hết, trong tình thảo hiếu mến yêu.
Tin Đức Thánh Cha sẽ từ nhiệm làm cho cả thế giới bỡ ngỡ, vì là điều rất hiếm thấy trong Giáo Hội. Người ta luyến tiếc một vị Giáo Hoàng khôn ngoan, cương trực nhưng kiên nhẫn và chủ trương đối thoại. Người ta cũng thể hiện sự trân trọng và cảm phục đối với một vị Giáo Hoàng đã vì yêu mến Giáo Hội, sẵn sàng từ nhiệm khi thấy tình trạng sức khỏe của mình không còn phù hợp với trọng trách của một vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội. Lời phát biểu cảm tưởng của một số các vị lãnh đạo cao cấp trong Giáo Hội và khá nhiều các vị nguyên thủ quốc đã chứng minh điều ấy. Thiết tưởng tâm tình của linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cũng là tâm tình của rất nhiều người chúng ta: “Cá nhân tôi, tôi đã nhận thông báo về việc từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng bằng tấm lòng khâm phục sâu xa, về sự dũng cảm cả thể của việc từ nhiệm này, đối với sự tự do trong tinh thần của Đức Thánh Cha cũng như đối với mối quan tâm lớn lao về trách nhiệm thừa tác vụ của Ngài. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cống hiến cho chúng ta một chứng từ cao cả về sự tự do thiêng liêng, về đức khôn ngoan cao cả liên quan đến việc quản trị của Giáo Hội trong thế giới ngày nay”.
Trong niềm bâng khuâng và cảm phục, tôi đón nhận lời Đức Thánh Cha như di chúc thiêng liêng của Ngài cho các tín hữu: “Chúng ta vui mừng vì đã được hồng ân đức Tin, đó là của cải quý báu nhất không ai có thể lấy đi mất! Chúng ta hãy tạ ơn Chúa mỗi ngày, qua việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh nguyện và cuộc sống Kitô hữu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chờ đợi chúng ta kính mến Người!” (Lời huấn đức trong buổi tiếp kiến cuối cùng 27-2-2013)
Vâng, “Hãy vui mừng vì là người Kitô hữu”. Điều này xem ra đơn giản mà tôi thường hay lãng quên. Cũng như Đức Thánh Cha, mặc dù từ nhiệm, vẫn “luôn luôn mãi mãi phục vụ Giáo Hội”, tôi nguyện ước dấn thân để phụng sự Giáo Hội cách hiệu quả hơn, vì chính trong Giáo Hội mà tôi được gặp gỡ Chúa và anh chị em tôi trong tình gia đình thân thuộc.
Hải Phòng, ngày 2-3-2013
(Nguồn: WHĐ)
Hoài Niệm
http://www.giaophanvinhlong.net
Lúc 11h53 giờ Roma ngày 11/02/2013, khoảng chừng 18h00 ở Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, giữa công nghị hồng y, bất ngờ tuyên bố từ chức vì lý do tuổi cao sức yếu, ngài nói:
"Sau khi đã tự vấn lương tâm nhiều lần trước mặt Chúa, nay tôi chắc chắn rằng tôi tuổi cao sức yếu, không thể thi hành sứ vụ của Thánh Phêrô một cách thích hợp nữa.
Thế giới ngày nay thay đổi mau chóng, đặt ra nhiều vấn đề rất quan trọng cho đời sống đức tin, cho nên để điều khiển con thuyền của thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, thì cũng cần mạnh khỏe cả thể xác lẫn tinh thần, mà những tháng gần đây, sức khỏe của tôi đã suy giảm đến độ phải nhìn nhận là tôi không còn khả năng để chu toàn sứ vụ đã được trao phó cho tôi.
Vì thế, ý thức được hành động nghiêm trọng của mình, và hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố từ nhiệm giám mục Roma (...) 20h00 ngày 28/02/2013, Tòa Roma sẽ trống ngôi...".
Việc Giáo Hoàng của Giáo hội La Mã từ chức là một hiện tượng rất hiếm. Trong 10 thế kỷ qua chỉ xảy ra 3 lần:
Lần thứ nhất: năm 235 với Đức Giáo Hoàng Pontianus.
Lần thứ hai: năm 1294 với Đức Giáo Hoàng Celestinus V.
Và lần thứ ba: năm 1415 cách đây 598 năm với Đức Giáo Hoàng Gregory XII.
...Đọc những dòng trên ai nấy đều bàng hoàng, bất kể dù là lương hay giáo vì nó đột ngột, bất ngờ, và... bất thường; mặc dù việc từ chức đã được Đức Thánh Cha suy xét chu đáo, và chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngài đã có ý định "nghỉ hưu" từ rất lâu lúc còn đang làm việc ở Bộ Giáo lý Đức Tin. Trong thánh lễ đăng quang ngôi giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Công giáo La Mã vào ngày 24/4/2005 sau khi đắc cử Giáo hoàng ngày 19/4/2005, Đức Thánh Cha đã mong muốn nghỉ hưu một cách an bình và nói [đại ý] rằng: "Lúc ấy, tôi cầu nguyện với Thiên Chúa rằng: 'xin Người đừng làm điều này với con' ... Rõ ràng, Người đã không lắng nghe tôi".
Nhưng mãi cho đến ngày 11/02/2013 vừa qua, thì việc nghỉ hưu một cách an bình đó mới thành sự thật. Có lẽ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã suy tính rất cẩn trọng và quyết định chọn một ngày hết sức ý nghĩa: "11/2", ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, nhưng cũng đặc biệt là ngày kỷ niệm của Hiệp ước Lateran (1929), một biểu tượng của việc "ôm hôn giữa chính trị và đức tin".
Tên thật của Đức Thánh Cha là Joseph Alois Ratzinger. Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927 tại Marktl am Inn, Bavaria, Đức. Là người Đức thứ chín được bầu làm Giáo hoàng. Ngài đã chọn tông hiệu là Biển Đức XVI (Benedictus, tiếng Latin có nghĩa là "sự may mắn") để tôn kính và noi gương Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV và Thánh Biển Đức thành Nursia:
Đức Biển Đức XV: làm Giáo hoàng trong suốt thời Đệ nhất Thế chiến (1914 - 1917), ngài đã tích cực góp phần vào những cố gắng ngoại giao giữa các bên tham chiến để chiến tranh sớm chấm dứt và góp phần thiết lập lại hoà bình thế giới.
Thánh Biển Đức thành Nursia: là người sáng lập Dòng Biển Đức, chủ đạo lối sống đan tu chiêm niệm, nhiệm nhặt.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã giải thích sự lựa chọn đó của mình tại Quảng trường Thánh Phêrô, như sau: "Trong tâm tình kính nhớ và tạ ơn, tôi muốn nói về lý do tại sao tôi chọn tông hiệu Biển Đức. Trước hết, tôi nhớ đến Đức Giáo hoàng Biển Đức XV, vị tiên tri can đảm cho hòa bình, người đã dẫn đắt Giáo hội qua các thời kỳ hỗn loạn của chiến tranh. Trong bước chân của Ngài, tôi đặt sứ vụ của tôi để phục vụ sự hòa giải và hòa hợp giữa các dân tộc. Ngoài ra, tôi nhớ đến Thánh Biển Đức thành Nursia, đồng bổn mạng của châu Âu, cuộc sống Ngài đã gợi lên gốc rễ Kitô giáo của châu Âu.Tôi nguyện xin Ngài giúp tất cả chúng ta giữ vững chắc Chúa Kitô làm trung tâm trong đời sống Kitô giáo của chúng ta: Ước mong Chúa Kitô luôn luôn dẫn lối trong suy nghĩ và hành động của chúng ta".
Có thể nói Đức Thánh Cha Biển Đức XVI lên trị vì đúng lúc tình hình kinh tế chính trị, văn hóa xã hội trên thế giới có những thay đổi mau chóng; và nhất là có những cơn bão tố dữ dội nhất mà Giáo hội La Mã phải đương đầu trong vòng một thập niên qua - từ những vụ bê bối, suy đồi đạo đức của các giáo sĩ, tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ em; rồi những mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ, dẫn đến tranh chấp quyền bính; cho đến bùng nổ sự kiện Vatileaks (nói theo cách chơi chữ của từ WikiLeaks trong giới truyền thông) - là nhữngvụ bê bối liên quan trực tiếp đến Tòa Thánh Vatican xảy ra vào đầu năm 2012, bắt đầu bằng sự kiện người quản gia của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, người từng được coi là thân tín nhất của Đức Thánh Cha tên là Paolo Gabriele bị bắt vì tình nghi làm rò rỉ tài liệu mật, và giáo sư Ettore Gotti Tedeschi - chủ tịch ngân hàng của Tòa Thánh thì bị sa thải do có những sai phạm về tài chánh. Những sự kiện này khiến cho Giáo hội phải hứng chịu những chỉ trích ngay từ bên trong cho đến bên ngoài Tòa thánh. Những cáo buộc gây hại nhiều nhất cho Giáo hội là vụ việc các Giáo phận địa phương - ngay cả ở tại Vatican - đã tìm cách đồng lõa hoặc bao che giấu diếm nhiều vụ việc, bỏ qua việc sửa phạt nghiêm các giáo sĩ, tu sĩ phạm tội ấu dâm và còn di chuyển các vị này sang vị trí mới, để họ tiếp tục phạm lỗi cách tinh vi, kín đáo hơn.
Các nhà bình luận cho rằng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã không nắm sâu sát được tình hình, khiến cho các vụ lạm dụng kéo dài qua nhiều năm mà không được xử lý thỏa đáng - thậm chí họ còn nói ngài đã cố ý lợi dụng quyền lợi của các nạn nhân để làm lợi cho Giáo hội...
Ngược lại, những người ủng hộ Đức Thánh Cha thì nói ngài đã làm nhiều việc hiệu quả hơn bất kỳ vị giáo hoàng nào khác khi phải đối đầu với tình trạng lạm dụng. Một trong những việc đầu tiên ngài làm sau khi trở thành Giáo hoàng là trục xuất một nhân vật từng được Vatican ưu ái, linh mục Marcial Maciel Degollado, người sáng lập Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, người bị đưa ra ánh sáng về các hành động lạm dụng tình dục và tội hình sự. Bên cạnh đó, ngài nổi tiếng là một nhà thần học "bảo thủ", có quan điểm không khoan nhượng về tình dục đồng giới tính, về việc phong chức linh mục cho phụ nữ, cũng như về vấn nạn phòng ngừa và phá thai. Ngài lớn tiếng bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, và cuộc chiến chống đói nghèo, chống bất công xã hội; cũng như tạo mọi động thái tích cực trong đối thoại liên tôn.
Dù cho có nhiều ý kiến trái ngược xung quanh việc Đức Thánh Cha tuyên bố từ nhiệm; theo tôi thì đó là một hành động hết sức dũng cảm của vị Cha chung của Giáo hội Công giáo La Mã. Hành động này minh chứng mạnh mẽ cho một tinh thần trách nhiệm tuyệt hảo của người đứng đầu một tôn giáo; một ý chí kiên cường thắng vượt "cái tôi" của chính mình; một nét đẹp tinh tuyền của "đạo đức từ nhiệm", chứ không chỉ đơn thuần là "văn hóa từ chức". Thật vậy, theo lẽ biến dịch của vũ trụ và cũng là một định-luật-thiên-nhiên, mọi vật kể cả con người đều phải thay đổi, biến hóa. Chính vì lẽ đó đôi lúc cũng buồn khi phải đối mặt với sự thật, nhưng chẳng mấy ai lấy làm lạ:
"Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nắm cổ khâu xanh rì !"
(Nguyễn Gia Thiều - Cung Oán Ngâm Khúc)
Con người sinh ra, rồi phát triển lớn lên, trưởng thành, lão hóa, và chết. Muôn loài thảo mộc cũng vậy: đâm chồi, nẩy lộc, đơm bông, kết trái, và rồi cũng tàn lụi theo năm tháng. Tóm lại, không có gì là trường tồn, vĩnh cửu cả; bởi thế cổ nhân đã nói: "Ở đời có ba điều bất hủ: một là lập công, hai là lập đức, và ba là lập ngôn".
LẬP CÔNG:
Lập công ở đây không phải là kể những công trạng cho là mình đáng được. Nhưng là quyền của cá nhân được phần thưởng do những việc làm lương thiện, lành thánh vì Chúa. Hay nói khác đi đó chính là công nghiệp (mérite). Và một điều chắc chắn ai ai cũng biết là: nếu không có ơn Chúa thì không thể có công nghiệp. Chính Thiên Chúa đã dùng ơn thánh để hoạt động trong con người của chúng ta, làm cho con người của chúng ta đáng được công nghiệp; và chính vì vậy làm cho ơn thánh của Chúa ngày càng viên mãn tràn đầy và ngày càng tăng trưởng trong con người chúng ta.
Quá trình lập Công của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI như sau: Lúc 26 tuổi (1953) ngài đã bảo vệ Luận án tiến sĩ thần học "Dân Chúa trong học thuyết của Thánh Augustinô về Giáo hội" và từ thời điểm đó, ngài đã phát triển một sự cống hiến tuyệt vời cho nền thần học Công Giáo. Đến năm 30 tuổi (1957), ngài lại lãnh thêm bằng cao học sư phạm với công trình khảo cứu về "thần học lịch sử của thánh Bonaventura". Ngài được mời giảng dạy tại nhiều đại học ở Đức như: Freising, Bonn, Munster, Tubingen, Ratisbonne, và Cologne. Lúc 35 tuổi (1962), cha Joseph Ratzinger trở thành nhà thần học quốc tế, đặc biệt là chuyên viên thần học của Hồng y Joseph Frings, tổng giám mục Cologne, tại Công Ðồng Vatican II. Cho đến nay Ngài đã để lại cho Giáo hội hơn 600 ấn phẩm về thần học, luân lý, những thông điệp, hợp tuyển, suy tư cá nhân, ... rất có giá trị; ngoài ra còn nhiều bài giảng, tiểu luận, ...
Ngoài tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ, Đức Thánh Cha nói lưu loát tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Latinh và một ít tiếng Bồ Đào Nha. Ngài có thể đọc Kinh Thánh cổ ngữ bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái. Ngài thích chơi dương cầm và có sở thích đối với nhạc Mozart và Bach.
Đối với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, việc lập Công của ngài trong suốt gần 8 năm làm giáo hoàng và 25 năm phục vụ trong Giáo triều Rôma ở những cương vị khác nhau, đã làm cho thế giới phải thán phục vì ngài xứng đáng là bậc thầy luôn luôn hướng dẫn người Công Giáo về nguồn gốc của đức tin và kêu gọi xã hội hiện đại không nên quay lưng lại với Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Biển Ðức XVI là người nghiêm khắc trong việc "canh giữ đức tin Công giáo" để bảo vệ và tái khẳng định giáo lý Công giáo tông truyền, bao gồm việc giảng dạy về các chủ đề trọng tâm của Công giáo như ngừa thai, đồng tính luyến ái, và đối thoại liên tôn. Ngài luôn quan tâm hàng đầu vấn đề đức tin và luân lý Kitô giáo trước sự xuống cấp đạo đức ở hầu hết các nước Âu, Mỹ hiện nay; cũng như những ưu tư lo lắng nhiều hơn về nguy cơ đánh mất mối tương quan căn bản giữa con người và Thiên Chúa. Trong triều đại của mình, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đang nhấn mạnh một ước vọng để châu Âu quay trở về với các giá trị cơ bản của Kitô giáo, phản ứng trước các khuynh hướng bài Kitô giáo và chủ nghĩa thế tục đang ngày một gia tăng ở nhiều quốc gia phát triển. Ngài cũng đã phục hồi một số truyền thống, và đặc biệt là làm cho các Thánh lễ Tridentine có được một vị trí nổi bật hơn trong phụng vụ.
Nhiều người khuynh tả hay cấp tiến cho ngài là "bảo thủ". Ðiều đó không đúng. Nhưng Ðức Thánh Cha là vị Giáo hoàng cương nghị nhưng dung hòa, chính thống nhưng canh tân, lo hướng dẫn Giáo Hội Công Giáo nhưng cởi mở và quan tâm đến tất cả những gì tương quan tới con người nói chung, và đến từng quốc gia, từng vấn đề quốc tế, từng bệnh nhân, người già lão, hay giới trẻ... Ngài cũng là người sáng lập và bảo trợ của Tổ chức Ratzinger, một tổ chức từ thiện quyên góp tiền từ việc bán sách, và các bài viết văn bản của giáo hoàng để lập quỹ học bổng cho sinh viên trên toàn thế giới.
Nói chung, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã thi hành sứ vụ giáo hoàng với sự khôn ngoan dịu dàng, và lòng khiêm nhường thẳm sâu. Ngài sẽ được đặc biệt nhớ đến vì những giáo huấn của ngài thật sâu sắc, rõ ràng, và hết sức giá trị cho cuộc sống hôm nay.
LẬP ĐỨC:
Là tạo cho hậu thế có một ý niệm về về những đức tính tốt, có tâm hồn đạo đức, có tấm lòng nhân ái, lấy việc chăm lo hạnh phúc cho con người làm mục đích cho đời sống của mình.
Theo Nho giáo Đông phương, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thật xứng danh là bậc "chính nhân quân tử". Vì người Quân tử là người biết mục đích cao cả của kiếp người, biết cái Thiên-mệnh mà trời trao cho con người, nghĩa là biết cái viễn đích tối hậu của nhân sinh. Người quân tử có thể tóm ở mấy chữ: Nhân, Trí, Dũng, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín, Khoan thứ...
Vì Nhân (bác ái) nên lòng yêu người tỏa khắp, mong muốn người khác cũng được hạnh phúc. Vì yêu thương nhân loại, nên lòng khoan dung độ lượng thứ tha. Không nhớ lỗi lầm của người khác, mà chỉ chú trọng giáo hóa họ nên người. Lòng Nhân của ngài đã thể hiện trong thông điệp đầu tiên của ngài - Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu (Deus Caritas est).
Vì Trí nên biết khôn ngoan suy xét điều phải điều trái, biết minh triết bản thân trong cảnh nguy nan, biết biện biệt, kẻ xấu người tốt trong vấn đề xử lý tiếp vật. Biết dĩ trí nên khiêm nhu, ôn thuận. Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI từng xem mình là "một người thợ khiêm hạ trong vườn nho của Chúa". Trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ngài tại quảng trường thánh Phêrô vào sáng thứ tư 27/02/2013, ngài nói: "Trong lúc này đây, cũng như tôi đã nói lên nhiều lần, các lời đã vang lên trong tim tôi: Lạy Chúa, Chúa xin con điều gì ? Đây là một gánh nặng lớn mà Chúa đặt lên vai con; nhưng nếu Chúa xin con, thì dựa trên lời Chúa con sẽ thả lưới, chắc chắn rằng Chúa sẽ hướng dẫn con. Và Chúa đã thực sự hướng dẫn tôi, gần gũi tôi, tôi đã có thể nhận thấy hằng ngày sự hiện diện của Người."
Vì Dũng nên không biết sợ hãi là gì. Nếu đã hành động thì phải thiết thực chứ không chỉ ở lời nói suông. Dũng để biết tín thác hoàn toàn. Các chuyến tông du đến Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đã nói lên điều đó. Ðức Thánh Cha nói rằng: "Trong thế giới ngày nay, các Kitô hữu là nhóm bị bách hại nhiều nhất vì không chiều theo những xu hướng được người ta theo nhiều nhất, vì họ chống lại những xu hướng ích kỷ và duy vật. Và tuy chúng ta hãnh diện vì có một lịch sử văn hóa oai hùng, trong thế giới hiện nay, chúng ta luôn bị coi như những người xa lạ, nghĩa là không sống theo lối sống của đại đa số những người khác, và tại các nơi làm việc, các tín hữu chỉ là thiểu số". Và ngài đã can đảm tín thác "...tôi đã luôn luôn biết rằng con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm; chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn qua cả các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Đây đã và hiện là một sự chắc chắn, mà không gì có thể làm lu mờ. Và chính vì thế mà hôm nay tim tôi tràn đầy sự cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì Người đã không bao giờ để cho Giáo Hội, và cho cả tôi nữa, phải thiếu sự ủi an, ánh sáng và tình yêu của Người."
Vì Lễ nên giữ được hòa khí, tạo ôn nhu, thiện cảm với mọi người. Giữ được Lễ nên trong việc giao tiếp với người khác tránh được sỗ sàng, thất kính. Trong việc Lễ, quý nhất là ở lòng thành chứ không phải hình thức xa hoa lòe loẹt. Nhờ Lễ các chuyến tông du Anh quốc, Đức quốc, Ba Lan, Tây Ban Nha, Cu Ba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Li ban, ... của Đức Thánh đã gặt hái nhiều thành công, là dấu chỉ của niềm hy vọng và hòa bình. Xua tan những nghi nan, ngờ vực; hóa giải những manh động, quá khích. Biết khắc kỷ, phục Lễ cũng gọi là Nhân vậy. Biết phục Lễ nên tự chủ, không tranh chấp với ai, tuy hợp quần với người nhưng không kéo bè kết đảng, cương nghị nhưng dung hòa, tạo nhiều thuận lợi trong tiến trình đối thoại liên tôn.
Vì Nghĩa nên luôn giữ sự công chính, chẳng tranh giành với ai. Mỗi khi thấy món lợi thì nghĩ đến điều nghĩa mà xét có nên thu nhận chăng? Nghĩa là gì ? Chẳng qua là công ích và lẽ phải, cho nên quân tử không từ nan làm việc gì dù lớn dù nhỏ, miễn là việc ấy hợp nghĩa. Điều phi nghĩa đã đành không phạm, nhưng chính trong ý nghĩ cũng không tơ tưởng đến nó.
Vì Trung nên giao du với bằng hữu thì hết lòng, làm việc cho người thì hết dạ. Vì trung nên làm việc cho ai hoặc phụng sự ai thì hết lòng, không bội phản. Nhưng cái Trung đó không phải là lòng trung máy móc và thiển cận (ngu trung). Nhưng đó là sự tín trung. Trước làn sóng thế tục mạnh chừng nào thì ngài càng tín trung hơn nữa. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy có một tinh thần thực tế lành mạnh và nói rằng: "Trong Giáo Hội, cũng có những sa ngã trầm trọng, và những nguy hiểm; chúng ta phải thực tế nhìn nhận những điều không ổn ở những nơi mà người ta làm điều sai trái. Nhưng chúng ta cũng phải tin chắc rằng nếu Giáo Hội bị chết tại nơi này nơi kia vì tội lỗi của con người, vì sự thiếu tin tưởng của họ; thì đồng thời cũng có những điều mới mẻ nảy sinh. Tương lai thực sự là của Thiên Chúa, và đó là xác tín lớn của đời sống chúng ta. Giáo Hội là cây của Thiên Chúa, sống vĩnh viễn và mang trong mình sự vĩnh cửu, và gia sản chân chính, đó là sự sống đời đời".
Trong diễn văn khai mạc Cơ Mật Viện, hôm 18/4/2005 tức trước khi đắc cử Giáo hoàng một ngày, Đức Hồng y Joseph Ratzinger đã tổng kết một cách sâu sắc tình hình của một thế giới đang bị thống trị bởi một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối với những lời như sau:
"Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng ... Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác-xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhằm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (x. Ep. 4,14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình 'bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý' dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất."
Bậc quân tử vì chữ Tín mà hành xử. Tín là tin mình, tin người. Nhờ chữ Tín đó mà thành Người. Vì tự tin vào mình nên dù ai không biết tài đức của mình, mình cũng không buồn không oán. Tự tin vào tài đức của mình, càng ngày càng trau dồi. Vì có tin nhau nên việc mới thành tựu, người mà không tín thì không biết ra thế nào. Chúng ta tất cả đều biết rằng mình đang sống trong một giai đoạn khủng hoảng kinh tế nặng nề, với các vấn đề rất nghiêm trọng liên quan tới cuộc sống vật chất và cả với rất nhiều lẫn lộn các nguyên tắc và các giá trị. Các vấn đề nhậy cảm trên bình diện luân lý đạo đức thường là đối tượng sự chú ý của giới truyền thông, và chúng có thể đánh lạc hướng việc chú ý đến các vấn đề đích thực, cụ thể, tức thì của đại đa số người dân hiện nay.
Đức Thánh Cha đã từng nói: "Đức tin là kinh nghiệm nhân bản giúp mở lòng con người ra với Thiên Chúa, chẳng có gì mâu thuẫn với khoa học. Ngược lại, chính khoa học đòi hỏi nơi con người một chiều kích cao hơn để họ thực sự hiểu được bản chất của mình"... "Chúng ta đang ở trong Năm Đức Tin mà tôi đã muốn để củng cố đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa, trong một bối cảnh xem ra ngày càng đặt để lòng tin vào hàng thứ yếu. Tôi muốn mời gọi từng người cảm thấy được yêu thương bởi Thiên Chúa, là Đấng đã ban Con Người cho chúng ta và đã cho chúng ta thấy tình yêu vô biên của Người. Tôi muốn từng người cảm thấy niềm vui được là Kitô hữu".
Khoan thứ là lòng bao dung quảng đại của bậc quân tử. Bởi lẽ tiểu nhân là "quân tử chưa thành và sẽ thành", cho nên người quân tử chú trọng giáo hóa tha nhân hơn là ghét bỏ họ. Quân tử không tưởng nhớ lỗi lầm của người khác. Người ta phạm điều ác, bởi lẽ không nhận ra cái ranh giới phân định giữa con người và cầm thú. Bậc quân tử không những nhìn ra cái ranh giới ấy mà còn giáo hóa tha nhân để họ phân biệt được cái ranh giới ấy và vươn lên cao hơn loài cầm thú bằng cách khắc phục bản năng tự nhiên. Quân tử khoan thứ cho người, nhưng không khoan thứ cho mình. Lúc nào cũng phải quán xét để tu thân, nếu mình có lỗi phải can đảm cải hối. Việc tu thân đó luôn luôn bền bĩ gắng công, không biết mệt mỏi.
Cũng trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ngài tại quảng trường thánh Phêrô vào sáng thứ tư 27/02/2013, ngài nói: "Tôi cảm thấy mình mang tất cả mọi người trong lời cầu nguyện, trong một hiện tại là hiện tại của Thiên Chúa, nơi tôi tiếp nhận mọi cuộc gặp gỡ, mọi chuyến du hành và mọi cuộc viếng thăm mục vụ. Tất cả và mọi người tôi đều đón nhận trong lời cầu nguyện để tín thác cho Chúa: để chúng ta am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết tinh thần, và để chúng ta có thể có cung cách hành xử xứng đáng với Người, với tình yêu thương của Người, bằng cách mang lại hoa trái trong mọi việc lành (Cl 1,9-10)".
LẬP NGÔN:
Là để lại một sự nghiệp đáng trân trọng nể vì suốt gần 8 năm ở cương vị Giáo hoàng. Nếu xem xét và đọc lại các lời trao đổi của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với các nhà lãnh đạo chính trị hay tôn giáo, những câu trả lời với nhà báo, những bài diễn thuyết dành cho các giới chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội, cũng như những lời giáo huấn thân mật giữa cộng đồng dân chúa; chúng ta luôn nhận thấy những biểu hiện như sau:
- Kính trọng tương thân, thắm tình huynh đệ;
- Luôn tin tưởng và yêu thương;
- Đức Thánh Cha không chỉ khuyên phải loại trừ mọi bạo động, ngài còn mạnh mẽ lên án mọi hình thức bạo lực như: sức ép về chính trị, về kinh tế, về quyền lực; bạo lực trong gia đình, nơi học đường và mọi môi trường xã hội. Đặc biệt về ý thức hệ, về chủng tộc, về bộ lạc; nhất là bạo lực nhân danh tôn giáo;
- Tự do tôn giáo là nền tảng mọi tiến bộ;
- Đức Thánh Cha luôn nói, hành động, sống và giao tiếptrong lời cầu nguyện, trong tinh thần đối thoại chân tình và cởi mở để nhằm hiểu nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, tương trợ nhau hơn...
- Là dấu chỉ của niềm hy vọng cho mọi người thêm can đảm, sống và dấn thân cho Giáo hội trước một thế giới đầy những biến động như hôm nay.
Tóm lại, con người và vạn vật muôn loài dù có hay có đẹp đến thế nào chăng nữa cũng không bao giờ tồn tại được mãi. Chỉ có tinh thần mới sống trường cửu và bất diệt bên cạnh và trong lòng lịch sử nhân loại. Cũng vậy, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI rồi sẽ phải trôi tuột về phía sau dòng đời cuộn chảy, nhưng sự lập Công, lập Đức, lập Ngôn của ngài vẫn là những món gia bảo bất hủ của kho tàng tinh hoa nhân loại, như Trang Tử đã nói: "Thánh nhơn bất tích; ký dĩ vi nhơn kỷ dũ hữu; ký dĩ dữ nhơn kỷ dũ đa" (Bậc Thánh nhơn không thu giữ ; càng vì người, mình càng thêm có ; càng cho người, mình càng thêm nhiều); và khẳng định rằng: "Thánh nhơn có cái hình của người mà không có cái tình của người. Có cái hình của người nên mới cùng một đàn với người. Không có cái tình của người nên thị phi mới không vào được cõi lòng". Thế mới hay:
"Cùng một đàn với người là việc nhỏ,
Riêng làm một với Trời là việc lớn vậy".
Theo mình thì việc từ nhiệm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chẳng qua là "tương dục hấp chi, tất cố trương chi ; tương dục nhược chi tất cố cường chi ; tương dục phế chi tất cố hưng chi" đó thôi ! (Lão Tử). Tức là:
"Hòng muốn thu rút đó, là sắp mở rộng đó; hòng muốn làm yếu đó, là sắp làm cho đó mạnh lên; hòng muốn vứt bỏ đó, là sắp làm cho đó hưng khởi lên" vậy !
CÁT BIỂN